Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Phát hiện bệnh sởi ở trẻ em để phòng tránh biến chứng nguy hiểm

Ngày 08/03/2023
Kích thước chữ

Sởi là bệnh nguy hiểm và có tốc độ lây lan nhanh. Bệnh nếu không được nhận biết và điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Đáng lo ngại là bệnh sởi thường xuất hiện ở trẻ em. Vì vậy, phụ huynh cần nắm rõ các dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để phát hiện sớm và hạn chế những vấn đề ảnh hưởng sức khỏe của bé.

Sởi là bệnh do virus gây ra, có khả năng lây lan nhanh chóng thành dịch. Bệnh sởi ở trẻ em tiến triển nhanh và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được nhận biết và điều trị sớm.

Thông tin về bệnh sởi

Bệnh sởi là gì?

Sởi là một bệnh truyền nhiễm do virus sởi gây ra, lây lan qua đường không khí. Đây là loại virus thuộc họ Paramyxoviridae, sức chịu đựng yếu, dễ bị tiêu diệt bởi các chất khử trùng thông thường hoặc ánh sáng mặt trời, nhiệt độ từ 56 độ C trở lên. Virus sởi có hai kháng nguyên:

  • Kháng nguyên Hemagglutinin (ngưng kết hồng cầu). 
  • Kháng nguyên Hemolysin (tan hồng cầu). 

Khi virus xâm nhập vào cơ thể sẽ kích thích sản sinh kháng thể. Kháng thể xuất hiện từ 2 - 3 ngày sau khi phát ban và tồn tại trong thời gian dài. Ở nước ta, bệnh sởi thường xảy ra vào mùa lạnh, mùa đông - xuân và thường gặp ở trẻ nhỏ. Tuy nhiên, các đợt bùng phát dịch sởi có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.

Phát hiện bệnh sởi ở trẻ em để phòng tránh biến chứng nguy hiểm 1 Sởi là một bệnh truyền nhiễm lây lan qua đường không khí do virus sởi gây ra

Dấu hiệu nhận biết bệnh sởi ở trẻ em

Dấu hiệu bệnh sởi ở người lớn và trẻ em phổ biến là sốt, phát ban, viêm đường hô hấp trên, viêm kết mạc. Bệnh sởi thường diễn biến qua các giai đoạn sau: 

  • Thời kỳ ủ bệnh: Khoảng 10 - 12 ngày, bệnh nhân không có biểu hiện nhưng đến ngày thứ 9 - 10 thì xuất hiện sốt nhẹ. 
  • Giai đoạn bắt đầu: Kéo dài 4 - 5 ngày. Đây là thời điểm dễ lây lan bệnh sởi. Các dấu hiệu thường gặp như mệt mỏi, nhức đầu, sốt, đau nhức cơ, hắt hơi, sổ mũi, khàn tiếng, ho có đờm hoặc tiêu chảy,... 
  • Giai đoạn phát ban: Cácnốt sởi bắt đầu xuất hiện sau tai rồi lan dần lên má, cổ, ngực và cánh tay và lan ra sau lưng và chân theo thời gian. Ban đầu ban sởi có màu hồng nhạt sau đó chuyển dần sang màu đỏ. 
  • Thời kỳ hồi phục: Các nốt ban sởi dần biến mất để lại trên da những nốt và mảng sậm màu.

Bệnh sởi ở trẻ em có lây không?

Sởi là bệnh do virus gây ra, tồn tại trong chất nhầy của mũi và cổ họng, có thể lây từ người này sang người khác khi hắt hơi, ho,... Vì vậy, bệnh sởi có thể lây lan nhanh và bùng phát dịch.

Ngoài ra, virus sởi có thể tồn tại trong không khí và trên các bề mặt đồ vật ngoài không khí khoảng 2 giờ. Vì vậy, khi trẻ chạm tay vào đồ vật có virus gây bệnh và đưa tay lên miệng, mũi thì vô tình đưa virus vào cơ thể. Trẻ em là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao và tình trạng bệnh có thể trở nên nghiêm trọng hơn vì:

  • Trẻ có hệ miễn dịch kém.
  • Trẻ chưa tiêm vắc xin sởi.
  • Trẻ dưới 12 tháng.
  • Mẹ mắc bệnh sởi khi mang thai.

Những biến chứng nguy hiểm của bệnh sởi 

Sởi là bệnh lành tính nhưng nếu không được nhận biết và điều trị sớm có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm sau: 

  • Viêm phế quản và viêm tai giữa cấp là những biến chứng thường gặp nhất. 
  • Viêm phổi nặng: Gồm các triệu chứng sốt cao, nghe phổi có tiếng ran, nhiễm trùng. 
  • Viêm não: Biến chứng hệ thần kinh trung ương có thể gây tử vong và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng. Biểu hiện gồm sốt cao, co giật, đái dầm về đêm, suy giảm ý thức thậm chí hôn mê. 
  • Biến chứng tiêu hóa: Viêm niêm mạc miệng, hơi thở có mùi hôi. Viêm ruột kèm tiêu chảy nặng. 
  • Loét giác mạc là biến chứng về mắt nguy hiểm có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn. 
  • Suy dinh dưỡng sau sởi.

Cách phòng ngừa và chăm sóc khi trẻ bị bệnh sởi

Phòng ngừa

Để bảo vệ trẻ khỏi những biến chứng không mong muốn do bệnh sởi thì phòng bệnh là biện pháp tốt nhất để bảo vệ sức khoẻ của trẻ, phụ huynh cần: 

  • Tiêm vắc xin: Tiêm vắc xin cho trẻ là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả và an toàn nhất. Mũi vắc xin đầu tiên nên tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, đến khi trẻ được 18 tháng tuổi thì tiêm mũi thứ hai. Ngoài ra, có thể tiêm muộn hơn mà không ảnh hưởng đến tác dụng của vắc xin. 
  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ: Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng diệt khuẩn, hạn chế trẻ đưa tay lên mắt, mũi, miệng. Ngoài ra, cần vệ sinh miệng, mũi, họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý.
  • Giữ vệ sinh môi trường: Ngoài việc vệ sinh nhà ở sạch sẽ, cần thường xuyên lau chùi các vật dụng trong nhà và sát trùng đồ chơi của bé.
  • Cách ly trẻ bệnh: Khi trẻ bị sởi, phải cách ly trẻ với các bé khỏe mạnh để hạn chế nguy cơ lây nhiễm.
Phát hiện bệnh sởi ở trẻ em để phòng tránh biến chứng nguy hiểm 2 Để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sởi và biến chứng cần tiêm vắc xin phòng ngừa đầy đủ

Cách chăm sóc

Nếu ba mẹ có thể chăm sóc và điều trị cho trẻ tại nhà thì cần tuân thủ những điều sau: 

  • Cách ly trẻ mắc bệnh sởi với những trẻ khác. 
  • Trẻ sốt trên 38.5 độ C phải uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ.
  • Khi chăm sóc trẻ cần đeo khẩu trang, sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ cần rửa tay với xà phòng.
  • Tắm rửa sạch sẽ cho trẻ hàng ngày. 
  • Giữ gìn vệ sinh nhà ở sạch sẽ, đảm bảo luôn thông thoáng, vệ sinh.
  • Nếu trẻ còn bú sữa mẹ thì cho trẻ bú nhiều hơn để tăng sức đề kháng. 
  • Chế biến thức ăn mềm, dễ tiêu hóa, hợp khẩu vị của bé.

Khi nào cần đưa trẻ bị sởi đến bệnh viện?

Nếu không được điều trị sớm, bệnh sởi có thể gây ra nhiều biến chứng nặng ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, nếu xuất hiện các triệu chứng sau, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện ngay.

  • Trẻ sốt cao không hạ (39 - 40°C);
  • Khó thở;
  • Trẻ mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy, không muốn chơi;
  • Nổi phát ban khắp người nhưng không có dấu hiệu hạ sốt.
Phát hiện bệnh sởi ở trẻ em để phòng tránh biến chứng nguy hiểm 3 Khi trẻ bị sởi kèm theo sốt cao, mệt mỏi, khó thở thì mẹ cần dưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức

Có thể thấy, bệnh sởi tiềm ẩn nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Vì vậy, ba mẹ cần nắm rõ dấu hiệu bệnh sởi ở trẻ để tiến hành cách ly và điều trị sớm. Cách phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh sởi và giảm thiểu những biến chứng tốt nhất là ba mẹ nên tiêm phòng sởi đầy đủ cho trẻ. 

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: hongngochospital.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin