Các triệu chứng ung thư buồng trứng có thể mơ hồ và thường khó phân biệt với các tình trạng khác ảnh hưởng đến phụ nữ. Đó là lí do vì sao cần đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa để tư vấn khi nhận thấy có bất kỳ triệu chứng nào.
Ung thư buồng trứng giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng. Các triệu chứng thường rất khó phát hiện và thường giống đau bụng hoặc chướng bụng, đó là lí do vì sao các bệnh nhân thường đến khám khi ung thư đã ở giai đoạn muộn, tiến triển nặng.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị ung thư buồng trứng, tuy nhiên việc phát hiện sớm ung thư sẽ giúp việc điều trị hiệu quả hơn. Vậy làm thế nào chúng ta có thể phát hiện sớm ung thư buồng trứng?
Theo dõi tiếp bài viết để tìm hiểu thêm về cách xác định các triệu chứng khác nhau có liên quan đến ung thư buồng trứng và các xét nghiệm sàng lọc có thể thực hiện nếu nghi ngờ ung thư buồng trứng.
Triệu chứng của ung thư buồng trứng giai đoạn sớm
Ung thư buồng trứng thường không dễ phát hiện vì trong giai đoạn đầu thường không có biểu hiện hoặc có thể có những biểu hiện với một số triệu chứng rất mơ hồ. Các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ hơn khi mà những tế bào ung thư đã di căn trong cơ thể, nhưng cũng có thể có các triệu chứng ở giai đoạn sớm.
Các dấu hiệu phổ biến nhất bao gồm đầy hơi, đau vùng chậu hoặc đau dạ dày, chán ăn, táo bón. Bạn cũng có thể cảm thấy cực kỳ mệt mỏi, đau lưng hay có thể sụt cân không rõ lý do.
Đừng quá lo lắng khi gặp những triệu chứng này vì có thể đó là dấu hiệu của một số bệnh lành tính khác. Tuy nhiên, bạn không nên bỏ qua những dấu hiệu, triệu chứng đó, bạn nên đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ chuyên khoa sớm để đánh giá, kiểm tra các triệu chứng bất thường.
Một điểm đáng chú ý là các triệu chứng do ung thư buồng trứng gây ra có xu hướng dai dẳng, xảy ra thường xuyên hơn và có cảm giác ngày càng nặng nề hơn. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ kịp thời nếu bạn nhận thấy một triệu chứng cụ thể nào đó trở nên nặng hơn và kéo dài hơn bình thường, đặc biệt nếu nó làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Ung thư buồng trứng được phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng sớm có thể được thực hiện với kết quả lâu dài tốt hơn.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào nêu trên, hãy đặt lịch hẹn để nói chuyện với bác sĩ. Hãy ghi lại tần suất các triệu chứng của bạn xảy ra và lưu ý xem chúng có tần suất ngày càng tăng hoặc trầm trọng hơn theo thời gian hay không, để bạn có thể chia sẻ những chi tiết này với bác sĩ.
Điều đặc biệt quan trọng là phải đi kiểm tra sàng lọc để phát hiện ung thư buồng trứng nếu tiền sử gia đình bạn có người cùng huyết thống mắc bệnh ung thư: Sản phụ khoa, đại trực tràng hoặc ung thư vú; hoặc có các yếu tố nguy cơ phát triển ung thư buồng trứng dưới đây.
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư buồng trứng bao gồm:
Di truyền;
Tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư buồng trứng, vú hoặc đại trực tràng;
Béo phì hoặc thừa cân;
Hút thuốc;
Tiền sử lạc nội mạc tử cung;
Có kinh sớm hoặc mãn kinh muộn;
Chưa bao giờ mang thai;
Vô sinh.
Phương pháp sàng lọc phát hiện ung thư buồng trứng
Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư buồng trứng dựa trên các triệu chứng bạn gặp phải, họ có thể thực hiện một số thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng chuyên sâu để chẩn đoán xác định. Dưới đây là một số phương pháp sàng lọc phát hiện ung thư buồng trứng:
Khám vùng chậu
Đây là bước thăm khám đầu tiên trong khám sức khỏe định kỳ, khám vùng chậu. Khám vùng chậu thường không đau. Trong quá trình khám, bác sĩ sẽ kiểm tra tình trạng của tử cung và buồng trứng. Họ cũng sẽ xem liệu bạn có bị tích tụ chất lỏng ở bụng hay phù, sưng chân hoặc có nổi hạch không.
Siêu âm vùng chậu
Siêu âm vùng chậu có thể được thực hiện qua âm đạo hoặc qua bụng phía trên của xương chậu của bạn. Đây là chẩn đoán hình ảnh trong đó bác sĩ sẽ sử dụng đầu dò siêu âm để kiểm tra tử cung, buồng trứng và vùng xương chậu để xem liệu có u, khối hoặc dịch bất thường nào trong ổ bụng hay không.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc MRI vùng chậu
Xét nghiệm này được sử dụng để kiểm tra thêm khối u buồng trứng và xác định xem có sự di căn lan rộng sang các tổ chức, tạng lân cận hay không, chẳng hạn như các hạch bạch huyết, mạc nối (mạc treo ở bụng), ruột hoặc hệ tiết niệu.
Xét nghiệm di truyền
Bác sĩ cũng có thể hỏi những câu hỏi liên quan đến gia đình bạn để kiểm tra xem gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh ung thư hay không. Vì một số bệnh ung thư buồng trứng có thể di truyền nên bạn có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu bạn có người thân thế hệ thứ nhất mắc bệnh ung thư buồng trứng, vú hoặc đại trực tràng. Trong những trường hợp như vậy, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm di truyền để tìm kiếm các đột biến di truyền. Đột biến là những thay đổi trong vật liệu di truyền của bạn làm tăng khả năng mắc một căn bệnh cụ thể.
Xét nghiệm máu CA-125
Cuối cùng, bác sĩ cũng có thể đề nghị xét nghiệm máu để tìm CA-125, một dấu hiệu của khối u buồng trứng. Xét nghiệm máu CA-125 được sử dụng để phát hiện các protein gọi là “kháng nguyên CA-125” có trong tế bào ung thư buồng trứng. Có các dấu hiệu khối u khác, chẳng hạn như CA 19.9, CEA, β-HCG và AFP, có thể tăng lên ở một số loại ung thư buồng trứng.
Mức độ CA-125 cao có thể báo hiệu sự hiện diện của ung thư buồng trứng. Tuy nhiên mức CA-125 tăng không có nghĩa là bạn bị ung thư. Nhiều tình trạng không phải ung thư như u xơ, lạc nội mạc tử cung và thậm chí mang thai cũng được biết là có thể làm tăng nồng độ CA-125. Nếu bác sĩ nghi ngờ ung thư buồng trứng, bác sĩ có thể đề nghị sinh thiết để xác nhận.
Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của ung thư buồng trứng có thể rất khó nhận biết nên khó phát hiện. Do đó, điều quan trọng là phải tìm hiểu những thông tin, rủi ro từ bác sĩ chuyên khoa. Dù bạn ở độ tuổi nào, bạn cũng cần đến gặp bác sĩ phụ khoa hằng năm để khám sức khỏe định kỳ. Khám sức khỏe định kỳ có thể giúp phát hiện sớm mọi tình trạng bệnh lý.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.