Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Tiêm chủng

Vắc xin uốn ván hấp phụ TT (Việt Nam) phòng ngừa bệnh uốn ván

Ngày 06/06/2024
Kích thước chữ

Uốn ván là một căn bệnh nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao. Để phòng ngừa, các bác sĩ khuyến cáo mọi người nên tiêm vắc xin uốn ván đúng theo liều lượng và lịch trình được đề xuất. Vắc xin uốn ván hấp phụ TT là loại vắc xin phòng ngừa bệnh uốn ván, có nguồn gốc từ Việt Nam là một sự lựa chọn uy tín để phòng ngừa căn bệnh này.

Vắc xin uốn ván hấp phụ được bào chế từ giải độc tố uốn ván tinh khiết, có tác dụng tạo miễn dịch chủ động phòng ngừa bệnh uốn ván cho cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt, vắc xin này được khuyến khích tiêm cho phụ nữ có thai để phòng bệnh uốn ván sau sinh. Vậy thông tin chi tiết cũng như lịch tiêm của vắc xin uốn ván này như thế nào, mời quý vị độc giả cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.

Thông tin vắc xin uốn ván hấp phụ TT

Vắc xin uốn ván hấp phụ được sản xuất từ sự kết hợp của giải độc tố uốn ván tinh khiết và chất hấp phụ. Đây là một trong những vắc xin nằm trong chương trình tiêm chủng cho cả trẻ em và người lớn.

Nguồn gốc

Vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam.

 Vắc xin uốn ván hấp phụ (Việt Nam) 1
Vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) được nghiên cứu và sản xuất tại Việt Nam

Đường tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ TT (Việt Nam)

Vắc xin uốn ván hấp phụ (TT) được chỉ định tiêm bắp với liều lượng 0,5ml.

Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng vắc xin này cho những người quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của nó. Ngoài ra, những trường hợp không được tiêm uốn vánngười từng có các dấu hiệu hoặc triệu chứng thần kinh (như rối loạn chức năng dây thần kinh cánh tay, bả vai,...) sau lần tiêm trước cũng không sử dụng vắc xin này.

Thận trọng khi sử dụng

Trong khi sử dụng vắc xin, cần thận trọng một số vấn đề như:

  • Không tiêm vắc xin vào mạch máu, dưới da hoặc trong da.
  • Cần thận trọng khi tiêm cho những người bị giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu.
  • Mặc dù hiếm gặp nhưng vắc xin có thể gây rối loạn chức năng các dây thần kinh ở cánh tay và bả vai.

Khả năng sinh sản, phụ nữ có thai và cho con bú

Vắc xin uốn ván hấp phụ không có chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú. Tuy nhiên, nên hoàn thành lịch tiêm uốn ván ít nhất 2 tuần trước ngày dự sinh.

 Vắc xin uốn ván hấp phụ (Việt Nam) 2
Phụ nữ mang thai nên hoàn thành lịch tiêm uốn ván ít nhất 2 tuần trước ngày dự sinh

Tương tác thuốc

Đáp ứng tạo kháng thể có thể giảm tùy theo liều lượng của các thuốc ức chế miễn dịch và liệu pháp phóng xạ. Vắc xin uốn ván hấp phụ TT và các vắc xin có cùng thành phần nên được tiêm cách nhau ít nhất 1 tháng.

Tác dụng không mong muốn khi tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ TT (Việt Nam)

Khi tiêm vắc xin TT, đôi khi có thể bị sốt, vùng tiêm xuất hiện quầng đỏ, đau, sưng nhẹ và sẽ tự biến mất. Việc tiêm nhắc lại nhiều lần có thể gây dị ứng trong một số trường hợp.

Bảo quản

Vắc xin được bảo quản ở nhiệt độ từ 2 đến 8 độ C, tránh để vắc xin đông đá.

Đối tượng tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ TT (Việt Nam)

Vắc xin phòng bệnh uốn ván được khuyến nghị cho người lớn và trẻ em. Trẻ em có thể tiêm từ 2 tháng tuổi trở lên. Tuy nhiên, đối với trẻ em dưới 7 tuổi, nên ưu tiên sử dụng vắc xin kết hợp 6 trong 1, 5 trong 1 hoặc 4 trong 1 tùy theo độ tuổi.

 Vắc xin uốn ván hấp phụ (Việt Nam) 3
Trẻ em dưới 7 tuổi, nên ưu tiên sử dụng vắc xin kết hợp 6 trong 1, 5 trong 1 hoặc 4 trong 1 tùy theo độ tuổi

Phác đồ, lịch tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ TT

Lịch tiêm cơ bản

Về lịch tiêm cơ bản, cần tuân thủ theo phác đồ sau:

  • Mũi 1: Tiêm lần đầu.
  • Mũi 2: Tiêm 1 tháng sau mũi 1.
  • Mũi 3: Tiêm 6 tháng sau mũi 2.

Lưu ý: Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Đối với phụ nữ có thai

Đối với phụ nữ có thai, lịch tiêm uốn ván sẽ vào 3 tháng giữa hoặc tháng cuối của thai kỳ.

Nếu chưa tiêm hoặc không rõ lịch sử tiêm hoặc đã tiêm 1 mũi

Khi này sẽ áp dụng lịch tiêm theo thông tư 38/2017/TT-BYT:

  • Lần 1: Tiêm vắc xin TT khi có thai lần đầu.
  • Lần 2: Tiêm TT sau ít nhất 1 tháng kể từ lần 1.
  • Lần 3: Cách ít nhất 6 tháng sau mũi 2 hoặc trước thai kỳ tiếp theo.
  • Lần 4: Cách ít nhất 1 năm sau mũi 3 hoặc trước thai kỳ tiếp theo.
  • Lần 5: Cách ít nhất 1 năm sau mũi 4 hoặc trước thai kỳ tiếp theo.
  • Hẹn tiêm mỗi 10 năm hoặc trước thai kỳ tiếp theo sau khi đã tiêm mũi gần nhất ít nhất 1 năm.

Nếu đã tiêm ít nhất 2 mũi trước thai kỳ (khi trên 1 tuổi)

Đối với người đã tiêm ít nhất 2 mũi trước thai kỳ thì:

  • Tiêm 1 mũi TT sau ít nhất 6 tháng kể từ mũi gần nhất.
  • Hẹn tiêm mỗi 10 năm hoặc trước thai kỳ tiếp theo.

Nếu đã tiêm 3 mũi cơ bản chứa thành phần uốn ván

Khi đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin cơ bản, thì các lần tiêm tiếp theo sẽ là:

  • Lần 1: Tiêm TT khi có thai lần đầu.
  • Lần 2: Tiêm TT sau 1 tháng kể từ lần 1.
  • Hẹn tiêm mỗi 10 năm hoặc trước thai kỳ tiếp theo.

Hướng dẫn chỉ định vắc xin uốn ván (UV) và kháng huyết thanh (SAT) khi có vết thương

Với từng trường hợp và với vết thương cụ thể, lịch tiêm vắc xin uốn ván và kháng huyết thanh uốn ván được thể hiện trong bảng sau:

 Vắc xin uốn ván hấp phụ (Việt Nam) 4
(*) Tiêm SAT cho những trường hợp sau bất kể tình trạng tiêm ngừa trước đó: HIV/Suy giảm miễn dịch

Phản ứng sau tiêm chủng

Người tiêm có thể gặp một số triệu chứng sau khi tiêm phòng uốn ván như:

  • Có thể gây sưng các hạch bạch huyết gần chỗ tiêm.
  • Các phản ứng nhẹ toàn thân như đau đầu, đổ mồ hôi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp có thể xảy ra.
  • Hiếm gặp nhưng có thể có rối loạn chức năng các dây thần kinh cánh tay và bả vai, không liên quan đến thần kinh trung ương.
  • Nếu tiêm nhầm vào dưới da, các phản ứng phụ sẽ trở nên nghiêm trọng hơn do vắc xin chứa muối nhôm.

Tình trạng vắc xin

Hiện nay, Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp vắc xin uốn ván hấp phụ chính hãng với giá 144.000 VND (giá bán lẻ mang tính tham khảo, có thể sẽ thay đổi theo từng thời điểm). Tiêm vắc xin đầy đủ và đúng lịch giúp cơ thể kích thích sinh ra miễn dịch chủ động đặc hiệu, từ đó tăng cường sức đề kháng và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm. Để được tư vấn về gói vắc xin phù hợp và đặt lịch tiêm chủng nhanh nhất, vui lòng liên hệ trực tiếp với Tiêm chủng Long Châu qua Hotline: 1800 6928.

Một số câu hỏi thường gặp

Vắc xin uốn ván dùng được cho người bao nhiêu tuổi?

Vắc xin uốn ván dùng được cho trẻ từ trên 2 tháng tuổi trở lên.

Vắc xin uốn ván hấp phụ có dùng được cho phụ nữ mang thai và cho con bú không?

Vắc xin uốn ván (TT) không chống chỉ định đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Bạn có thể tham khảo thêm danh sách các loại vắc xin uốn ván cho bà bầu.

Tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ có gây ra tác dụng phụ nào không?

Đôi khi có thể bị sốt, vùng tiêm xuất hiện quầng đỏ, đau, sưng nhẹ và sẽ tự biến mất. Việc tiêm nhắc lại nhiều lần có thể gây dị ứng trong một số trường hợp.

 Vắc xin uốn ván hấp phụ (Việt Nam) 5
Sốt là một trong những phản ứng thường gặp sau tiêm chủng

Chủ động phòng ngừa uốn ván bằng cách tiêm vắc xin uốn ván hấp phụ là biện pháp phòng ngừa hiệu quả và an toàn nhất. Việc tiêm phòng giúp cơ thể sản sinh kháng thể để chống lại vi khuẩn uốn ván khi bị nhiễm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Đặc biệt, tiêm vắc xin theo đúng lịch trình và đủ liều giúp đảm bảo miễn dịch lâu dài, bảo vệ sức khỏe không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng. Hãy tuân thủ các khuyến cáo tiêm phòng của cơ quan y tế để đạt được hiệu quả phòng ngừa tốt nhất.

Xem thêm: Tiêm uốn ván xong nên ăn gì? Lưu ý quan trọng sau khi tiêm

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Tiêm chủng