Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Tìm hiểu về rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền

Ngày 20/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng bất thường về chu kỳ kinh nguyệt, lượng kinh cũng như thời gian có kinh so với các lần có kinh trước đó. Là một hiện tượng không quá xa lạ với chị em phụ nữ, vậy theo y học cổ truyền, rối loạn kinh nguyệt được hiểu như thế nào?

Thông qua chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ có thể quan sát được tình trạng sức khỏe không chỉ của cơ quan sinh dục mà còn của toàn cơ thể. Bên cạnh các phương pháp tây y điều hòa kinh nguyệt, các bài thuốc đông y cũng như các phương pháp y học cổ truyền cũng được nhiều người lựa chọn.

Rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền là gì?

Theo y học cổ truyền, phụ nữ thuộc âm tính, tương ứng với mặt trăng, khi đến tuổi dậy thì, chị em sẽ bắt đầu xuất hiện kinh nguyệt. Do kinh nguyệt thường xuất hiện 28-30 ngày một lần nên kinh nguyệt còn được gọi là nguyệt tín. Rối loạn kinh nguyệt có thể thuộc phạm vi Kinh nguyệt bất điều (đến sớm hoặc đến muộn) hoặc kinh nguyệt bất thông (kinh nguyệt ứ trệ, huyết khô, huyết hư).

Rối loạn kinh nguyệt là những biểu hiện bất thường về chu kỳ, số ngày hành kinh và lượng máu kinh so với các chu kỳ trước. Tình trạng này có thể xuất hiện từ nguyên nhân sinh lý (căng thẳng, sinh hoạt không điều độ, chế độ dinh dưỡng,...) hay cũng có thể là triệu chứng của những bệnh lý phụ khoa nguy hiểm. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào của người phụ nữ, không chỉ làm rối loạn sinh hoạt và còn ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, sức khỏe người bệnh.

Tìm hiểu về rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền 1

Rối loạn kinh nguyệt là những bất thường về chu kỳ, số ngày kinh và lượng máu

Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền

Tùy theo nguyên nhân gây nên tình trạng này, người phụ nữ có thể gặp phải sự bất thường về chu kỳ kinh nguyệt hoặc máu kinh hoặc cả hai với các biểu hiện thường gặp dưới đây:

Bất thường về chu kỳ kinh 

Chu kỳ kinh nguyệt thông thường sẽ từ 28-30 ngày, tuy nhiên ở những người bị rối loạn kinh nguyệt, số ngày có thể khác đi, cụ thể:

  • Chu kỳ kinh nguyệt ngắn hơn 22 ngày: Vòng kinh thưa.
  • Chu kỳ kinh nguyệt lâu hơn 35 ngày: Vòng kinh dài.
  • Chu kỳ kinh nguyệt lâu hơn 6 tháng: Vô kinh.

Bất thường về lượng máu kinh 

Bình thường lượng máu kinh mất đi sau một chu kỳ kinh thường rơi vào khoảng 50-80ml, nếu gặp các bất thường về lượng máu kinh và số ngày có kinh dưới đây, bạn đã bị rối loạn kinh nguyệt.

  • Lượng máu kinh nhiều hơn 200ml/ kỳ: Cường kinh (băng kinh).
  • Lượng máu kinh ít hơn 20ml/kỳ và thời gian hành kinh ngắn hơn 2 ngày: Thiểu kinh.
  • Số ngày có kinh ngắn hơn 7 ngày: Rong kinh.

Bên cạnh 2 tình trạng bất thường về chu kỳ kinh nguyệt ở trên, người phụ nữ cũng có thể gặp phải tình trạng thay đổi màu sắc của máu kinh (đỏ tươi, tím đen, hồng nhạt, lẫn cục máu,...) hoặc thống kinh trước, trong và sau chu kỳ.

Tìm hiểu về rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền 2

Biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền

Phân loại nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền

Kinh nguyệt trước kỳ

Theo y học cổ truyền, kinh nguyệt có sớm hơn 7 ngày so với các chu kỳ trước thường do những nguyên nhân với các triệu chứng sau: 

  • Huyết nhiệt: Kinh trước kỳ, lượng máu nhiều, màu đỏ tía, có lẫn lẫn cục, tiểu đỏ, sắc mặt đỏ, mạch hoạt sác, rêu lưỡi vàng.
  • Hư nhiệt: Kinh trước kỳ, lượng máu ít, màu đỏ, hay hoa mắt chóng mặt, ngủ không ngon giấc, mạch tế sác và rêu lưỡi vàng khô.
  • Khí hư: Kinh trước kỳ, lượng máu nhiều, loãng, có màu nhạt, cơ thể mệt mỏi, hơi thở ngắn, nhạt lưỡi, mạch hư nhược vô lực và rêu lưỡi mỏng ướt.

Tìm hiểu về rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền 3

Hư nhiệt làm kinh nguyệt có sớm hơn 7 ngày so với thông thường

Kinh nguyệt sau kỳ 

Ngày hành kinh xuất hiện trễ hơn thông thường quá 7 ngày có thể do nguyên nhân dưới đây:

  • Do hàn (phong hàn, hư hàn): Chậm kinh, lượng máu xuất ra ít, màu nhạt. Thân lạnh, chân tay lạnh, người mệt mỏi, đau bụng kinh, mạch trầm khẩn (phong hàn) hoặc mạch trầm trì vô lực (hư hàn).
  • Do huyết hư: Trễ kinh, lượng máu ít, cả người mệt mỏi, đoản hơi, da khô, sắc mặt trắng, xây xẩm mặt mày, mạch tế sác và lưỡi nhạt không rêu.
  • Do huyết ứ: Kinh nguyệt sau kỳ, lượng ít, màu sẫm, có lẫn cục máu đông, ngực bụng chướng, đau bụng dưới, táo bón, mạch trầm sát và lưỡi xám.
  • Do khí uất: Chậm kinh, máu kinh ra ít, đau chướng bụng dưới, tức ngực, mạch huyền sắc.
  • Do đàm thấp: Trễ ngày hành kinh, máu ra màu nhạt, chướng bụng, nhạt miệng, chán ăn, mạch huyền hoạt và lưỡi trắng nhợt.

Tìm hiểu về rối loạn kinh nguyệt theo y học cổ truyền 4

Kinh nguyệt sau kỳ do huyết ứ làm người bệnh đau bụng dưới

Kinh nguyệt khi sớm khi muộn 

Tình trạng kinh nguyệt xuất hiện không định kỳ, khi sớm khi muộn có thể là 1 trong các biểu hiện của các vấn đề sức khỏe dưới đây theo y học cổ truyền:

  • Khí uất kết: Rối loạn kinh nguyệt, máu kinh ít, có sắc tía lẫn máu cục, vú căng đau khi đến ngày hành kinh, táo bón, ợ hơi, người dễ cáu gắt, mạch huyền sác.
  • Tỳ hư: Kinh nguyệt không đều, máu ít, nhạt. Người phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt từ nguyên nhân này thường cảm thấy mệt mỏi, chán ăn, miệng nhạt, ăn không ngon miệng, hay hồi hộp, hoa mắt chóng mặt, rêu lưỡi trắng và mạch hư nhược.
  • Can thận hư: Ngày hành kinh thất thường, lúc sớm lúc muộn, kinh loãng, màu nhạt. Bên cạnh, can thận hư còn làm xuất hiện thêm các biểu hiện khác như chóng mặt, ù tai, đau lưng mỏi gối, đi tiểu nhiều, tiêu chảy, mạch trầm nhược.

Rối loạn kinh nguyệt là tình trạng phổ biến ở người phụ nữ, có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào sau khi dậy thì. Trong y học cổ truyền, thầy thuốc thường kê cho người bệnh các bài thuốc như Tứ vật thang, Đạo đàm thang, Tiểu sài hồ thang,... Nếu muốn điều hòa kinh nguyệt hiệu quả bằng phương pháp Đông y, chị em nên đến các cơ sở y học cổ truyền uy tín để được thăm khám và điều trị đúng cách.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm