Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân gây ra hội chứng dải chậu chày

Ngày 25/07/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dải chậu chày là một mô sợi liên kết mỏng, kéo dài từ hông đến mặt ngoài của đầu gối và xương chày, có tác dụng giúp ổn định bên ngoài khớp gối khi chúng ta cử động.

Hội chứng dải chậu chày, với tên tiếng Anh là Iliotibial band syndrome – ITBS, là tình trạng tổn thương do có sự hoạt động quá mức của các mô liên kết nằm ở phần cạnh hoặc bên ngoài của phần đùi và đầu gối, gây ra cảm giác đau và nhức ở những vùng đó và ặc biệt là ngay trên khớp gối. Khi có sự tổn thương hoặc kích thích dải chậu chày, lúc này được gọi hội chứng dải chậu chày.

Thông thường, hội chứng này có thể gây ra cơn đau, nhức nhối bên mặt ngoài của khớp gối. Thậm chí, đôi khi các cơn đau có thể lan lên vùng đùi hoặc phần hông gây ra cảm giác khó chịu cho người mắc phải. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân gây ra hội chứng dải chậu chày qua bài viết dưới đây nhé!

Dải chậu chày là bộ phận nào?

Dải chậu chày là một dải xơ dày, chạy từ mặt ngoài mào chậu đến mặt trước đầu trên của xương chày. Dải chậu chày được tạo thành từ phần chuyển tiếp của gân cơ mông to và cơ căng mạc đùi, dải chậu chày thường rất mỏng, tương tự như một lưỡi dao chạy dọc mặt ngoài của đùi đến bám vào phần ngoài của gối, có tác dụng nối khung chậu với đầu gối, đóng vai trò gập và xoay khớp háng, cũng như duỗi khớp gối.

Hội chứng ITBS là một trong những chấn thương rất phổ biến ở những vận động viên chạy bộ, chạy điền kinh với các biểu hiện ban đầu như đau đầu gối bên, với tỷ lệ phần trăm mắc bệnh ước tính từ 5% đến 14%. Các nghiên cứu sâu hơn còn chỉ ra rằng, hội chứng ITBS còn là nguyên nhân gây ra khoảng 22% tất cả những chấn thương ở chi dưới.

Nguyên nhân gây ra hội chứng dải chậu chày1 Dải chậu chày là một dải xơ dày, chạy từ mặt ngoài mào chậu đến mặt trước đầu trên của xương chày

Nguyên nhân gây ra hội chứng dải chậu chày là gì?

Khi vận động viên vận động quá sức, đặc biệt là khi tăng cường độ luyện tập quá nhanh, dải chậu chày lúc này sẽ bị căng và viêm. Dải chậu chày đóng vai trò quan trọng là giữ sự ổn định cũng như bảo vệ phần đùi ngoài. Tuy nhiên, cơ quan này có thể gặp phải tổn thương khi vận động quá mức do sự ma sát quá lớn xảy ra. Dưới đây là một số nguyên nhân rất phổ biến dẫn đến hội chứng dải chậu chày ITBS:

  • Hội chứng này thường gặp ở những người chạy đường dài.
  • Do chạy bộ hoặc đi bộ liên tục trên mặt đất gồ ghề hoặc do chạy xuống dốc.
  • Một số trường hợp khác là do căng hoặc bị nén ép lâu và lặp đi lặp lại.
  • Do yếu cơ mông nhỡ, căng cơ mạc đùi quá mức, tật gối cong lõm trong và bàn chân bẹt.
  • Hội chứng dải chậu chày còn gặp nhất ở những người có hoạt động mạnh liên tục, gây áp lực lên khớp gối như chạy bộ, đạp xe đạp, những cầu thủ bóng đá… Có thể do họ ép bản thân vận động quá sức gây ra căng thẳng.
  • Hội chứng này còn có thể gặp ở người có tiền sử đã gặp các chấn thương vùng dải chậu chày trước đó.
  • Do bệnh lý viêm khớp gối và viêm bao hoạt dịch khớp gối.
  • Do ảnh hưởng của chiều dài hai chân mất cân bằng.
  • Do chân vòng kiềng và bàn chân phẳng.
  • Do chạy với đôi giày bị mòn đế và sử dụng không đúng loại giày khi tham gia thể thao.
Nguyên nhân gây ra hội chứng dải chậu chày2 Nguyên nhân gây ra hội chứng dải chậu chày là gì bạn đã biết chưa?

Triệu chứng hội chứng dải chậu chày là gì?

Một số các triệu chứng điển hình của hội chứng dải chậu chày dưới đây mà bạn đọc có thể tham khảo:

  • Xuất hiện các cơn đau âm ỉ, có cảm giác thốn và nóng rát tại các vị trí như: Mặt ngoài của khớp gối, mặt ngoài của phần đùi dưới, ngay trên mỏm lồi cầu ngoài xương đùi hoặc phần hông.
  • Cơn đau có thể gia tăng dần dần theo thời gian, tăng nhiều hơn khi bạn vận động, đi lên hoặc đi xuống cầu thang và đứng lên khi đang ngồi, khi chạy hoặc khi đi lại.
  • Có thể kèm theo sự ấm, đỏ từ chứng viêm gây ra.
  • Trường hợp khác có viêm cả bao hoạt dịch chậu chày.
  • Cảm giác như có tiếng “lách cách” hoặc tiếng “bốp” ở mặt ngoài của đầu gối.
  • Cơn đau ở đầu gối lúc nặng, lúc nhẹ, không cố định.

Cách chẩn đoán hội chứng dải chậu chày

Các chẩn đoán hội chứng dải chậu chày thường được thực hiện qua việc bác sĩ khai thác tiền sử bệnh kết hợp với thăm khám lâm sàng. Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số bài tập nhất định như thể hiện các kiểu di chuyển, sức mạnh cũng như sự ổn định của đầu gối. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá sự chính xác hơn tình trạng xương chậu và độ chặt của dải chậu chày. Một số trường hợp, bệnh nhân có thể cần phải thực hiện siêu âm, X-quang hoặc chụp cộng hưởng từ MRI.

Điều trị hội chứng dải chậu chày

Sau khi chẩn đoán, các bác sỹ khi đó có thể đưa ra liệu pháp điều trị như giảm sự vận động, vật lý trị liệu và kết hợp việc sử dụng thuốc uống nội khoa chống viêm cho người bệnh. Đối với những trường hợp phức tạp hơn, bác sĩ có thể cần sự can thiệp của ngoại khoa.

Điều trị bằng phương pháp bảo tồn

  • Nghỉ ngơi nhằm giải phóng sự chèn ép, nâng cao thể trạng toàn thân cho bệnh nhân.
  • Sử dụng thuốc chống viêm không steroid NSAID.
  • Mát – xa giúp người bệnh cảm thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
  • Sử dụng phương pháp vật lý trị liệu: Điện xung dòng TENS, siêu âm, sử dụng sóng ngắn, paraffin và sóng xung kích…
  • Tiêm corticoid tại chỗ: Áp dụng cho bệnh nhân mắc bệnh giai đoạn cấp hoặc điều trị bằng các phương pháp khác không có dấu hiệu hồi phục.
Nguyên nhân gây ra hội chứng dải chậu chày3 Sau khi chẩn đoán bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp với từng bệnh nhân

Phương pháp phẫu thuật

Rất hiếm các trường hợp bệnh nhân mắc hội chứng dải chậu chày phải sử dụng phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên, một số trường hợp dưới đây bác sĩ có thể phẫu thuật:

  • Phẫu thuật nhằm cắt bỏ một phần nhỏ dải chậu chày tại vị trí phủ lồi cầu xương đùi.
  • Cắt các túi bursa, bao nang trong việc hỗ trợ điều trị hội chứng dải chậu chày.
  • Khi sử dụng phương pháp bảo tồn không đem lại hiệu quả.

Vận động

Bệnh nhân có thể tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị nhằm thực hiện các bài tập kéo dãn cơ và làm mạnh cơ như sau:

  • Kéo dãn cơ mông và cơ căng mạc đùi.
  • Tập mạnh cơ dạng đùi.
  • Các bài tập về squat một chân.
  • Các bài tập về giữ thăng bằng.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng dải chậu chày đặc biệt đối với những người vận động quá nhiều. Do đó, khi bắt đầu luyện tập bất kì môn thể thao nào, bạn cần khởi động và làm nóng người thật kĩ và nên tăng dần dần cường độ luyện tập nhé!

Hoàng Yến

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm