Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ?

Ngày 12/05/2023
Kích thước chữ

Tăng huyết áp đã và đang là một bệnh lý phổ biến ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người. Bệnh diễn tiến thầm lặng dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong. Hiện nay, bệnh lý được điều trị thông qua việc sử dụng các loại thuốc giúp hạ huyết áp nhưng các loại thuốc lại có những đặc điểm khác nhau đến đến thời gian tác dụng khác nhau. Vậy uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ?

Nếu bạn đang thắc mắc và muốn tìm hiểu nhiều hơn về các thông tin liên quan đến câu hỏi trên, bài viết dưới đây có thể cung cấp đáp án bổ ích cho bạn.

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch, bao gồm: Huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là áp lực của máu tác động lên thành động mạch với mỗi nhịp tim và huyết áp tâm trương là áp lực của máu tác động lên thành động mạch khi tim nghỉ ngơi.

Những thông tin cần biết về câu hỏi: Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ? 1
Huyết áp là áp lực của máu lên thành động mạch

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là tình trạng tăng cao áp lực của máu lên thành động mạch và thường tạo ra nhiều gánh nặng hơn cho tim. Tình trạng này có thể xảy ra và phát triển khi tim phải dùng nhiều lực hơn để bơm máu qua các động mạch bị hẹp hoặc bị tắc nghẽn. Nếu tình trạng này kéo dài và không được kiểm soát sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như: Bệnh mạch vành, suy tim, nhồi máu cơ tim hay tai biến mạch máu não,…

Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam (VNHA) 2022 về ngưỡng huyết áp đo tại phòng khám, tăng huyết áp là khi người bệnh có chỉ số huyết áp tâm thu lớn hơn 140 mmHg và/hoặc chỉ số huyết áp tâm trương từ 90 mmHg trở lên. 

Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ?

"Khi huyết áp tăng cao, uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ?" là một câu hỏi mang đến nhiều thắc mắc cho bạn đọc. Nếu bạn gặp phải các triệu chứng nghiêm trọng do tăng huyết áp như: Thở gấp, mặt đỏ bừng, hồi hộp, đánh trống ngực,… bạn sẽ được bác sĩ chỉ định nhập viện ngay lập tức để có thể nhận được sự hỗ trợ cho tình trạng huyết áp của mình qua việc nhận thuốc hạ huyết áp nhưng đây thực sự không phải là một chiến lược tốt cho bảo vệ sức khỏe lâu dài.

Thời gian để thuốc điều trị huyết áp phát huy tác dụng phụ thuộc phần lớn vào loại thuốc và liều lượng của thuốc. Bên cạnh đó, các yếu tố khác như: Tuổi tác, cân nặng và bất kỳ loại thuốc nào khác mà bạn dùng kèm đều khả năng ảnh hưởng đến thời gian tác dụng thuốc điều trị.

Các nghiên cứu đã cho thấy một số loại thuốc như: Captopril, clonidine hay labetalol và nifedipine đều bắt đầu có tác dụng khá nhanh chỉ trong vòng vài phút sau khi uống. Ngoài ra, những loại thuốc khác như amlodipine hay hydrochlorothiazide có thể mất hàng giờ trước phát huy tác dụng của mình.

Những thông tin cần biết về câu hỏi: Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ? 3
Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ?

Các loại thuốc được dùng để điều trị tăng huyết áp thường sẽ có tác dụng theo thời gian. Một số loại thuốc có thể làm thay đổi mức độ của các khoáng chất thiết yếu hoặc các chất điện giải như natri hay kali trong cơ thể. Những loại khác như: Các thuốc nhóm chẹn beta (Beta blockers) có thể làm giảm nhịp tim và giảm khối lượng công việc của tim từ đó, có thể dẫn đến giảm huyết áp. Nhóm thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi) là một loại thuốc huyết áp khác hoạt động bằng cách làm giãn các động mạch bị hẹp để máu chảy qua chúng dễ dàng hơn nên có thể làm hạ huyết áp.

Các yếu tố về lối sống có thể làm tăng huyết áp như thừa cân, béo phì, ít hoặc không vận động, chế độ ăn nhiều muối, thường xuyên sử dụng thức uống chứa cồn (rượu, bia) và hút thuốc. Nhận thức về thay đổi các yếu tố nguy cơ là một chiến lược thường được sử dụng kết hợp cùng với thuốc điều trị để có thể điều trị tăng huyết áp và ngăn ngừa các biến chứng tim mạch nghiêm trọng.

Một số biện pháp hỗ trợ làm giảm huyết áp

Thay đổi lối sống là một trong những chiến lược được khuyến khích áp dụng kết hợp cùng việc sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp. Tuy nhiên, việc chỉ thay đổi lối sống không thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh lý tăng huyết áp nhưng việc này khi kết hợp cùng việc tuân thủ sử dụng thuốc điều trị có thể làm cải thiện hiệu quả của thuốc. Thiết lập chế độ ăn uống khoa học, duy trì cân nặng hợp lý, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao ở mức độ phù hợp là các giải pháp tốt nhất để ngăn ngừa và phòng tránh các biến chứng của bệnh lý tim mạch. Dưới đây là một số gợi ý về cách làm giảm huyết áp qua việc thay đổi lối sống:

  • Ăn uống khoa học: Chế độ ăn hạn chế nhiều muối, giảm lượng muối nạp vào cơ thể, ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, bổ sung nhiều chất xơ, các sản phẩm sữa ít hoặc không béo. Ưu tiên sử dụng dầu thực vật, quả hạch, các loại đậu, các loại thịt từ cá hoặc gia cầm. Bên cạnh đó, tăng lượng kali thông qua việc sử dụng các chất bổ sung kali hoặc ăn các thực phẩm chứa nhiều kali (như: Các loại rau có màu xanh đậm, chuối, quả bơ,…) cũng góp phần trong việc hỗ trợ cho huyết áp.
  • Thiết lập chế độ luyện tập phù hợp: Thường xuyên luyện tập ở mức độ phù hợp với cơ thể (khoảng vài lần một tuần sau đó tăng dần) có thể hỗ trợ trong làm giảm huyết áp từ 5 – 8 mmHg.
  • Hạn chế sử dụng thức uống chứa cồn (rượu, bia) và bỏ thói quen hút thuốc lá.
  • Giảm tình trạng căng thẳng qua các hoạt động giải trí lành mạnh, vui chơi cùng người thân và gia đình.
  • Nếu bạn đang ở tình trạng thừa cân hoặc béo phì, giảm cân là biện pháp rất hiệu quả để giúp bạn cải thiện huyết áp của mình.
Những thông tin cần biết về câu hỏi: Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ? 4
Chế độ ăn khoa học hỗ trợ làm giảm huyết áp

Khi nào cần điều trị tại cơ sở y tế?

Kiểm tra sức khỏe định kỳ là một phần của chương trình chăm sóc và phòng ngừa tốt các biến chứng nghiêm trọng của tăng huyết áp. Thông qua việc kiểm tra sức khỏe, bác sĩ sẽ có được các thông tin về tình trạng huyết áp, xu hướng phát triển của bệnh lý kèm theo các yếu tố sức khỏe khác, từ đó cho bạn các lời khuyên hữu ích về cách giữ ổn định tình trạng huyết áp. 

Trong trường hợp bạn không kiểm tra sức khỏe định kỳ, nếu bạn thường xuyên gặp phải các triệu chứng đau tức ngực, hoa mắt và chóng mặt thì bạn nên dành thời gian để khám bệnh. 

Những thông tin cần biết về câu hỏi: Uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ? 5
Nếu có triệu chứng hoa mắt và chóng mặt thì bạn nên thăm khám

Bài viết đã giúp bạn trả lời cho thắc mắc "uống thuốc hạ huyết áp bao lâu thì hạ?" của mình. Bạn lưu ý là bệnh huyết áp có thể được cải thiện thông qua việc tuân thủ đúng liều thuốc và thay đổi lối sống, tuy nhiên cả hai phương pháp này đều mất vài tuần hoặc vài tháng để có hiệu quả toàn diện. Việc điều trị bệnh cao huyết áp không có cách nhanh chóng, đặc biệt là khi bạn đang phải đối mặt với các vấn đề về tim mạch khác. Hãy tìm hiểu và thảo luận với bác sĩ sớm để đánh giá các nguy cơ của bạn và đảm bảo kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Gia Bảo

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin