Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hội chứng suy giảm miễn dịch khiến cơ thể giảm hoặc mất khả năng bảo vệ và chống chọi lại với bệnh tật. Người bệnh mắc hội chứng này dẫn đến việc dễ nhiễm trùng, diễn tiến bệnh nghiêm trọng kéo dài và thường xuyên tái phát. Phát hiện bệnh, điều trị kịp thời và có chiến lược phòng ngừa là rất quan trọng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Hệ thống miễn dịch là gì?

Hệ thống miễn dịch là một mạng lưới hoạt động phối hợp gồm các tế bào, kháng thể, hóa chất trung gian và các cơ quan miễn dịch. Khi hệ thống miễn dịch hoạt động bình thường, cơ thể bạn sẽ nhận biết được đâu là những tác nhân bên ngoài đang xâm nhập. Hệ thống này được kích hoạt sẽ tiến hành huy động, tấn công và tiêu diệt mầm bệnh. Ngoài ra, sau quá trình tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh, hệ thống miễn dịch sẽ sản xuất ra các kháng thể để ghi nhớ và tiêu diệt các tác nhân lạ này nếu bạn tiếp xúc lại với chúng trong tương lai.

Hệ thống miễn dịch của bạn bao gồm:

  • Tế bào bạch cầu: Đóng vai trò như một đội quân để tìm kiếm, tấn công và tiêu diệt virus, vi khuẩn và các tác nhân gây bệnh khác.
  • Hạch bạch huyết: Là nơi vai trò sàng lọc các chất trong dịch bạch huyết (chứa các protein, chất béo, khoáng chất, tế bào bạch cầu, tế bào ung thư, tế bào lạ,...) và tiêu diệt tác nhân gây bệnh, khu trú chúng để không thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Cơ thể có hàng trăm hạch bạch huyết, dễ nhận biết nhất là nhóm hạch cổ, nách và bẹn.
  • Amidan và vòm họng: Đây là những chiếc bẫy có thể tóm lấy các tác nhân gây bệnh qua đường hô hấp ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể bạn.
  • Tuyến ức: Cơ quan này nằm phía trước tim và phía sau xương ức. Đây là cơ quan bạch huyết chuyên biệt của hệ thống miễn dịch, giúp tế bào lympho T trưởng thành. Tế bào này có nhiệm vụ nhận biết và ghi nhớ các tác nhân gây bệnh để huy động nhanh các hóa chất trung gian và các tế bào bạch cầu tấn công tác nhân đó.
  • Tủy xương: Các tế bào gốc ở vùng xương xốp sẽ phát triển thành các tế bào máu như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu và một số loại tế bào miễn dịch khác.
  • Da và các loại dịch tiết: Da là tuyến phòng thủ đầu tiên của bạn trước các tác nhân gây bệnh. Các loại dịch nhầy lót đường hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu và sinh dục góp phần ngăn cản tác nhân gây bệnh và đưa chúng ra ngoài bằng nhu động của lông mao hoặc hắt hơi, ho, khạc,... Ngoài ra, trong các dịch tiết này cũng chứa nhiều enzyme có khả năng tiêu diệt vi trùng.

Hội chứng suy giảm miễn dịch là gì?

Hội chứng suy giảm miễn dịch là tình trạng hệ thống miễn dịch trở nên suy yếu hoặc bất hoạt khả năng bảo vệ cơ thể chống lại sự tấn công của các tế bào lạ hoặc tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng, tế bào ung thư,... Sự suy yếu này dẫn đến hậu quả nhiễm trùng nặng hoặc các bệnh lý ung thư phát triển nghiêm trọng.

Hội chứng suy giảm miễn dịch gồm hai loại:

  • Suy giảm miễn dịch nguyên phát: Do bẩm sinh thiếu một số cơ chế phòng vệ miễn dịch của cơ thể hoặc hệ thống miễn dịch hoạt động bất thường. Cho đến nay, các nhà khoa học đã xác định hơn 300 dạng suy giảm miễn dịch nguyên phát.
  • Suy giảm miễn dịch thứ phát: Hình thành trong quá trình sống, do mắc một số bệnh lý, nhiễm các chất độc,...

Triệu chứng

Triệu chứng của hội chứng suy giảm miễn dịch

Người bệnh mắc hội chứng suy giảm miễn dịch thường dễ mắc nhiều loại nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm các chủng vi khuẩn, virus hiếm gặp. Các triệu chứng nhiễm trùng có thể nặng nề hơn, thời gian kéo dài và điều trị kém đáp ứng, bao gồm:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp: Đau họng,chảy nước mũi, ho,...
  • Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy kéo dài, phân sống, trướng bụng, gan lách to,...
  • Nhiễm trùng miệng: Nấm miệng, loét miệng, tưa lưỡi, viêm nha chu,...
  • Nhiễm trùng mắt: Đau mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt,...
  • Nhiễm trùng da: Nhọt mủ, loét da, mụn nước,...
  • Triệu chứng nhiễm trùng chung: Sốt, ớn lạnh, chán ăn, sụt cân,...

Mặc dù những người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch có thể giảm khả năng chống chọi với các tác nhân gây bệnh bên ngoài, nhưng họ lại có thể phát sinh những phản ứng miễn dịch chống lại mô cơ thể của chính mình và phát triển các triệu chứng của bệnh tự miễn dịch như lupus đỏ hệ thống, viêm khớp dạng thấp,...

Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 3
Nấm miệng là một trong những triệu chứng của suy giảm miễn dịch

Biến chứng của hội chứng suy giảm miễn dịch

Các biến chứng do hội chứng suy giảm miễn dịch khác nhau tùy thuộc vào loại bệnh mà người bệnh mắc phải. Cụ thể gồm:

  • Nhiễm trùng tái phát, tình trạng đề kháng kháng sinh;
  • Các bệnh lý rối loạn tự miễn dịch;
  • Tổn thương đa cơ quan tim mạch, hô hấp, thần kinh, tiết niệu hoặc tiêu hóa;
  • Chậm tăng trưởng (ở trẻ em);
  • Tăng nguy cơ ung thư;
  • Tử vong do nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Khi có bất kì dấu hiệu nào được đề cập ở trên, bạn cần đến gặp bác sĩ để được thăm khám và tư vấn. Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời sẽ giúp ngăn ngừa được các biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến hội chứng suy giảm miễn dịch

Có rất nhiều nguyên nhân có thể làm hư hại hoặc phá vỡ hệ thống miễn dịch. Một số loại thuốc khiến hệ thống miễn dịch suy yếu, một số tình trạng bệnh lý khiến hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh hoặc khó bảo vệ cơ thể khỏi tác nhân gây hại.

  • Suy giảm miễn dịch nguyên phát: Loại suy giảm miễn dịch này có tính chất di truyền. Có hơn 300 loại suy giảm miễn dịch nguyên phát ngăn cản hệ thống miễn dịch hoạt động như bình thường được phân loại thành 6 nhóm gồm thiếu hụt tế bào lympho T, thiếu hụt tế bào lympho B, thiếu hụt tế bào T và tế bào B kết hợp, khiếm khuyết thực bào, thiếu hụt bổ thể, không rõ nguyên nhân.
  • Dị ứng: Khi cơ thể phản ứng quá mẫn với một chất vô hại (như thực phẩm hoặc phấn hoa), hệ thống miễn dịch sẽ kích hoạt phản ứng bằng cách giải phóng histamine gây ra các triệu chứng dị ứng. Phản ứng dị ứng có thể từ nhẹ (hắt hơi hoặc nghẹt mũi) đến nặng (khó thở và thậm chí sốc phản vệ và tử vong).
  • Rối loạn tự miễn dịch: Những rối loạn này xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào khỏe mạnh của cơ thể chúng ta. Lupus ban đỏ hệ thống, đái tháo đường tuýp I, viêm giáp Hashimoto và viêm khớp dạng thấp là những ví dụ về các bệnh lý tự miễn phổ biến.
  • Nhiễm trùng: HIV và bệnh bạch cầu đơn nhân là những bệnh nhiễm trùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
  • Ung thư: Một số loại ung thư như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và u tủy ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống miễn dịch. Những bệnh ung thư này xảy ra khi các tế bào miễn dịch phát triển không kiểm soát.
  • Nhiễm trùng huyết: Nhiễm trùng huyết là một phản ứng mạnh mẽ của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm trùng dẫn đến tình trạng viêm lan rộng và gây ra một chuỗi các tổn thương nội tạng, suy đa tạng và tử vong.
  • Thuốc: Một số loại thuốc như nhóm thuốc corticosteroid, cyclosporin A, methotrexate,... có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Các thuốc này thường được sử dụng để kháng viêm giảm đau, chống thải ghép, các bệnh tự miễn.
Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 4
HIV là những bệnh nhiễm trùng làm suy yếu hệ thống miễn dịch

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch

Dưới đây là một số đối tượng có nguy cơ mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch:

  • Suy dinh dưỡng;
  • Nhiễm HIV;
  • Cấy ghép tạng, hóa trị, xạ trị,...
  • Người bệnh mắc các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, ung thư,...
  • Sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch như corticosteroid, cyclosporin A, methotrexate,...

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc hội chứng suy giảm miễn dịch bao gồm:

  • Người lớn tuổi;
  • Người nằm viện trong thời gian dài;
  • Tiền sử gia đình có di truyền các đột biến gen liên quan đến rối loạn miễn dịch nguyên phát;

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp chẩn đoán hội chứng suy giảm miễn dịch

Để chẩn đoán người bệnh mắc hội chứng suy giảm miễn dịch, bác sĩ sẽ tiến hành hỏi bệnh sử và tiền căn bệnh lý của bản thân và gia đình người bệnh, đặc biệt chú ý vào nhóm bệnh lý di truyền. Ngoài ra, bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá bệnh lý nhiễm trùng mà người bệnh mắc phải trong một năm gần nhất, kết hợp một số xét nghiệm cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán xác định.

Các xét nghiệm chẩn đoán hội chứng suy giảm miễn dịch

Các xét nghiệm được sử dụng để hỗ trợ trong việc chẩn đoán hội chứng suy giảm miễn dịch bao gồm:

  • Công thức máu (số lượng hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu);
  • Định lượng nồng độ globulin miễn dịch trong máu;
  • Xác định nồng độ bổ thể và thực bào trong máu;
  • Điện di protein (máu hoặc nước tiểu);
  • Số lượng tế bào lympho T, tế bào lympho B;
  • Một số xét nghiệm chuyên biệt khác như: Sinh thiết tủy xương, kiểm tra HIV, xét nghiệm sinh học phân tử DNA,...
Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 5
Định lượng nồng độ globulin miễn dịch trong máu

Phương pháp điều trị hội chứng suy giảm miễn dịch hiệu quả

Nguyên tắc điều trị của hội chứng suy giảm miễn dịch là ngăn ngừa nhiễm trùng và điều trị bất kỳ bệnh và nhiễm trùng nào phát triển.

  • Điều trị tích cực nhiễm trùng: Kháng sinh, kháng virus, kháng nấm, diệt ký sinh trùng,...
  • Sử dụng một số loại thuốc có khả năng tăng cường hệ thống miễn dịch: Interferon, liệu pháp globulin miễn dịch (IVIG),...
  • Điều trị ở người nhiễm HIV/AIDS: Sử dụng các loại thuốc để giảm tải lượng HIV (antiretroviral drug - ARV);
  • Cấy ghép tủy xương có thể được sử dụng để điều trị một số tình trạng suy giảm miễn dịch.
  • Tiêm vắc xin phòng tránh một số tác nhân gây bệnh như COVID-19, cúm, phế cầu, não mô cầu, Hib. Lưu ý không tiêm các vắc xin sống như sởi, quai bị, rubella, thủy đậu, BCG, rota,... có thể gây biến chứng nặng sau tiêm.
Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 6
Điều trị nhiễm trùng kịp thời đối với người mắc hội chứng suy giảm miễn dịch

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Phương pháp phòng ngừa hội chứng suy giảm miễn dịch hiệu quả

Hệ thống miễn dịch cần được nuôi dưỡng và nghỉ ngơi để luôn khỏe mạnh. Một số thay đổi lối sống giúp tăng cường sức khỏe của hệ thống miễn dịch và giúp bạn tránh được bệnh tật. Để giữ cho hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động hiệu quả, bạn nên:

  • Bỏ hút thuốc lá (cả chủ động và thụ động);
  • Duy trì cân nặng lý tưởng;
  • Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ;
  • Tránh các loại đồ uống có cồn hoặc chỉ sử dụng ở mức độ vừa phải;
  • Ngủ đủ giấc;
  • Luyện tập thể dục đều đặn;
  • Rửa tay thường xuyên;
  • Giảm căng thẳng, mệt mỏi. Luyện tập thiền hoặc dưỡng sinh để cải thiện sức khỏe tâm trí;
  • Tiêm ngừa vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế Việt Nam;
  • Không tiêm chích ma túy hoặc sử dụng các chất gây nghiện;
  • Nếu có hệ thống miễn dịch suy yếu, bạn nên tránh tiếp xúc với những người bị nhiễm trùng hoặc vừa tiêm ngừa các vắc xin sống, vắc xin giảm độc lực trong vòng 2 tuần.
Hội chứng suy giảm miễn dịch: Triệu chứng, điều trị và phòng ngừa 7
Nếu bạn có hệ thống miễn dịch suy yếu, bạn nên tiêm ngừa các loại vắc xin sống, vắc xin giảm độc lực trong vòng 2 tuần
Nguồn tham khảo
  1. Ballow M, Sánchez-Ramón S, Walter JE. Secondary Immune Deficiency and Primary Immune Deficiency Crossovers: Hematological Malignancies and Autoimmune Diseases. Front Immunol. 2022;13:928062. doi: 10.3389/fimmu.2022.928062.
  2. Tuano KS, Seth N, Chinen J. Secondary immunodeficiencies: An overview. Ann Allergy Asthma Immunol. 2021;127(6):617-626. doi: 10.1016/j.anai.2021.08.413.
  3. Demirdag Y, Fuleihan R, Orange JS, Yu JE. New primary immunodeficiencies 2021 context and future. Curr Opin Pediatr. 2021;33(6):657-675. doi: 10.1097/MOP.0000000000001075.
  4. Szczawinska-Poplonyk A, Begier K, Dorota A, et al. Syndromic immunodeficiencies: a pediatrician's perspective on selected diseases. Allergol Immunopathol (Madr). 2021;49(4):117-136. doi: 10.15586/aei.v49i4.200.
  5. Raje N, Dinakar C. Overview of Immunodeficiency Disorders. Immunol Allergy Clin North Am. 2015 Nov;35(4):599-623. doi: 10.1016/j.iac.2015.07.001.

Các bệnh liên quan

  1. Rối loạn phóng noãn

  2. Bệnh mạch máu tinh bột

  3. sa tinh hoàn

  4. Hội chứng west

  5. Viêm Lưỡi

  6. U nguyên bào thần kinh đệm

  7. Hội chứng Churg-Strauss

  8. Cường Aldosteron tiên phát

  9. Bệnh Horton

  10. Vô sinh thứ phát