Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ phụ huynh cần ghi nhớ

Ngày 15/10/2024
Kích thước chữ

Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả nhất hiện nay. Trẻ sơ sinh có hệ miễn dịch còn non nớt, dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây bệnh. Do đó, việc xây dựng lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ là vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe và hỗ trợ sự phát triển toàn diện của trẻ.

Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều có những đặc điểm sinh lý và bệnh lý riêng biệt, vì vậy, lịch tiêm phòng cũng sẽ thay đổi theo từng độ tuổi. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết giúp các bậc phụ huynh dễ dàng ghi nhớ lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ theo từng tháng tuổi, đảm bảo trẻ được bảo vệ tốt nhất.

Lý do trẻ sơ sinh cần tiêm chủng phòng đầy đủ, đúng lịch

Trong những tháng đầu đời, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh vẫn chưa phát triển hoàn thiện, khiến bé rất dễ bị nhiễm bệnh từ vi khuẩn, virus, nấm và ký sinh trùng trong môi trường. Vắc xin được phát minh để giúp kích thích hệ miễn dịch của trẻ sản sinh kháng thể, giúp cơ thể nhanh chóng nhận diện và tiêu diệt các tác nhân gây hại. Vì vậy, việc nắm rõ lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo trẻ phát triển toàn diện từ khi mới chào đời.

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ phụ huynh cần ghi nhớ 1
Vắc xin được phát minh để giúp kích thích hệ miễn dịch của trẻ sản sinh kháng thể

Trẻ sơ sinh cần được tiêm vắc xin đúng lịch bởi:

  • Lượng kháng thể từ mẹ giảm dần sau sinh: Trong thai kỳ, trẻ nhận được kháng thể IgG qua nhau thai, đặc biệt trong những tháng cuối. Kháng thể này kết hợp với lượng có trong sữa mẹ giúp trẻ chống lại bệnh tật sau sinh. Tuy nhiên, kháng thể này dần giảm đi và không bảo vệ trẻ khỏi mọi bệnh, nên việc tiêm vắc xin giúp trẻ tự sản sinh thêm kháng thể để bảo vệ cơ thể.
  • Trẻ tiếp xúc với môi trường ngoài: Sau khi sinh, trẻ phải tiếp xúc với một môi trường mới lạ chứa nhiều vi sinh vật, virus và vi khuẩn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Đặc biệt, trẻ sinh non, thiếu cân hoặc có bệnh bẩm sinh cần tiêm vắc xin đúng lịch để tạo miễn dịch chống lại các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
  • Chi phí tiêm phòng thấp hơn chi phí điều trị: Theo UNICEF, đầu tư vào tiêm chủng giúp tiết kiệm chi phí y tế. Chỉ cần chi 100 USD cho tiêm phòng có thể giúp tiết kiệm tới 1.600 USD chi phí điều trị bệnh sau này.
  • Không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” của tiêm chủng: Một số loại vắc xin như Rotavirus, 6 trong 1 hay vắc xin lao chỉ có hiệu quả tốt nhất khi được tiêm trong độ tuổi nhất định. Nếu trẻ không được tiêm đúng lịch, cơ thể sẽ mất đi cơ hội duy nhất để phòng bệnh một cách tối ưu. Vì thế, bố mẹ cần theo dõi lịch tiêm chủng để đảm bảo con mình nhận được đầy đủ sự bảo vệ cần thiết.

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh đầy đủ, chi tiết

Dưới đây là lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh mà ba mẹ có thể tham khảo:

Vắc xin cho trẻ sơ sinh

Bộ Y tế khuyến cáo, những mũi tiêm sau đây cần được thực hiện ngay trong những giờ đầu sau khi bé chào đời:

  • Vắc xin BCG (Việt Nam): Tiêm liều sơ sinh để phòng bệnh lao.
  • Vắc xin Heberbiovac (Cu Ba), Gene-HBvax (Việt Nam): Phòng bệnh viêm gan B, được tiêm trong 24 giờ đầu sau sinh.

Việc tiêm đầy đủ hai mũi vắc xin này có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa những bệnh lý nghiêm trọng cho trẻ sơ sinh như lao và viêm gan B. Đây là hai mũi vắc xin đầu tiên của trẻ, giúp tạo nền tảng bảo vệ hệ miễn dịch non yếu của trẻ ngay từ lúc mới sinh ra.

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ phụ huynh cần ghi nhớ 2
Việc tiêm vắc xin có vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa những bệnh lý nghiêm trọng cho trẻ

Vắc xin cho trẻ từ 2 tháng tuổi

Khi trẻ được 2 tháng tuổi, các bậc phụ huynh có thể bắt đầu cho trẻ tiêm các loại vắc xin giúp bảo vệ con khỏi nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, gồm:

  • Vắc xin phối hợp 6 trong 1 (Infanrix Hexa - Bỉ, Hexaxim - Pháp) (mũi 1): Phòng ngừa ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và các bệnh do Haemophilus influenzae týp B gây ra.
  • Vắc xin 5 trong 1 (Pentaxim - Pháp): Phòng 5 bệnh tương tự, nhưng không có thành phần viêm gan B.
  • Vắc xin Rotarix (Bỉ), Rotateq (Mỹ), Rotavin (Việt Nam) (liều 1): Phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus.
  • Vắc xin Bexsero (Ý) (mũi 1): Phòng ngừa viêm màng não và các bệnh lý do não mô cầu nhóm B gây ra.
  • Vắc xin Synflorix (Bỉ), Prevenar 13 (Bỉ) (mũi 1): Phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết do phế cầu khuẩn.

Vắc xin cho trẻ từ 3 tháng tuổi

Khi trẻ bước sang giai đoạn 3 tháng tuổi, phụ huynh cần lịch tiêm vắc xin như sau:

  • Vắc xin 6 trong 1 (Infanrix Hexa/Hexaxim) hoặc 5 trong 1 (Pentaxim): Tiêm mũi thứ 2. Nếu trẻ được tiêm 5 trong 1, cần bổ sung thêm mũi viêm gan B.
  • Vắc xin uống phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 2): Trẻ sẽ được uống liều thứ hai để tăng cường khả năng bảo vệ trước virus gây bệnh tiêu chảy cấp, một bệnh lý rất phổ biến và nguy hiểm ở trẻ nhỏ.
  • Vắc xin Synflorix/Prevenar 13: Tiêm mũi thứ 2 phòng các bệnh do phế cầu khuẩn gây ra như viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não.

Các chuyên gia cho rằng, việc tiêm/uống liều nhắc lại có vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng bảo vệ của vắc xin. Một số trẻ sau liều đầu tiên có thể chưa tạo ra đủ kháng thể để chống lại bệnh. Do đó, liều thứ 2 giúp đảm bảo cơ thể sản sinh thêm kháng thể, tăng cường khả năng miễn dịch và duy trì hiệu quả bảo vệ trong thời gian dài hơn. Việc này không chỉ giúp phòng ngừa bệnh tốt hơn mà còn kéo dài thời gian bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh nguy hiểm.

Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ phụ huynh cần ghi nhớ 3
Liều vắc xin nhắc lại giúp đảm bảo cơ thể sản sinh thêm kháng thể, tăng cường miễn dịch

Vắc xin cho trẻ từ 4 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, trẻ cần được tiêm:

  • Vắc xin 6 trong 1 hoặc 5 trong 1 (mũi 3): Nếu trẻ tiêm vắc xin 5 trong 1 thì cần bổ sung mũi viêm gan B.
  • Vắc xin Synflorix (Bỉ) hoặc Prevenar 13 (Bỉ) (mũi 3): Phòng ngừa viêm tai giữa, viêm phổi và viêm màng não do phế cầu khuẩn.
  • Vắc xin phòng tiêu chảy cấp do Rotavirus (liều 3 - đối với Rotateq): Giúp phòng ngừa tiêu chảy nặng do virus Rotavirus.
  • Vắc xin Bexsero (Ý) (mũi 2): Phòng bệnh viêm màng não mô cầu nhóm B, một bệnh nguy hiểm với tỷ lệ tử vong và di chứng cao.

Vắc xin cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Lịch tiêm chủng bao gồm các loại vắc xin sau:

  • Vắc xin Vaxigrip Tetra (Pháp) hoặc Influvac Tetra (Hà Lan) phòng bệnh cúm: Tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau 1 tháng.
  • Vắc xin VA-MENGOC-BC (Cu Ba) phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu nhóm B và C: Tiêm mũi 1 khi trẻ 6 tháng tuổi, mũi 2 cần tiêm cách mũi 1 là 45 ngày.

Vắc xin cho trẻ từ 9 tháng tuổi

Các loại vắc xin khuyến nghị cho trẻ từ 9 tháng tuổi:

  • Vắc xin MVVac (Việt Nam) (mũi 1): Phòng ngừa bệnh sởi.
  • Vắc xin Varilrix (Bỉ) (mũi 1): Phòng ngừa bệnh thủy đậu.
  • Vắc xin Imojev (Thái Lan) (mũi 1): Phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
  • Vắc xin Priorix (Bỉ) (mũi 1): Phòng ngừa sởi - quai bị - rubella.
  • Vắc xin Menactra (Mỹ) (mũi 1): Phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu ACYW-135.

Vắc xin cho trẻ 12 tháng tuổi

Dưới đây là các loại vắc xin cho trẻ 12 tháng tuổi:

  • Vắc xin 3 trong 1 MMR-II (Mỹ), MMR (Ấn Độ) (mũi 1): Phòng ngừa sởi, quai bị, rubella, chỉ tiêm nếu trẻ chưa tiêm vắc xin Priorix trước đó.
  • Vắc xin Varivax/Varicella (mũi 1): Phòng bệnh thủy đậu, áp dụng nếu trẻ chưa được tiêm vắc xin Varilrix.
  • Vắc xin Jevax (Việt Nam): Phòng viêm não Nhật Bản B, tiêm 2 mũi cách nhau 1-2 tuần nếu trẻ chưa tiêm vắc xin Imojev.
  • Vắc xin Avaxim 80U (mũi 1): Phòng bệnh viêm gan A, mũi nhắc lại tiêm sau 6 tháng.
  • Vắc xin Synflorix (Bỉ)/Prevenar 13 (Bỉ) (mũi 4): Phòng viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu khuẩn.
  • Vắc xin Menactra (Mỹ) (mũi 2): Phòng viêm màng não do não mô cầu ACYW-135.
  • Vắc xin Twinrix (Bỉ) (mũi 1): Phòng viêm gan A và B, mũi nhắc lại cách nhau 6 tháng.
Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ phụ huynh cần ghi nhớ 4
Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ đến 12 tháng tuổi

Tiêm phòng muộn cho trẻ phải làm sao?

Việc tuân thủ lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ đúng hạn rất quan trọng để vắc xin phát huy tối đa hiệu quả bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, do lịch trình bận rộn, nhiều bố mẹ có thể chậm trễ trong việc đưa con đi tiêm, dẫn đến nguy cơ trẻ đối mặt với các bệnh truyền nhiễm khi chưa được tiêm đủ các mũi cơ bản hoặc mũi nhắc. Điều này đặc biệt đáng lo ngại trong các mùa dịch bệnh cao điểm.

Một số loại vắc xin yêu cầu tuân thủ đúng lịch trình để đạt hiệu quả cao nhất. Khi bị trì hoãn, khả năng bảo vệ của vắc xin có thể giảm đi, đòi hỏi trẻ phải tiêm liều tăng cường nhằm đạt được sự bảo vệ toàn diện. Trong trường hợp lịch tiêm bị lỡ, bố mẹ có thể giải quyết theo cách sau:

  • Cập nhật và bám sát lịch tiêm chủng: Bố mẹ cần tìm hiểu kỹ về các bệnh truyền nhiễm, loại vắc xin và mốc tiêm chủng của từng loại. Điều này giúp bố mẹ có thể chủ động đưa trẻ đi tiêm đúng thời gian.
  • Liên hệ với chuyên gia y tế: Nếu trẻ lỡ tiêm, hãy liên hệ với các cán bộ y tế để được tư vấn và lập lịch tiêm bù dựa trên lịch sử tiêm chủng và tình trạng sức khỏe của trẻ. Trẻ có thể phải tiêm tăng cường để đảm bảo mức bảo vệ tối ưu.
  • Lựa chọn địa điểm tiêm chủng: Nếu các trạm y tế địa phương hết vắc xin thuộc chương trình Tiêm chủng mở rộng, bố mẹ có thể đưa trẻ đến các trung tâm tiêm chủng dịch vụ hoặc bệnh viện để đảm bảo không bị lỡ lịch tiêm.
Lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ phụ huynh cần ghi nhớ 5
Việc tuân thủ lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh​ đúng hạn rất quan trọng để phát huy tối đa hiệu quả

Trung tâm Tiêm chủng Long Châu với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm và trình độ chuyên môn cao, đảm bảo mang đến quy trình tiêm chủng diễn ra một cách an toàn và hiệu quả. Hiện nay, Long Châu cung cấp đầy đủ các loại vắc xin được nhập khẩu từ các nhà sản xuất uy tín trên thế giới, cam kết mang lại dịch vụ tiêm chủng chất lượng và an toàn. Đến với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, bạn sẽ tìm thấy sự tin tưởng và an tâm trong việc tiêm phòng để phòng ngừa các bệnh nguy hiểm. Liên hệ với Long Châu qua Hotline 1800 6928 để được tư vấn, hẹn lịch miễn phí hoặc đặt lịch online tại đây.

Tóm lại, việc tuân thủ đúng lịch tiêm phòng cho trẻ sơ sinh là điều vô cùng quan trọng để bảo vệ sức khỏe của trẻ trước các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Mỗi giai đoạn phát triển của trẻ đều có những yêu cầu về tiêm chủng khác nhau và các bậc phụ huynh cần nắm vững lịch tiêm để đảm bảo trẻ được bảo vệ tối ưu. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin