Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm

Ngày 31/10/2024
Kích thước chữ

Uốn ván là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần được phòng ngừa, tạo miễn dịch chủ động thông qua việc tiêm vắc xin ngừa uốn ván, đặc biệt là cho phụ nữ mang thai, là phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất. Khi tiêm đủ số mũi vắc xin uốn ván, khả năng phòng bệnh đạt hơn 95%. Vậy vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm, tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu.

Vắc xin uốn ván đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và phòng uốn ván hiệu quả nhất. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin cần thiết về vắc xin uốn ván là gì, các loại vắc xin uốn ván hiện có, tác dụng của vắc xin, giá tiêm uốn ván là bao nhiêu cũng như những lưu ý quan trọng khi bạn có kế hoạch tiêm ngừa loại vắc xin này.

Vắc xin uốn ván là gì?

Vắc xin uốn ván là một chế phẩm sinh học có khả năng kích thích kháng nguyên, được chiết xuất từ trực khuẩn gây bệnh uốn ván hoặc từ vi sinh vật có cấu trúc kháng nguyên tương tự trực khuẩn này. Vắc xin uốn ván được tiêm vào cơ thể để kích hoạt hệ miễn dịch sản sinh kháng thể, giúp cơ thể phòng ngừa và phản ứng nhanh chóng khi gặp phải vi khuẩn gây bệnh uốn ván, từ đó ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm và bảo vệ sức khỏe khỏi tác hại của bệnh.

Uốn ván là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm với tỷ lệ tử vong cao, do ngoại độc tố của trực khuẩn Clostridium tetani gây ra. Loại vi khuẩn này tồn tại trong đất, phân bón, đặc biệt là phân ngựa. Khi da bị thương hoặc trầy xước, vi khuẩn có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng trong cơ thể.

Nguồn gốc vắc xin uốn ván

Vào năm 1897, Edmond Nocard, một bác sĩ thú y và nhà vi sinh người Pháp, đã chứng minh hiệu quả bảo vệ của chất kháng độc thông qua truyền thụ động, và miễn dịch thụ động đã được áp dụng để điều trị cũng như phòng ngừa trong Thế chiến thứ nhất. 

Đến đầu thập niên 1920, một phương pháp vô hiệu hóa độc tố uốn ván bằng formaldehyde được phát triển, từ đó dẫn đến sự ra đời của độc tố uốn ván vào năm 1924. Trong Thế chiến thứ hai, các nhà sản xuất vắc xin và công ty dược phẩm tại Hoa Kỳ bắt đầu phân phối vắc xin uốn ván rộng rãi cho mọi người.

Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm 1
Vắc xin uốn ván có nguồn gốc lâu đời

Cơ chế hoạt động và hiệu quả của vắc xin

Vắc xin uốn ván hoạt động bằng cách kích thích cơ thể tạo ra kháng thể liên kết với độc tố của vi khuẩn chứ không tác động trực tiếp lên vi khuẩn. Đối với những người chưa được chủng ngừa uốn ván, cần tiêm vắc xin càng sớm càng tốt sau khi bị thương. Vắc xin uốn ván có hiệu quả cao và rất an toàn, kể cả với phụ nữ mang thai hoặc người nhiễm HIV. 

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo rằng cả trẻ em và người lớn đều nên tiêm ngừa uốn ván. Nhờ có vắc xin, tỷ lệ tử vong do bệnh uốn ván đã giảm đi đáng kể. Các chuyên gia cho biết việc tiêm vắc xin uốn ván đầy đủ và kịp thời có thể giúp người bệnh tránh khỏi các triệu chứng đau đớn và nguy hiểm do bệnh gây ra.

Hiệu quả phòng bệnh của vắc xin uốn ván có thể đạt đến 95% nếu được tiêm đủ liều và đúng lịch trình. Tiêm vắc xin uốn ván giúp chủ động phòng ngừa uốn ván cho phụ nữ mang thai và uốn ván sơ sinh cho trẻ, vì kháng thể tạo ra trong cơ thể mẹ sẽ truyền sang con, bảo vệ cho bé và đồng thời bảo vệ người mẹ trong suốt quá trình sinh nở. 

Tuy nhiên, vắc xin uốn ván không cung cấp miễn dịch trọn đời mà chỉ có hiệu lực trong khoảng 10 năm. Vì vậy, các bác sĩ khuyến nghị nên tiêm nhắc lại mỗi 10 năm. Trong trường hợp nghi ngờ có thể đã tiếp xúc với bào tử uốn ván, việc tiêm nhắc lại sớm hơn là điều cần thiết.

Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm 2
Nên tiêm nhắc lại vắc xin uốn ván mỗi 10 năm

Vì sao nên tiêm vắc xin uốn ván?

Nha bào uốn ván của vi khuẩn Clostridium tetani có mặt ở mọi nơi trong môi trường tự nhiên xâm nhập vào các vết thương, vết trầy xước và phát triển thành ổ nhiễm trùng gây bệnh uốn ván. Bệnh gặp ở mọi độ tuổi.

  • Bệnh cấp tính nguy hiểm, tỉ lệ tử vong rất cao từ 25 - 90%.
  • Cây cơn co cứng kèm theo đau, khó mở miệng (cứng hàm), khó nuốt, cứng và đau vùng cổ, vai và các cơ sau lưng, khó thở.
  • Các trường hợp nặng gây tử vong do suy hô hấp, tăng/hạ huyết áp hoặc suy tim.

Dựa trên dữ liệu từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vào năm 1988, ước lượng có tới 787.000 trẻ sơ sinh qua đời do uốn ván trong tháng đầu tiên sau khi sinh. Tuy nhiên, vào năm 2018, con số này đã giảm xuống còn 25.000 trẻ, tức là giảm tới 97%. Điều này phần lớn là do công tác tiêm chủng vắc xin uốn ván được mở rộng.

Độc tố tetanospasmin mang tính chất cực kỳ nguy hiểm. Tiêm phòng vắc xin uốn ván là điều rất cần thiết vì đây là biện pháp phòng ngừa bệnh đặc hiệu.

Ai nên tiêm vắc xin uốn ván?

WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) và CDC (Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh) trên toàn thế giới đều đưa ra khuyến nghị tất cả mọi người nên được chủng ngừa uốn ván để ngăn chặn nguy hiểm chết người từ căn bệnh này.

Trẻ sơ sinh và trẻ em: Tiêm phòng uốn ván theo lịch tiêm chủng từ cơ quan y tế quốc gia.

Người lớn nên tiêm phòng uốn ván nếu trước đây chưa từng tiêm, hoặc chưa tiêm liều nhắc lại trong vòng 10 năm kể từ lần tiêm gần nhất.

Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên tiêm phòng uốn ván ngay nếu bạn thuộc các trường hợp sau:

  • Là phụ nữ đang mang thai.
  • Làm nghề nông, vì công việc yêu cầu phải tiếp xúc với đất hoặc phân động vật.
  • Làm công nhân xây dựng - thuộc nhóm có nguy cơ cao vì môi trường làm việc có thể phải tiếp xúc với các kim loại gỉ sét.
Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm 3
Người lớn nên tiêm phòng uốn ván nếu trước đây chưa từng tiêm

Trường hợp chống chỉ định tiêm vắc xin uốn ván

Mặc dù vắc xin uốn ván được khuyến cáo nên được tiêm cho tất cả mọi người, nhưng có một vài trường hợp không được tiêm vắc xin uốn ván, đó là:

  • Những người dị ứng hoặc gặp phản ứng quá mẫn với bất kỳ thành phần nào trong vắc xin.
  • Người gặp dị ứng, hoặc các triệu chứng thần kinh trong lần tiêm vắc xin uốn ván trước đó.
  • Người đang sốt cao, hoặc đang mắc các tình trạng bệnh cấp tính nên hoãn lịch tiêm cho đến khi hồi phục hoàn toàn.
  • Và tương tự như các vắc xin khác, việc tiêm chủng không được khuyến nghị với những trường hợp suy chức năng các cơ quan.

Vắc xin uốn ván có mấy loại và lịch tiêm cụ thể?

Tại nước ta, uốn ván nằm trong danh mục các bệnh truyền nhiễm bắt buộc phải tiêm vắc xin để phòng ngừa. Dưới đây là danh sách những loại vắc xin phòng uốn ván đang được sử dụng tại Việt Nam, bao gồm nơi sản xuất, đối tượng sử dụng và phác đồ tiêm vắc xin uốn ván mấy mũi mà bạn có thể tham khảo.

Vắc xin uốn ván hấp phụ TT

Vắc xin uốn ván hấp phụ TT là sản phẩm từ Viện Vắc xin và Sinh phẩm Y tế Nha Trang IVAC của Việt Nam.

Đối tượng sử dụng: Trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên và người lớn. Tuy nhiên với trẻ em < 7 tuổi nên ưu tiên các vắc xin kết hợp (6 trong 1, 5 trong 1, 4 trong 1) tùy độ tuổi.

Phác đồ tiêm:

Lịch tiêm cơ bản:

  • Liều 1: Lần đầu tiên tiêm.
  • Liều 2: Ít nhất 1 tháng sau liều 1.
  • Liều 3: Ít nhất 6 tháng sau liều 2.
  • Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Lịch tiêm cho phụ nữ có thai 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối:

Trường hợp chưa tiêm lần nào, hoặc không rõ lịch sử, hoặc đã tiêm 1 liều sẽ áp dụng theo TT38/2017/TT-BYT, cụ thể như sau:

  • Liều 1: Tiêm khi có thai lần đầu.
  • Liều 2: Ít nhất 1 tháng sau liều 1.
  • Liều 3: Ít nhất 6 tháng sau liều 2 hoặc lần có thai sau.
  • Liều 4: Ít nhất 1 năm sau liều 3 hoặc lần có thai sau.
  • Liều 5: Ít nhất 1 năm sau liều 4 hoặc lần có thai sau.
  • Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm hoặc lần có thai sau cách liều gần nhất ít nhất 1 năm trở lên.

Trường hợp đã tiêm từ 2 liều trở lên trước khi có thai (thời điểm > 1 tuổi):

  • Tiêm 1 liều cách liều gần nhất tối thiểu 6 tháng.
  • Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm hoặc lần có thai sau.

Trường hợp đã tiêm 3 liều cơ bản (thời điểm < 1 tuổi):

  • Liều 1: Tiêm khi có thai lần đầu.
  • Liều 2: Ít nhất 1 tháng sau liều 1.
  • Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm hoặc lần có thai sau.
Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm 4
Vắc xin uốn ván hấp phụ TT được sản xuất tại Việt Nam

Vắc xin uốn ván - bạch hầu hấp phụ Td

Vắc xin uốn ván - bạch hầu hấp phụ Td cũng là một sản phẩm từ IVAC của Việt Nam. Đây là loại vắc xin phối hợp 2 thành phần, có tác dụng kích thích miễn dịch chống lại cả 2 bệnh bạch hầu và uốn ván.

Đối tượng sử dụng: Trẻ em từ 7 tuổi trở lên và người lớn.

Phác đồ tiêm:

Trường hợp đã tiêm đủ miễn dịch cơ bản bạch hầu và uốn ván:

  • Tiêm nhắc 1 liều lúc 7 tuổi.
  • Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Trường hợp từ 7 tuổi trở lên, chưa tiêm vắc xin bạch hầu - uốn ván lần nào, hoặc không rõ lịch sử tiêm:

  • Liều 1: Lần đầu tiên tiêm.
  • Liều 2: Ít nhất 1 tháng sau liều 1.
  • Liều 3: Ít nhất 6 tháng sau liều 2.
  • Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Vắc xin 3 trong 1

Vắc xin 3 trong 1 là loại vắc xin đa thành phần, thường là sự phối hợp phòng ngừa 3 bệnh bạch hầu, ho gà và uốn ván. Vắc xin 3 trong 1 bao gồm vắc xin Boostrix của Bỉ và vắc xin Adacel của Canada.

Nguồn gốc:

  • Vắc xin Boostrix được sản xuất tại Bỉ bởi tập đoàn GlaxoSmithKline (GSK), tập đoàn nổi tiếng về dược phẩm và các chế phẩm sinh học.
  • Vắc xin Adacel được sản xuất tại Canada bởi tập đoàn Sanofi Pasteur đến từ Pháp.

Đối tượng sử dụng:

  • Vắc xin Boostrix: Trẻ em từ 4 tuổi trở lên và người lớn.
  • Vắc xin Adacel: Trẻ em từ 4 tuổi đến người 64 tuổi.

Phác đồ tiêm:

Trường hợp tiêm nhắc lại:

  • Có thể chọn Boostrix là liều nhắc lại của vắc xin DTaP cho trẻ từ 4 tuổi trở lên.
  • Có thể chọn Adacel là liều nhắc lại của vắc xin DTaP cho trẻ từ 4 - 6 tuổi.

Lịch tiêm cả 2 vắc xin cho trẻ từ 7 tuổi trở lên chưa tiêm vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà lần nào, hoặc không rõ lịch sử tiêm:

  • Liều 1: Tiêm lần đầu tiên.
  • Liều 2: Ít nhất 1 tháng sau liều 1.
  • Liều 3: Ít nhất 6 tháng sau liều 2.
  • Tiêm nhắc lại sau mỗi 10 năm theo khuyến cáo.
Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm 5
Vắc xin Boostrix của Bỉ và vắc xin Adacel của Canada

Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim

Vắc xin Tetraxim là vắc xin phối hợp 4 thành phần bệnh, bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván và bại liệt ở trẻ em. Đây là vắc xin được tập đoàn Sanofi Pasteur nghiên cứu và sản xuất.

Đối tượng sử dụng: Trẻ em từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi.

Phác đồ tiêm:

Lịch tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi đến dưới 7 tuổi:

  • Liều 1: Tiêm lần đầu tiên.
  • Liều 2: Ít nhất 1 tháng sau liều 1.
  • Liều 3: Ít nhất 1 tháng sau liều 2.
  • Liều 4: Ít nhất 12 tháng sau liều 3.
  • Liều nhắc lại: Cách ít nhất 3 năm sau liều 4, hoặc lúc trẻ 4 - 6 tuổi (theo khuyến cáo của WHO và CDC).

Lịch tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến 13 tuổi chưa tiêm vắc xin bạch hầu - uốn ván - ho gà lần nào, hoặc không rõ lịch sử tiêm:

  • Liều 1: Tiêm lần đầu tiên.
  • Liều 2: Ít nhất 1 tháng sau liều 1.
  • Liều 3: Ít nhất 6 tháng sau liều 2.
  • Tiêm nhắc lại mỗi 10 năm.

Vắc xin 6 trong 1

Vắc xin 6 trong 1 là loại vắc xin đa thành phần nhất, giúp cơ thể các bé có khả năng sinh kháng thể để đối phó sáu loại bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất, bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, các bệnh do Hib và viêm gan B. Đây là loại vắc xin được nhiều bậc cha mẹ ưa chuộng vì tính toàn diện và tiện lợi hơn so với những loại vắc xin khác. Việt Nam đang cấp phép lưu hành cho hai loại vắc xin 6 trong 1, đó là Infanrix Hexa và Hexaxim.

Nguồn gốc:

  • Vắc xin Infanrix Hexa: Được tập đoàn nổi tiếng thế giới về dược phẩm có trụ sở tại Anh - GlaxoSmithKline (GSK) nghiên cứu và phát triển. Vắc xin này được nhà máy tại Bỉ sản xuất.
  • Vắc xin Hexaxim: Do tập đoàn Sanofi Pasteur tại Pháp nghiên cứu, sản xuất và phân phối.

Đối tượng sử dụng: Trẻ em từ 2 tháng tuổi đến tròn 24 tháng tuổi.

Phác đồ tiêm:

Cả hai loại vắc xin đều có lịch tiêm cụ thể như sau:

  • Liều 1: Tiêm lần đầu tiên.
  • Liều 2: Ít nhất 1 tháng sau liều 1.
  • Liều 3: Ít nhất 1 tháng sau liều 2.
  • Liều 4: Ít nhất 12 tháng sau liều 3.

Nếu liều 3 tiêm trễ, lúc đó trẻ đã trên 12 tháng tuổi thì liều 4 cách ít nhất 6 tháng sau liều 3 và phải hoàn thành phác đồ trước 24 tháng tuổi.

Liều nhắc lại: Có thể chọn Tetraxim, Adacel hoặc Boostrix, tiêm cách 3 năm sau liều 4 hoặc lúc trẻ 4 - 6 tuổi.

Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm 6
Hai loại vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa và Hexaxim

Vắc xin 5 trong 1

Tương tự như các vắc xin phối hợp khác, vắc xin 5 trong 1 là loại vắc xin chứa thành phần dùng để kích thích miễn dịch cho năm loại bệnh khác nhau tùy theo loại vắc xin.

  • Vắc xin Pentaxim là sản phẩm của tập đoàn Sanofi Pasteur. Vắc xin này giúp phòng ngừa năm loại bệnh truyền nhiễm, bao gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt và các bệnh do Hib.
  • Vắc xin ComBE Five là loại vắc xin do Công ty Biological E. (Ấn Độ) sản xuất, có thể chống lại bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và các bệnh do Hib. ComBE Five đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam.

Phác đồ tiêm: Có thể tiêm theo Lịch tiêm chủng mở rộng mà Bộ Y tế quy định.

Huyết thanh uốn ván SAT

Huyết thanh uốn ván SAT không phải là vắc xin mà đây là một loại sản phẩm dạng dung dịch, dùng kết hợp với vắc xin uốn ván để dự phòng cho những trường hợp bị thương, có nguy cơ cao nhiễm độc tố uốn ván.

Đối tượng sử dụng: Người lớn và trẻ em.

Liều dùng tham khảo:

Trường hợp dùng dự phòng sau khi bị thương: Tiêm bắp với liều thông thường 1500 đvqt (đơn vị quốc tế), tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị thương.

Trường hợp điều trị uốn ván:

  • Uốn ván sơ sinh: 5000 - 10.000 đvqt.
  • Trẻ em và người lớn: 50.000 - 100.000 đvqt.

Tiêm vắc xin uốn ván giá bao nhiêu tiền?

Hiện nay, giá tiêm ngừa uốn ván là thông tin nhiều người quan tâm. Dưới đây là các loại vắc xin uốn ván đang có tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cùng mức giá niêm yết để bạn tham khảo:

Tên vắc xinGiá niêm yết (có thể thay đổi tùy theo thời điểm)
Vắc xin uốn ván hấp phụ TT144.000đ
Vắc xin uốn ván - bạch hầu hấp phụ Td174.000đ
Vắc xin 3 trong 1 Boostrix785.000đ
Vắc xin 3 trong 1 Adacel735.000đ
Vắc xin 4 trong 1 Tetraxim615.000đ
Vắc xin 6 trong 1 Infanrix Hexa1.020.000đ
Vắc xin 6 trong 1 Hexaxim1.020.000đ

Lưu ý rằng đây là giá bán lẻ niêm yết và có thể thay đổi tùy vào từng thời điểm cụ thể. Để biết rõ hơn về chi phí dịch vụ khi tiêm ngừa uốn ván, bạn nên liên hệ trực tiếp với Trung tâm Tiêm chủng Long Châu để được tư vấn chi tiết nhất về mức giá cần chi trả.

Nên tiêm vắc xin uốn ván khi nào?

Mặc dù bệnh uốn ván rất dễ phòng ngừa, nhưng lại rất khó điều trị, khiến cho việc phòng bệnh trở nên vô cùng quan trọng. Chi phí tiêm vắc xin ngừa uốn ván rất thấp, hầu như không đáng kể, trong khi chi phí điều trị có thể lên đến hàng trăm triệu đồng mà vẫn không chắc chắn chữa khỏi hoàn toàn hoặc đảm bảo an toàn tính mạng cho người bệnh. Vì vậy, tiêm vắc xin uốn ván là một cách tự bảo vệ bản thân và đóng góp vào việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà mỗi người nên thực hiện.

Đặc biệt, phụ nữ trước khi mang thai hoặc trong thai kỳ nên tiêm vắc xin uốn ván để ngăn ngừa nguy cơ trẻ mắc uốn ván sơ sinh. Từ 2 tháng tuổi, trẻ có thể tiêm vắc xin phối hợp (5 trong 1, 6 trong 1) chứa kháng nguyên chống lại uốn ván. Trẻ sẽ tiêm liều đầu tiên, tiếp theo là 2 liều cách nhau 1 tháng và sau đó tiêm nhắc lại khi trẻ được 15 - 18 tháng tuổi. Với trẻ từ 15 tuổi trở lên và người lớn, việc tiêm nhắc lại là cần thiết vì kháng thể chống uốn ván sẽ không còn hoặc suy yếu sau giai đoạn tuổi này.

Không tiêm phòng uốn ván có sao không?

Có! Việc không tiêm phòng vắc xin uốn ván rất nguy hiểm vì đây là căn bệnh gây ra nhiều trường hợp tử vong đau lòng cho những người khỏe mạnh, đặc biệt là những người là trụ cột kinh tế trong gia đình, thường do tai nạn lao động gây ra. Hiện tại, bệnh uốn ván vẫn chưa có phương pháp điều trị, nhưng có thể phòng ngừa hiệu quả thông qua tiêm vắc xin.

Các vết thương hở hoặc tổn thương trên da đều cần được tiêm ngừa uốn ván vì khả năng nhiễm khuẩn là rất cao. Đặc biệt, những vết thương nặng do tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp, hay giẫm phải vật sắc nhọn đều nên được tiêm phòng uốn ván. Phần lớn các trường hợp tử vong là do chủ quan, không điều trị kịp thời khi bệnh phát tác, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vì thế, việc tiêm phòng vắc xin uốn ván cho những người khỏe mạnh và người có nguy cơ cao là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe và giảm thiểu các rủi ro không mong muốn trong các tình huống tai nạn.

Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm 7
Tiêm phòng vắc xin uốn ván là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe

Tác dụng phụ sau tiêm vắc xin ngừa uốn ván

Các phản ứng không mong muốn sau khi tiêm vắc xin ngừa uốn ván có thể bao gồm:

  • Các phản ứng tại chỗ tiêm: Đau nhức, đỏ hoặc sưng.
  • Có thể sốt nhẹ.
  • Mệt mỏi, nhức đầu hoặc đau nhức cơ thể.
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
  • Quấy khóc ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Các tác dụng phụ thường gặp này là bình thường và sẽ tự giảm đi. Nếu các phản ứng này kéo dài, hoặc gặp những tác dụng phụ bất thường khác, hãy đến cơ quan ý tế gần nhất để xử lý kịp thời.

Vài điều cần lưu ý khi tiêm ngừa uốn ván

Để đảm bảo quá trình tiêm vắc xin uốn ván cho bạn hoặc trẻ nhỏ diễn ra an toàn, cần chú ý một số điều sau:

Trước khi tiêm phòng

Trước khi tiêm ngừa uốn ván, cần lưu ý:

  • Tìm hiểu về vắc xin: Trang bị kiến thức cần thiết về vắc xin dự định tiêm hoặc tìm kiếm tư vấn từ các cơ sở tiêm chủng uy tín để lựa chọn loại vắc xin phù hợp.
  • Kiểm tra sức khỏe: Đảm bảo sức khỏe ổn định trước khi tiêm và thông báo cho nhân viên y tế nếu có sốt, bệnh cấp tính hoặc đang dùng thuốc corticosteroid để được tư vấn thêm.
  • Thông báo lịch sử tiêm chủng: Cung cấp thông tin về lịch sử tiêm và bất kỳ tác dụng phụ nào gặp phải từ lần tiêm trước để nhân viên y tế có thể quyết định phác đồ tiêm phù hợp.

Sau khi tiêm phòng

Sau khi tiêm ngừa uốn ván, cần lưu ý:

  • Theo dõi sau tiêm: Người được tiêm nên ở lại nơi tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi, và kiểm tra sức khỏe tại nhà trong vài ngày. Nếu có dấu hiệu bất thường, cần báo ngay cho nhân viên y tế.
  • Uống đủ nước và nghỉ ngơi: Uống đủ nước và nghỉ ngơi giúp cơ thể tạo miễn dịch, đảm bảo hiệu quả vắc xin và hồi phục nhanh chóng.
  • Giữ vị trí tiêm sạch sẽ: Không chạm vào hoặc bôi bất kỳ thứ gì lên vết tiêm để hạn chế nhiễm trùng.
  • Theo dõi lịch tiêm: Đánh dấu và sắp xếp lịch tiêm chủng đúng phác đồ để đảm bảo hiệu quả vắc xin, tránh tình trạng miễn dịch giảm dần và phải tiêm lại.

Tiêm phòng uốn ván ở đâu tốt nhất?

Vắc xin uốn ván cần được tiêm bao nhiêu mũi và nên tiêm ở đâu để đảm bảo uy tín, an toàn? Để phòng bệnh uốn ván hiệu quả, người dân nên đến các trung tâm tiêm chủng có uy tín trên cả nước như Trung tâm Tiêm chủng Long Châu. Tại đây, Long Châu mang đến nhiều dịch vụ tiêm chủng linh hoạt, bao gồm tiêm lẻ, tiêm theo yêu cầu, đặt giữ vắc xin theo yêu cầu, cũng như đặt giữ vắc xin trực tuyến.

Với hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế GSP, tất cả vắc xin đều được bảo quản trong nhiệt độ tiêu chuẩn theo đúng yêu cầu của nhà sản xuất. Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng Long Châu trên toàn quốc đều trang bị tủ bảo quản vắc xin hiện đại, vắc xin được vận chuyển bằng các xe lạnh và thiết bị chuyên dụng, giúp đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi đến tay người sử dụng. Tại mỗi Trung tâm Tiêm chủng Long Châu, đều có phòng xử trí phản ứng sau tiêm, cùng các trang thiết bị đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế. Trung tâm Tiêm chủng Long Châu luôn cam kết quy trình tiêm chủng an toàn ở mức cao nhất cho người dân.

Tất cả bác sĩ và điều dưỡng viên tại Trung tâm Tiêm chủng Long Châu đều có chứng chỉ an toàn tiêm chủng và được đào tạo đầy đủ về chuyên môn cũng như thực hành an toàn tiêm chủng. Mọi khách hàng đều được khám sàng lọc miễn phí trước khi tiêm và được bác sĩ chỉ định tiêm chủng. Sau khi tiêm, khách hàng sẽ được theo dõi sức khỏe, nhận tài liệu liên quan đến tiêm chủng và được hướng dẫn những điều cần lưu ý trước khi ra về.

Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm 8
Trung tâm Tiêm chủng Long Châu cung cấp nhiều dịch vụ tiêm chủng

Uốn ván là một bệnh truyền nhiễm khó điều trị, nhưng lại có thể phòng ngừa một cách dễ dàng thông qua việc tiêm vắc xin. Hy vọng bài viết “Vắc xin uốn ván là gì? Tác dụng, tiêm mấy mũi và giá tiêm” đã cung cấp cho bạn thông tin cần thiết về vắc xin uốn ván, giúp bạn lên kế hoạch tiêm chủng hợp lý, từ đó bảo vệ sức khỏe cho bản thân và cộng đồng.

Xem thêm: 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin