Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Tình hình dịch bạch hầu ở nước ta và các biện pháp phòng ngừa

Ngày 17/10/2024
Kích thước chữ

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính gây ra bởi vi khuẩn bạch hầu. Căn bệnh này có tốc độ lây lan nhanh và có nguy cơ bùng phát thành dịch, gọi là dịch bạch hầu. Nếu bạn vẫn chưa hiểu rõ về loại bệnh dịch này thì hãy theo dõi bài viết sức khỏe hôm nay của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn bạn nhé.

Theo WHO, bạch hầu là căn bệnh vô cùng nguy hiểm có tỷ lệ tử vong lên đến 20% trên tổng số các ca mắc bệnh. Vậy bệnh bạch hầu là gì? Lịch sử dịch bạch hầu trên thế giới và tại nước ta ra sao? Làm sao để phòng ngừa căn bệnh này? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về bệnh bạch hầu.

Khái quát về căn bệnh bạch hầu

Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính, trên lâm sàng hay gặp nhất là bạch hầu họng với tổn thương đặc trưng là sự hình thành lớp giả mạc dai, dính tại hầu họng, amidan… Bên cạnh đó, bệnh cũng có thể gây ra tổn thương ở da và niêm mạc.

Tác nhân chính gây bệnh bạch hầu chính là vi khuẩn corynebacterium diphtheriae. Khi đi vào cơ thể, vi khuẩn bạch hầu tiết ra ngoại độc tố. Ngoại độc tố của vi khuẩn tiết ra sẽ tác động đến tim, thận và hệ thần kinh, gây nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân. Người bệnh có nguy cơ tử vong cao do viêm cơ tim và tắc đường thở.

Khác với giả mạc mủ, giả mạc ở bệnh bạch hầu có màu trắng hoặc xám, dai và dính, không tan trong nước, bóc tách dễ chảy máu và xuất hiện lại nhanh. Bên trong giả mạc của bệnh bạch hầu có chứa fibrin, đại thực bào, tế bào biểu mô bị hoại tử và vi khuẩn bạch hầu. Lớp giả mạc của bạch hầu bám chặt vào niêm mạc của người bệnh, có khả năng lan xuống phế quản. Điều này khiến đường hô hấp bị tắc nghẽn và gây khó thở.

Cùng với sự hình thành giả mạc, người bệnh bạch hầu cũng sẽ có các biểu hiện khác như sốt, mệt mỏi, ăn kém, da hơi xanh, nổi hạch dưới hàm khiến vùng cổ sưng to, sổ mũi…

Tình hình dịch bạch hầu ở nước ta và các biện pháp phòng ngừa 1
Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng nhiễm độc cấp tính vô cùng nguy hiểm

Lịch sử dịch bạch hầu trên thế giới

Dịch bạch hầu có thể phát triển và lây lan nhanh chóng trong cộng đồng.

Ở giai đoạn chưa có vắc xin phòng ngừa, bạch hầu lưu hành ở nhiều nước trên thế giới, gây nên nhiều vụ dịch nặng nề. Vắc xin giải độc tố bạch hầu chính thức được ra đời vào năm 1923, đây là mốc đánh dấu sự thay đổi tính chất nghiêm trọng của căn bệnh này trên khắp thế giới.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, ở một số quốc gia, việc tiêm phòng bạch hầu cho trẻ em bị gián đoạn do biến động xã hội. Hậu quả là bệnh bạch hầu bùng phát thành dịch với tính chất vô cùng nghiêm trọng.

Theo thống kê năm 1994, số ca bệnh bạch hầu ở Ukraine là trên 3.000 ca bệnh và ở Nga là trên 39.000 ca bệnh với số ca tử vong lên đến 1.100 ca. Trong đó, đối tượng mắc bệnh bạch hầu chủ yếu là những đối tượng trên 15 tuổi, chưa được tiêm phòng bạch hầu.

Tại Tây Thái Bình Dương, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ 20, có đến hơn 13.000 ca nhiễm bạch hầu. Tỷ lệ này giảm xuống nhanh chóng còn 1.130 ca bệnh vào năm 1900 và 614 ca bệnh vào năm 1994 nhờ việc tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ em.

Tình hình dịch bạch hầu ở nước ta và các biện pháp phòng ngừa 2
Bệnh bạch hầu lưu hành ở nhiều quốc gia gây ra hậu quả vô cùng nặng nề

Thực trạng tình hình dịch bạch hầu ở Việt Nam

Theo Báo Điện tử Chính phủ, ở nước ta, giai đoạn bạch hầu chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, căn bệnh này hoành hành ở nhiều nơi, nhất là vùng đông dân. Thời điểm bệnh dịch bùng phát mạnh nhất là vào tháng 8 đến tháng 10.

Từ thời điểm vắc xin bạch hầu được triển khai rộng rãi, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm đáng kể. Theo thống kê, trong những năm gần đây, số ca bệnh bạch hầu ở nước ta giảm đi rất nhiều lần so với trước khi bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể, từ gần 3.500 ca bệnh trong năm 1983 giảm xuống còn khoảng 10 - 50 ca bệnh/năm (trong vòng 15 năm trong giai đoạn từ năm 2004 đến năm 2019).

Năm 2020, số ca nhiễm bạch hầu có sự gia tăng ở nước ta và theo thống kê là 226 ca bệnh, chủ yếu tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Quảng Trị và Quảng Ngãi. Số ca bệnh đã giảm trong các năm 2021 và 2022. Cụ thể, năm 2021 chỉ ghi nhận 6 ca bệnh và năm 2002 chỉ ghi nhận 2 ca bệnh.

Đến năm 2023, cả nước ghi nhận có 57 ca bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Điện Biên. Số ca bệnh này tập trung vào 5 tháng cuối năm và trong số ca bệnh đó có 7 trường hợp bị tử vong.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước chỉ ghi nhận được 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu. Cụ thể:

  • Hà Giang ghi nhận được 3 ca bệnh trong các tháng 1, 2 và 4, tại các ổ dịch cũ (tại các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc).
  • Nghệ An ghi nhận 1 ca bệnh tử vong do bạch hầu tại huyện Kỳ Sơn vào tháng 6/2024.
  • Bắc Giang ghi nhận 1 ca bệnh tại huyện Hiệp Hoà vào tháng 7/2024. Ca bệnh này có tiếp xúc gần với ca bệnh tử vong ở Nghệ An.
Tình hình dịch bạch hầu ở nước ta và các biện pháp phòng ngừa 3
Hình ảnh cán bộ địa phương khoanh vùng, giám sát nguy cơ lây nhiễm bạch hầu

Phải làm sao để phòng ngừa bệnh bạch hầu?

Theo đánh giá của các chuyên gia, bạch hầu là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nề, thậm chí đe dọa đến tính mạng của người bệnh nếu không được can thiệp điều trị kịp thời. Chính vì thế, việc chủ động áp dụng các biện phòng phòng ngừa căn bệnh này là điều vô cùng cần thiết. Vậy phải làm sao để phòng ngừa bệnh bạch hầu?

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:

  • Mỗi người dân cần nâng cao ý thức về việc tiêm phòng vắc xin bạch hầu. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm đầy đủ các mũi vắc xin theo đúng lịch để đảm bảo miễn dịch phòng bệnh cho trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Đối với những trường hợp hoãn tiêm, cần tham gia tiêm chủng càng sớm càng tốt nếu có thể. Việc tiêm phòng vắc xin không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn tạo miễn dịch cộng đồng, ngăn ngừa nguy cơ bùng phát thành dịch.
  • Người dân cần thường xuyên rửa tay với xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi, giữ vệ sinh thân thể, mũi họng hàng ngày đồng thời hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh.
  • Chủ động giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ và thông thoáng.
  • Ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, bạn cần phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời.
  • Người dân tại vùng dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc điều trị dự phòng và tiêm phòng vắc xin theo chỉ định và khuyến cáo của cơ quan y tế.
Tình hình dịch bạch hầu ở nước ta và các biện pháp phòng ngừa 4
Tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu là biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh dịch bạch hầu mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến bạn đọc. Hy vọng, qua những thông tin trên đây, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về căn bệnh bạch hầu, đồng thời nắm được các biện pháp phòng ngừa căn bệnh này. Hãy tiếp tục truy cập kênh sức khoẻ của Nhà thuốc Long Châu để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích bạn nhé.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin