Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Những điều cần biết về bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh

Ngày 13/09/2022
Kích thước chữ

Bướu huyết thanh là tình trạng sức khỏe xảy ra tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Hiện tượng này thường vô hại và sẽ tự hết khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên, trẻ bị bướu cũng có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác, chẳng hạn như vàng da.

Việc trang bị đầy đủ những kiến thức về bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh là việc làm cần thiết của các bậc cha mẹ để không phải bỡ ngỡ khi gặp phải tình trạng này. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu rõ hơn về bướu huyết thanh.

Thế nào là bướu huyết thanh?

Bướu huyết thanh (Caput Succedaneum) là khối dịch dưới da đầu do sự thoát mạch của huyết thanh dưới áp lực xảy ra trong cuộc chuyển dạ lên đầu ở những trẻ đẻ ngôi đầu. Hay nói một cách dễ hiểu hơn thì đây là tình trạng một lượng máu nhỏ tạo thành khối dưới da đầu gây nên sự sưng hoặc phù nề, khi chạm vào có thể làm bé khóc vì đau.

Phần tụ máu này xuất hiện bên ngoài hộp sọ nên thường vô hại và tự khỏi khi trẻ lớn, không ảnh hưởng đến não hay xương sọ. Tuy nhiên, nếu bướu huyết thanh xuất hiện ở tình trạng bất thường, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ cần đưa trẻ đi khám và điều trị ngay.

Nguyên nhân trẻ sơ sinh bị bướu huyết thanh

Bướu huyết thanh thường được hình thành bởi áp lực tác động vào đầu trẻ trong quá trình người mẹ sinh con qua đường âm đạo. Các áp lực này được tạo ra bởi thành âm đạo và sự căng cơ tử cung trong giai đoạn mẹ mang thai và chuyển dạ. Do đường đẻ bị chèn ép nên các mạch máu nhỏ ở da đầu trẻ bị tổn thương hoặc vỡ dẫn đến sự tích tụ khối máu dưới da gây sưng, phù nề.

Ngoài ra, sự tác động của các dụng cụ hỗ trợ sinh sản như kẹp sản khoa, dụng cụ hút cũng là nguyên nhân gây ra bướu huyết thanh. Mặc dù mục đích của dụng cụ này giúp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sinh nở khi trẻ không thể ra ngoài nhờ các cơn co tử cung của người mẹ nhưng phần nào đó chúng cũng sẽ tác động trực tiếp vào đầu trẻ gây vỡ mạch máu ngay cả khi các thiết bị này được sử dụng một cách an toàn và chính xác.

Những điều cần biết về bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh 1 Dụng cụ hỗ trợ sinh sẽ tác động trực tiếp lên đầu trẻ

Bên cạnh đó, tình trạng này cũng có thể được hình thành khi mẹ vỡ ối quá sớm. Bởi nước ối được biết đến như phần đệm đỡ cho thai nhi. Khi nước ối vỡ quá sớm mà thai nhi vẫn chưa ra khỏi tử cung sẽ khiến phần đầu của trẻ va chạm vào cơ thể mẹ và bị sưng lên.

Các yếu tố nguy cơ gây bướu huyết thanh

Hầu hết các đứa trẻ sinh thường đều có nguy cơ tạo bướu huyết thanh. Một số yếu tố nguy cơ khác gây gia tăng khả năng trẻ sơ sinh gặp phải tình trạng này phải kể đến như:

  • Thai nhi to hay trẻ có cân nặng lớn hơn bình thường. Khi kích thước thai càng lớn thì sẽ càng gặp nhiều khó khăn khi đi qua khung chậu và âm đạo của mẹ.
  • Mẹ bị vỡ ối sớm hay lượng nước ối trong tử cung ít.
  • Các cơn co thắt Braxton-Hicks.
  • Vị trí thai nhi bất thường.
  • Gây tê ngoài màng cứng khiến phần dưới cơ thể mẹ bị tê liệt khiến mẹ không thể tạo những cơn co tử cung để đẩy trẻ ra ngoài một cách hiệu quả.
  • Thời gian chuyển dạ kéo dài.
  • Sử dụng các dụng cụ hỗ trợ sinh sản như kẹp, hút.

Trường hợp bướu được hình thành do sự tác động trực tiếp của các dụng cụ hỗ trợ sinh sản thì sẽ biến mất sau vài giờ đến vài ngày khi trẻ được sinh ra nên các mẹ cũng không nên lo lắng quá nhé!

Triệu chứng đặc trưng ở trẻ bị bướu huyết thanh

Triệu chứng dễ nhận biết nhất là sự xuất hiện khối mềm sưng lên ở phía sau đầu trẻ ngay sau khi sinh. Chỗ sưng thường nằm ở phía sau của đỉnh đầu. Khi chạm tay vào bướu sẽ khiến trẻ có cảm giác đau. Dần về sau, khối sưng dưới da đầu sẽ bắt đầu vôi hoá, chạm vào sẽ thấy cứng và chắc. Quá trình vôi hoá sẽ giúp thu nhỏ kích thước bướu mà không cần phải can thiệp biện pháp nào khác.

Những điều cần biết về bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh 2 Khối sưng mềm dưới da đầu của trẻ bị bướu huyết thanh

Một triệu chứng khác của bướu huyết thanh là sự hình thành các vết bầm tím trên da đầu hoặc trên da mặt của bé nhưng chiếm tỷ lệ ít.

Biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị bướu huyết thanh ở đầu

Khi trẻ sinh ra có xuất hiện cục bướu huyết thanh, nhiều cha mẹ sẽ không tránh khỏi sự lo lắng. Nhưng hãy yên tâm vì đó là tình trạng hoàn toàn bình thường.

Bướu không gây hại hay nguy hiểm đến tính mạng của trẻ bởi khối máu tích tụ nằm dưới da và ở bên ngoài hộp sọ, không ảnh hưởng đến não bộ của bé. Thông thường, nó sẽ tự hết sau vài ngày cho đến vài tuần mà không cần sự can thiệp nào. Lưu ý, phụ huynh không được chọc hút dịch bên trong bướu bằng kim tiêm vì có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn huyết rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, bướu huyết thanh có thể nguy hiểm khi kèm theo các biến chứng nặng như:

Vàng da: Đây là biến chứng thường gặp nhất ở trẻ. Khi khối máu tan đi sẽ làm tăng lượng bilirubin máu của trẻ sơ sinh. Vàng da là kết quả của sự tăng quá mức bilirubin trong máu. Vậy nên, những đứa trẻ có bướu huyết thanh thì nguy cơ bị vàng da sẽ cao hơn. Gia đình cần chú ý theo dõi sát sao tình trạng này để đưa bé đi khám và chiếu đèn sớm. Một số trường hợp vàng da nặng có thể dẫn đến vàng da nhân não gây di chứng hết sức nguy hiểm như điếc, bại não

Những điều cần biết về bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh 3 Vàng da là một trong những biến chứng nguy hiểm khi trẻ bị bướu huyết thanh

Thiếu máu: Bướu huyết thanh cũng được xem là yếu tố nguy cơ của thiếu máu. Khi lượng máu tích tụ dưới da đầu quá nhiều sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu của trẻ. Kích thước của cục bướu sẽ quyết định lượng máu bị mất đi là nhiều hay ít. Vì vậy, ở những trẻ bị bướu huyết thanh thì nguy cơ thiếu máu sẽ cao hơn.

Nhiễm trùng: Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng nếu xảy ra thì sẽ gây nguy hiểm vô cùng nghiêm trọng. Khi có bất kì tổn thương nào trên da, bướu sẽ rất dễ bị vi khuẩn tấn công gây nhiễm trùng. Thông thường, sự nhiễm trùng chỉ xuất hiện trong tuần đầu tiên hoặc tuần thứ hai sau sinh với các triệu chứng bao gồm như sốt, cục bướu sưng to và có chảy dịch bất thường. Vì vậy, nếu nghi ngờ trẻ bị nhiễm trùng, cha mẹ nên đưa bé đến cơ sở y tế ngay lập tức để được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Xuất huyết não: Sự tác động trực tiếp của các dụng cụ hỗ trợ sinh kết hợp với sự chuyển dạ kéo dài sẽ khiến đầu em bé bị va chạm nhiều vào đường âm đạo của mẹ. Điều này có thể làm tăng nguy cơ bé bị xuất huyết não nội sọ hoặc ngoài màng cứng. Vì vậy, ở những trường hợp sinh khó xuất hiện bướu huyết thanh, cần theo dõi sát các triệu chứng thần kinh như co giật, li bì…và cần thiết có thể cho trẻ đi siêu âm thóp hoặc chụp cắt lớp vi tính để chẩn đoán xác định.

Hy vọng qua bài viết này, cha mẹ có thể cung cấp thêm cho mình những kiến thức bổ ích về tình trạng bướu huyết thanh ở trẻ sơ sinh. Từ đó, giảm bớt được sự lo lắng và có hướng xử trí kịp thời khi trẻ gặp phải những biến chứng nguy hiểm. Nhà Thuốc Long Châu kính chúc quý bạn đọc sức khoẻ!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm