Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Những thông tin cơ bản về que cấy tránh thai​ không phải ai cũng biết

Thị Ánh

09/03/2025
Kích thước chữ

Que cấy tránh thai là một trong những công cụ hữu hiệu trong việc phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng hiểu rõ về que cấy tránh thai. Vậy nên, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về que cấy tránh thai ngay trong bài viết dưới đây!

Vậy que cấy tránh thai là gì? Cơ chế hoạt động của que cấy tránh thai ra sao? Ưu nhược điểm và tác dụng phụ của que cấy tránh thai như thế nào? Ai nên và không nên sử dụng que cấy tránh thai… Tất cả những thắc mắc sẽ được giải đáp ngay sau đây.

Que cấy tránh thai là gì?

Sử dụng que cấy tránh thai là một biện pháp tránh thai nội tiết, bao gồm một hoặc vài ống nhỏ làm bằng chất dẻo chứa hormone tránh thai (levonorgestrel hoặc etonogestrel). Que tránh thai thường được cấy dưới da, chủ yếu ở mặt trong của cánh tay không thuận của người phụ nữ. Sau 24 giờ kể từ khi cấy que tránh thai, que cấy tránh thai sẽ bắt đầu có tác dụng.

Que cấy tránh thai có hiệu quả kéo dài từ 3 - 5 năm, tùy loại que sử dụng. Trong thời gian này, phụ nữ không cần dùng thêm biện pháp tránh thai nào khác, miễn là que vẫn còn hoạt động tốt trong cơ thể. Khi muốn mang thai trở lại, có thể tháo que ra và khả năng sinh sản sẽ hồi phục nhanh chóng.

Những thông tin cơ bản về que cấy tránh thai​ không phải ai cũng biết 1
Tìm hiểu que cấy tránh thai là gì

Cơ chế hoạt động của que cấy tránh thai

Que cấy tránh thai hoạt động chủ yếu dựa trên hai cơ chế chính:

  • Làm đặc chất nhầy cổ tử cung: Hormone trong que cấy làm tăng độ đặc của dịch nhầy ở cổ tử cung. Điều này khiến tinh trùng khó di chuyển vào buồng tử cung để gặp trứng.
  • Ngăn cản quá trình rụng trứng: Ở hơn phân nửa các chu kỳ, que cấy ức chế rụng trứng tức là trứng không rụng nên không thể xảy ra thụ tinh. Ở thời gian còn lại của chu kỳ, nếu có trứng rụng, chất nhầy cổ tử cung đặc cũng đã ngăn cản tinh trùng gặp trứng.

Nhờ vào 2 cơ chế này, que cấy có hiệu quả tránh thai lên đến 99% trong 3 - 5 năm (tùy loại). Ngoài ra, hormone từ que cấy còn làm mỏng niêm mạc tử cung, khiến trứng (nếu được thụ tinh) khó bám vào để làm tổ.

Ưu nhược điểm của cấy que tránh thai

Giống như các biện pháp tránh thai khác, cấy que tránh thai cũng có những ưu và nhược điểm. Cụ thể:

Ưu điểm

Ưu điểm của biện pháp cấy que tránh thai có thể kể đến như:

  • Cấy que tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả cao, phù hợp với nhiều đối tượng phụ nữ, kể cả những người có tình trạng sức khỏe đặc biệt. Các đối tượng như phụ nữ đang cho con bú, phụ nữ trên 40 tuổi, người có u xơ tử cung, người có các yếu tố nguy cơ tim mạch… đều có thể sử dụng phương pháp cấy que tránh thai.
  • Chỉ cần cấy 1 lần duy nhất với 1 que cấy, không phải uống thuốc hàng ngày.
  • Không cần chuẩn bị trước khi quan hệ và cũng không ảnh hưởng đến ham muốn hay cảm giác.
  • Hiệu quả tránh thai cao.
Những thông tin cơ bản về que cấy tránh thai​ không phải ai cũng biết 2
Que cấy tránh thai mang lại hiệu quả cao trong vòng 3 năm

Nhược điểm

Bên cạnh những ưu điểm vượt trội thì cấy que tránh thai cũng tồn tại một số nhược điểm như:

  • Có thể gây rong kinh trong vài tháng đầu: Một số người có thể bị rối loạn kinh nguyệt như rong kinh, mất kinh hoặc kinh nguyệt không đều. Sau một thời gian, cơ thể sẽ thích nghi và kinh nguyệt sẽ ổn định hơn.
  • Cần được thực hiện bởi nhân viên y tế chuyên môn: Que tránh thai phải được thực hiện cấy tại cơ sở y tế bởi bác sĩ hoặc nhân viên y tế được đào tạo. Việc tháo que cũng cần được thực hiện bởi người có chuyên môn, không thể tự tháo tại nhà.

Tác dụng phụ của cấy que tránh thai

Tuy cấy que tránh thai là một trong những biện pháp tránh thai hiệu quả và an toàn song khi cấy que tránh thai, bạn có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi cấy que tránh thai bao gồm:

  • Rong kinh: Tình trạng này thường gặp trong 6 tháng đầu sau khi cấy que. Nếu rong kinh nhẹ, chỉ cần sử dụng băng vệ sinh hàng ngày. Nếu kéo dài trên 6 tháng, cần đi khám để kiểm tra nguyên nhân.
  • Vô kinh: Khoảng 22,2% phụ nữ bị vô kinh khi cấy que. Nguyên nhân là do hormone gây giảm lượng máu kinh. Một số người có thể rối loạn kinh nguyệt nhưng sẽ ổn định sau một thời gian.
  • Ngứa ngáy, dị ứng da tại vị trí cấy: Tại vị trí cấy, bạn có thể bị ngứa, sưng đỏ, dị ứng nhẹ, thường biến mất sau 1 - 3 ngày. Nếu có sưng đau, chảy mủ, cần đi khám ngay để tránh nhiễm trùng.
  • Tăng cân: Nguyên nhân gây tăng cân là do hormone progestin làm thay đổi nội tiết. Nếu tăng cân nhẹ, không ảnh hưởng sức khỏe thì không cần lo lắng. Nếu tăng cân mất kiểm soát có thể liên quan đến tuyến yên, tuyến giáp, cần kiểm tra sức khỏe.
  • Nổi mụn: Do rối loạn nội tiết tạm thời sau khi cấy que.
  • Đau đầu, chóng mặt, căng tức ngực: Thường xuất hiện trong thời gian đầu sau cấy que. Tình trạng này thường không kéo dài, sẽ tự hết sau một thời gian.
Những thông tin cơ bản về que cấy tránh thai​ không phải ai cũng biết 3
Rong kinh là một trong những tác dụng phụ bạn có thể gặp phải sau cấy que tránh thai

Những ai nên cấy que tránh thai?

Những đối tượng nên cấy que tránh thai bao gồm:

  • Phụ nữ muốn tránh thai lâu dài: Que tránh thai có hiệu quả từ 3 - 5 năm, giúp tránh thai an toàn mà không cần nhớ uống thuốc mỗi ngày.
  • Người không phù hợp hoặc không muốn dùng biện pháp tránh thai có estrogen: Những ai không thể dùng thuốc tránh thai kết hợp (chứa estrogen), như người có tiền sử đau nửa đầu, huyết áp cao, hoặc có nguy cơ huyết khối, có thể lựa chọn que cấy tránh thai vì nó chỉ chứa progestin.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Que tránh thai không ảnh hưởng đến chất lượng và số lượng sữa mẹ, an toàn cho mẹ và bé.
  • Phụ nữ muốn biện pháp tránh thai kín đáo và tiện lợi: Không giống vòng tránh thai hay thuốc viên, que tránh thai không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, không ai biết bạn đang sử dụng biện pháp tránh thai trừ khi bạn nói ra.

Những người không nên cấy que tránh thai

Thực tế cho thấy, que cấy tránh thai không phù hợp với tất cả mọi người. Nếu bạn thuộc một trong các nhóm sau, nên cân nhắc các phương pháp tránh thai khác:

  • Phụ nữ mắc bệnh liên quan đến nội tiết tố: Vì que cấy chứa nội tiết tố progestin, những người có bệnh lý liên quan đến nội tiết không nên sử dụng.
  • Người mắc các bệnh mãn tính nghiêm trọng: Huyết áp cao, tim mạch, tiểu đường không kiểm soát, bệnh gan nặng, bệnh túi mật cần tránh sử dụng vì có thể làm bệnh trầm trọng hơn.
  • Người có tiền sử hoặc đang bị ung thư vú: Progestin có thể ảnh hưởng đến tế bào ung thư làm bệnh tiến triển nhanh hơn.
  • Chảy máu âm đạo không rõ nguyên nhân: Nếu bạn gặp tình trạng này, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi quyết định cấy que tránh thai.
  • Đang sử dụng một số loại thuốc có thể làm giảm hiệu quả tránh thai: Gồm thuốc điều trị động kinh, lao, HIV, một số loại kháng sinh, có thể làm giảm tác dụng của que cấy.
  • Không muốn chu kỳ kinh nguyệt bị thay đổi: Vì que cấy có thể gây rối loạn kinh nguyệt, rong kinh hoặc vô kinh, nếu bạn không muốn chu kỳ bị xáo trộn thì không nên chọn phương pháp này.
  • Người có tiền sử huyết khối hoặc đột quỵ: Nếu bạn từng bị huyết khối ở chân, phổi (thuyên tắc phổi) hoặc có nguy cơ đột quỵ, hãy tránh cấy que và tham khảo ý kiến bác sĩ về biện pháp thay thế an toàn hơn.
  • Người có tiền sử dị ứng với thuốc sát trùng hoặc thuốc gây mê: Nếu bạn dị ứng với thuốc tê hoặc thuốc sát trùng, cần báo ngay cho bác sĩ trước khi thực hiện thủ thuật.
Những thông tin cơ bản về que cấy tránh thai​ không phải ai cũng biết 4
Người mắc bệnh tim mạch không nên lựa chọn phương pháp cấy que tránh thai

Nên cấy que tránh thai khi nào?

Theo các bác sĩ chuyên khoa, chị em có thể thực hiện cấy que tránh thai bất kỳ lúc nào trong chu kỳ kinh nguyệt, miễn là không mang thai và không thuộc nhóm đối tượng chống chỉ định.

Thời điểm lý tưởng để cấy que tránh thai thường là trong 5 ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt (tính từ ngày đầu tiên có kinh), trong vòng 5 ngày đầu sau khi sảy thai, trong vòng 21 ngày sau khi sinh con (đối với phụ nữ không cho con bú) và sau 6 tuần sau sinh (đối với phụ nữ đang cho con bú).

Nếu cấy que ngoài các thời điểm trên, chị em cần dùng thêm biện pháp tránh thai khác như bao cao su trong 7 ngày đầu sau cấy để đảm bảo hiệu quả ngừa thai tối đa.

Quy trình cấy que tránh thai

Về cơ bản, quy trình cấy que tránh thai sẽ diễn ra lần lượt như sau:

Trước khi cấy que tránh thai, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành thăm khám, đánh giá sức khỏe của bạn từ đó xác định xem chị em có thuộc nhóm chống chỉ định không. Sau khi đã thăm khám, đánh giá sức khỏe hiện tại, tiền sử bệnh lý và nhu cầu ngừa thai, bác sĩ sẽ giải thích chi tiết về ưu và nhược điểm của phương pháp cấy que tránh thai. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sẽ cung cấp cho chị em đầy đủ các thông tin về que tránh thai (bao gồm hãng sản xuất, ngày sản xuất, hạn sử dụng).

Thủ thuật cấy que tránh thai được thực hiện lần lượt theo các bước sau đây:

  • Bước 1: Gây tê: Sát trùng và tiêm thuốc tê vào mặt trong cánh tay (tay không thuận).
  • Bước 2: Cấy que tránh thai: Sau khi thuốc tê có tác dụng, bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ chuyên dụng để đưa que vào dưới da. Quấn băng vị trí cấy trong 24 giờ. Thời gian thực hiện cấy que tránh thai chỉ từ 10 - 15 phút.

Sau khi cấy que tránh thai, bác sĩ sẽ hướng dẫn chị em cách theo dõi cũng như chăm sóc vết cấy tại nhà. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tái khám để kiểm tra mức độ tương thích với que tránh thai.

Những thông tin cơ bản về que cấy tránh thai​ không phải ai cũng biết 5
Bác sĩ thực hiện cấy que tránh thai

Que cấy tránh thai​ bao nhiêu tiền?

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại que tránh thai khác nhau, với thời gian hiệu quả dao động từ 3 - 5 năm tùy loại. Vì vậy, mức giá cũng sẽ khác nhau. Để được tư vấn chi phí chi tiết và chính xác nhất, hãy liên hệ trực tiếp đến cơ sở y tế.

Các yếu tố ảnh hưởng đến chi phí cấy que tránh thai bao gồm:

  • Loại que cấy tránh thai: Thời gian tác dụng càng dài, giá càng cao.
  • Chất lượng cơ sở y tế: Cơ sở uy tín, trang thiết bị hiện đại sẽ có chi phí cao hơn.
  • Tay nghề bác sĩ: Bác sĩ có kinh nghiệm cao, thực hiện an toàn, chuẩn xác sẽ ảnh hưởng đến chi phí.
  • Các kiểm tra đi kèm: Một số nơi có thể yêu cầu xét nghiệm kiểm tra sức khỏe trước khi cấy.

Nên cấy que tránh thai ở đâu tốt?

Nên cấy que tránh thai ở đâu tốt? Theo các chuyên gia, để đảm bảo an toàn sức khỏe, chị em nên lựa chọn cơ sở uy tín để thực hiện cấy que tránh thai. Bạn có thể lựa chọn các bệnh viện sản phụ khoa lớn, khoa sản của bệnh viện đa khoa, các trung tâm kế hoạch hóa gia đình hoặc phòng khám sản khoa uy tín có giấy phép hoạt động rõ ràng.

Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý:

  • Chỉ cấy bởi bác sĩ chuyên khoa, giàu kinh nghiệm.
  • Không mua que tránh thai trôi nổi hoặc thực hiện thủ thuật tại cơ sở không được cấp phép.
  • Luôn kiểm tra nguồn gốc, hãng sản xuất, hạn sử dụng của que trước khi cấy.

Câu hỏi thường gặp về que cấy tránh thai

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về que cấy tránh thai và lời giải đáp:

Cấy que tránh thai an toàn không?

Có! Cấy que tránh thai an toàn, hiệu quả lên đến 99%, không gây hại sức khỏe và phù hợp với hầu hết phụ nữ. Điều này đã được chứng minh bởi nhiều nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, sau khi cấy que tránh thai, bạn cũng có thể gặp phải một số tác dụng phụ. Đừng lo lắng bởi các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất sau vài tháng.

Cấy que tránh thai bao lâu có tác dụng?

Que cấy tránh thai phát huy tác dụng sau 24 giờ nếu cấy vào thời điểm khuyến cáo (5 ngày đầu chu kỳ kinh, 5 ngày sau sảy thai, 21 ngày sau sinh không cho con bú, 6 tuần sau sinh có cho con bú). Nếu cấy ngoài các thời điểm này, cần 7 ngày để có hiệu quả. Trong thời gian này, bạn nên dùng bao cao su hỗ trợ tránh thai.

Sau sinh có cấy que tránh thai được không?

Sau sinh, phụ nữ có thể mang thai trở lại từ tuần thứ 4. Nếu cho con bú nên cấy que tránh thai sau 6 tuần, trừ khi không còn biện pháp nào khác. Nếu không cho con bú, có thể cấy que bất kỳ lúc nào sau 3 tuần, miễn là không mang thai hoặc có bệnh lý chống chỉ định.

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản về que cấy tránh thai mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến quý vị độc giả. Hy vọng rằng, qua những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ có cái nhìn rõ hơn về phương pháp tránh thai này. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin