Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Sẹo lồi và sẹo phì đại khác nhau thế nào?

Ngày 30/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sẹo lồi và sẹo phì đại là hai trong số các loại sẹo rất thường gặp trên cơ thể. Vậy hai loại sẹo này khác nhau như thế nào? Có cách nào điều trị được hai loại sẹo này hay không? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây.

Sẹo lồi và sẹo phì đại không phải những tình trạng nguy hiểm nhưng lại gây ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ cho cuộc sống người mang sẹo, gây ra cảm giác tự ti, ngại giao tiếp. Vậy bản chất của hai loại sẹo này là gì? Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cơ bản nhất để bạn có thể phân biệt được hai loại sẹo này.

Nguyên nhân gây sẹo lồi và sẹo phì đại

Nguyên nhân gây sẹo lồi

Sẹo lồi (keloid) là loại sẹo được hình thành sau khi bị thương khoảng 6 tháng, là kết quả của quá trình tăng sinh collagen quá mức và tích tụ, làm vùng tổn thương nổi cao hơn bề mặt da. Vùng tổn thương trong quá trình lành sẽ phát triển và lan rộng hơn so với ban đầu, xâm lấn vùng da bình thường và hình thành sẹo lồi.

Sẹo lồi không bao giờ giảm theo thời gian, có màu hồng hoặc tím, bề mặt nhẵn, thường gây cảm giác ngứa, cảm giác căng cứng, cảm giác đau khi chạm vào, đặc biệt là vấn đề thẩm mỹ.

Sẹo lồi và sẹo phì đại khác nhau thế nào? 1 Sẹo lồi lan rộng, xâm lấn vùng da lành

Có thể bắt gặp sẹo lồi ở bất kì đâu trên cơ thể, nhưng vị trí thường thấy nhất là các vùng lưng, bả vai, dái tai và những vùng da căng.

Nguyên nhân gây sẹo phì đại

Sẹo phì đại (hypertrophic scar) là các vết sẹo nhô lên trên bề mặt da, có màu đỏ hồng. Tuy nhiên, sẹo phì đại chỉ giới hạn trong vùng bị tổn thương và không lan ra các vị trí xung quanh. Theo thời gian, sẹo phì đại thường có thể xẹp lại, mềm hơn nhưng khó có thể biến mất hoàn toàn và cần tới vài tháng để lành lặn như da bình thường.

Sẹo lồi và sẹo phì đại khác nhau thế nào? 2 Theo thời gian, sẹo phì đại thường có thể xẹp lại

Phân biệt sẹo lồi và sẹo phì đại

Sẹo lồi và sẹo phì đại đều được hình thành sau khi vùng da bị tổn thương như bỏng nặng, xăm, phẫu thuật, viêm nhiễm vết thương do côn trùng cắn… từ cấp độ II trở lên. Mặc dù có rất nhiều dấu hiệu chung nhưng đây là hai loại sẹo khác nhau.

Quá trình hình thành của cả 2 loại sẹo đều do tăng sinh nguyên bào sợi và sản sinh collagen quá mức. Chúng xuất hiện ở những vùng da tổn thương chịu áp lực cao như mặt, cánh tay, bả vai...

Dưới đây là một số điểm khác biệt giữa sẹo lồi và sẹo phì đại:

Thời gian xuất hiện sẹo

Có thể phân biệt sẹo lồi và sẹo phì đại bằng thời gian xuất hiện sẹo tính từ sau khi da bị tổn thương.

  • Sẹo phì đại: Xuất hiện ngay sau khi da bị tổn thương.
  • Sẹo lồi: Thường xuất hiện muộn, khoảng 6 tháng kể từ khi có tổn thương trên da.

Giới hạn của sẹo lồi và sẹo phì đại

Giới hạn trên da của sẹo lồi và sẹo phì đại có những điểm khác nhau nhất định:

  • Sẹo lồi: Thường phát triển vượt ra ngoài giới hạn của vết thương ban đầu, xuất hiện ở những vùng da lành. Chính vì lí do này, sẹo lồi có hình dáng rất đa dạng, không quyết định bởi giới hạn vết thương.
  • Sẹo phì đại: Thường phát triển nằm trong giới hạn của vết thương ban đầu. Do đó, sẹo phì đại có hình dáng theo hình dạng của vết thương.

Dấu hiệu đi kèm sẹo lồi và sẹo phì đại

Ở sẹo phì đại, vùng da bị sẹo chỉ nhô lên khỏi mặt da, không đi kèm bất cứ dấu hiệu nào khác. Trong khi đó, sẹo lồi gây cảm giác đau rát tại vị trí sẹo, ngứa ngáy xung quanh vết sẹo.

Sẹo lồi và sẹo phì đại khác nhau thế nào? 3 Sẹo lồi gây cảm giác đau rát, ngứa ngáy xung quanh vết sẹo

Một đặc điểm khác có thể phân biệt sẹo lồi và sẹo phì đại chính là: Sẹo phì đại mềm, màu đỏ hồng trong khi sẹo lồi căng cứng, sẫm màu hơn.

Bản chất quá trình hình thành sẹo

  • Sẹo lồi: Được hình thành do quá trình tăng sản xuất các collagen quá thừa, các nguyên bào sợi và tăng sinh mạch máu, sắp xếp không theo thứ tự.
  • Sẹo phì đại: Là quá trình tăng sinh nguyên bào sợi và sắp xếp một cách vô trật tự.

Khả năng phục hồi của sẹo lồi và sẹo phì đại

  • Sẹo lồi: Rất ít khi tự khỏi và tỉ lệ tái phát cao; khả năng đáp ứng với điều trị của sẹo lồi thường rất kém.
  • Sẹo phì đại: Trong một số trường hợp, sẹo phì đại có khả năng tự khỏi và có tỉ lệ tái phát thấp; khả năng đáp ứng với điều trị của sẹo phì đại thường tốt hơn so với sẹo lồi.

Phương pháp điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại

Có rất nhiều phương pháp có thể giúp khắc phục tình trạng sẹo lồi và sẹo phì đại, trả lại nét thẩm mĩ cho vùng da bị tổn thương của cơ thể. Sau đây là một số phương pháp trị sẹo phổ biến mà bạn có thể tham khảo:

Tiêm thuốc trị sẹo lồi và sẹo phì đại

Tiêm corticoidsteroids

Cơ chế tác dụng: Corticoidsteroids có tác dụng làm hạn chế sự tổng hợp collagen và glycosaminoglycan, ức chế tăng sinh nguyên bào sợi khi vùng mô sẹo hình thành. Phương pháp có mức độ thành công khá cao, tuy nhiên gần 40% điều trị bị tái phát sẹo.

Bên cạnh đó, có một số tác dụng phụ không mong muốn có thể gặp phải bao gồm: Đau khi tiêm, giãn mạch, rối loạn sắc tố, lắng đọng tinh thể tại vị trí tiêm...

Sẹo lồi và sẹo phì đại khác nhau thế nào? 4 Tiêm corticoidsteroids là phương pháp trị sẹo lồi và sẹo phì đại hiệu quả

Tiêm Interferon

Interferon alpha và gamma ức chế tổng hợp collagen loại I và III thông qua ức chế sự tổng hợp acid ribonucleic thông tin (mARN) nội bào. Đây là phương pháp thường được sử dụng như một biện pháp điều trị kết hợp với các phương pháp khác.

Tiêm Interferon có tác dụng phụ không mong muốn là: Tốn kém chi phí, triệu chứng giống cúm.

Tiêm Bleomycin

Cơ chế tác dụng: Hạn chế sự tổng hợp collagen nhờ thuốc có khả năng ức chế TGF –  β1 và lysyl oxidase.

Tác dụng phụ không mong muốn của phương pháp tiêm Bleomycin: Có thể gặp tăng sắc tố lạ, teo da...

Liệu pháp lạnh loại bỏ sẹo lồi và sẹo phì đại

Cơ chế: Liệu pháp tác động lạnh (sử dụng nitơ lỏng) vào vi tuần hoàn gây ra những biến đổi về huyết khối, chết tế bào do thiếu máu liên tục. Sẹo phì đại dễ điều trị bằng phương pháp này hơn so với sẹo lồi.

Tác dụng phụ không mong muốn của liệu pháp làm lạnh bao gồm: Đau khi tiêm, mất sắc tố.

Phẫu thuật điều trị sẹo lồi và sẹo phì đại

Phẫu thuật sẽ làm giãn sẹo, cắt đứt cắt bỏ vết sẹo ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, phương pháp này để lại sẹo ở vị trí phẫu thuật, không nặng như sẹo lồi và sẹo phì đại nhưng cũng gây mất thẩm mỹ.

Thường dùng để điều trị những sẹo phì đại kéo dài hơn 1 năm hoặc dưới 1 năm nếu ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ của cơ thể; điều trị vết sẹo lồi lớn cũng thành công nhờ phương pháp này. Sẹo lồi lớn thường thất bại với các phương pháp điều trị khác.

Bên cạnh những phương pháp nêu trên, còn một số phương pháp trị sẹo lồi và sẹo phì đại khác có thể kể đến như: Tiêm botulinum toxin A, điều trị bằng áp lực xạ trị, bôi silicone gel, thuốc bôi steroids… Tuy nhiên, các phương pháp này cho hiệu quả khá thấp.

Trên đây là những thông tin cơ bản giúp bạn phân biệt được sẹo lồi và sẹo phì đại cũng như các phương pháp điều trị hai loại sẹo này. Hy vọng bài viết trên có thể đem lại kiến thức hữu ích đối với bạn đọc. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe, đừng quên tiếp tục theo dõi Nhà Thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều kiến thức y khoa khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm