Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị sinh non?

Ngày 10/06/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sinh non là khi trẻ được sinh ra từ hết tuần thứ 22 đến trước khi hết tuần thứ 36 của thai kỳ. Vậy những nguyên nhân nào khiến trẻ bị sinh non và hậu quả của tình trạng này là gì?

Có 3 nhóm nguyên nhân sinh non thường gặp là do thai, do mẹ và do nhau thai.

Khi nào trẻ được coi là sinh non?

Sinh non là khi trẻ được sinh ra từ hết tuần thứ 22 đến trước khi hết tuần thứ 36 của thai kỳ.

  • Sinh cực non: Sinh khi thai dưới 28 tuần.
  • Sinh rất non: Sinh khi thai từ 28 đến 33 tuần 6 ngày.
  • Sinh non muộn: Sinh khi thai nhi 34 đến 36 tuần 6 ngày.
Nguyên nhân nào khiến trẻ bị sinh non? 1Sinh non là khi trẻ được sinh ra từ hết tuần thứ 22 đến trước khi hết tuần thứ 36 của thai kỳ.

Dù tỉ lệ sống sót của trẻ sinh non đang được cải thiện dần bằng nhiều tiến bộ khoa học. Thế nhưng, trẻ sinh non vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề như chậm phát triển về nhận thức, liệt não, động kinh,... Phổi của bé khi sinh non cũng chưa đủ trưởng thành, do đó, nguy mắc các bệnh hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản,... là rất cao.

Người mẹ có thể sinh con thiếu tháng nếu như xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Có 4 cơn gò liên tục trong 20 phút hay tới 8 cơn gò trong 60 phút liên tục
  • Cổ tử cung đã mở từ 2 cm trở lên dù chưa tới ngày dự sinh
  • Có sự thay đổi ở cổ tử cung được bác sĩ nhận định trong nhiều lần khám liên tiếp
  • Vỡ ối

Một số dấu hiệu khác không đặc trưng khác như có nhớt hồng hoặc dịch nhầy cổ tử cung, đau thắt lưng, trì nặng bụng, chuột rút, đau quặn ruột có thể kèm tiêu chảy.

Nguyên nhân khiến mẹ sinh non

Sinh non do thai

Vỡ ối non: Trường hợp này chiếm khoảng 30% các cuộc chuyển dạ sinh non còn 80% các trường hợp vỡ ối non không xác định được nguyên nhân.

Đa thai: Thời gian mang thai trung bình là 280 ngày đối với đơn thai, song thai là 261,5 ngày và 3 thai là 246,5 ngày.

Đa ối: Chiếm 0,4-1,6% các trường hợp mắc phải. Trong đó có khoảng 1/3 trường hợp đa ối có thể khiến chuyển dạ sinh non.

Thai dị dạng: Thường gây chuyển dạ sinh non nhất là khi kết hợp với đa ối (thai vô sọ), hoặc thiểu ối (không có thận).

Nguyên nhân nào khiến trẻ bị sinh non? 2Vỡ ối non cũng là một nguyên nhân khiến mẹ sinh non cần lưu ý.

Sinh non do mẹ

Các dị tật ở tử cung: Dị tật tử cung, tử cung kém phát triển là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến thai nhi có nguy cơ sinh sớm hơn 38 tuần tuổi, bao gồm: Hở eo tử cung, tử cung bất thường, cổ tử cung hé mở, cổ tử cung ngắn...

Do bệnh lý nằm ngoài tử cung:

  • Thai phụ mắc cao huyết áp do thai đôi thì cần chấm dứt thai kỳ sớm bởi tình trạng bất ổn của mẹ và thai nhi.
  • Bị viêm đài bể thận, nhất là khi mẹ còn kết hợp với sốt.
  • Viêm ruột thừa ở người mẹ thường đi kèm theo với chuyển dạ sinh non. Có 2 giả thuyết giải thích tình trạng này, một là tử cung bị kích thích do các cơ quan lân cận bị viêm nhiễm, hai là sự phóng thích nội độc tố của vi trùng cùng với sự tăng nhiệt độ.

Tiền sử sinh non, sẩy thai:

Tiền sử từng sinh non, nguy cơ tái phát thường là 25 - 50%. Nguy cơ sẽ càng cao nếu mẹ có nhiều lần sinh non trước đó.

Từng sẩy, nạo thai cũng ảnh hưởng lên sinh non nhưng chưa được chứng minh.

Tỷ lệ sinh non cao cũng gặp ở các mẹ bầu có tình trạng kinh tế xã hội thấp. Những yếu tố quan trọng làm nên trong nhóm này gồm dinh dưỡng kém, không được chăm sóc tiền sản đầy đủ, mẹ quá trẻ dưới 20 tuổi hoặc đã lớn hơn trên 40 tuổi và lao động nặng nhọc quá sức.

Vấn đề khác:

  • Mẹ nghiện hút thuốc, uống rượu, nghiện ma túy.
  • Mẹ bị stress trầm trọng: Thường xuyên có tâm trạng bất an, lo lắng, tức giận kéo dài trong thời kỳ mang thai sẽ khiến cơ thể người mẹ tăng tiết quá nhiều hormone tuyến thượng thận và những chất có hại cho hệ thần kinh dẫn đến sinh non.
  • Thời gian làm việc của người mẹ quá 42 giờ/ tuần, làm việc quá sức, công việc phải đứng nhiều trên 6 giờ/ ngày.
  • Mẹ bị thiếu cân, suy dinh dưỡng.
  • Người mẹ mang thai từ 40 tuổi trở lên, mang thai quá nhiều lần, quan hệ tình dục quá đà, dùng thuốc an thai bừa bãi.
  • Thiếu vitamin B9: Bổ sung vitamin B9 trước khi mang thai 1 năm có thể giúp giảm 50% nguy cơ sinh non.
  • Ảnh hưởng của mùa trong năm: Một số nghiên cứu đã khẳng định tình trạng sinh non phổ biến nhất ở những phụ nữ thụ thai vào mùa xuân. Nguyên nhân được cho là do những tác nhân gây bệnh cho người mẹ như: Dị ứng, viêm nhiễm do virus theo mùa, kết hợp những thay đổi trong chế độ dinh dưỡng, mức tiếp xúc với ánh mặt trời.
Nguyên nhân nào khiến trẻ bị sinh non? 3Mẹ bị stress và làm việc quá sức cũng dẫn tới tình trạng sinh non.

Sinh non do nhau

Nhau tiền đạo, nhau bong non.

Thiểu năng nhau nên dinh dưỡng cho thai nhi không đầy đủ.

Do rời lòng mẹ sớm nên thể trạng yếu ớt, trẻ sinh non rất khó tồn tại hoặc tồn tại khó khăn, với nguy cơ di chứng về tinh thần và thể chất.

Hậu quả của việc sinh non trên trẻ sơ sinh

  • Trẻ bị nhẹ cân.
  • Phổi trẻ chưa hoàn thiện nên dễ bị suy hô hấp và tử vong. Nếu sống được trẻ cũng dễ mắc các bệnh đường hô hấp về sau như viêm phổi, viêm phế quản...
  • Trẻ dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh như tim bẩm sinh, mù, điếc, câm... Ngoài ra, khi lớn lên trẻ thường bị những di chứng thần kinh rõ rệt hoặc tiềm tàng, từ đó trở thành gánh nặng về tâm lý và tài chính cho gia đình.
  • Trẻ sinh non cũng rất khó nuôi, thường nhẹ cân, chậm lớn, cha mẹ phải mất nhiều công sức chăm sóc. Do đó, nhận thức được những yếu tố làm tăng nguy cơ sinh non sẽ giúp gia đình và bác sĩ có biện pháp xử lý kịp thời để trẻ sinh ra được khỏe mạnh.

Thanh Hoa

Nguồn Tham Khảo: Tổng Hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Chủ đề:sinh non