Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp/
  4. Chăm sóc cơ thể

Mụn nhọt trên đầu do đâu? Cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 14/10/2024
Kích thước chữ

Mụn nhọt trên đầu hay còn gọi là da đầu nổi mụn, là một trong những vấn đề da liễu gây khó chịu và đau đớn. Cùng tìm hiểu các phương pháp điều trị và phòng ngừa mụn nhọt trên đầu nhé.

Mụn nhọt trên đầu là một tình trạng da liễu thường gặp, gây ra không ít phiền toái và khó chịu cho người mắc phải. Không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mụn nhọt trên đầu còn gây đau đớn và làm suy giảm chất lượng cuộc sống hàng ngày. Việc hiểu rõ về tình trạng này, cùng với các biện pháp phòng ngừa và điều trị đúng cách sẽ giúp bạn bảo vệ da đầu và mái tóc, duy trì sức khỏe tổng thể và sự tự tin trong cuộc sống.

Mụn nhọt trên đầu đầu xuất hiện do đâu?

Mụn có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên da đầu, gây cảm giác ngứa ngáy và đau đớn.

Do tắc nghẽn lỗ chân lông

Mụn trên da đầu thường xuất hiện khi các lỗ chân lông bị tắc nghẽn bởi dầu thừa, tế bào chết và vi khuẩn. Quá trình này tương tự như việc hình thành mụn ở các vùng da khác trên cơ thể. Ngoài ra, một số yếu tố sau đây cũng góp phần làm tăng nguy cơ nổi mụn trên da đầu:

  • Sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc không phù hợp: Các sản phẩm như sáp, gel, keo xịt tóc nếu không được làm sạch kỹ có thể tích tụ trên da đầu, gây bít tắc lỗ chân lông.
  • Gội đầu không sạch: Việc không gội đầu thường xuyên hoặc không gội sạch sẽ sẽ khiến dầu gội, dầu xả sót lại trên da đầu, tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi.
  • Mồ hôi: Khi hoạt động mạnh hoặc thời tiết nóng bức, mồ hôi tiết ra nhiều sẽ làm tắc nghẽn lỗ chân lông và tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
  • Vệ sinh đồ dùng cá nhân không sạch sẽ: Mũ, gối, ga giường bẩn có thể chứa nhiều vi khuẩn, gây kích ứng và làm nặng thêm tình trạng mụn trên da đầu.
Mụn nhọt trên đầu do đâu? Cách điều trị và phòng ngừa 1
Tắc nghẽn lỗ chân lông có thể gây mụn nhọt trên đầu

Do vi khuẩn và nấm

Một số loại vi khuẩn và nấm thường gây ra mụn mủ trên da đầu bao gồm:

  • Nấm từ họ Malassezia;
  • Cutibacterium;
  • Staphylococcus aureus;
  • Staphylococcus epidermidis;
  • Demodex folliculorum;
  • Propionibacterium acnes.

Ngoài các yếu tố bên ngoài, chế độ ăn uống cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển mụn. Các loại thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế như đường, bánh mì trắng, đồ ngọt và các sản phẩm từ sữa có thể kích thích cơ thể sản xuất nhiều hormone androgen, từ đó làm tăng lượng dầu trên da và gây tắc nghẽn lỗ chân lông, dẫn đến sự hình thành mụn hoặc làm trầm trọng tình trạng mụn hiện tại.

Những đối tượng nào dễ mọc mụn trên da đầu?

Trẻ em là đối tượng dễ bị mụn nhọt trên đầu. Ngoài ra, tình trạng da liễu này cũng thường gặp ở những đối tượng sau:

  • Người có hệ thống miễn dịch yếu;
  • Người đổ mồ hôi nhiều;
  • Người cao tuổi;
  • Người có cơ địa nhạy cảm dễ kích ứng với hóa chất;
  • Người mắc bệnh tiểu đường làm suy yếu sức đề kháng.

Điều trị mụn nhọt trên đầu

Trong hầu hết các trường hợp mụn mọc trên đầu, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một loại dầu gội hoặc thuốc điều trị thích hợp. Những sản phẩm này giúp rửa sạch dầu thừa và tế bào da chết, từ đó kiểm soát tình trạng mụn. Các thành phần phổ biến trong các sản phẩm điều trị mụn trên da đầu thường bao gồm:

  • Benzoyl peroxide: Loại bỏ vi khuẩn gây nên mụn trên da đầu.
  • Axit salicylic: Giúp loại bỏ tế bào da chết.
  • Tinh dầu tràm trà: Có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn trên da đầu.
  • Axit glycolic: Loại bỏ tế bào da chết, vi khuẩn và bã nhờn.
  • Ciclopirox: Có tác dụng kháng nấm và điều trị nhiễm trùng da.
  • Ketoconazole: Kháng nấm, cải thiện tình trạng da đầu bị vảy hoặc đỏ.
  • Propionibacterium acnes: Sử dụng trong các trường hợp mụn nghiêm trọng.
Mụn nhọt trên đầu do đâu? Cách điều trị và phòng ngừa 2
Dầu gội hoặc thuốc điều trị thường được bác sĩ chỉ định khi bị mụn trên đầu

Đối với những trường hợp mụn trên đầu dai dẳng kèm theo các triệu chứng như rụng tóc và viêm, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp sau:

  • Tiêm steroid;
  • Sử dụng kháng sinh đường uống;
  • Dùng thuốc kháng histamin cho phản ứng dị ứng;
  • Thoa thuốc mỡ kháng sinh hoặc kem steroid theo chỉ định của bác sĩ da liễu;
  • Áp dụng liệu pháp quang học, hay còn gọi là liệu pháp ánh sáng;
  • Sử dụng các thuốc đặc trị trong trường hợp mụn nghiêm trọng, như isotretinoin.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Ngoài bụi bẩn và vi khuẩn, mụn trên da đầu có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Việc xác định chính xác nguyên nhân gây mụn là rất quan trọng để có phương pháp điều trị phù hợp. Dưới đây là một số bệnh lý da đầu phổ biến có thể gây ra mụn:

  • Viêm nang lông: Vi khuẩn xâm nhập vào nang lông gây viêm nhiễm, tạo thành các mụn đỏ, sưng và ngứa.
  • Viêm da tiết bã nhờn: Tình trạng này thường đi kèm với gàu, da đầu đỏ và vảy. Hành động gãi có thể làm tổn thương da, gây ra mụn.
  • U nang: Những khối u cứng chứa keratin, thường không có mủ trắng như mụn thông thường.
  • Ung thư da (như ung thư biểu mô tế bào vảy): Trong một số trường hợp hiếm gặp, mụn trên da đầu có thể là dấu hiệu của ung thư da.

Nếu bạn đang gặp phải tình trạng mụn trên da đầu kéo dài hoặc kèm theo các triệu chứng khác như ngứa, đau, rụng tóc, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Cách phòng ngừa mụn nhọt trên đầu

Vệ sinh da đầu là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa mụn. Việc gội đầu thường xuyên, đặc biệt sau khi tập luyện hoặc khi da đầu tiết nhiều dầu, giúp loại bỏ bụi bẩn, mồ hôi và dầu thừa, từ đó ngăn ngừa tắc nghẽn lỗ chân lông.

Trong quá trình điều trị mụn da đầu, bạn cần chú ý các vấn đề sau:

  • Bảo vệ da đầu: Đội mũ rộng và thoáng để giúp da đầu thông thoáng, hạn chế ma sát.
  • Giảm thiểu hóa chất: Hạn chế sử dụng các sản phẩm tạo kiểu tóc chứa nhiều hóa chất như gel, keo xịt, hoặc các phương pháp làm đẹp như nhuộm, duỗi tóc.
  • Dưỡng chất cho da: Bổ sung đầy đủ vitamin A, D, E để tăng cường sức khỏe cho da đầu.
  • Chế độ ăn uống: Theo dõi chế độ ăn uống, hạn chế các thực phẩm dễ gây kích ứng da và làm mụn nặng hơn.
  • Sản phẩm chăm sóc tóc: Chọn các sản phẩm dịu nhẹ, thành phần tự nhiên để giảm thiểu kích ứng.
Mụn nhọt trên đầu do đâu? Cách điều trị và phòng ngừa 3
Bổ sung vitamin A, D và E để da khỏe mạnh

Lưu ý: Tần suất gội đầu phù hợp sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng loại da đầu. Việc gội đầu quá ít hoặc quá nhiều đều có thể gây hại cho da đầu. Nếu bạn không chắc chắn về loại da đầu của mình, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ da liễu.

Mụn nhọt trên đầu không chỉ gây khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Bằng cách duy trì vệ sinh da đầu sạch sẽ, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và sử dụng các sản phẩm chăm sóc phù hợp, bạn có thể giảm nguy cơ tái phát mụn nhọt. Nếu tình trạng mụn không cải thiện hoặc ngày càng nặng hơn, hãy tìm đến sự tư vấn của bác sĩ để được hỗ trợ điều trị thích hợp. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin