Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Vô kinh

Vô kinh là gì? Triệu chứng, nguyên nhân, chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa

Ngày 13/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt, được chia làm hai loại là vô kinh nguyên phát và vô kinh thứ phát. Vô kinh không phải lúc nào cũng là một bệnh lý, một số nguyên nhân dẫn đến vô kinh là bình thường, bao gồm mang thai, cho con bú và mãn kinh. Một số tình trạng bệnh lý khác cũng như một số loại thuốc có thể dẫn đến vô kinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Vô kinh là gì?

Một chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ sẽ được tính từ ngày ra máu đầu tiên của kỳ kinh này đến ngày ra máu đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo. Hầu hết phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt kéo dài từ 21 đến 35 ngày. Một kỳ hành kinh điển hình kéo dài từ 2 đến 7 ngày, lượng máu thường sẽ ra nhiều trong 3 ngày đầu.

Vô kinh là tình trạng không có kinh nguyệt, được chia làm hai loại:

  • Vô kinh nguyên phát là tình trạng một bé gái không có kinh nguyệt lần đầu ở tuổi 15.
  • Vô kinh thứ phát được định nghĩa là khi một phụ nữ đã có kinh nguyệt, nhưng không có kinh trong vòng 3 tháng trở lên.

Trong đó, một số nguyên nhân dẫn đến vô kinh là bình thường, bao gồm mang thai, cho con bú và mãn kinh. Nguyên nhân phổ biến nhất gây vô kinh là mang thai và đây là điều đầu tiên cần được loại trừ trước khi đưa ra các chẩn đoán khác. Bên cạnh đó, một số loại thuốc hay một số bệnh lý tiềm ẩn khác có thể dẫn vô kinh.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của vô kinh

Bên cạnh việc không có kinh nguyệt, các triệu chứng khác kèm theo có thể gặp sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân dẫn đến vô kinh, bao gồm:

  • Tiết dịch núm vú giống sữa;
  • Rụng tóc;
  • Đau đầu;
  • Thay đổi tầm nhìn;
  • Lông mặt nhiều;
  • Đau vùng xương chậu;
  • Mụn.

Biến chứng có thể gặp khi mắc vô kinh

Có các bằng chứng rõ ràng cho thấy những người bệnh có kinh nguyệt không đều sẽ có nguy cơ cao bị gãy xương. Và vô kinh nếu không được điều trị có thể dẫn đến mật độ xương thấp hay loãng xương. Vô kinh cũng có thể phát triển các bệnh tim mạch (do thiếu estrogen), gặp khó khăn trong việc mang thai, vô sinh hoặc đau vùng chậu (nếu nguyên nhân là do các vấn đề cấu trúc).

Vô kinh là gì? Các nguyên nhân dẫn đến vô kinh và cách điều trị tình trạng này 4
Loãng xương là một trong những biến chứng của vô kinh

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bạn hãy nói chuyện với bác sĩ sản phụ khoa về các triệu chứng của bạn. Vô kinh có thể là một vấn đề y tế tiềm ẩn. Nếu không được điều trị, vô kinh có thể dẫn đến các biến chứng khác. Do đó, hãy đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị nếu bạn bị dừng kinh nguyệt trong 3 tháng mà không rõ nguyên nhân. Hoặc nếu trẻ gái không xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt ở tuổi 15, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được đánh giá vô kinh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến vô kinh

Các nguyên nhân có thể dẫn đến vô kinh nguyên phát bao gồm:

  • Các tình trạng bệnh lý di truyền chẳng hạn như hội chứng Turner hay tình trạng không nhạy cảm với androgen.
  • Các vấn đề ở não tại vùng dưới đồi hoặc tuyến yên.
  • Các vấn đề do sự phát triển của tử cung, âm đạo hoặc màng trinh.
  • Dậy thì muộn.

Khi kinh nguyệt dừng ở những phụ nữ đang có kinh và không mang thai, các nguyên nhân có thể bao gồm:

  • Trọng lượng cơ thể thấp (khoảng 10% so với cân nặng bình thường);
  • Giảm cân nhanh chóng;
  • Rối loạn ăn uống (ví dụ như chán ăn tâm thần);
  • Các vấn đề về não ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên như u tuyến yên;
  • Hội chứng đa nang buồng trứng (PCOS);
  • Vấn đề về tuyến giáp;
  • Suy buồng trứng nguyên phát (suy buồng trứng sớm);
  • Stress;
  • Các bệnh mạn tính khác như suy thận, bệnh viêm ruột (IBD).

Một số loại thuốc như thuốc tránh thai nội tiết tố có thể làm ngừng chu kỳ kinh nếu bạn sử dụng chúng.

Vô kinh là gì? Các nguyên nhân dẫn đến vô kinh và cách điều trị tình trạng này 5
Mang thai là một nguyên nhân bình thường dẫn đến vô kinh

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải vô kinh?

Bất cứ phụ nữ nào cũng có thể gặp tình trạng vô kinh. Vô kinh khá phổ biến với tỷ lệ khoảng 1 trong 25 phụ nữ sẽ bị vô kinh vào một thời điểm nào đó trong đời (không bao gồm phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc trải qua thời kỳ mãn kinh).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải vô kinh

Các yếu tố nguy cơ gây vô kinh bao gồm:

  • Tập thể dục quá mức;
  • Béo phì;
  • Rối loạn ăn uống;
  • Tiền sử gia đình vô kinh hoặc mãn kinh sớm;
  • Các thay đổi về mặt di truyền.
Vô kinh là gì? Các nguyên nhân dẫn đến vô kinh và cách điều trị tình trạng này 6
Tập thể dục quá mức là một trong những yếu tố nguy cơ dẫn đến vô kinh

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán và xét nghiệm vô kinh

Để chẩn đoán tình trạng vô kinh, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh trước khi khám cho bạn, việc khám có thể bao gồm khám vùng chậu và khám vú. Các câu hỏi bác sĩ có thể hỏi bạn để phục vụ cho chẩn đoán bao gồm:

  • Thời gian về kỳ kinh cuối cùng của bạn.
  • Chu kỳ kinh nguyệt trước đây của bạn.
  • Các bệnh lý gần đây mà bạn mắc phải (nếu có).
  • Tiền sử gia đình của bạn có người bị vô kinh không.
  • Các loại thuốc mà bạn đang sử dụng bao gồm cả thực phẩm chức năng và dược liệu.
  • Chế độ ăn uống và thói quen tập thể dục gần đây của bạn.
  • Tiền căn bệnh lý của bản thân bạn, bao gồm bệnh tim hoặc bệnh thận.

Các xét nghiệm nhất định mà bác sĩ có thể yêu cầu để đưa ra chẩn đoán xác định bao gồm:

  • Xét nghiệm máu kiểm tra beta hCG để loại trừ khả năng mang thai, bên cạnh đó xét nghiệm máu kiểm tra các hormone cũng cần cho việc chẩn đoán.
  • Xét nghiệm hình ảnh học gồm siêu âm vùng chậu, chụp cắt lớp vi tính tuyến thượng thận có thể được thực hiện để chẩn đoán.

Điều trị vô kinh

Nội khoa

Điều trị chủ yếu dựa vào nguyên nhân dẫn đến vô kinh. Nếu trẻ gái trải qua tuổi dậy thì muộn hơn bình thường một chút thì không cần điều trị.

Nếu vô kinh nguyên phát là do buồng trứng không sản xuất đủ estrogen, liệu pháp hormone có thể được sử dụng để tạo chu kỳ kinh nguyệt.

Trong trường hợp vô kinh thứ phát, điều trị cũng sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân, bao gồm:

  • Suy buồng trứng nguyên phát: Liệu pháp hormone thay thế estrogen và progesterone.
  • Hội chứng đa nang buồng trứng: Điều trị có thể bao gồm giảm cân và liệu pháp hormone.
  • Nguyên nhân khác: Bác sĩ phụ sản điều trị cho bạn có thể đề nghị bạn đến các chuyên khoa khác để điều trị một số tình trạng rối loạn ăn uống, các vấn đề về tuyến giáp hoặc các tình trạng khác.

Ngoại khoa

Một số trường hợp vô kinh có thể cần đến phẫu thuật. Ví dụ như một số bé gái sinh ra đã có những khác biệt về thể chất khiến chúng không thể ra kinh (có chu kỳ kinh nguyệt nhưng bị tắc trở không thể chảy ra) bao gồm màng trinh không thủng, vách ngăn âm đạo hoặc trẻ sinh ra không có tử cung. Trong các trường hợp đó, phẫu thuật có thể là cần thiết.

Vô kinh là gì? Các nguyên nhân dẫn đến vô kinh và cách điều trị tình trạng này 7
Liệu pháp hormone thay thế để tái lập chu kỳ kinh có thể được sử dụng để điều trị vô kinh

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt giúp hạn chế diễn tiến của vô kinh

Chế độ sinh hoạt: Hầu hết người bệnh vô kinh đều được hưởng lợi từ chế độ tập luyện thể dục lành mạnh. Bên cạnh đó, việc kiểm soát và giảm tình trạng căng thẳng cũng có thể giúp ích cho bạn.

Chế độ dinh dưỡng: Tương tự như tập luyện thể dục, một chế độ ăn uống lành mạnh cũng mang lại lợi ích cho hầu hết người bệnh vô kinh. Điều quan trọng là phải tiêu thụ đủ canxi và vitamin D để giúp ngăn ngừa loãng xương. Mục tiêu bổ sung là 600 đơn vị vitamin D và từ 1000 đến 1300 mg canxi mỗi ngày (lượng canxi khuyến nghị hàng ngày sẽ tùy thuộc vào độ tuổi của bạn). Nguồn thực phẩm bổ sung canxi tốt bao gồm các loại rau xanh lá đậm, thực phẩm từ sữa, cá hồi, cá mòi đóng hộp. Nguồn vitamin D tốt bao gồm sữa bổ sung vitamin D, cá béo như cá hồi.

Phòng ngừa vô kinh

Không phải mọi nguyên nhân dẫn đến vô kinh đều có thể ngăn ngừa được. Duy trì sức khỏe tổng thể tốt có thể hạn chế được một số nguyên nhân gây vô kinh thứ phát, bao gồm:

  • Thực hiện chế độ ăn kiêng và tập thể dục lành mạnh cho bạn, hạn chế tăng hoặc giảm cân nhanh chóng.
  • Chú ý đến chu kỳ kinh nguyệt của mình để bạn biết mình có bị trễ kinh hay không.
  • Khám phụ khoa định kỳ, bao gồm khám và làm xét nghiệm.
  • Duy trì giấc ngủ đầy đủ và đều đặn.

Các câu hỏi thường gặp về vô kinh

Tôi nên làm gì nếu tôi nghĩ mình bị vô kinh?

Nói chuyện với bác sĩ phụ khoa về các triệu chứng của bạn. Vô kinh có thể là dấu hiệu của một vấn đề y tế tiềm ẩn. Nếu không được điều trị, nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề khác, chẳng hạn như mật độ xương thấp và loãng xương. Bác sĩ sản khoa của bạn có thể giúp tìm ra nguyên nhân gây vô kinh và thảo luận về các lựa chọn điều trị cho bạn.

Ai nên cần được đánh giá về tình trạng vô kinh?

Các bé gái nên được đánh giá tình trạng vô kinh nguyên phát nếu không có kinh nguyệt ở tuổi 15. Các bé gái cũng cần được đánh giá nếu không có dấu hiệu phát triển vú ở tuổi 13.

Bất kể ở độ tuổi nào, bạn nên được đánh giá tình trạng vô kinh nếu chu kỳ kinh nguyệt của bạn dừng lại 3 tháng mà không giải thích được.

Vô kinh phải điều trị trong bao lâu?

Thông thường, chu kỳ kinh nguyệt của bạn sẽ quay trở lại nếu bạn được điều trị các nguyên nhân cơ bản. Tuy nhiên, khoảng thời gian điều trị có thể khá dài. Các phương pháp điều trị có thể không mang lại hiệu quả ngay lập tức, chu kỳ kinh nguyệt có thể cần vài tháng hoặc nhiều năm để ổn định. Đây có thể là khoảng thời gian khủng hoảng cho hầu hết phụ nữ vô kinh, do đó cần sự phối hợp và tuân thủ của bác sĩ và người bệnh để đạt được hiệu quả tốt nhất.

Tôi có cần phẫu thuật để điều trị vô kinh không?

Trong một số trường hợp có thể cần đến điều trị bằng phẫu thuật như các bất thường cấu trúc gồm màng trinh không thủng, vách ngăn âm đạo. Các trường hợp vô kinh do khối u tuyến yên cũng cần phải phẫu thuật.

Làm sao để tôi có thể theo dõi chu kỳ kinh nguyệt của mình?

Bác sĩ có thể yêu cầu bạn ghi nhận lại nhật ký về chu kỳ kinh nguyệt của mình, bao gồm:

  • Thời gian một chu kỳ kinh;
  • Kỳ kinh cuối cùng;
  • Các loại thuốc bạn đang sử dụng;
  • Thói quen tập thể dục;
  • Những vấn đề ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn, ví dụ như áp lực, căng thẳng trong cuộc sống hay công việc.
Nguồn tham khảo
  1. Amenorrhea: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK482168/
  2. Amenorrhea: Absence of Periods: https://www.acog.org/womens-health/faqs/amenorrhea-absence-of-periods
  3. Amenorrhea: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/amenorrhea/symptoms-causes/syc-20369299
  4. Amenorrhea: https://www.nichd.nih.gov/health/topics/amenorrhea
  5. Amenorrhea: https://emedicine.medscape.com/article/252928-overview
  6. Amenorrhea: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/3924-amenorrhea#prevention

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin

Các bệnh liên quan