Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Những dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ bạn không nên bỏ qua

Ngày 16/05/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau mắt đỏ là bệnh lý không hề hiếm gặp tại Việt Nam. Bệnh đau mắt đỏ nếu không được can thiệp và điều trị đúng cách sẽ khiến cho thị lực gặp phải các biến chứng nguy hiểm như loét giác mạc, suy giảm thị lực,... Vậy, dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ sẽ như thế nào?

Nhận biết được các dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ sẽ giúp chúng ta nâng cao ý thức phòng ngừa cũng như can thiệp điều trị bệnh đau mắt đỏ khi cần thiết. Bạn đọc hãy theo dõi thật kỹ bài viết sau đây để không bỏ lỡ những thông tin bổ ích về tình trạng đau mắt đỏ.

Đau mắt đỏ là gì?

Đau mắt đỏ hay tình trạng viêm kết mạc xảy ra khi kết mạc - lớp màng mỏng trong suốt che phủ toàn bộ bề mặt nhãn cầu và mặt trong của mi mắt bị viêm đỏ. Tình trạng viêm sẽ khiến cho các mạch máu nhỏ trong kết mạc trở nên nổi rõ và đỏ một cách bất thường.

Đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi đối tượng bao gồm trẻ em, người trưởng thành và cả người lớn tuổi. Bệnh có thể gặp quanh năm và đặc biệt rất dễ lây lan với tốc độ nhanh chóng tạo thành dịch bệnh, nhất là vào khoảng thời gian giao mùa, từ mùa hè sang mùa thu.

Một trong những dấu hiệu điển hình của đau mắt đỏ chính là sự xuất hiện của những sắc tố hồng và đỏ ở bên trong tròng trắng mắt. Đau mắt đỏ có thể kéo dài từ vài ngày cho đến vài tuần, gây ra rất nhiều sự bất tiện, cảm giác khó chịu cho người bệnh.

Đây tuy là một căn bệnh cấp tính, có nhiều triệu chứng và dễ lây lan nhưng phần lớn là lành tính, rất hiếm khi để lại di chứng nguy hiểm. Tuy nhiên khi mắc bệnh, cuộc sống sinh hoạt, làm việc và học tập của người bệnh bị ảnh hưởng rất nhiều. Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh sẽ để lại nhiều di chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng nhìn như viêm giác mạc, suy giảm thị lực, bội nhiễm, loét giác mạc,...

Những dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ bạn không nên bỏ qua1
Đau mắt đỏ là bệnh lý rất dễ lây lan với tốc độ nhanh chóng

Những dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ gây ra những dấu hiệu rất điển hình và dễ dàng nhận biết đối với người bệnh. Cụ thể như bị ngứa mắt, đỏ mắt, mắt tiết ra nhiều ghèn, luôn có cảm giác cộm ở mắt, chảy nước mắt, mi mắt bị đau nhức, sưng nề. Ở một số những trường hợp bệnh khác, đau mắt đỏ còn đi kèm theo triệu chứng đau họng, nổi hạch đằng sau tai, sốt nhẹ, người mệt mỏi, ho,...

Thông thường, đau mắt đỏ sẽ khiến cho một bên mắt bị đau trước. Sau đó trong vài ngày tiếp theo, mắt còn lại cũng sẽ xuất hiện những dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ tương tự.

Đau mắt đỏ rất dễ lây truyền và lây truyền qua dịch tiết của mắt người bệnh hoặc từ dịch tiết từ đường hô hấp của người nhiễm bệnh vào mắt người bình thường. Người nhiễm bệnh sẽ thường đưa tay vào mắt, khiến cho các yếu tố gây bệnh sẽ nhiễm vào tay và lây sang người khác qua các vật trung gian như các đồ dùng chung, tay nắm cửa, khăn, chậu rửa mặt,...

Virus gây bệnh đau mắt đỏ cũng tồn tại ở trong dịch tiết đường hô hấp của người bệnh. Khi người bệnh giao tiếp, hắt hơi hoặc ho, các giọt bắn có chứa virus sẽ bắn ra ngoài và có thể nhiễm vào mắt người khác. Đây chính là nguyên nhân khiến cho bệnh lây lan mạnh trong cộng đồng.

Những dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ bạn không nên bỏ qua2
Mắt đỏ và tiết ra nhiều ghèn là những dấu hiệu đặc trưng của bệnh đau mắt đỏ

Nguyên nhân gây ra bệnh đau mắt đỏ

Có 3 nguyên nhân chính thường gây ra tình trạng đau mắt đỏ, bao gồm:

  • Virus gây bệnh: Đau mắt đỏ thường là do virus adenovirus gây ra, ngoài ra virus herpes simplex hoặc virus zoster cũng có thể gây ra bệnh đau mắt đỏ nhưng hiếm gặp hơn. Virus sẽ gây ra các biểu hiện như chảy dịch mắt loãng và trong, ngứa đỏ ở bên trong mắt.
  • Do vi khuẩn: Vi khuẩn lậu cầu, vi khuẩn liên cầu hay bạch cầu,... có thể gây đau mắt đỏ. Vi khuẩn sẽ làm tăng tiết dịch, dịch mắt thường có kết cấu đặc, có màu hơi xanh hoặc vàng, đục và dính tay.
  • Do dị ứng: Các tác nhân gây kích ứng như lông động vật, phấn hoa, khói bụi, khói thuốc lá,... Đau mắt đỏ do các tác nhân này thường xuất hiện ở cả hai mắt, mắt có thể sưng tấy và ngứa nhiều hơn.

Chúng ta thường thấy bệnh đau mắt đỏ xuất hiện nhiều nhất vào thời điểm mùa hè cho đến cuối mùa thu, lúc thời tiết nắng nóng chuyển mưa, độ ẩm không khí tăng lên cao và cả những thời điểm giao mùa,... Vào những giai đoạn này, cơ thể con người rất nhạy cảm với thời tiết, chúng ta có thể cảm thấy dễ bị mệt mỏi, dễ nhiễm bệnh do hệ thống miễn dịch bị suy yếu. Không chỉ có thế, môi trường có nhiều khói bụi, ô nhiễm, sử dụng các đồ dùng chung,... cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh đau mắt đỏ phát triển và lây lan.

Những dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ bạn không nên bỏ qua3
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau có thể gây ra tình trạng đau mắt đỏ

Điều trị đau mắt đỏ tại nhà như thế nào?

Nếu người bệnh không may bị đau mắt đỏ, ngoài việc đi khám và tuân thủ theo đơn thuốc cụ thể mà các bác sĩ đã kê cho tình trạng đau mắt đỏ của mình thì sẽ cần lưu ý một số điều tại nhà như sau:

  • Vệ sinh mắt thật sạch sẽ với thuốc nhỏ mắt dành riêng cho bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dùng nước muối sinh lý hoặc nước cất để vệ sinh mắt.
  • Rửa ghèn mắt ít nhất 2 lần/ngày bằng bông y tế, sau khi lau hãy vứt bỏ ngay, tránh khiến cho bệnh lây lan.
  • Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt với người không nhiễm bệnh, không tra thuốc nhỏ của bên mắt đang bị nhiễm bệnh vào mắt lành.
  • Trong trường hợp mắt bị phù nề, sưng tấy đỏ, hãy chườm lạnh bằng cách đắp một chiếc khăn mát lên mắt.
  • Có thể sử dụng kính bảo hộ tối màu để bảo vệ cho mắt, giúp mắt không bị nhạy cảm với ánh sáng và ngăn việc chạm tay vào mắt thường xuyên.
  • Tuyệt đối không tự ý sử dụng bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Tự ý sử dụng thuốc không những không cải thiện được bệnh mà còn khiến cho mắt có nguy cơ bị tổn thương nặng hơn, kéo dài thời gian mắc bệnh và tăng nguy cơ nhiễm trùng nguy hiểm.
  • Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh. Cần được cách ly hoặc hạn chế tối đa sự tiếp xúc với người khác, giảm thiểu khả năng lây lan trong cộng đồng.

Việc quan trọng hơn hết đối với người mắc bệnh và cả những người không mắc bệnh là nên rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, không đưa tay chưa được rửa sạch lên mũi, mắt hay miệng. Bên cạnh đó, không dùng chung các đồ vật cá nhân như kính mắt, khẩu trang, thuốc nhỏ mắt,... để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ.

Những dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ bạn không nên bỏ qua4
Vệ sinh mắt thật cẩn thận với dung dịch vệ sinh mắt dành riêng cho bệnh đau mắt đỏ

Trên đây là toàn bộ những thông tin về bệnh đau mắt đỏ, bao gồm dấu hiệu bệnh đau mắt đỏ và nguyên nhân đau mắt đỏ, cách để điều trị bệnh. Mong rằng những thông tin được đề cập trong bài viết sẽ giúp bạn đọc phần nào hiểu hơn về bệnh đau mắt đỏ cũng như chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, điều trị bệnh khi cần thiết, tránh không để bệnh lây lan sang những người xung quanh.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin