Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thai máy là gì? Dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết thai máy

Ngày 22/10/2022
Kích thước chữ

Thai máy là gì? Đây không còn là một khái niệm mới mẻ nhưng không phải mẹ bầu nào cũng biết và tìm hiểu rõ về nó. Tuy nhiên, đây là một kiến thức quan trọng và các mẹ bầu cần tìm hiểu và trang bị cho mình, đặc biệt là lần đầu mang thai.

Thai máy không chỉ là giúp mẹ cảm nhận được mầm sống đang lớn lên từng ngày trong bụng mình mà nó còn thước đo để theo dõi sức khỏe của thai nhi. Vậy, thai máy là gì? Những dấu hiệu nào giúp mẹ bầu nhận biết thai máy. Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu nhé!

Thai máy là gì?

Thai máy được hiểu là những cử động của thai nhi trong suốt quá trình lớn lên trong bụng mẹ, đó có thể là khua tay chân, đạp chân, vặn mình, vươn vai... Theo quan sát và theo dõi của các chuyên gia, từ tuần thứ 7 hoặc tuần thứ 8 của thai kỳ, thai nhi đã bắt đầu có những cử động thân mình.

Thai máy là gì? Dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết thai máy 1 Thai máy là gì không phải mẹ bầu nào cũng biết

Tuy nhiên, bào thai lúc này còn quá nhỏ nên mẹ chưa thể cảm nhận được các cử động yếu ớt này. Khi thai kỳ đến tuần thứ 16 - 17 (đối với phụ nữ mang thai từ lần thứ 2) hay từ tuần thứ 20 (đối với phụ nữ mang thai lần đầu) thì những cử động của thai nhi có thể rõ rệt hơn và mẹ bầu đã có thể cảm nhận được một cách dễ dàng. Vì vậy, đây cũng là thời điểm mẹ bầu có sự thay đổi về mặt cảm xúc.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào vị trí nhau thai thì thời điểm cảm nhận được thai máy ở mỗi mẹ bầu cũng khác nhau. Mẹ có thể sẽ cảm nhận được các chuyển động của thai nhi muộn hơn so với bình thường trong trường hợp nhau thai bám ở mặt trước bụng.

Dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết thai máy

Các mẹ đã hiểu thai máy là gì, vậy làm thế nào để nhận biết được thai máy. Mỗi mẹ bầu sẽ có những cảm nhận riêng về thai máy. Không những thế, tại mỗi thời điểm của thai kỳ hay sức khỏe của cả mẹ và bé sẽ đều đưa lại những cảm nhận khác nhau trên cơ thể người mẹ.

Có những mẹ bầu, khi thai nhi cử động trong bụng nhưng mẹ chỉ cảm thấy như có gì đó đang sôi lục bục trong bụng hay bướm bay trong bụng, nhưng cũng có những thời điểm thai nhi đạp rõ ràng, bụng trồi lên cả dấu vết bàn chân nhỏ của em bé.

Thai máy là gì? Dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết thai máy 2 Cảm nhận và quan sát thai máy là niềm hạnh phúc của mẹ bầu

Khoảng từ tuần thứ 7 - 8 của thai kỳ, mẹ bầu sẽ khó có thể cảm nhận được những cử động rất nhỏ bé của thai nhi. 

Từ tuần thứ 16 - 22 của thai kỳ, thai nhi bắt đầu có những biểu hiện rõ ràng. Mẹ có thể cảm nhận được thai máy là những cú đạp chân hay vươn vai của bé. Mỗi ngày, số cử động trung bình của thai nhi 16 - 45 lần và khoảng cách giữa mỗi lần cử động của bé là 50 - 75 phút. Thời gian em bé ngủ thường là 20 - 40 phút và thường không ngủ quá 90 phút. Lúc này, mẹ cũng sẽ không cảm nhận được thai máy.

Từ tuần thứ 30 - 38 của thai kỳ, những cử động của thai nhi biểu hiện rõ rệt nhất. Thời điểm này, mẹ có thể cảm nhận rõ ràng được gần như tất cả những cử động toàn thân của em bé như những cú đạp, xoay trở mình, vung tay… Nhiều mẹ bầu khá thích thú và hạnh phúc khi thấy bụng mình liên tục nhô lên rồi trở lại bình thường sau những lần chuyển động của con.

Tuy nhiên, đến những tháng cuối của thai kỳ, các mẹ nên quan sát cẩn thận và kỹ lưỡng hiện tượng thai máy và những cơn gò của tử cung. Thông thường, mẹ chỉ cảm nhận được thai máy ở một vùng bụng nhưng cơn gò của tử cung sẽ làm toàn bộ vùng bụng của mẹ bầu cứng lên. Gặp dấu hiệu này, mẹ cần đi đến cơ sở y tế để thăm khám ngay.

Thai máy là gì? Dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết thai máy 3 Thai nhi đã có những cử động thân mình từ tuần thứ 7 - 8 của thai kỳ

Dấu hiệu thai máy ở mỗi người là khác nhau và đây là cách tốt nhất để mẹ cảm nhận được sự phát triển cũng như theo dõi sức khỏe của con trong bụng mình. Nếu em bé thường xuyên cử động và đều đặn thì các mẹ cũng có thể yên tâm vì con mình đang phát triển tốt và khỏe mạnh.

Những bất thường của thai máy là gì?

Thai máy là hiện tượng bình thường của thai nhi mà bất kỳ bà mẹ nào cũng sẽ trải qua trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, hiện tượng này có thể đi kèm các biểu hiện khác nhau, vì vậy các mẹ cần lưu ý những biểu hiện bình thường sau để có thể phát hiện được các bất thường của thai máy:

  • Thai máy nhiều hơn sau các bữa ăn của mẹ.
  • Thai nhi phản ứng lại với những tác nhân bên ngoài bụng mẹ.
  • Thai nhi thường có thời gian cử động cố định vào buổi sáng, giữa trưa và chiều tối.
  • Thai máy bình thường khi có nhiều hơn 4 cử động trong 30 phút và 3 lần trong 1 ngày.
  • Nếu thai nhi cử động ít hơn 4 lần, mẹ nên đi nằm và đếm cử động của thai trong 1 giờ hay từ 2 - 4 giờ.
  • Nếu trong 1 giờ có hơn 4 cử động thai nhi thì em bé khỏe mạnh.
  • Nếu trong 4 giờ có hơn 10 cử động thai nhi, mẹ hãy tiếp tục đếm cử động thai 3 lần trong một ngày như trước (em bé vẫn khỏe mạnh).

Để phát hiện những bất thường của thai máy, mẹ nên theo dõi thai máy vào những thời điểm sau:

  • Thời điểm đếm cử động của thai tốt nhất là sau khi ăn no.
  • Nên đếm thai máy 2 - 3 lần mỗi ngày vào những giờ cố định để so sánh và phát hiện được những thay đổi dễ dàng hơn.
  • Trước khi đếm thai máy, mẹ nên đi tiểu để làm trống bàng quang. Mẹ hãy đặt tay lên bụng để cảm nhận rõ hơn về những cử động của thai.
  • Đếm số lần thai máy trong 1 giờ.
Thai máy là gì? Dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết thai máy 4 Theo dõi thai máy có thể giúp mẹ nhận biết những bất thường của thai nhi

Thông thường, nếu thai nhi khỏe mạnh sẽ có từ 4 đợt cử động trong 1 giờ, tiếp tục theo dõi trong 2 giờ tiếp theo thấy thai máy ít hơn 10 lần thì đây có thể báo hiệu dấu hiệu bất thường của bé. Những dấu hiệu bất thường mẹ có thể cảm nhận rõ nhất là: Thai máy quá nhiều, thai máy dừng đột ngột, người mẹ xuất hiện một số triệu chứng bệnh lý. Lúc này, mẹ cần đi thăm khám để có thể chẩn đoán những bất thường của thai và có những phương pháp can thiệp, xử lý kịp thời.

Hy vọng thông qua bài viết, các mẹ đã hiểu thai máy là gì và dấu hiệu giúp mẹ bầu nhận biết thai máy, từ đó mẹ có thể chủ động theo dõi sự phát triển cũng như sức khỏe của con yêu. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết của Nhà thuốc Long Châu!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin