Sinh thiết vú là gì? Có bao nhiêu loại sinh thiết vú?
Ngày 26/06/2024
Kích thước chữ
Mặc định
Lớn hơn
Sinh thiết vú là một kỹ thuật y khoa quan trọng giúp xác định và đánh giá các khối u hoặc dị thường trong mô vú, nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm ung thư vú. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan về quy trình sinh thiết vú, các loại sinh thiết phổ biến và những điều cần lưu ý trước và sau khi thực hiện.
Sinh thiết vú là kỹ thuật quan trọng để tầm soát các trường hợp ung thư vú. Phương pháp này giúp bác sĩ phân biệt được khối u ở ngực của người bệnh là u lành tính hay u ác tính. Bài viết sau sẽ giúp bạn hiểu hơn về kỹ thuật sinh thiết vú cũng như giải đáp thắc mắc của bạn xung quanh vấn đề này.
Sinh thiết vú là gì?
Sinh thiết vú là kĩ thuật lấy mô từ khối u để đánh giá dưới kính hiển vi. Thủ thuật này thường được thực hiện trong các trường hợp nghi ngờ ung thư vú thông qua thăm khám hay kết quả chẩn đoán hình ảnh như siêu âm vú hay chụp X quang tuyến vú. Kết quả từ sinh thiết vú trong phòng xét nghiệm được sử dụng để chẩn đoán xác định ung thư vú, qua đó chỉ định phương pháp và cách thức điều trị phù hợp.
Các loại sinh thiết vú hiện nay
Hiện nay, có nhiều kĩ thuật sinh thiết vú khác nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định loại hình phù hợp dựa trên kích thước, vị trí và các đặc điểm khác của tình trạng bất thường ở vú.
Sinh thiết lập thể
Loại sinh thiết này sử dụng hình ảnh từ chụp quang tuyến vú để xác định vị trí của các khu vực nghi ngờ trong vú. Các chuyên gia sẽ dựa vào hình ảnh này để trích xuất mẫu mô và tiến hành thử nghiệm kiểm tra tế bào ung thư.
Sinh thiết có hướng dẫn siêu âm
Hình ảnh siêu âm của khối u sẽ giúp hướng dẫn kim đến vị trí chính xác của mẫu mô cần lấy sinh thiết. Người bệnh sẽ nằm ngửa hoặc nằm nghiêng trên bàn siêu âm trong thủ thuật này
Sinh thiết có hướng dẫn của MRI
Loại sinh thiết này sử dụng hình ảnh MRI, tạo ra hình ảnh 3D chi tiết. Trong quá trình thực hiện, bạn sẽ nằm sấp với ngực đặt vào một chỗ lõm trên bàn. Các hình ảnh 3D tạo ra từ máy tính có thể giúp hướng dẫn kim sinh thiết đến đúng vị trí của khối u vú hoặc khu vực đáng ngờ nhằm lấy mẫu mô.
Chọc hút tế bào bằng kim nhỏ
Đây là loại sinh thiết vú đơn giản nhất và có thể được sử dụng để đánh giá khối u trong trường hợp nghi ngờ hay sau khi được phát hiện bằng siêu âm vú. Thủ thuật được thực hiện bằng cách sử dụng một cây kim đầu nhỏ đâm vào khối u. Kim được gắn vào một ống tiêm nhằm thể lấy mẫu tế bào hoặc chất lỏng từ khối u.
Sinh thiết lõi hay sinh thiết vú bằng kim lớn
Trong sinh thiết lõi, khối u ở vú trước tiên được xác định bằng hình ảnh. Sau đó, chất gây tê cục bộ được tiêm xung quanh khối u. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường nhỏ trên da để có thể đưa kim dài hơn vào nhiều lần để lấy một số mô từ khối u ở vú. Phương pháp này có độ chính xác cao hơn phương pháp chọc hút bằng kim nhỏ vì nó lấy được nhiều mô hơn để đánh giá.
Sinh thiết hỗ trợ hút chân không
Sinh thiết hỗ trợ hút chân không (VAB) tương tự như sinh thiết lõi, nhưng sử dụng kim lớn hơn đưa vào vú của người bệnh. Thủ thuật dùng lực hút chân không để “cắt” và hút mẫu mô bệnh phẩm ra ngoài để làm xét nghiệm tế bào học. Quy trình này có thể còn được sử dụng để loại bỏ các khối u nhỏ ở vú thay vì chỉ lấy mẫu. Giống như sinh thiết lõi, VAB là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu, do đó hầu như không để lại sẹo.
Sinh thiết phẫu thuật mở
Sinh thiết phẫu thuật mở là cách thông thường để loại bỏ toàn bộ khối u vú và được thực hiện bằng hình thức gây mê toàn thân. Tuy thủ thuật này có thể để lại vết sẹo dài hơn nhưng lại hỗ trợ loại bỏ hoàn toàn các khối u vú lớn.
Tại sao phải thực hiện sinh thiết vú?
Sinh thiết tuyến vú giúp bác sĩ có chẩn đoán chính xác hơn về tình trạng khối u sau khi đã tiến hành thăm khám và quan sát các chẩn đoán hình ảnh kỹ càng. Ngoài ra, sinh thiết vú cũng được đánh giá là biện pháp hữu hiệu nhất để phân biệt khối u lành tính và khối u ác tính. Bên cạnh đó, nhận biết sớm được tình trạng của khối u có thể giúp bác sĩ đưa ra hướng điều trị hay xử trí phù hợp.
Các thắc mắc thường gặp của sinh thiết tuyến vú
Sinh thiết vú có đau không?
Thủ thuật sinh thiết vú hiện nay thường được tiến hành gây tê vừa đủ để người bệnh không phải trải qua quá nhiều cảm giác đau đớn trong quá trình thực hiện. Ngay cả với kỹ thuật sinh thiết tuyến vú bằng phẫu thuật, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường sau phẫu thuật.
Phần nào của ngực khó thực hiện sinh thiết nhất?
Các vùng quá cao ở nách và quá gần thành ngực là các vị trí khó lấy mẫu sinh thiết nhất của tuyến vú. Về mặt kỹ thuật, việc đặt kim vào đúng vị trí hoặc lấy đủ mẫu mô mà không làm tổn thương thành ngực hoặc da là một thách thức về mặt kỹ thuật.
Khi đó, sinh thiết vú có hướng dẫn siêu âm sẽ được ưu tiên hơn. Nếu không thể tìm thấy khối u vú bằng siêu âm thì sinh thiết phẫu thuật mở sẽ là phương pháp được lựa chọn tiếp theo.
Người bệnh có bị bầm, đau hay thay đổi màu da sau khi thực hiện sinh thiết không?
Bạn có thể gặp phải một số vết bầm tím sau khi sinh thiết vú nhưng tình trạng này sẽ hết sau khoảng 1 - 2 tuần. Ngực cũng sẽ hơi đau trong vòng 1 tuần sau đó nên cần hạn chế hoạt động gắng sức trong giai đoạn này. Bác sĩ có thể kê các loại thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol (acetaminophen) giúp thuyên giảm tình trạng này. Hãy báo ngay cho bác sĩ biết nếu tình trạng vú ngày một sưng không rõ lý do.
Sinh thiết vú bao lâu thì có kết quả?
Sau khi sinh thiết xong, các mẫu mô vú sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm ngay trong ngày. Các mô này cần được tiến hành nhuộm và quan sát dưới kính hiển vi cũng như thực hiện xét nghiệm hóa mô miễn dịch. Kết quả đánh giá có thể được trả về trong vòng 1 tuần sau đó.
Trên đây là những thông tin giúp bạn thêm thông tin về vấn đề sinh thiết vú là gì và có bao nhiêu loại sinh thiết vú. Sinh thiết vú là kỹ thuật an toàn và hiệu quả nhất trong việc chẩn đoán và sàng lọc ung thư vú ở phái nữ. Mức độ khó, cảm giác đau và thời gian thực hiện sinh thiết vú còn phụ thuộc vào kỹ thuật sinh thiết được lựa chọn thực hiện. Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ tiến hành gây tê hoặc gây mê toàn thân dựa trên mức độ khó của kỹ thuật sinh thiết. Chính vì thế, nếu nghi ngờ bản thân có yếu tố nguy cơ cao mắc ung thư vú, đừng ngần ngại đến cơ sở y tế gần nhất để tiến hành sàng lọc ung thư vú bằng sinh thiết nhé vì đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán xác định ung thư vú!
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Trên 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh cộng đồng – Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Trên 10 năm công tác trong lĩnh vực Chẩn đoán hình ảnh: X – Quang tổng quát và Siêu âm tổng quát. Hiện là giảng viên chính Chương trình đào tạo liên tục (CME) về An toàn Tiêm chủng của HCDC.