Vắc xin hoạt động bằng cơ chế kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể tạo miễn dịch đặc hiệu nhằm khu trú, tiêu diệt, và thải loại tác nhân gây bệnh. Qua đó, vắc xin giúp người được tiêm ngừa không bị nhiễm bệnh, hoặc nếu nhiễm sẽ giảm gánh nặng, cũng như tử vong do bệnh tật gây ra. Hiện nay, vắc xin được bào chế theo những phương cách khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu chi tiết về vắc xin được bào chế dạng bất hoạt và có nên tiêm vắc xin bất hoạt hay không?
Vắc xin (vắc-xin) bất hoạt được sử dụng để phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm thường gặp nguy hiểm.
Vắc xin bất hoạt là gì?
Vắc xin (Vaccine) bất hoạt là sản phẩm của quá trình sản xuất bằng việc nuôi cấy tác nhân gây bệnh, thường là virus, trong môi trường thích hợp. Sau khi vi sinh vật đã phát triển, trưởng thành hoàn toàn, chúng ta sử dụng các phương pháp như: Nhiệt độ, hóa chất hoặc tia xạ để tiêu diệt, suy yếu nhằm làm cho các tác nhân gây bệnh trở nên không hoạt động (dạng bất hoạt).
Mặc dù ở trạng thái bất hoạt chúng vẫn bao gồm nhiều thành phần có khả năng kích thích, sinh miễn dịch. Khi vào cơ thể, kháng nguyên từ các tác nhân gây bệnh này sẽ được các tế bào trình diện kháng nguyên (APC - Antigen Presenting Cell) nhận diện và đưa đến các hạch bạch huyết. Trong quá trình vận chuyển này, các tác nhân gây bệnh sẽ được enzyme phân cắt thành các đoạn peptide, được gọi là epitope. Các epitope này sẽ kết hợp với phân tử MHC (Major Histocompatibility Complex) - Phức hợp phù hợp tổ chức chính - để tạo thành phức hợp peptide-MHC trên bề mặt của các tế bào miễn dịch.
Sau đó, phức hợp này sẽ được tế bào T ở hạch bạch huyết nhận diện thông qua thụ thể tế bào T, từ đó kích thích phản ứng miễn dịch đặc hiệu với kháng nguyên thông qua miễn dịch dịch thể tạo kháng thể hoặc miễn dịch qua trung gian tế bào. Quá trình này tạo ra "Tính nhớ miễn dịch" giúp cơ thể chuẩn bị để đối phó với mầm bệnh cụ thể đó trong tương lai một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Phân loại vắc xin bất hoạt
Để tạo ra vắc xin bất hoạt, chúng ta tiến hành nuôi cấy virus hoặc các tác nhân gây bệnh khác trong điều kiện thích hợp nhằm giúp chúng phát triển, trưởng thành tốt nhất, sau đó sử dụng hóa chất hoặc nhiệt độ để làm cho chúng trở nên bất hoạt (tiêu diệt hoặc giảm độc lực). Bằng các công nghệ, tiến hành tách lấy cả một vi sinh vật hoặc một phần của tác nhân gây bệnh để tạo ra vắc xin. Có 2 loại chính của vắc xin bất hoạt đó là:
Vắc xin bất hoạt toàn thể (Toàn tế bào)
Quy trình sản xuất loại vắc xin này diễn ra như sau: Tác nhân gây bệnh được nuôi cấy cho đến khi phát triển, trưởng thành hoàn chỉnh. Sau đó, sử dụng hóa chất hoặc nhiệt độ tác động để làm cho chúng trở nên bất hoạt. Khi đó tác nhân gây bệnh không còn khả năng gây bệnh nhưng vắc xin vẫn kích thích cơ thể sinh miễn dịch đặc hiệu nhằm ngăn ngừa bệnh.
Do không phải là loại vắc xin sống, vắc xin này thường an toàn và có thể sử dụng cho những người có hệ miễn dịch suy giảm. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất, việc tiêm nhắc là cần thiết. Một số ví dụ về loại vắc xin bất hoạt phổ biến bao gồm: Vắc xin tả, bại liệt, cúm, viêm gan A, thương hàn, ho gà, dại.
Vắc xin dưới đơn vị (Tiểu đơn vị)
Vắc xin dưới đơn vị, tương tự với vắc xin bất hoạt toàn thể, không chứa tác nhân gây bệnh sống, đảm bảo an toàn và loại bỏ nguy cơ mắc bệnh. Tuy nhiên, sự khác biệt quan trọng là vắc xin dưới đơn vị chỉ bao gồm một phần của vi sinh vật gây bệnh nhưng vẫn chứa các thành phần kháng nguyên cần thiết để kích thích cơ thể tạo ra miễn dịch đặc hiệu. Do đó, quy trình sản xuất vắc xin dưới đơn vị phức tạp hơn, đòi hỏi các công nghệ bào chế phải thực hiện các quy trình chính xác để xác định lượng kháng nguyên cần thiết, đủ để kích thích sinh miễn dịch.
Vắc xin dưới đơn vị có thể được chia thành một số dạng khác nhau, bao gồm: Vắc xin dưới đơn vị liên hợp, vắc xin dưới đơn vị có bản chất protein và vắc xin polysaccharide. Một số ví dụ về các loại vắc xin dưới đơn vị phổ biến bao gồm: Vắc xin phòng viêm gan B, vắc xin phòng phế cầu, vắc xin phòng viêm màng não do não mô cầu, vắc xin phòng HPV và vắc xin phòng zona.
Đánh giá về vắc xin bất hoạt
Tính an toàn: Vắc xin bất hoạt được bào chế từ tác nhân gây bệnh không hoạt động cho nên đảm bảo tính an toàn, đồng thời vắc xin đảm bảo tính KHÔNG thể gây bệnh. Cũng bởi vậy nên vắc xin này còn được sử dụng cho những người có hệ miễn dịch suy giảm mắc phải hoặc nguyên phát.
Tính hiệu quả: Những vắc xin được bào chế dạng bất hoạt đều có tính sinh miễn dịch thông qua hai con đường miễn dịch dịch thể và miễn dịch tế bào, tuy nhiên ưu thế chủ yếu theo con đường miễn dịch dịch thể, nghĩa là tạo ra kháng thể đặc hiệu. Chính vì vậy, nên vắc xin được bào chế dạng bất hoạt, thường phải tiêm nhắc lại. Ngày nay, nhiều vắc xin bất hoạt được bào chế bằng các công nghệ mới, hiện đại, như cộng hợp với các thành phần mà tính sinh miễn dịch tốt, bền vững đã giải quyết được vấn đề trên. Vắc xin Phế cầu cộng hợp, Viêm màng não do não mô cầu cộng hợp,... là những ví dụ cụ thể.
Vắc xin bất hoạt chứa các thành phần là toàn bộ hay 1 phần của vi sinh vật đã không còn khả năng hoạt động gây bệnh , nên điều kiện bảo quản, lưu trữ, vận chuyển không cần nghiêm ngặt như với các vắc xin khác. Điều này giúp vắc xin bất hoạt có thể vận chuyển đến những vùng khó tiếp cận, thiếu trang thiết bị bảo quản hiện đại. Tuy vậy, các cơ sở, công ty bào chế, vận hành, sản xuất vắc xin lại đòi hỏi nghiêm ngặt về các tiêu chí của "An toàn sinh học" trong quá trình nuôi cấy, phát triển vi sinh vật.
Có nên tiêm vắc xin bất hoạt hay không?
Trong danh sách các loại vắc xin, vắc xin bất hoạt được coi là loại vắc xin an toàn và phù hợp cho mọi khách hàng bao gồm: Trẻ em, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch suy giảm do mắc phải hoặc nguyên phát. Vắc xin bất hoạt có rất nhiều ưu điểm và đang được sử dụng rộng rãi.
Tất cả các loại vắc xin trải qua quá trình tiến hành rất nhiều nghiên cứu lâm sàng có giá trị khoa học rất cao, đánh giá, kiểm tra, bởi các cơ quan quản lý, chuyên môn cực kỳ khắt khe, nghiêm ngặt để đảm bảo tính An toàn, Hiệu quả và Không thể gây bệnh. Các vắc xin bất hoạt phải được cấp phép trước mới được đưa vào sản xuất, sử dụng. Quá trình đánh giá về tính An toàn, hiệu quả... còn được tiếp tục ghi nhận, đánh sau khi lưu hành. Tuy nhiên, vì vắc xin là một chế phẩm sinh học, nên khi tiêm vắc xin, có thể xảy ra một số phản ứng không mong muốn. Những phản ứng này thường nhẹ, không gây tổn hại về sức khỏe lâu dài.
Một số phản ứng thường gặp sau khi tiêm vắc xin bao gồm:
Phản ứng tại chỗ như: Sưng, đau, nóng hoặc đỏ tại vị trí tiêm.
Rất hiếm xảy ra các biến cố nặng sau khi tiêm chủng, ví dụ như: Sốt cao khó kiểm soát, phản ứng phản vệ như khó thở, co giật, tím tái, li bì, mày đay diện rộng và nhanh,... Tất cả những biến cố này cần được chẩn đoán, xử trí kịp thời để tránh tổn hại đến sức khỏe của người được tiêm.
Với thông tin được chia sẻ trên về vắc xin bất hoạt đã giúp bạn hiểu chi tiết thêm về cách thức bào chế, hoạt động của loại vắc xin này trong việc ngăn ngừa, phòng bệnh. Hiện nay, tất cả các Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc là những cơ sở đảm bảo cung cấp dịch vụ tiêm chủng có chất lượng tốt nhất, với đội ngũ chuyên gia, bác sỹ, điều dưỡng giàu kinh nghiệm, phục vụ tận tình, chu đáo. Các bậc cha mẹ có thể yên tâm lựa chọn để tiêm chủng cho con em mình cũng như cho bản thân và những thành viên khác trong gia đình.
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu là đối tác chiến lược hợp tác với nhiều hãng vắc xin hàng đầu thế giới để cung cấp đa dạng các loại vắc xin chất lượng. Trung tâm có đội ngũ y tá chuyên nghiệp, luôn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và tiêu chuẩn y tế trong quá trình tiêm chủng, để đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho mọi khách hàng. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu luôn lấy sự an toàn và sức khỏe của mọi người làm tiêu chí hàng đầu trong mọi hoạt động của mình.
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Bác sĩ đã có trên 20 năm kinh nghiệm làm việc với vai trò là Bác sĩ điều trị, đặc biệt là các bệnh liên quan đến chuyên ngành Truyền Nhiễm, Nhiệt đới. Nhiều năm trực tiếp thực hiện nghiên cứu về bệnh Sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, với đối tác là Đơn vị nghiên cứu Lâm sàng của Đại học Oxford tại Hà Nội và hơn 6 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Tiêm chủng Vắc xin: Nghiên cứu, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn,... Đặc biệt là lĩnh vực xử trí các phản ứng sau tiêm.