Răng khôn thường là chiếc răng cuối cùng phát triển, tại vị trí trong cùng của hàm răng. Quá trình mọc răng khôn diễn ra phổ biến trong độ tuổi từ 17 tới 25 tuổi. Khi trưởng thành, hàm răng của chúng ta đã định hình khiến việc mọc răng khôn có thể không thuật lợi gây tình trạng sưng nướu răng khôn. Hẳn nhiều bạn thắc mắc rằng sưng nướu răng khôn có tự khỏi không? Nếu trong trường hợp sưng mức độ nhẹ, bạn hoàn toàn có thể tự khắc phục tại nhà. Tuy nhiên, nếu tình trạng viêm sưng trở nặng, bạn cần tới gặp bác sĩ nha khoa để được thăm khám, điều trị.
Sưng nướu răng khôn do đâu?
Răng khôn hay còn gọi là răng số 8, thường mọc tại vị trí trong cùng của hàm răng. Răng khôn thường phát triển ở độ tuổi trưởng thành từ 17 tới 25 tuổi, tuy nhiên răng khôn có thể mọc ở bất kỳ thời điểm nào. Vì răng khôn thường “sinh sau đẻ muộn” nên thường gây nên các vấn đề răng miệng như răng khôn mọc lệch, mọc trồi gây sưng nướu răng khôn, viêm nhiễm chân răng…
Sưng nướu răng khôn dễ mắc phải trong quá trình mọc răng
Sưng nướu răng khôn có thể là phản ứng sinh lý bình thường khi răng khôn mọc đâm vào nướu để trồi lên, gây sưng nướu và tạo cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, sưng nướu răng khôn cũng có thể gây ra do các tình trạng bệnh lý dưới đây:
Viêm lợi gây sưng nướu răng khôn
Viêm lợi hay viêm nướu chân răng có thể xảy ra ở bất cứ răng nào, bao gồm răng khôn. Viêm lợi gây ra do vi khuẩn xâm nhập gây viêm nhiễm vùng mô mềm và tổ chức quanh chân răng. Đặc trưng bởi các cơn đau buốt ở vị trí tổn thương, sưng nề, tấy đỏ kèm tình trạng hôi miệng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển thành các biến chứng như viêm nha chu, tổn thương cấu trúc chân răng gây rụng răng.
Răng không là vị trí dễ bị viêm lợi. Răng khôn cần phát triển trong thời gian dài, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào nướu răng, làm ổ tại kẽ răng khôn. Ngoài ra, thức ăn dễ bị kẹt tại vị trí trong cùng của hàm răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây bệnh.
Sưng nướu do răng khôn mọc lệch
Răng khôn thường gặp tình trạng mọc lệch khỏi vị trí do bị xô đẩy bởi răng đã mọc trước đó. Điều này khiến quá trình mọc răng khôn bị ức chế, kéo dài gây sưng nướu răng. Đồng thời, răng khôn mọc sai vị trí khiến thức ăn, chất cặn bã dễ mắc kẹt, tạo môi trường thúc đẩy vi khuẩn phát triển gây sâu răng, viêm lợi.
Hơn thế, răng khôn mọc lệch sẽ xô đẩy hàm răng gây đau nhức răng kéo dài, ảnh hưởng tới độ khít của hàm răng. Từ đó, răng khôn mọc lệch sẽ gây khó khăn cho việc vệ sinh răng miệng cũng như tăng nguy cơ viêm nhiễm khoang miệng, đồng thời gây mất thẩm mỹ.
Răng khôn mọc lệch tăng nguy cơ nhiễm khuẩn răng miệng
Khối u xương hàm
Khối u ở vị trí xương hàm hiếm gặp nhưng cũng có thể là nguyên nhân gây sưng nướu răng khôn. Khối u phát triển tại xương hàm sẽ gây tổn thương mô mềm ở khoang miệng, mặt và xương hàm.
Bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị dựa trên nguyên nhân, bản chất khối u và mức độ tổn thương. Phương pháp điều trị thường là phẫu thuật để loại bỏ khối u nếu khối u lành tính. Trong trường hợp khối u ác tính, người bệnh sẽ cần can thiệp thêm các phương pháp trị liệu khác.
Điều trị sưng nướu răng khôn
Chữa sưng nướu răng khôn tại nhà
Với tình trạng sưng nướu mức độ nhẹ, bạn có thể làm giảm các triệu chứng bằng những nguyên liệu trong căn bếp của mình. Lưu ý cách áp dụng này không tiêu diệt triệt để mầm bệnh mà chỉ làm giảm nhẹ các triệu chứng đau nhức, viêm sưng chân răng, giúp bạn sinh hoạt thoải mái hơn. Một số cách có thể áp dụng:
Tráng miệng bằng mật ong: Mật ong với tính chống viêm, kháng khuẩn tốt ngăn vi khuẩn phát triển trong kẽ răng. Đồng thời, nhờ cấu trúc đặc nhớt, tráng miệng bằng mật ong loại bỏ mảng bám, cặn thức ăn hiệu quả.
Trà xanh: Trà xanh là một loại kháng sinh tự nhiên ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Bạn có thể dùng túi trà xanh đã ủ nước sôi, để độ ấm vừa phải và ngậm trong miệng từ 10 tới 15 phút, cơn đau nhức sẽ giảm bớt hiệu quả.
Súc miệng nước muối: Đây là cách đơn giản mà lại vô cùng hiệu quả giúp trị sưng nướu răng. Bạn nên súc miệng nước muối thường xuyên, sau các bữa ăn, vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng thức dậy. Nhờ đặc tính sát khuẩn đi khắp mọi ngóc ngách trong khoang miệng giúp loại bỏ vi khuẩn, mầm bệnh cùng những mảng bám cứng đầu.
Ngoài ra, bạn có thể thay nước muối bằng nước súc miệng chuyên dụng có chứa các thành phần có tính kháng khuẩn như chlorhexidine, hexetidin, zinc gluconate, chlorine dioxide…
Súc miệng nước muối làm giảm sưng nướu răng khôn
Nhổ răng khôn
Nếu sưng nướu do răng khôn bị mọc lệch, mọc trồi hoặc do tình trạng bệnh lý răng miệng khác, nha sĩ có thể sẽ chỉ định nhổ răng. Nhổ răng khôn là một thủ thuật nhanh chóng, người bệnh có thể về nhà trong ngày và sinh hoạt bình thường sau vài ngày. Sau phẫu thuật, người bệnh có thể đau nhức, sưng nhẹ và chảy máu vị trí mổ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn kỹ càng những vấn đề cần chú ý, kiêng khem cũng như các loại thuốc và liều lượng giúp giảm đau và giảm sưng nề.
Phòng ngừa sưng nướu răng khôn
Để phòng ngừa tình trạng sưng nướu răng khôn, bạn có thể áp dụng một số thói quen nhỏ sau đây:
-
Chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ, súc miệng thường xuyên và đánh răng 2 lần mỗi ngày, mỗi lần đánh răng kéo dài ít nhất 2 phút.
-
Tránh các loại thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường, chứa chất kích thích sẽ gây yếu men răng, xỉn màu răng.
-
Cạo vôi răng định kỳ 6 tháng/lần tại các cơ sở nha khoa uy tín.
-
Nếu bạn sử dụng các loại thuốc gây khô miệng như thuốc dị ứng kháng histamin, các loại thuốc chống trầm cảm, một số nhóm thuốc kháng sinh, bạn nên uống nước nhiều hơn giúp khoang miệng được rửa thường xuyên.
-
Không tự ý sử dụng hay lạm dụng các loại thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ, tránh gặp phải tác dụng không mong muốn.
Vệ sinh răng miệng đúng cách ngăn ngừa sưng nướu răng khôn
Trên đây là bài viết của nhà thuốc Long Châu về câu hỏi “Sưng nướu răng khôn có tự khỏi không?”. Hy vọng với bài viết, bạn có thể biết được những thông tin cơ bản về chủ đề này. Sưng nướu răng khôn là tình trạng phổ biến trong quá trình mọc răng. Nếu sưng nướu mức độ nhẹ, bạn có thể thực hành mẹo giúp giảm cơn đau nhức, sưng nóng ngay tại nhà. Ngược lại, nếu hiện tượng sưng nướu chân răng khôn ngày càng nặng, bạn cần sự can thiệp kịp thời của bác sĩ.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp