Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Uống trà buổi sáng có lợi như thế nào?

Ngày 06/05/2024
Kích thước chữ

Nhiều người đã quen với việc uống trà vào sáng sớm như là một cách để khởi đầu ngày mới thư thái. Trà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về uống trà buổi sáng có lợi như thế nào trong nội dung bài viết dưới đây nhé!

Bắt đầu ngày mới của mình với một tách trà dung dị không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn giúp kích thích tinh thần khởi đầu ngày làm việc hiệu quả.

Uống trà có tốt không?

Nếu tiêu thụ một cách điều độ, trà có thể tăng cường sự tỉnh táo, cải thiện hiệu suất học tập và tăng cường năng suất làm việc.

uong-tra-buoi-sang-co-loi-nhu-the-nao 1.jpg
Nếu tiêu thụ một cách điều độ, trà có thể tăng cường sự tỉnh táo

Khi phân tích thành phần, chúng ta nhận thấy rằng trà xanh và một số loại trà khác chứa nhiều chất chống oxy hóa. Đây là nhóm các hợp chất hỗ trợ mạnh mẽ trong việc ngăn chặn quá trình lão hóa, đồng thời tham gia vào việc bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Hơn nữa, việc thường xuyên uống trà hàng ngày có thể giúp kiểm soát cân nặng và giảm bớt mỡ thừa tích tụ. Chính vì lẽ đó, nhiều sản phẩm giảm cân hiện nay thường bổ sung trà xanh hoặc các loại trà khác vào thành phần sản phẩm. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá mức, thay thế nước uống hàng ngày bằng trà có thể mang lại nhiều hậu quả không mong muốn cho sức khỏe. Vì vậy, việc uống trà có lợi hay không phụ thuộc vào cách tiêu thụ của mỗi người.

Uống trà buổi sáng có lợi như thế nào?

Một nghiên cứu về hơn nửa triệu người Anh, được công bố vào năm 2022, đã chỉ ra rằng việc uống trà vào buổi sáng hàng ngày có thể giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch, thiếu máu cục bộ ở tim và đột quỵ so với những người không uống trà.

Theo các nhà nghiên cứu, trà chứa một chất gọi là L-theanine, có khả năng giúp giảm căng thẳng và lo lắng. Ngoài ra, trà cũng có thể bảo vệ khỏi một số bệnh liên quan đến sự thoái hóa thần kinh, như bệnh Alzheimer và Parkinson. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao trong trà cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương tế bào, là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh mãn tính.

Tăng cường sức khỏe tim mạch

Theo Amy Goodson, một chuyên gia dinh dưỡng từ Đại học Texas Christian University (Mỹ), đã chỉ ra rằng một số loại trà như trà đen, trà xanh và trà dâm bụt có thể cải thiện sức khỏe tim mạch. Các loại trà này giúp giảm huyết áp, làm giảm mức độ cholesterol xấu và tăng cường chức năng tim mạch tổng thể.

uong-tra-buoi-sang-co-loi-nhu-the-nao 2.jpg
Trà giúp giảm mức độ cholesterol xấu và tăng cường chức năng tim mạch

Trong đó, trà đen cung cấp cho cơ thể các hợp chất có lợi như theaflavin và thearubigins, giúp giảm mức độ cholesterol xấu và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.

Cải thiện chức năng nhận thức

Theo Tiến sĩ Trista Best, một chuyên gia dinh dưỡng tại Sở Y tế quận Whitfield, Bang Georgia (Mỹ), trà xanh chứa L-theanine, một loại axit amin kích thích sự hợp tác với caffeine, giúp tăng cường năng lượng và cải thiện sự tỉnh táo cũng như chức năng nhận thức.

Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính

Tiến sĩ Best cũng nhấn mạnh rằng trà xanh giàu chất chống oxy hóa catechin, giúp giảm căng thẳng oxi hóa và nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Chất chống oxy hóa trong trà cũng giúp giảm tổn thương tế bào.

Kiểm soát mức đường huyết

Một nghiên cứu được công bố trong tạp chí y khoa Journal of Research in Medical Sciences cho thấy rằng trà xanh có tác động tích cực trong việc điều chỉnh quá trình trao đổi chất, đặc biệt liên quan đến việc kiểm soát mức đường huyết, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường. Cả trà đen và trà ô long cũng có hiệu quả tương tự, theo Eat This Not That.

Hướng dẫn cách uống trà có lợi cho sức khỏe

Việc uống trà có tốt hay không phụ thuộc vào cách bạn uống và lượng trà bạn tiêu thụ. Nếu bạn tiêu thụ một lượng nhỏ và phù hợp, cả trà xanh và các loại trà khác đều có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, bạn không nên uống trà thay cho nước lọc mỗi ngày. Thay vào đó, hãy uống khoảng 2 đến 3 ly trà mỗi ngày, với một lượng không quá 710ml.

Đối với cách pha trà, nên uống trà ấm thay vì quá nóng để tránh làm tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa. Thời điểm lý tưởng để uống trà là vào buổi sáng, và nên hạn chế việc uống trà sau 3:00 chiều để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ vào ban đêm.

uong-tra-buoi-sang-co-loi-nhu-the-nao 3.jpg
Uống trà ấm thay vì quá nóng để tránh tổn thương niêm mạc đường tiêu hóa

Nếu bạn đang đói, tránh uống quá nhiều trà. Việc này có thể gây ra cảm giác căng bụng, buồn nôn, hoặc chóng mặt do tác động của caffein lên dạ dày trống. Uống trà buổi sáng sau bữa ăn sáng để đảm bảo hấp thu được dưỡng chất của trà.

Trà xanh và các loại trà khác thường được coi là lựa chọn phù hợp cho việc sử dụng hàng ngày. Tuy nhiên, trong quá trình thưởng thức, bạn cần tránh kết hợp trà với một số thực phẩm và thức uống có thể gây ra hiện tượng kỵ hợp.

Cụ thể, nhân sâm, nghệ tươi, gừng tươi, tỏi, ớt chuông, và một số loại thực phẩm khác được biết đến là kỵ với trà, và việc kết hợp chúng không được khuyến khích.

Trong số các loại thức uống, trà xanh đặc biệt kỵ hợp với rượu. Uống cùng lúc rượu và trà xanh có thể gây ra những tác động không mong muốn, bao gồm rối loạn nhịp tim và cảm giác lo âu.

Hy vọng qua nội dung bài viết đã giúp bạn có thêm thông tin uống trà buổi sáng có lợi như thế nào. Hiệu quả của việc uống trà phụ thuộc vào cách bạn tiêu thụ. Nếu uống một cách có chừng mực, thức uống này có thể mang lại nhiều lợi ích. Trong quá trình sử dụng trà, hãy chú ý không kết hợp với các loại thực phẩm kỵ, hạn chế việc uống sau 3 giờ chiều, và tránh uống trà ngâm bã quá lâu hoặc quá nóng.

Xem thêm: 

Có nên uống sau khi ăn không? 

Uống trà xanh trước khi đi ngủ có sao không?

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.