Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng có sao không?

Ngày 25/09/2022
Kích thước chữ

Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng là hiện tượng không quá xa lạ với những bà mẹ có con nhỏ. Nhiều phụ huynh thắc mắc rằng liệu đây có phải dấu hiệu cho thấy bé đang khó chịu, gặp phải vấn đề sức khỏe gì đó hay không? Nếu có cùng câu hỏi trên, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu đi tìm câu trả lời trong bài viết dưới đây nhé!

Trẻ sơ sinh thường thích dùng miệng theo nhiều cách, một trong số đó là hành vi hay lè lưỡi và nhai miệng. Đây là hiện tượng bình thường với trẻ ở độ tuổi này. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần lưu ý một số trường hợp bệnh lý có liên quan đến thói quen này. 

Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi

Trẻ sơ sinh có bản năng bú rất mạnh, một trong những bước của phản xạ này chính là việc lè lưỡi. Lưỡi của bé thường có xu hướng thè ra ngoài để giúp bé ngậm núm vú và tránh bị sặc sữa khi bú. Ngoài ra, do thế giới bên ngoài rất mới lạ với bé nên hành vi thè lưỡi để khám phá môi trường xung quanh là rất bình thường. 

Những nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh hay lè lưỡi:

Trẻ đang đói hoặc đang no

Khóc không phải là phương thức giao tiếp duy nhất của trẻ. Khi các bé có cảm giác đói, bé thường sẽ nắm chặt tay, cho tay vào miệng, quay về phía vú hoặc bình sữa, lè lưỡi hoặc liếm môi để ra dấu hiệu cho mẹ biết. Bên cạnh đó, khi đã bú no, trẻ sơ sinh cũng hay lè lưỡi, quay mặt đi, nhè sữa ra và không chịu bú nữa.

Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng có sao không? 1

Trẻ sơ sinh đang đói hoặc đang no sẽ thè lưỡi ra

Chưa quen với thức ăn đặc

Không phải đứa trẻ nào cũng có thể dễ dàng tiếp nhận thức ăn dạng rắn ngay lần đầu tiếp xúc, một số trẻ sẽ có phản ứng bài xích, tỏ ra không thích với loại thức ăn này. Trẻ có thể sẽ nhăn mặt, không chịu ăn, lè lưỡi để đẩy thức ăn ra khỏi miệng. Lúc này, bố mẹ nên dừng lại, không ép con ăn và hãy thử lại sau một thời gian nữa.

Lưỡi có kích thước lớn

Trẻ có kích thước lưỡi lớn hơn bình thường hay có thói quen lè lưỡi ra bên ngoài. Tình trạng này có thể xuất hiện do các mạch máu hay cơ lưỡi phát triển không bình thường. 

Ngoài ra, đây cũng có được xem như một dấu hiệu cảnh báo của các khối u vòm miệng hoặc hội chứng Down, bệnh suy giáp,... Vì vậy, bố mẹ cũng nên cảnh giác khi lưỡi của bé quá lớn.

Miệng nhỏ

Không chỉ lưỡi to, khuôn miệng nhỏ hơn bình thường cũng có thể dẫn đến tình trạng trẻ sơ sinh lè lưỡi ra ngoài. Một số nguyên nhân khiến trẻ có kích thước miệng nhỏ hơn trung bình chẳng hạn như sứt môi, hội chứng hàm nhỏ, hở hàm ếch,... Phụ huynh nên tiến hành điều trị sớm để hạn chế những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và ngoại hình cho trẻ về sau.

Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng có sao không? 2

Kích thước miệng nhỏ cũng làm trẻ hay lè lưỡi ra

Giảm trương lực cơ

Lưỡi của chúng ta thực chất là một nhóm cơ và được các cơ khác trong miệng điều khiển hoạt động. Do đó, ở những trẻ gặp phải tình trạng giảm trương lực cơ, cử động của lưỡi sẽ bị rối loạn và làm trẻ có hay lè lưỡi ra ngoài hơn bình thường.

Thở bằng miệng

Nếu trẻ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như nghẹt mũi, viêm mũi, viêm amidan, viêm VA,... khiến đường thở của trẻ bị tắc nghẽn, trẻ sơ sinh thường sẽ thở bằng miệng thay vì bằng mũi. Điều này sẽ làm lưỡi của bé thè ra ngoài nhiều hơn.

Trẻ sơ sinh hay nhai miệng

Hành vi nhai miệng của trẻ sơ sinh rất phổ biến, dường như trẻ nào cũng gặp phải vì đây là dấu hiệu cho sự phát triển tự nhiên của trẻ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp, trẻ sơ sinh nhai miệng lại là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe nào đó. Vì vậy, bố mẹ hãy quan sát bé cẩn thận để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường khác.

Phản xạ mút

Phản xạ mút cũng là một bản năng rất mạnh ở trẻ sơ sinh. Mút là cách để trẻ sơ sinh cảm nhận được thức ăn. Do đó, bé thường sẽ tận dụng mọi cơ hội để ngậm và mút những thứ ở gần mình, trong đó có cả lưỡi của chính mình. Đây là hiện tượng bình thường, tương tự như thói quen mút tay ở trẻ lớn hơn.

Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng có sao không? 3

Mút là cách để trẻ sơ sinh cảm nhận được thức ăn

Trẻ đang đói

Nếu một số trẻ thường lè lưỡi khi cảm thấy đói thì cũng có một số trẻ khác sẽ bắt đầu nhai miệng. Đây có thể xem như một phản xạ để chuẩn bị ăn của trẻ, vì vậy bố mẹ nên chú ý để cho trẻ bú hoặc ăn đúng giờ nhé!

Chơi đùa

Trẻ sơ sinh thường thích khám phá thế giới mới lạ xung quanh nên khi thấy mình có thể di chuyển đồ vật ở bên trong miệng, nhiều sẽ cảm thấy hứng thú và bắt đầu nhai chúng. Phụ huynh cần chú ý không để đồ chơi gần tầm tay của bé để tránh tình trạng bé nhai, mút đồ chơi và gây nguy hiểm đến sức khỏe.

Mọc răng

Khi trẻ bước vào giai đoạn mọc răng, nướu thường bị đau nhức, ngứa ngáy nên trẻ hay nhai nghiến chúng để giảm cảm giác khó chịu này. Trẻ thường nhai bất kỳ thứ gì có trong miệng, đặc biệt là lưỡi vì đây là mục tiêu dễ tiếp cận nhất.

Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng có sao không? 4

Trẻ bị mọc răng thường hay nhai miệng

Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi và nhai miệng là những thói quen bình thường, bất kỳ bé con nào cũng có thể xuất hiện điều này. Tuy nhiên bố mẹ cũng không nên chủ quan mà hãy chú ý theo dõi các dấu hiệu bất thường khác của trẻ, kịp thời đưa trẻ thăm khám để phát hiện sớm các bệnh lý nếu có nhé.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh hay lè lưỡi có sao không

Hoàng Trang 

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin