Hai nguyên nhân thường gây xuất huyết tiêu hóa là xuất huyết tiêu hóa do loét dạ dày tá tràng và xuất huyết tiêu hóa do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản. Cơ chế gây bệnh là khác nhau, xử trí chuyên sâu khác nhau nhưng về sơ cứu ban đầu thì cơ bản giống nhau.
Những điều cần biết về xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng chảy máu nghiêm trọng xảy ra khi máu thoát ra khỏi lòng mạch và chảy vào trong ống tiêu hóa. Đường tiêu hóa của chúng ta bao gồm:
-
Thực quản;
-
Dạ dày;
-
Ruột non;
-
Ruột già;
-
Trực tràng;
-
Hậu môn.
Xuất huyết tiêu hóa là sự chảy máu trong lòng ống tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa có thể xuất hiện ở bất kì cơ quan nào nêu trên. Vì thế, các bác sĩ chia ra làm 2 loại xuất huyết tiêu hóa:
-
Xuất huyết tiêu hóa trên: Khi có hiện tượng chảy máu ở vùng thực quản, dạ dày, tá tràng (phần đầu của ruột non).
-
Xuất huyết tiêu hóa dưới: Khi bệnh nhân bị xuất huyết ở các cơ quan còn lại phía dưới.
Tình trạng chảy máu đường tiêu hóa nếu không được can thiệp kịp thời sẽ có thể đe dọa tới tính mạng của bệnh nhân.
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa trên
-
Loét dạ dày: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây ra chảy máu đường tiêu hóa trên. Những vết lở loét phản triển ở niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng, chúng ăn mòn mao mạch tại đó và gây chảy máu. Thường xuyên dùng các loại thuốc chống viêm không chứa steroid (NSAID) hoặc các thuốc có tác dụng chống đông máu có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loét dạ dày. Ngoài ra, nhiễm trùng do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) cũng gây loét dạ dày tá tràng.
-
Giãn vỡ tĩnh mạch thực quản: Tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản có thể khiến chúng tăng áp lực, từ đó bị rách và chảy máu. Điều này thường xuất hiện ở bệnh nhân bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa do các bệnh lý về gan.
-
Tổn thương niêm mạc thực quản: Tình trạng này còn được gọi là hội chứng Mallory - Weiss thường có ở những người nôn mạnh, dữ dội và lặp lại nhiều lần.
-
Viêm dạ dày, tá tràng: Thường do vi khuẩn HP gây ra hoặc cũng có thể do lạm dụng NSAID và rượu.
-
Nuốt phải dị vật: Vô tình nuốt phải những dị vật không ăn được, dị vật cứng, sắc… có thể làm tổn thương đường tiêu hóa trên.
-
Khối u ống tiêu hóa trên: Các khối u do ung thư thực quản, ung thư dạ dày hay ung thư tá tràng có thể gây ra chảy máu do ăn sâu vào lớp dưới niêm mạc của đường tiêu hóa.
Nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa chia làm 2 nhóm là trên và dưới
Nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa dưới
-
Bệnh trĩ: Bệnh trĩ là một nguyên nhân rất phổ biến gây ra chảy máu tiêu hóa dưới, cụ thể là xuất huyết trực tràng. Trĩ là tình trạng các đám rối tĩnh mạch tại hậu môn bị giãn quá mức và tạo nên búi trĩ. Các tĩnh mạch này phình to có thể bị vỡ và gây ra chảy máu.
-
Bệnh nứt hậu môn: Bệnh này do có một số vết rách tại cơ thắt hậu môn, thường xuất hiện ở những người bị táo bón hoặc phân cứng.
-
Bệnh túi thừa: Đây là bệnh mãn tính mà có tình trạng thành ruột già nhô ra tại vị trí của các mạch máu và khiến chúng vỡ ra gây chảy máu.
-
Viêm đại tràng: Đây cũng là một nguyên nhân gây ra xuất huyết tiêu hóa dưới, nguyên nhân có thể do sự nhiễm trùng, ngộ độc thực phẩm, giảm lưu lượng máu trong đại tràng…
Ngoài những nguyên nhân phổ biến bên trên, còn rất nhiều các bệnh lí khác dẫn tới tình trạng xuất huyết tiêu hóa.
Triệu chứng xuất huyết tiêu hóa
Dưới đây là một số những dấu hiệu khả nghi chúng ta có thể nghĩ tới tình trạng xuất huyết tiêu hóa:
-
Đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, mệt mỏi.
-
Đi cầu ra máu: Phân người bệnh có thể có máu nhưng khi chảy máu ít, rỉ rả và thời gian dài thì thường khó phát hiện, máu dính theo phân hoặc chỉ đi ngoài ra máu, màu đen hoặc màu nâu. Nếu chảy máu nhiều và cấp tính thì phân có thể sẽ có màu đỏ tươi. Nhưng thường gặp nhất đó là đi cầu phân màu đen, dính giống nhựa đường, như bã cà phê.
-
Nôn: Dịch nôn có lẫn thức ăn và máu tươi hoặc máu đen, máu cục tùy vào số lượng máu chảy và thời gian chúng lưu giữ trong dạ dày.
-
Sốc, ngất xỉu: Hiện tượng xảy ra khi bệnh nhân mất quá nhiều máu. Triệu chứng đi kèm đó là da xanh nhợt nhạt, vã mồ hôi, chân tay lạnh toát, nhịp thở nhanh…
Nôn máu, đi ngoài phân máu, đau bụng thượng vị là dấu hiệu thường gặp của xuất huyết tiêu hóa
Sơ cứu xuất huyết tiêu hóa
Đối với người mắc bệnh ở thể nhẹ, chưa có tình trạng ngất xỉu, chúng ta cần thực hiện sơ cứu xuất huyết tiêu hóa như sau:
-
Bước 1: Đưa người bệnh nằm ở tư thế nằm nghiêng, tránh nôn, ho, dị vật sặc vào phổi, để đầu thấp và chân kê hơi cao. Không để người bệnh di chuyển vì có thể làm cho việc chảy máu nhanh và nhiều hơn.
-
Bước 2: Cho bệnh nhân bù nước điện giải vì việc nôn và đi cầu ra máu liên tục sẽ làm họ mất đi một lượng lớn các chất trên. Bệnh nhân nên được uống từ từ, tuyệt đối không uống nhanh.
-
Bước 3: Liên hệ bác sĩ hoặc đưa người bệnh tới cơ sở y tế nhanh chóng để chẩn đoán nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị sớm nhất, tránh những biến chứng xấu hơn.
Đối với trường hợp người bệnh ngất xỉu, sốc, toát mồ hôi, lạnh chân tay… chúng ta cần thực hiện quy trình như sau:
-
Bước 1: Lập tức gọi cấp cứu để kịp thời truyền dịch nhằm cải thiện tình trạng mất máu và chống sốc.
-
Bước 2: Chúng ta có thể di chuyển bệnh nhân nằm theo tư thế như sơ cứu xuất huyết tiêu hóa thể nhẹ.
-
Bước 3: Tiếp tục theo dõi tình trạng của bệnh nhân cho tới khi có hỗ trợ y tế tới.
Sơ cứu xuất huyết tiêu hóa quan trọng nhất là nhanh chóng gọi xe cấp cứu để bệnh nhân được điều trị thực thụ
Phòng tránh xuất huyết tiêu hóa
Chúng ta có thể phòng tránh xuất huyết tiêu hóa bằng việc phòng ngừa các bệnh về đường tiêu hóa, đặc biệt là viêm loét dạ dày tá tràng và xơ gan. Dưới đây là một số cách bạn nên tham khảo:
-
Thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
-
Tránh các đồ uống có cồn như rượu bia. Tránh ăn các thực phẩm khó tiêu như các đồ ăn chiên rán.
-
Ăn nhiều rau xanh và hoa quả sẽ giúp bổ sung chất xơ rất tốt cho đường tiêu hóa.
-
Nghỉ ngơi đầy đủ, tránh làm việc quá sức, căng thẳng kéo dài làm tăng nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
-
Không dùng lạm dụng kháng sinh, thuốc giảm đau và thuốc kháng viêm. Khi sử dụng cần có sự kê đơn của bác sĩ.
-
Thấy có các dấu hiệu khó chịu nên đi khám bác sĩ để mọi bệnh lý đều được phát hiện và giải quyết ở giai đoạn sớm nhất.
Ăn uống, sinh hoạt lành mạnh giúp phòng tránh nguy cơ nhiễm bệnh đường tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là một tình trạng phổ biến ở Việt Nam, đặc biệt nó đang có xu hướng trẻ hóa. Chúng ta có nhiều ngày để làm việc nhưng nếu bị bệnh thì những ngày đó sẽ chỉ có thể thực hiện trong bệnh viện. Hãy yêu thương và chăm sóc bản thân thật tốt bạn nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp