Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều phụ huynh cần biết khi dạy bé tập nói

Ngày 23/10/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sinh con, nuôi con, dạy con là một hành trình dài mà bất cứ bậc làm cha mẹ nào cũng phải trải qua. Dạy bé tập nói có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của bé.

Những tiếng bi bô đầu đời có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển khả năng nói của bé về sau. Bé sẽ trải qua quá trình tập nói trong 3 năm đầu đời bởi lúc này não bộ đang trong giai đoạn phát triển nhanh chóng. Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của nhà thuốc Long Châu để biết thêm một số kiến thức dạy bé tập nói nhé!

Các giai đoạn tập nói của bé

Lúc vừa mới sinh, trẻ chỉ có thể giao tiếp bằng các cử chỉ như khóc, nhăn mặt,... để thể hiện nhu cầu hay cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên trẻ có sự phát triển ngôn ngữ rất nhanh chóng và kỳ diệu, cụ thể là qua các giai đoạn sau:

  • Lúc 3 tháng tuổi: Khi được 3 tháng tuổi, bé sẽ biết lắng nghe giọng nói, quan sát khuôn mặt, khẩu hình của cha mẹ khi nói chuyện cùng. Ngoài ra, bé cũng chú ý lắng nghe những âm thanh, giọng nói xung quanh. Thậm chí có nhiều bé còn thích nghe giọng nói và âm thanh khi còn trong bụng mẹ, một số bé lại thích nghe giọng phụ nữ hơn nam giới.
  • Lúc bé 6 tháng tuổi: Đây là thời điểm bé bắt đầu bập bẹ tập nói những âm thanh khác nhau. Ví dụ, bé có thể nói "ba-ba" hay "ma-ma." Tầm cuối tháng thứ 6 hoặc thứ 7, các bé đã có thể nói tên của mình, nhận ra ngôn ngữ mẹ đẻ và sử dụng giọng nói để cho biết bản thân đang vui hay buồn. Một số cha mẹ khá háo hức dạy bé nói những từ khó hơn nhưng ở độ tuổi này bé vẫn chỉ có thể bập bẹ nói những âm tiết ngẫu nhiên mà thôi.
  • Lúc 9 tháng tuổi: Sau 9 tháng tuổi, bé có thể hiểu một vài từ cơ bản như "không" và "bai". Bé cũng có thể bắt đầu sử dụng nhiều âm thanh chứa phụ âm và điều chỉnh âm điệu giọng nói.

Những điều phụ huynh cần biết khi dạy bé tập nói1

Sau 9 tháng tuổi bé đã có thê bi bô tập nói
  • Từ 12 - 18 tháng tuổi: Hầu hết các bé đã có thể nói trọn vẹn một vài từ đơn giản như "mama" và "baba" vào cuối tháng tuổi thứ 12. Ngoài ra, trẻ còn có thể trả lời hoặc hiểu được những đoạn nói chuyện ngắn của cha mẹ.
  • Lúc 18 tháng tuổi: Lúc này bé đã được một tuổi rưỡi, trẻ đã có khả năng nói một số từ đơn giản như tên người, đồ vật hay các bộ phận trên cơ thể. Trẻ cũng có thể bắt chước những từ hoặc âm thanh cuối cùng trong câu khi nghe được trước đó từ bạn.
  • Khi bé 2 tuổi: Các bé đã có thể xâu chuỗi một vài từ trong các cụm từ ngắn ví dụ như "Tạm biệt mẹ" hoặc "Con, sữa". Đây cũng là lúc trẻ đang học các từ chỉ sự vật như "cốc", “chén", “gấu"... và những từ mang ý nghĩa trừu tượng như "của con". Nếu trong giai đoạn này bé vẫn chưa thể phát âm thành tiếng thì có thể trẻ mắc chứng chậm nói.
  • Khi bé 3 tuổi: Khi bé lên 3 thì vốn từ vựng sẽ mở rộng nhanh chóng bởi khả năng học hỏi nhanh, đồng thời bé có khả năng hiểu biết về ngôn ngữ trừu tượng như "bây giờ", những từ chỉ cảm giác như "buồn", “vui" và các khái niệm không gian như "trên", “dưới".

Phương pháp dạy bé tập nói

Làm thế nào để dạy bé tập nói hiệu quả? Trẻ thường nghe và hiểu lời nói của người thân trước khi biết nói. Lúc đầu, các bé chỉ nói được một vài từ đơn giản, trong khi lúc đó các bé đã có thể hiểu từ 25 từ trở lên. Bạn có thể dạy bé tập nói bằng cách:

  • Quan sát: Khi bé thể hiện mong muốn qua hành động như giơ 2 cánh tay lên muốn ôm, đưa cho bạn một món đồ chơi để thể hiện muốn chơi, gạt tay khỏi đĩa thức ăn khi không muốn ăn món đó. Lúc này các bậc phụ huynh nên mỉm cười, giao tiếp bằng mắt và lặp lại các từ đơn như “ôm", “chơi" để trả lời con đồng thời khuyến khích trẻ nói chuyện.
  • Nghe: Phụ huynh nên chú ý lắng nghe tiếng nói bập bẹ của bé rồi nói lại chính xác cho bé nghe và phát âm theo. Bé sẽ cố gắng bắt chước tiếng nói của cha mẹ, đồng thời thay đổi cao độ và âm sắc để giống với từ ngữ nghe được. Do đó, cha mẹ nên dành thời gian để nói chuyện với con nhiều hơn.
  • Khen ngợi: Bạn nên mỉm cười, vỗ tay tán thưởng khi bé cố gắng nói chuyện. Bé sẽ vui và tập nói nhanh hơn khi được bố mẹ khen thưởng.
  • Bắt chước: Các bé rất thích nghe giọng nói của bố mẹ. Việc này sẽ giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ nhanh chóng. Khi nói chuyện với bé, phụ huynh nên dùng những từ ngữ ngắn gọn, đơn giản để bé có thể bắt chước.

Những điều phụ huynh cần biết khi dạy bé tập nói2

Phụ huynh nên thường xuyên trò chuyện cùng con để phát triển kỹ năng giao tiếp cho con
  • Nói chi tiết: Khi thấy bé chỉ vào bàn hoặc gây ồn ào bằng cách đập bàn, phụ huynh không nên đáp ứng ngay nhu cầu của bé mà nên chỉ vào thức ăn và nói: "Con muốn ăn món khác, phải không?" “Con không muốn ăn nữa đúng không?”.
  • Tường thuật: Khi bạn rửa bát, mặc đồ, cho bé ăn… thì bạn nên tường thuật lại cho bé, ví dụ như: Mẹ đang nấu cơm cho con, mẹ đang giặt quần áo, mẹ đang mặc cho con cái đầm màu hồng,... Việc này sẽ giúp bé nghe hiểu được nhiều hơn.
  • Kiên nhẫn: Có thể bé sẽ nói ra những từ vô nghĩa trong lúc tập nói, tuy nhiên bạn nên kiên nhẫn lắng nghe bé, lặp lại những gì bạn nghĩ là bé đang nói và hỏi xem có đúng không? Ngoài ra, bạn nên thường xuyên khen ngợi bé để bé cảm thấy được khen và sẽ tiếp tục cố gắng tập nói.
  • Chủ động: Thường xuyên theo dõi sự chú ý và sở thích của bé để giao tiếp với bé được tốt hơn, tạo nên tương tác hai chiều nói và nghe, dẫn dắt bé làm theo, chơi đùa cùng trẻ để giúp bé phát triển trí não và giác quan.
  • Chơi: Khuyến khích trẻ chơi đùa, giả vờ và tưởng tượng thành tiếng để phát triển các kỹ năng bằng lời nói.
  • Đọc lớn tiếng: Một số trẻ cảm thấy việc đọc sách thú vị và cảm thấy thư giãn khi được ba mẹ đọc sách cho nghe. Do đó lúc này phụ huynh nên chọn những loại sách có tính giáo dục tốt, đọc truyện cho bé một cách to và rõ từ cho bé nghe.

Những điều phụ huynh cần biết khi dạy bé tập nói3

Đọc sách cho bé nghe cũng là một cách dạy con tập nói

Trên đây là thông tin về các giai đoạn tập nói của bé cũng như những phương pháp dạy bé tập nói hiệu quả. Hi vọng với những thông tin hữu ích trên, quý đọc giả đã có thêm kiến thức để nuôi dạy con trẻ một cách khoa học và hiệu quả nhất.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm