Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Thời gian rụng rốn ở trẻ sơ sinh và những điều mẹ cần lưu ý

Ngày 17/10/2021
Kích thước chữ

Sau sinh, khoảng bao lâu thì trẻ rụng rốn? Dấu hiệu rụng rốn là gì và mẹ cần phải lưu ý những gì? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm lời giải đáp cho những vấn đề này nhé!

Dây rốn là điểm gắn kết giữa mẹ và bé mà còn là nguồn sống của thai nhi trong suốt thời gian 9 tháng 10 ngày ở trong bụng mẹ. Với chiều dài khoảng 50cm, dây rốn đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền chất dinh dưỡng và oxy. Đồng thời, giúp đào thải những chất thải từ bào thai qua nhau thai vào máu mẹ. Vậy sau khi chào đời, thời gian rụng rốn ở trẻ sơ sinh là bao lâu và cần phải lưu ý những điều gì? Cùng tìm lời giải đáp trong bài viết dưới đây nhé!

Thời gian rụng rốn ở trẻ sơ sinh thường là bao lâu?

Thời gian rụng rốn ở trẻ sơ sinh là bao lâu? Đây là thắc mắc phổ biến của các mẹ khi mang thai. Thường thì sau khi chào đời, bé sẽ rụng rốn trong khoảng từ 5 – 15 ngày, trung bình là 8 – 10 ngày.

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bé rụng rốn sớm hơn hoặc trễ hơn, nhất là đối với những bé con đầu lòng hoặc bé sinh non thường sẽ rụng rốn khá muộn. Chính vì vậy, nếu quá thời gian trên mà trẻ vẫn chưa rụng rốn thì mẹ cũng không cần phải quá lo lắng mà tự ý tác động. Thay vào đó, mẹ nên kiên nhẫn chờ cuống rốn rụng tự nhiên.

thoi-gian-rung-ron-o-tre-so-sinh-va-nhung-dieu-me-can-luu-y

Thời gian rụng rốn ở trẻ sơ sinh thường là bao lâu

Cách chăm sóc rốn trẻ sơ sinh trước khi rụng

Ở những ngày đầu mới sinh, rốn của trẻ sơ sinh thường sẽ có màu vàng, sáng bóng. Sau vài ngày, cuống rốn khô và dần phải chuyển sang màu nâu, đen xám hoặc màu xanh rồi rụng dần. Trước khi rốn của trẻ rụng tự nhiên, các mẹ bầu cần phải lưu ý một số vấn đề sau khi chăm sóc rốn của trẻ:

  • Giữ cuống rốn của của trẻ luôn khô thoáng, sạch sẽ bằng cách cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, gấp tã xuống dưới rốn để rốn được hở và thường xuyên được tiếp xúc với không khí. Điều này sẽ giúp cuống rốn nhanh khô và tránh bị ẩm ướt khiến vi khuẩn có điều kiện xâm nhập.
  • Không vệ sinh cuống rốn cho trẻ bằng xà phòng hoặc cồn 70 độ. Khi tắm cho trẻ, cần phải tránh để cuống rốn tiếp xúc với nước và xà phòng. Bởi nó dễ gây ẩm ướt và viêm nhiễm. Nếu rốn của trẻ có dịch nhầy hoặc rỉ máu, mẹ có thể dùng bông tăm hoặc khăn vải mềm để lau nhẹ cho trẻ.
  • Tuyệt đối không được tự ý tác động vào cuống rốn của trẻ, ngay cả khi thấy cuống đã sắp rụng. Việc tự ý bứt cuống rốn của trẻ sơ sinh trước thời gian cần thiết có thể gây ra chảy máu, thậm chí là nhiễm trùng.

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh sau rụng rốn

Sau khi cuống rốn rụng, trẻ sẽ mất khoảng 7 – 10 ngày để rốn lành hẳn. Trước khi rốn lành, bạn cần phải giữ rốn của trẻ sạch sẽ và khô ráo:

  • Sử dụng khăn mềm thấm với nước lau nhẹ chất bẩn hoặc phần dịch chảy ra, tránh sử dụng xà phòng, cồn hoặc bất kỳ dung dịch nào khác.
  • Thường xuyên để rốn tiếp xúc với không khí sẽ giúp nhanh lành hơn. Mẹ nên cho trẻ mặc đồ mát mẻ, thông thoáng, tã phải nằm dưới rốn để tránh bị nhiễm bẩn từ phân và nước tiểu.
  • Tuyệt đối khống sử dụng băng hay bất kỳ vật gì băng rốn lại.
  • Khi tắm cho trẻ, mẹ nên tránh để rốn tiếp xúc quá lâu với nước. Và nên lau thật khô sau khi tắm.
  • Khi trẻ sơ sinh rụng rốn thường sẽ có một ít máu chảy ra, điều này là hoàn toàn bình thường. Ngoài ra, bạn cũng có thể thấy mô sẹo màu hồng hoặc một chút dịch màu vàng bên trong.

thoi-gian-rung-ron-o-tre-so-sinh-va-nhung-dieu-me-can-luu-y-2

Cách chăm sóc trẻ sơ sinh sau rụng rốn

5 dấu hiệu xuất hiện ở rốn trẻ sơ sinh mà mẹ cần lưu ý

Về cơ bản, rất hiếm khi trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng rốn. Theo thống kê, trong khoảng 200 trẻ thì chỉ có 1 trẻ bị nhiễm trùng rốn và các vùng xung quanh. Tuy nhiên, bạn vẫn nên chú ý theo dõi và để ý 5 dấu hiệu nhận biết để có cách xử lý kịp thời: 

  • Rốn bị sưng đỏ, chảy máu nhiều và dai dẳng (sau khoảng 10 phút đè ép vẫn còn chảy máu hoặc chảy máu hơn 3 lần/ngày).
  • Trên chân rốn sau khi rụng xuất hiện một mảnh mô màu đỏ, có thể chảy dịch vàng. Đây có thể là dấu hiệu của u hạt rốn, mẹ cần phải đưa trẻ đi khám để có cách điều trị phù hợp.
  • Rốn rỉ dịch hoặc bị ẩm, có ít mủ trên bề mặt. Đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng hoặc các bệnh lý khác như u hạt rốn, ống niệu rốn…
  • Rốn không rụng sau 3 tuần, trẻ có triệu chứng như sốt, bỏ bú, quấy khóc khi chạm vào rốn, ngủ nhiều, cuống rốn hoặc vùng xung quanh rốn sưng phồng, chảy mủ và có mùi hôi.

Trẻ sơ sinh vặn mình bị lồi rốn có sao không?

Trong một số trường hợp, sau khi rụng rốn thì thường sẽ xuất hiện một khối phồng bên ngoài thành bụng tại vị trí lỗ rốn. Khi trẻ khóc, vặn người thì sẽ lồi và phình to, còn khi trẻ nằm yên sẽ nhỏ lại. 

Tình trạng này được gọi là thoát vị rốn và thường gặp ở 10 – 20% trẻ sơ sinh. Khi gặp phải tình trạng này, mẹ cũng không cần phải quá lo bởi hầu hết khối lồi này sẽ không gây đau, không bị vỡ và sẽ tự cải thiện sau 4 tuổi.

thoi-gian-rung-ron-o-tre-so-sinh-va-nhung-dieu-me-can-luu-y-1

Trẻ sơ sinh vặn mình bị lồi rốn có sao không

Tuy nhiên, vẫn có trường hợp phải can thiệp bằng phẫu thuật như khối thoát vị to hơn 2,5cm hoặc không tự động đẩy vào sau 4 tuổi.

Trên đây là một số chia sẻ về vấn đề thời gian rụng rốn ở trẻ sơ sinh và những điều mẹ cần lưu ý khi chăm sóc trẻ. Hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức hữu ích trên hành trình làm mẹ của mình nhé!

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Trẻ sơ sinh