Sẹo lồi luôn là nỗi ám ảnh của không ít chị em, đặc biệt là sẹo lồi màu đỏ khiến nhiều chị em không thể diện những bộ váy áo theo sở thích. Nó không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn mang đến những phiền toái làm cho bạn cảm thấy khó chịu. Trước tiên, hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về khái niệm, cơ chế hình thành cũng như nguyên nhân gây ra sẹo lồi nhé!
Sẹo lồi màu đỏ là gì?
Sẹo là kết quả của quá trình tự chữa lành vết thương trên da và là một phần một tự nhiên của quá trình chữa bệnh. Khi bị thương, da của chúng ta sẽ trải qua 3 giai đoạn đó là giai đoạn sưng viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo.
Hình dáng của sẹo và hướng điều trị sẹo phụ thuộc vào nhiều nhân tố khác nhau như độ sâu, kích cỡ, vị trí của vết thương cũng như là các yếu tố khách quan độ tuổi, gen di truyền, giới tính của bạn.
Do đó, người ta phân loại sẹo ra các dạng khác nhau trong đó có sẹo lồi. Tình trạng sẹo lồi màu đỏ là tình trạng điển hình mà đa số chúng ta gặp phải. Sẹo lồi thường kèm theo cảm giác ngứa rát, khó chịu, chạm vào thấy nhói nhẹ.
Sẹo lồi màu đỏ khiến bạn cảm thấy khó chịu
Cơ chế hình thành sẹo lồi màu đỏ như thế nào?
Sẹo lồi nói chung và sẹo lồi màu đỏ nói riêng hình thành do quá trình phản ứng của cơ thể với các vết thương hở trên da. Việc cơ thể phản ứng lại vết thương, tái tạo lại tế bào da, collagen, elastin quá mức gây hiện tượng phình to, phát triển ngoài mức bình thường hình thành vết sẹo lồi.
Sẹo lồi xuất hiện sau vài tháng, sau khi bị thương, là một khối đỏ hồng, kích thước thay đổi tùy thuộc vào tổn thương da lúc đầu. Sau đó trong vòng năm đầu sau tổn thương, khối này sẽ phát triển quá mức nhưng lành tính, lan rộng và ra khỏi vị trí của vết thương. Ban đầu, sẹo có hình dạng không đều, bề mặt nhẵn bóng, màu đỏ sậm và cứng hơn so với vùng da lành xung quanh sẹo.
Màu đỏ của vết sẹo được tạo ra bởi các mạch máu dưới vùng da bị tổn thương, nó trung chuyển oxy và chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình chữa lành vết thương. Sau khi vết thương lành, cơ thể đào thải tự đào thải mạch máu không cần thiết ra ngoài, giảm dần vết đỏ.
Quá trình hình thành sẹo lồi bạn nên biết
Nguyên nhân dẫn đến sẹo lồi màu đỏ
Sẹo lồi xuất hiện sau khi đã bị tổn thương, có thể do:
-
Các chấn thương hoặc vết rách da do tai nạn.
-
Vết cắt do phẫu thuật bướu cổ, tim, ruột thừa, mổ lấy thai, thẩm mỹ (căng da mặt, hút mỡ bụng, nâng ngực…).
-
Bỏng da.
-
Một số bệnh da liễu thường gặp như mụn trứng cá, nhiễm trùng da…
Tuy nhiên, tổn thương da chỉ có thể tạo thành sẹo. Để phát triển thành sẹo lồi thì cần có tác động của những yếu tố nguy cơ sau:
-
Người có cơ địa sẹo lồi. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, tỷ lệ người da màu có cơ địa sẹo lồi rất cao, chiếm 15% đến 20%, gấp 15 lần so với người da trắng. Người có cơ địa sẹo lồi thì bất cứ vết rách gây tổn thương ngoài ra nào, kể cả vết kim chích cũng có thể gây sẹo lồi tại ngày vị trí đó.
-
Vết thương căng quá hoặc trùng quá.
-
Tồn tại vật thể lạ trong da như cát, bụi bẩn…
-
Do chế độ ăn uống sau khi có tổn thương da hình thành sẹo lồi: Trong quá trình lành thương, bạn đã sử dụng những thực phẩm tăng khả năng phát triển sẹo lồi như: Rau muống, thịt gà, trứng…
Sẹo lồi màu đỏ có gây nguy hiểm không?
Về cơ bản, sẹo lồi gần như hoàn toàn không gây bất kỳ ảnh hưởng nào đến sức khoẻ.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp sẹo lồi gây cảm giác ngứa rát, căng tức, đau khi va chạm… khiến bạn cảm thấy khó chịu. Nếu sẹo ở các vị trí vùng môi, cổ hoặc khớp sẽ gây co kéo ảnh hưởng đến chức năng vận động của một số cơ quan.
Bên cạnh đó, sẹo lồi còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần của chúng ta. Đặc biệt là khi sẹo xuất hiện ở những vùng dễ nhìn thấy, điều này khiến chúng ta cảm thấy thiếu tự tin khi giao tiếp với mọi người xung quanh.
Các phương pháp điều trị sẹo lồi màu đỏ
Có nhiều phương pháp trị sẹo lồi khác nhau tùy vào từng tình trạng sẹo. Tuy nhiên, các hướng điều trị sẹo lồi hiện nay chỉ có tác dụng làm cho những vết sẹo này trở nên nhẵn, phẳng, nhỏ hơn và sáng màu hơn chứ không loại bỏ hoàn toàn được vết sẹo. Để có hiệu quả tối đa trong việc điều trị sẹo thì bạn cần được tư vấn, theo dõi và chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo độ an toàn.
Dưới đây là một số phương pháp điều trị sẹo lồi Nhà thuốc Long Châu đưa ra để bạn đọc tham khảo:
Điều trị dự phòng
Đây là nguyên tắc đầu tiên và là cốt lõi trong điều trị sẹo lồi.
-
Không nên tiến hành các phẫu thuật thẩm mỹ không cần thiết ở những người có cơ địa sẹo lồi.
-
Nên tránh những thủ thuật tối đa ở giữa ngực, những vùng tổn thương da hậu phẫu phải được điều trị bằng những kháng sinh thích hợp để tránh nhiễm trùng.
-
Tất cả những vết thương do phẫu thuật phải được khâu lại với độ căng bình thường, không nên để quá căng hoặc quá trùng.
-
Cuối giai đoạn tăng sinh, đầu giai đoạn tái tạo bạn nên sử dụng các biện pháp can thiệp ngay bởi đây là thời điểm vàng để điều trị sẹo. Ngay khi thấy vết thương vừa khép miệng, liền da thịt bạn cần nghĩ ngay đến việc ức chế sự hình thành sẹo.
Điều trị nội khoa
Đây là một trong những phương pháp được đánh giá là khá phổ biến, hiệu quả và an toàn.
Sử dụng các loại kem trị sẹo, thuốc bôi chứa tinh chất hành tây hoặc silicon gel
Những loại thuốc này gây ức chế tạo thành sơ sẹo cũng như làm phẳng bề mặt sẹo. Lựa chọn đúng loại kem trị sẹo, cũng như tuân thủ hướng dẫn về liều lượng và cách sử dụng cũng là một yếu tố cần thiết giúp mang lại hiệu quả điều trị sẹo tốt nhất.
Tuy nhiên, thuốc bôi chỉ có tác dụng đối với tình trạng sẹo dưới 1 năm. Đối với những vết sẹo trên 1 năm thì cần thực hiện các biện pháp mạnh hơn như tiêm sẹo, laser, phẫu thuật cắt sẹo…
Tiêm sẹo
Dùng thuốc tiêm sẹo tiêm trực tiếp vào vùng da bị sẹo lồi. Nó tác động thông qua ức chế các chất trung gian của quá trình viêm và sự tăng trưởng của các nguyên bào sợi và cũng đồng thời làm tăng thoái biến các collagen. Thuốc sẽ giảm tổng hợp mô sợi mới hạn chế tiến triển của sẹo, làm phá vỡ các mô xơ sẹo, làm phẳng và mờ tổ chức sẹo.
Đây là một phương pháp đơn giản, hiệu quả và an toàn. Các thuốc tiêm sẹo thường dùng: Triamcinolone, Bleomycin, Verapamil…
Tiêm sẹo giúp cải thiện tình trạng sẹo lồi
Điều trị ngoại khoa
Tiến hành cắt bỏ sẹo, sửa sẹo hoặc phẫu thuật lạnh. Hướng đến phương pháp này khi các phương pháp điều trị bảo tồn không thành công hoặc không có khả năng cải thiện đáng kể; sẹo co kéo ảnh hưởng tới chức năng và thẩm mỹ, sẹo lồi lớn với đáy nhỏ.
Ngoài ra còn một số phương pháp khác có thể kể đến như: Xạ trị, laser… và một số biện pháp vật lý khác mà các bạn có thể tìm hiểu và tham khảo thêm.
Các lưu ý sau khi điều trị sẹo lồi màu đỏ
-
Tránh sờ nắn, động chạm hay các tác động chà xát lên vết sẹo, vì đây là yếu tố kích thích quan trọng làm vết sẹo tiến triển không ngừng và ngày càng nặng thêm.
-
Giữ vệ sinh vùng da đang điều trị luôn sạch sẽ, khô thoáng, không để bụi bẩn hay vi khuẩn bám trên da để tránh bị nhiễm trùng.
-
Bổ sung những thực phẩm giúp nhanh lành vết thương như: Thịt nạc, cá, các loại đậu… trong bữa ăn hàng ngày.
-
Bên cạnh đó, cần bổ sung thêm các nhóm Vitamin B, Vitamin C giúp chữa lành da và hỗ trợ tích cực trong việc hình thành tế bào mới, thúc đẩy quá trình lành thương diễn ra nhanh hơn.
-
Khi có vết thương, bạn nên hạn chế ăn rau muống, đồ tanh, gạo nếp vì những thực phẩm này có tính ức chế và làm sản sinh ra collagen cao hơn so với những thực phẩm khác. Để nhanh chóng hồi phục vết thương bạn cần bổ sung thêm protein và chất kẽm trong thực đơn hàng ngày.
Bổ sung Vitamin B giúp nhanh liền sẹo
Trên đây là các thông tin cơ bản về sẹo lồi màu đỏ mà bạn cần biết, bao gồm cơ chế hình thành sẹo lồi màu đỏ, nguyên nhân cũng như các yếu tố nguy cơ gây sẹo lồi, và một số thông tin khác. Hy vọng những thông tin này có thể giúp ích cho các bạn. Đừng quên tiếp tục theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều kiến thức y khoa khác bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp