Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Vì sao trẻ nhõng nhẽo và cách đối phó như thế nào hiệu quả?

Ngày 10/10/2024
Kích thước chữ

Ba mẹ luôn cảm thấy khó xử khi con nhõng nhẽo, quấy khóc và không chịu nghe lời. Tình trạng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn nếu ba mẹ không có cách giải quyết. Vậy khi gặp tình huống trẻ nhõng nhẽo thì phải xử lý thế nào? Làm sao chỉnh sửa thói quen này của con và khiến con hướng đến cách cư xử tích cực hơn?

Trẻ nhỏ, nhất là những trẻ dưới 3 tuổi, thường nhõng nhẽo, quấy khóc, mè nheo. Đây là biểu hiện trẻ muốn được ba mẹ quan tâm nhiều hơn. Trong giai đoạn phát triển này, trẻ chưa biết làm chủ cảm xúc tiêu cực hoặc biết cách thể hiện những mong muốn, chỉ biết gào khóc, giãy nãy để gây chú ý và đòi bằng được thứ mình muốn. Ba mẹ căng chiều con thì tình trạng nhõng nhẽo càng tăng. Hãy tham khảo bài viết sau để tìm ra cách đối phó với trẻ nhõng nhẽo như thế nào nhé.

Vì sao trẻ nhõng nhẽo với ba mẹ?

Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ nhõng nhẽo như trẻ muốn được ba mẹ ôm ấp, cưng nựng hoặc đòi hỏi điều gì đó, muốn có cảm giác an toàn từ người thân nên gây chú ý để được quan tâm chăm sóc. Nếu ba mẹ hoặc người thân nuông chiều con và đáp ứng yêu cầu mỗi khi con nhõng nhẽo thì tình trạng này sẽ xảy ra thường xuyên hơn để đạt được điều mình muốn. Vì vậy, ba mẹ nên tìm hiểu nguyên nhân và giải quyết theo cách hợp lý nhất để hạn chế tính mè nheo của con.

Vì sao trẻ nhõng nhẽo và cách đối phó như thế nào hiệu quả? 1
Trẻ nhõng nhẽo vì muốn được ba mẹ ôm ấp, cưng nựng hoặc đòi hỏi điều gì đó

10 thời điểm thường nhõng nhẽo của trẻ

Các nhà khoa học cho rằng, trong 20 tháng đầu đời, trẻ nhỏ sẽ trải qua 10 tuần biến đổi. Trong giai đoạn này, trẻ hay nhõng nhẽo, hay cáu gắt nhưng sau thời điểm này, trẻ sẽ ngoan hơn. Để giúp mẹ hiểu bé và chủ động chăm sóc bé hơn, mẹ cần hiểu rõ 10 tuần biến đổi của bé như sau:

Tuần 1: Từ 4 ½ tuần - 5 ½ tuần

Bé bắt đầu có cảm nhận, nhận thức và sự chuyển biến về các giác quan. Từ tháng thứ 5 trở đi, sự trao đổi chất trong cơ thể trẻ diễn ra mạnh mẽ. Vì vậy sau khi đầy tháng, trẻ bắt đầu khó tính, mẹ cần lưu ý các biểu hiện của con để có thể chăm sóc con tốt hơn.

Tuần 2: Từ 7 ½  - 9 ½ tuần

Trẻ thường có các biểu hiện như biếng ăn, chán ngủ, quấy khóc. Sau giai đoạn này đầu và cổ của trẻ bắt đầu cứng cáp. Trẻ bắt đầu chú ý đến âm thanh, quan tâm đến đồ chơi, quan sát các bộ phận trên cơ thể mình và phát ra những âm thanh gừ gừ nho nhỏ.

Tuần 3: Từ 11 ½  -  12 ½ tuần

Ở giai đoạn này, trẻ quấy khóc nhiều, hay thức đêm, chán ăn. Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu biết lẫy, ngóc đầu, lật sấp, lật ngửa, cười nhiều hơn và lắng nghe các âm thanh ở các tần suất khác nhau.

Tuần 4: Trong 14 ½ - 19 ½ tuần

Trẻ thích khám phá mọi thứ xung quanh. Lúc này, trẻ hay mút tay và đưa vào miệng những thứ trẻ thấy. Vì vậy mẹ cần quan sát con kỹ hơn để trẻ không nuốt nhầm một số đồ vật cứng.

Tuần 5: Trong 22 ½ - 26 ½ tuần

Trẻ biết cầm nắm các đồ vật, biết nhổm người, ngồi dậy, biết hét và cười rất to.

Tuần 6: Trong 33 ½ - 37 ½ tuần

Trẻ bắt đầu nhận biết sự khác biệt giữa sự vật, sự việc. Lúc này, trẻ ít quấy khóc hơn, có thể quan sát và bắt chước hành động của người lớn, thậm chí trẻ còn hiểu được một số từ khi nói chuyện với người lớn.

Tuần 7: Trong 41 ½ -  46  ½ tuần

Trẻ biết chỉ vào đồ vật mình muốn, thích chơi xếp chồng đồ vật, bắt đầu nói những từ đơn, trả lời được câu hỏi ngắn.

Tuần 8: Trong 50 ½ - 54 ½ tuần

Trẻ bắt đầu vịn và tập đi. Lúc này trẻ cũng hứng thú với các hoạt động như quan sát, các đồ vật xa tầm với, vẽ tranh,…

Tuần 9: Trong 59 ½ - 61 ½ tuần

Trẻ biết pha trò, biết nũng nịu với mẹ, biết hờn dỗi khi không được ba mẹ chiều theo ý muốn. Đây là giai đoạn trẻ nhõng nhẽo với ba mẹ hoặc mẹ thường xuyên.

Tuần 10: Trong 70 ½ - 76 ½ tuần

Trẻ có thể đi vững, chạy nhảy, biết bộc lộ cảm xúc, biết xâu chuỗi sự kiện thành hệ thống,…

Vì sao trẻ nhõng nhẽo và cách đối phó như thế nào hiệu quả? 2
Khi trẻ biết nũng nịu, hờn dỗi với ba mẹ là thời điểm trẻ nhõng nhẽo thường xuyên

Cách đối phó tính nhõng nhẽo của trẻ

Để đối phó tình trạng trẻ nhõng nhẽo, ba mẹ có thể áp dụng những cách sau đây:

Đánh lạc hướng

Để cắt cơn nhõng nhẽo của trẻ, cách đơn giản và dễ áp dụng nhất là ba mẹ chỉ cần thu hút trẻ chú ý sang một thứ mà trẻ yêu thích để trẻ tạm quên đi điều mình đang đòi. Khi trẻ lơ là, ba mẹ có thể làm những động tác khiến trẻ cười, như vậy con sẽ hết bực dọc. Tuy nhiên, cách này chỉ có thể áp dụng với những trẻ ít bướng bỉnh.

Những cái ôm tình cảm

Khi trẻ bắt đầu nhõng nhẽo, khóc lóc, đòi hỏi, hãy nhanh chóng bế con đi xa khỏi nơi đông người để không làm phiền ai. Sau đó, ba hoặc mẹ nhẹ nhàng ôm con, vỗ về và nói những lời tình cảm nhẹ nhàng, từ từ giải thích cho con hiểu rằng điều con đòi hỏi là sai. Dù con có gào khóc to hơn thì mẹ vẫn giữ bình tĩnh, tiếp tục dỗ con để con thấy ba mẹ vẫn thương con dù không đáp ứng đòi hỏi của con. Cách này đòi hỏi ba mẹ phải kiên nhẫn vì có thể lúc đầu con vẫn tiếp tục nhõng nhẽo

Vì sao trẻ nhõng nhẽo và cách đối phó như thế nào hiệu quả? 3
Những cái ôm tình cảm từ ba mẹ có thể khiến trẻ bớt khóc và nhõng nhẽo

Thỏa thuận

Với trẻ đã biết nói, ba mẹ trò chuyện nhẹ nhàng cùng con và cho con biết mình sẵn sàng đáp ứng điều con muốn nhưng phải kèm theo một điều kiện là phải đổi lấy một điều khác con yêu thích. Ví dụ: Con đòi xem điện thoại, ba mẹ sẽ đồng ý nhưng con sẽ không được đi công viên vào cuối tuần.

Cách này giúp con hiểu rằng phải hy sinh một thứ mình thích nếu đòi hỏi điều gì đó khiến trẻ cân nhắc, đắn đo hơn. Sau đó, ba mẹ cần giải thích cho con hiểu nhõng nhẽo là xấu. Nếu con ngoan, nghe lời, ba mẹ sẽ thưởng cho con nhiều điều hay.

Kiên quyết và cứng rắn

Trường hợp trẻ nhõng nhẽo và bướng bỉnh, không nghe ba mẹ khuyên do thường được chiều chuộng thì các cách trên sẽ không có tác dụng, thậm chí trẻ càng gào khóc to hơn, giãy nãy, nằm vạ,... Lúc này, ba mẹ phải bình tĩnh, kiên quyết không chiều theo ý trẻ, liên tục nói "không" thật rõ ràng đồng thời vẫn giải thích cho trẻ lý do vì sao ba mẹ không đáp ứng yêu cầu của con.

Trong trường hợp trẻ nhõng nhẽo, gào khóc ở nơi đông người, ba mẹ có thể bế con về ngay nhưng không la mắng. Sau đó, ba mẹ vẫn tiếp tục giải thích và dỗ trẻ nhưng vẫn dứt khoát không chiều con.

Vì sao trẻ nhõng nhẽo và cách đối phó như thế nào hiệu quả? 4
Khi trẻ nhõng nhẽo, gào khóc ở nơi đông người, ba mẹ bế con về ngay nhưng không la mắng

Cách này đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn từ ba mẹ vì tình trạng trẻ nhõng nhẽo đã thành thói quen. Trẻ rất bướng và khó nghe lời khuyên của ba mẹ. Nhưng hãy kiên trì và dứt khoát, sau nhiều lần như vậy, trẻ sẽ hiểu rằng nhõng nhẽo không có tác dụng gì và dần dần sẽ bỏ đi thói quen xấu này. Với những trẻ "khó bảo" và hay mè nheo, điều quan trọng nhất là ba mẹ không nên tạo cho con cảm giác bị bỏ mặc bằng cách bỏ đi nơi khác khi con nhõng nhẽo, vì khi đó, con sẽ thấy bị tổn thương. 

Tóm lại, sau khi đọc bài viết trên, ba mẹ đã có một vài cách đối phó với tình trạng trẻ nhõng nhẽo. Điều quan trọng cần lưu ý là ba mẹ phải dạy trẻ hiểu rằng không phải lúc nào trẻ cũng được như ý muốn ngay lập tức, trẻ phải học cách chấp nhận mọi hoàn cảnh và vượt qua. Nhưng đồng thời, ba mẹ vẫn thể hiện tình yêu thương với con dù không đáp ứng yêu cầu của con.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin