Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Nhỡ lịch tiêm chủng hàng tháng ở phường có sao không?

Ngày 28/11/2024
Kích thước chữ

Tiêm chủng đúng lịch là biện pháp quan trọng giúp trẻ xây dựng hệ miễn dịch vững chắc, phòng ngừa hiệu quả các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việc trì hoãn hoặc bỏ lỡ lịch tiêm có thể làm suy giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin, gia tăng nguy cơ mắc bệnh và lây lan trong cộng đồng. Vì vậy, phụ huynh cần tuân thủ chặt chẽ lịch tiêm chủng và tham khảo ý kiến bác sĩ ngay khi có dấu hiệu trễ lịch để đảm bảo trẻ được bảo vệ tốt nhất.

Câu hỏi: Chào bác sĩ, do công việc khá bận rộn và hay quên nên đôi khi tôi quên lịch tiêm chủng của con. Vậy cho tôi hỏi nếu nhỡ lịch tiêm chủng hàng tháng ở phường có sao không? Và tôi cần làm gì khi đã lỡ quên lịch tiêm chủng?

Trả lời:

Giải đáp bởi Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn.

Trước tiên, chúng ta cần hiểu rõ vì sao việc tiêm chủng đúng lịch là quan trọng. Tiêm chủng giúp cho miễn dịch cơ thể tạo ra kháng thể đặc hiệu phòng chống tác nhân vi sinh gây bệnh. Đặc biệt, ở trẻ nhỏ, việc tăng cường sớm cho hệ thống miễn dịch này là rất cần thiết để giúp các em chống lại các loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp, như viêm gan B, ho gà, bại liệt, và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

Lịch tiêm chủng được xây dựng, thiết kế dựa trên các nghiên cứu khoa học, nhằm đảm bảo rằng hệ miễn dịch của trẻ em có thể tiếp nhận và đáp ứng tốt với các loại vắc xin. Khi trẻ tiêm đúng thời điểm được chỉ định, trẻ sẽ nhận được hiệu quả bảo vệ tốt nhất từ vắc xin. Nếu trì hoãn hoặc bỏ qua một liều tiêm, khả năng tạo miễn dịch bảo vệ có thể giảm, và trẻ có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Nhỡ lịch tiêm chủng hàng tháng ở phường có sao không?
Nếu trì hoãn hoặc bỏ qua một liều tiêm, trẻ có thể đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao hơn

Những tác hại của việc trễ lịch tiêm chủng

Việc trễ lịch tiêm chủng có thể gây ra những điều đáng tiếc khác nhau, tuy nhiên, mức độ nghiêm trọng của vấn đề sẽ tùy thuộc vào loại vắc xin và thời gian trẻ bị chậm trễ. Dưới đây là một số hậu quả có thể xảy ra:

  • Nguy cơ mắc bệnh cao hơn: Khi bỏ lỡ lịch tiêm chủng, trẻ sẽ không có được sự bảo vệ tốt nhất trước các bệnh truyền nhiễm. Đối với một số bệnh như sởi, ho gà hay viêm màng não,... là những bệnh được xếp nhóm truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Thời điểm này, hệ miễn dịch của trẻ vẫn còn non yếu, khó có thể tự bảo vệ mình trước các tác nhân vi sinh gây bệnh.
  • Khó khăn trong việc đảm bảo đủ mũi tiêm theo lịch tiêm chủng: Một số loại vắc xin yêu cầu tiêm nhiều mũi (nhiều lần tiêm) để đạt được hiệu quả tối ưu, chẳng hạn như như vắc xin phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) hay vắc xin viêm gan B. Khi bỏ lỡ một mũi tiêm, rất dễ để khó hoàn thành các mũi tiêm còn lại hoặc có thể gây khó khăn và tạo sự lúng túng cho phụ huynh khi phải cân nhắc việc tiêm tiếp tục hay phải tiêm lại từ đầu. Theo quy định, nếu có chậm tiêm dù đã lâu, việc tiếp tục tiêm đủ các mũi còn lại, cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt, tuy nhiên sự hiệu quả để đảm bảo trẻ vẫn được bảo vệ đầy đủ ở mức tốt nhất là không trọn vẹn. Trong trường hợp này, vắc xin vẫn có những ưu thế nhất định để bảo vệ tốt cho trẻ tuy rằng mũi tiêm theo lịch quy chuẩn chưa được tuân thủ đúng theo khuyến cáo.
  • Bệnh thật sự khi trễ lịch tiêm ngay từ đầu: Trẻ bỏ lỡ cơ hội được bảo vệ sớm khi đã đủ tuổi tiêm chủng. Nếu không có lý do chính đáng để phải hoãn tiêm, trẻ cần được tiêm ngay khi đủ tuổi và tuân thủ lịch tiêm các mũi tiếp theo. Nếu chậm trễ tiêm chủng cho trẻ, khi thật sự mắc bệnh truyền nhiễm, ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình, trẻ bệnh có thể trở thành nguồn lây nguy cơ cho cộng đồng. Khi một trẻ không được tiêm phòng hoặc từ đầu đã trễ lịch tiêm chủng, khả năng mắc bệnh và lây lan cho người khác sẽ cao hơn, đặc biệt là đối với những người chưa tiêm phòng hoặc những người có suy giảm hệ miễn dịch, như người cao tuổi hoặc người mắc bệnh mãn tính.

Xử lý khi bị trễ lịch tiêm chủng

Mặc dù trễ lịch tiêm chủng là điều không mong muốn, nhưng trong thực tế, điều này có thể xảy ra vì nhiều lý do khách quan. Điều quan trọng là bạn cần biết cách xử lý tình huống này để bảo vệ sức khỏe cho trẻ ở mức độ tốt nhất có thể được.

  • Liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương: Khi nhận ra rằng mình đã trễ hoặc bỏ lỡ một liều tiêm chủng cho trẻ, việc đầu tiên nên làm là sớm liên hệ với cơ quan y tế địa phương, cụ thể là trạm y tế phường hoặc bác sĩ phụ trách hoặc chuyên trách tiêm chủng. Nhân viên y tế sẽ tư vấn và giúp bạn sắp xếp lịch tiêm bổ sung phù hợp nhất. Việc trì hoãn tiêm chủng trong thời gian ngắn không có nghĩa là không thể tiêm tiếp tục, mà đơn giản chỉ cần sắp xếp để tiêm mũi bổ sung càng sớm càng tốt.
  • Lập kế hoạch thời gian tiêm bù: Một số vắc xin có thể cần phải điều chỉnh lịch tiêm nếu chậm trễ một khoảng thời gian dài. Nhân viên y tế sẽ hướng dẫn bạn cách lập kế hoạch để trẻ tiếp tục nhận đủ các liều tiêm cần thiết mà vẫn đảm bảo an toàn và hiệu quả tốt nhất có thể được cho trẻ.

Để tránh việc trễ lịch tiêm chủng, phụ huynh nên:

  • Ghi chú lịch tiêm chủng: Việc ghi lại lịch tiêm vào sổ tay hoặc điện thoại sẽ giúp bạn tránh khỏi việc quên thời điểm cần tiêm. Bạn cũng có thể đặt nhắc nhở trên điện thoại để luôn được thông báo khi đến thời điểm cần tiêm chủng theo lịch hẹn.
  • Theo dõi sổ tiêm chủng: Giữ sổ tiêm chủng của trẻ ở nơi dễ tìm và luôn theo dõi các mũi tiêm đã được thực hiện và các mũi cần tiêm tiếp theo. Điều này giúp bạn dễ dàng kiểm tra và không bỏ sót lịch tiêm.
  • Sử dụng các tiện ích dịch vụ nhắc nhở: Hiện nay, nhiều trạm y tế và trung tâm tiêm chủng cung cấp dịch vụ nhắc lịch tiêm chủng qua tin nhắn hoặc gọi điện. Hãy đăng ký dịch vụ này để được nhắc lịch tiêm một cách chủ động.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Bác sĩ Chuyên khoa 1Nguyễn Anh Tuấn

Đã kiểm duyệt nội dung

Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.

Xem thêm thông tin