Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Trị mề đay bằng Đông y hiệu quả

Ngày 26/06/2022
Kích thước chữ

“Trị mề đay bằng Đông y" là chủ đề nhiều người tìm kiếm với mong muốn chữa khỏi bệnh lý da liễu này bằng các thành phần tự nhiên. Vậy hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu những bài thuốc Đông y giúp điều trị mề đay trong bài viết dưới đây.

Mề đay là bệnh lý da liễu khá phổ biến với chúng ta. Việc sử dụng thuốc Tây để điều trị khiến nhiều người lo sợ các tác dụng phụ sau này. Chính vì vậy, họ thường tìm kiếm các cách trị mề đay bằng Đông y để có thể giảm thiểu các tác dụng không mong muốn này. Vậy trước khi tìm hiểu các bài thuốc hữu dụng, chúng ta cần có những kiến thức cơ bản về bệnh nổi mề đay.

Mề đay là bệnh gì?

Bệnh mề đay hay chúng ta thường gọi là mày đay, là tình trạng các mao mạch dưới da và niêm mạc phản ứng lại trước các tác nhân dị ứng bên ngoài hoặc bên trong cơ thể. Bệnh mề đay gây hiện tượng phù mạch tại chỗ, phồng da cùng cảm giác ngứa ngáy và khó chịu ở một khu vực da, niêm mạc trên cơ thể. Hoặc bệnh cũng có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều vùng khác nhau.

Trị mề đay bằng Đông y 1 Hình ảnh bệnh mề đay trên da

Mề đay được chia thành 2 dạng chính dựa trên tiến triển bệnh lý:

  • Mề đay cấp tính: Thời gian bị bệnh kéo dài trong một ngày hoặc trong vài tuần nhưng sẽ không vượt quá 6 tuần.
  • Mề đay mãn tính: Thời gian bị bệnh kéo dài trên 6 tuần và có thể tái phát lại nhiều lần.

Bệnh mề đay không thể lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, nó có thể tái phát lại nhiều lần trên cơ thể bệnh nhân.

Nguyên nhân gây bệnh mề đay

Theo quan điểm của Tây y

Mề đay có căn nguyên gây bệnh rất phức tạp. Trên cùng một bệnh nhân có thể có một hoặc nhiều tác nhân gây bệnh cùng lúc. Vì vậy, việc tìm ra hướng điều trị thường không đơn giản. Một số nguyên nhân gây bệnh mề đay phổ biến như:

  • Do dị ứng thức ăn: Bệnh xuất hiện vì cơ thể bị dị ứng với một số thành thành phần có trong các loại thực phẩm khác nhau như trứng, đậu, sữa, tôm, cua… Nhìn chung, ở những người có cơ địa dị ứng thì có rất nhiều các loại thực phẩm từ động vật đến thực vật có thể là nguyên nhân gây bệnh.
  • Do dị ứng thuốc: Một số trường hợp bị nổi mề đay do cơ thể mẫn cảm với một số thành phần của thuốc như thuốc kháng sinh, aspirin, ibuprofen…
  • Do tiếp xúc với các dị nguyên: Phấn hoa, khói bụi, khói thuốc, lông động vật, nấm men, sợi len… đều có thể là tác nhân gây bệnh mề đay.
  • Do yếu tố di truyền: Có khoảng 50 - 60% trường hợp mắc bệnh là do di truyền.
  • Do một số bệnh lý: Bệnh tuyến giáp tự miễn, lupus ban đỏ, cryoglobulinemia… gây rối loạn nội tiết tố và đồng thời giảm khả năng miễn dịch, đề kháng của cơ thể.
  • Không tìm ra nguyên nhân: Có tới 50% số trường hợp mắc bệnh mề đay mà đến nay không thể tìm ra được nguyên nhân, vì vậy loại này được xếp vào dạng mề đay vô căn hay mề đay tự phát.
Trị mề đay bằng Đông y 2 Khói thuốc lá là một trong các yếu tố khiến bệnh mề đay bùng phát

Theo quan điểm của Đông y

Yếu tố nội nhân:

  • Do cơ thể người bệnh bị suy nhược, khí huyết hao tổn hoặc bị tắc nghẽn. Khí hư sinh phong tạo điều kiện thuận lợi cho ngoại tà xâm nhập.
  • Gan, thận yếu khiến các chức năng bị suy giảm, ảnh hưởng tới quá trình đào thải, độc tố tích tụ trong thời gian dài dưới da gây ra tình trạng nổi mề đay.

Yếu tố ngoại nhân:

  • Ngoại tà xâm nhập vào cơ thể: Phong nhiệt, phong hàn

Các bài thuốc trị mề đay bằng Đông y

Nguyên tắc điều trị mề đay bằng Đông y đó là tiêu độc, trừ tà, an thần, lợi tiểu, chống dị ứng. Khâu quyết định trong việc điều trị là lấy tiêu độc trừ tà. Dưới đây là một số bài thuốc phù hợp với từng thể lâm sàng.

Mề đay cấp tính thể phong nhiệt

Bài thuốc 1: 

  • Kinh giới: 16g. 
  • Phòng phong: 12g.
  • Chi tử: 12g.
  • Kim ngân: 20g.
  • Cỏ mực: 16g.
  • Nam hoàng bá: 16g.
  • Đương quy: 12g.
  • Cam thảo đất: 16g.
  • Huyền sâm: 12g.

Sắc mỗi ngày uống một thang.

Bài thuốc 2:

  • Cỏ mần trầu: 20g.
  • Tang diệp: 20g.
  • Kim ngân: 20g.
  • Tang ký sinh: 16g.
  • Rau má: 20g.
  • Quả ké: 16g.
  • Cam thảo: 12g.
  • Sài hồ: 12g.
  • Hoàng cầm: 12g.
  • Bạch thược: 12g.
  • Xương bồ: 16g.

Sắc uống ngày một thang.

Chữa mề đay bằng thuốc đông y Sài hồ trong bài thuốc trị mề đay bằng Đông y

Bài thuốc 3:

  • Cát căn: 16g.
  • Liên kiều: 12g.
  • Ngân hoa: 1 g. 
  • Thương nhĩ: 16g.
  • Hạ khô thảo: 16g.
  • Chi tử: 12g.
  • Hoàng cầm: 12g.
  • Nam hoàng bá: 16g.
  • Kinh giới: 16g.
  • Cỏ mực: 16g.
  • Rau má: 16g.
  • Thổ linh: 16g. 
  • Bồ công anh: 16g.

Sắc uống ngày một thang.

Mề đay thể phong hàn

Bài thuốc 1: 

  • Kinh giới: 16g.
  • Xương bồ: 16g.
  • Tế tân: 12g.
  • Độc hoạt: 12g.
  • Tất bát: 12g.
  • Nam hoàng bá: 12g.
  • Thương nhĩ: 16g.
  • Liên kiều: 12g.
  • Quế: 8g.
  • Kiện: 10g.
  • Cam thảo: 12g.

Sắc uống ngày một thang.

Bài thuốc 2: 

  • Hạ khô thảo: 16g.
  • Rau má: 20g.
  • Sài hồ: 12g.
  • Ngân hoa: 12g.
  • Bồ công anh: 16g.
  • Ngải diệp: 16g.
  • Tang ký sinh: 16g.
  • Đơn mặt trời: 16g.
  • Quế: 8g.
  • Kiện: 10g.
  • Cam thảo đất: 16g.
Trị mề đay bằng Đông y 4 Quế trong bài thuốc trị mề đay bằng Đông y

Sắc uống ngày một thang.

Bài thuốc 3: 

  • Xương bồ: 16g.
  • Cát cánh: 12g.
  • Độc hoạt: 12g.
  • Tế tân: 10g.
  • Đương quy: 12g.
  • Thục địa: 12g.
  • Thương nhĩ: 16g.
  • Xuyên khung: 12g.
  • Bạch chỉ: 10g.
  • Quế: 8g.
  • Trần bì: 12g.
  • Cam thảo: 12g.

Sắc uống ngày một thang.

Phòng ngừa nổi mề đay

Bệnh mề đay có thể bùng phát do nhiều yếu tố phức tạp khác nhau, do đó nếu chúng ta tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và loại trừ nó thì sẽ giúp giảm nguy cơ tái phát. Dưới đây là một số biện pháp phòng bệnh mề đay:

  • Không dùng những loại thực phẩm có khả năng cao gây dị ứng. Ngoài ra, những người có một cơ địa nhạy cảm cần tránh sử dụng rượu bia, cà phê và trà đặc.
  • Giữ gìn da sạch sẽ và đồng thời mặc quần áo rộng rãi, thoải mái.
  • Giữ không gian sống thông thoáng. Vệ sinh nhà cửa thường xuyên để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng như nấm mốc, bụi bẩn, phấn hoa…
  • Lưu ý những thực phẩm mà bản thân bị dị ứng để tránh xa.
  • Hạn chế dùng những sản phẩm vệ sinh, dưỡng da có độ pH cao, có chứa nhiều xà phòng và các loại hương liệu khác nhau.
  • Hạn chế sinh hoạt tại những môi trường có không khí ẩm thấp vì sẽ dễ khiến cho da khô bị và kích ứng, tăng khả năng tái phát bệnh lý da liễu.
  • Người mắc bệnh mề đay khi dùng bất kỳ các loại thuốc điều trị như thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau… thì nên hỏi ý kiến các bác sĩ trước để có thể được tư vấn thay đổi loại thuốc, giảm nguy cơ dị ứng và mẩn ngứa.
  • Thường xuyên rèn luyện, vận động, tập thể dục thể thao giúp tăng cường sức đề kháng, hệ thống miễn dịch cho cơ thể nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh mề đay.
  • Khi lần đầu mắc bệnh nổi mề đay, chúng ta nên đi thăm khám các bác sĩ da liễu để có thể được chẩn đoán và những phương hướng điều trị kịp thời, hiệu quả, giảm khả năng tái phát nhiều lần.
Trị mề đay bằng Đông y 5 Thường xuyên vệ sinh nhà cửa giúp phòng ngừa bệnh nổi mề đay

Tuy bệnh mề đay không có khả năng lây nhiễm và hầu như cũng không đe dọa tới tính mạng của người mắc nhưng nó có ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của chúng ta. Vì vậy, bằng những cách trị mề đay bằng Đông y mà Nhà Thuốc Long Châu đã cung cấp, chúng tôi mong các bạn đọc có thể sớm đẩy lùi bệnh lý này. 

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin