Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hồi hộp là gì? Triệu chứng và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hồi hộp là cảm giác tim đập nhanh và đây là hiện tượng phổ biến. Hầu hết các trường hợp thường ít gây hại. Chúng thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có thể kèm theo các triệu chứng khác như khó thở, chóng mặt, tức ngực và cảm giác lo lắng. Nếu như hồi hộp nghiêm trọng hoặc không giảm nhanh có thể cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hồi hộp là gì? 

Hồi hộp là những cảm giác tim đập nhanh, đập thình thịch hoặc rung rinh mà mọi người trải qua trong lồng ngực. Chúng có thể ở bên tay trái hoặc giữa ngực. Bình thường chúng ta không nhận thức được tim mình đang đập. Thuật ngữ "hồi hộp" được sử dụng khi chúng ta nhận thức được nhịp tim của mình. Một số người nói rằng trái tim của họ như đang chạy đua; những người khác nói rằng ngực của họ đau, đập mạnh hoặc rung rinh. Thông thường cảm giác này là do nhịp tim nhanh hơn bình thường đối với độ tuổi, giới tính và mức độ thể chất của bạn. Đôi khi, cảm giác là do nhịp tim bất thường.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hồi hộp

Thỉnh thoảng có cảm giác hụt nhịp.

Hồi hộp trống ngực với cảm giác tim đập nhanh, đều, khởi phát và kết thúc đột ngột.

Tiền sử thường có những đợt tái phát triệu chứng.

Ngất sau đánh trống ngực.

Cảm giác sợ hãi, lo lắng hoặc hoảng loạn.

Nhịp tim >120 lần/phút hoặc < 45 nhịp/phút khi nghỉ.

Tập luyện gây hồi hộp trống ngực hoặc ngất.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh hồi hộp

Nhiều rối loạn nhịp gây triệu chứng hồi hộp, tự bản thân chúng không gây ra các tác động bất lợi về mặt sinh lý (độc lập với bệnh lý nền).

Tuy nhiên, các rối loạn nhịp chậm, nhịp nhanh, và block có thể tiến triển ngoài dự đoán, gây ảnh hưởng tới cung lượng tim, từ đó gây hạ huyết áp hoặc tử vong. Nhịp nhanh thất có thể tiến triển thành rung thất.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hồi hộp

Một số bệnh nhân đơn giản chỉ là quá chú ý về nhịp tim của mình, đặc biệt khi nhịp tim tăng trong tập luyện, khi sốt hoặc khi lo lắng.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, đánh trống ngực là triệu chứng gây ra do rối loạn nhịp tim. Rối loạn nhịp có thể lành tính, nhưng cũng có thể là các rối loạn nguy hiểm gây đe dọa tính mạng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ hồi hộp?

Người cao tuổi có sử dụng các thuốc chống loạn nhịp.

Yếu tố làm tăng nguy cơ hồi hộp

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hồi hộp, bao gồm:

  • Các nguyên nhân tim mạch nguy hiểm bao gồm bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc các bệnh lý cơ tim khác, bệnh tim bẩm sinh (hội chứng Brugada, bệnh cơ tim thất phải, hội chứng QT kéo dài bẩm sinh), bệnh lý van tim và rối loạn hệ thống dẫn truyền (gây ra nhịp chậm hoặc block dẫn truyền trong tim). Bệnh nhân có hạ huyết áp tư thế thường có cảm giác đánh trống ngực do nhịp nhanh xoang khi đứng dậy.

  • Các bệnh lý không phải tim mạch làm tăng co bóp cơ tim (cường giáp, u tủy thượng thận, rối loạn lo âu).

  • Một số loại thuốc, bao gồm digitalis, caffeine, rượu, nicotine, và các thuốc giống giao cảm (albuterol, amphetamines, cocain, dobutamine, epinephrine, ephedrine, isoproterenol, norepinephrine và theophylline).

  • Các rối loạn chuyển hóa, bao gồm thiếu máu, hạ ôxy máu, giảm thể tích tuần hoàn và rối loạn điện giải (ví dụ: Hạ kali máu do dùng lợi tiểu).

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán hồi hộp

Khám lâm sàng

Khám lâm sàng tổng thể để phát hiện các biểu hiện lo âu hoặc kích động tâm thần vận động. Khám các dấu hiệu sinh tồn để phát hiện tình trạng sốt, tăng huyết áp, hạ huyết áp, nhịp tim nhanh, nhịp tim chậm, thở nhanh, và độ bão hòa oxy máu thấp. Khám phát hiện các thay đổi của huyết áp và nhịp tim khi có sự thay đổi tư thế.

Khám đầu và cổ để phát hiện các bất thường hoặc các xung tĩnh mạch không đồng bộ với động mạch cảnh hoặc nhịp tim, các triệu chứng cường giáp như tuyến giáp to, ấn đau, lồi mắt. Khám da, niêm mạc miệng và kết mạc mắt để phát hiện các dấu hiệu thiếu máu.

Nghe tim chú ý tới tần số và nhịp tim, cũng như các tiếng thổi hoặc các tiếng tim khác, giúp chẩn đoán bệnh lý van tim hoặc bệnh lý cấu trúc tim.

Khám thần kinh cần lưu ý xem có hiện tượng run khi nghỉ hoặc tăng phản xạ (gợi ý cường giao cảm quá mức). Khám thần kinh phát hiện bất thường gợi ý rằng động kinh mới là nguyên nhân gây ngất, chứ không phải bệnh lý tim mạch.

Cận lâm sàng

Thực hiện các xét nghiệm thường quy:

  • Làm điện tâm đồ, đôi khi cần sử dụng holter điện tâm đồ theo dõi liên tục.

  • Xét nghiệm máu.

  • Đôi khi cần đến các phương tiện chẩn đoán hình ảnh hoặc tiến hành làm nghiệm pháp gắng sức, hoặc cả hai.

Phương pháp điều trị hồi hộp hiệu quả

Ngừng tất cả các thuốc có khả năng gây khởi phát rối loạn nhịp. Nếu rối loạn nhịp gây ra do một loại thuốc cần thiết để điều trị một bệnh lý đi kèm khác, cần thử đổi sử dụng một loại thuốc khác.

Chỉ cần theo dõi đối với  các ổ ngoại tâm thu thất và nhĩ đơn độc ở bệnh nhân không có bệnh tim cấu trúc. Đối với những bệnh nhân khỏe mạnh khác, có thể sử dụng thuốc chẹn beta nhằm tránh rối loạn lo âu khi họ nghĩ rằng mình mắc bệnh nặng.

Chẩn đoán và điều trị các rối loạn nhịp cùng các bệnh lý nguyên nhân gây rối loạn nhịp.

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân có thể gây ra hồi hộp của bạn. Ví dụ, nếu hồi hộp là do uống quá nhiều caffeine, bạn sẽ được khuyên nên cắt giảm lượng caffeine uống vào. Nếu hồi hộp của bạn là do lo lắng, bác sĩ đa khoa của bạn sẽ thảo luận về cách xử lý tình trạng này.

Một số trường hợp hồi hộp được điều trị bởi bác sĩ đa khoa; các trường hợp khác có thể được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa tim (bác sĩ tim mạch). Trong cả hai trường hợp, phương pháp điều trị bạn sẽ được đưa ra tùy thuộc vào nguyên nhân đã được tìm thấy.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của hồi hộp

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn nhiều rau quả tươi.

Phương pháp phòng ngừa hồi hộp hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Không thức quá khuya.

  • Không sử dụng các chất kích thích như uống rượu, hút thuốc, uống trà đặc, cà phê.

  • Tránh bị xúc động quá mức hoặc căng thẳng thần kinh.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/vi/

  2. https://patient.info/heart-health/palpitations-leaflet

Các bệnh liên quan

  1. Múa giật

  2. Đau đùi dị cảm

  3. liệt dây thần kinh khứu giác

  4. U tuyến tùng

  5. Rối loạn ý thức

  6. Parkinson thứ phát

  7. Nhũn não

  8. Suy giảm nhận thức

  9. Hội chứng Cotard

  10. Loạn trương lực cơ