Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em và cách ngừa bệnh

Ngày 29/09/2017
Kích thước chữ

Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em khá phổ biến, có đến 51% trẻ có nguy cơ mắc bệnh này. Nó gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển trí não trẻ mà

Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em khá phổ biến, có đến 51% trẻ có nguy cơ mắc bệnh này. Nó gây ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển trí não trẻ mà không ai muốn.

Thế nào là thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em?

Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em là hiện tượng thiếu máu do thiếu một hay nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình tạo máu như chất đạm, sắt, axit folic, vitamin B12, B6 hay vitamin C,…

Trong đó, thiếu máu do thiếu sắt là bệnh thiếu máu dinh dưỡng thường gặp nhất ở nước ta. Bệnh tiến triển âm thầm, không có dấu hiệu nhận biết rõ rệt cũng như dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường khác. Thường khi phát hiện ra, bệnh đã ở giai đoạn nặng và điều này sẽ gây nên những ảnh hưởng khó lường cho sức khỏe cũng như sự phát triển về thể chất lẫn tinh thần cho trẻ về sau này.

Các dấu hiệu để nhận biết thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em

Dấu hiệu sớm:

  • Mệt mỏi, ít hoạt động, hay quấy khóc, ăn kém, dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn.
  • Hay hoa mắt, chóng mặt, kém tập trung, hay đau đầu, buồn ngủ.

Giai đoạn muộn:

  • Thiếu máu xuất hiện từ từ, da xanh, niêm mạc nhợt.
  • Thiếu máu ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể: hệ thần kinh, tim mạch, hệ miễn dịch, nội tiết…
Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em và cách ngừa bệnh 1
Trẻ ăn kém, mệt mỏi, ít hoạt động là dấu hiệu sớm của thiếu máu dinh dưỡng.

Hậu quả của thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em là gì?

  • Trẻ biếng ăn, chậm lớn.
  • Hệ miễn dịch suy yếu.
  • Ảnh hưởng đến chỉ số thông minh (IQ), kết quả học tập kém.

Tại sao bé bị thiếu máu dinh dưỡng?

  • Do cung cấp thiếu chất: trường hợp này thường gặp ở trẻ thiếu sữa mẹ, trẻ đẻ non, sinh đôi, bữa ăn của trẻ thiếu đạm và vi chất dinh dưỡng.
  • Do nhu cầu dinh dưỡng cao: trẻ dưới 2 tuổi, tuổi dậy thì là giai đoạn phát triển nhanh, cần nhiều chất bổ sung kịp với sự phát triển của trẻ.
  • Do hấp thu dinh dưỡng kém: khi trẻ bị bệnh mạn tính đường tiêu hóa, gây khó khăn trong việc tiếp nhận các chất vào cơ thể.
  • Mất máu mạn tính: khi trẻ bị các bệnh như nhiễm giun, loét dạ dày tá tràng hay polyp ruột gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc thiếu máu dinh dưỡng của bé.
Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em và cách ngừa bệnh 2
Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý để phòng bệnh

Cần phải làm gì để phòng bệnh thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em?

  • Bổ sung sắt và đa vi chất dinh dưỡng cho các đối tượng có nguy cơ thiếu máu cao: phụ nữ mang thai, bà mẹ cho con bú trong 2 tháng đầu, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và trẻ em.
  • Với những trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, trẻ sinh nhẹ cân nên đi khám và điều trị thiếu máu sớm.
  • Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và ăn bổ sung hợp lý.
  • Đa dạng hóa bữa ăn: cần cung cấp đủ các thực phẩm giàu sắt có nguồn gốc động vật, thực phẩm giàu vitamin C.
  • Phòng chống bệnh nhiễm trùng, nhiễm giun sán, tiến hành tẩy giun định kỳ khi trẻ 2 tuổi.

Các thực phẩm nào giàu chất sắt cho trẻ?

  • Sữa mẹ, đặc biệt trong 6 tháng đầu.
  • Các món ăn giàu sắt: Trứng, thịt bò, cá, gan, tim, bầu dục, tiết, các loại đậu đỗ…
Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em và cách ngừa bệnh 3
Bổ sung sữa và thực phẩm giàu sắt và các vi chất dinh dưỡng.

Thiếu máu dinh dưỡng ở trẻ em dẫn đến kém phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ. Mẹ nên quan tâm và lưu ý đến sức khỏe của bé nhiều hơn. Cùng với đó, bà bầu thiếu máu cần phải có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, nghỉ ngơi hợp lí và uống bổ sung viên sắt để phòng ngừa thiếu máu cho cả mẹ và con.

Nguyệt Hằng

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin