Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Viêm nhiễm phụ khoa là một vấn đề khá phổ biến ở nữ giới hiện nay. Bệnh lý này gây ra cho chị em không ít những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống. Vậy viêm nhiễm phụ khoa là gì? Làm sao để không bị viêm nhiễm phụ khoa?
Sức khỏe phụ khoa là chủ đề được rất nhiều chị em quan tâm và làm sao để không bị viêm nhiễm phụ khoa đang là nỗi băn khoăn được chị em đăng tải trên các diễn đàn chăm sóc sức khỏe sinh sản. Để có thể hiểu rõ hơn về chủ đề này, trước hết hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu viêm nhiễm phụ khoa là gì bạn nhé.
Viêm nhiễm phụ khoa là tình trạng các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, nấm… xâm nhập vào cơ quan sinh dục của nữ giới và gây ra tình trạng viêm nhiễm. Theo thống kê, có đến 90% nữ giới mắc phải bệnh phụ khoa như viêm âm đạo, viêm buồng trứng, viêm cổ tử cung… Trên thực tế, bệnh phụ khoa thường xảy ra chủ yếu ở nhóm đối tượng đã quan hệ tình dục, đặc biệt là những chị em trong độ tuổi sinh sản. Song, nếu thiếu hiểu biết về sức khỏe sinh sản thì chị em cũng vẫn có nguy cơ cao mắc bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm nhiễm phụ khoa xuất phát từ các thói quen sinh hoạt thiếu khoa học như lười thay băng vệ sinh mỗi khi tới tháng, lười vệ sinh vùng kín hay vệ sinh vùng kín không đúng cách, thường xuyên mặc quần lót bó sát… Ngoài ra, việc quan hệ tình dục không an toàn cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để vi khuẩn, nấm… xâm nhập và gây bệnh. Trong trường hợp nữ giới có được chỉ định thực hiện các thủ thuật y tế nhưng không may chọn cơ sở không uy tín thì đây cũng được đánh giá là yếu tố nguy cơ khiến chị em mắc viêm nhiễm phụ khoa.
Vi khuẩn, nấm, trùng roi… xâm nhập vào cơ thể gây ra tình trạng viêm và ngứa rát tại cơ quan sinh dục. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng viêm nhiễm có thể lan vào sâu các lớp tế bào tuyến của cổ tử cung gây viêm lộ tuyến cổ tử cung. Một số trường hợp nặng có thể dẫn đến viêm nhiễm vùng chậu, tắc vòi trứng, từ đó có thể khiến nữ giới bị vô sinh hoặc ung thư cổ tử cung.
Các dấu hiệu, triệu chứng của viêm nhiễm phụ khoa rất mờ nhạt, chính vì thế rất khó nhận biết bệnh từ giai đoạn sớm. Trên thực tế, đa số chị em phụ nữ chỉ phát hiện khi bệnh đã tiến triển nặng, có các triệu chứng điển hình và xuất hiện nhiều biến chứng nguy hại khác. Dưới đây là một số dấu hiệu nhận biết viêm nhiễm phụ khoa, bạn đọc có thể tham khảo:
Ngứa vùng kín là một trong những dấu hiệu phổ biến và là dấu hiệu cảnh báo các bệnh lý phụ khoa. Nguyên nhân gây ra cảm giác này là do một số loại vi khuẩn như Trichomonas, Vaginosis… xâm nhập vào âm đạo. Tuy nhiên, đây không phải là dấu hiệu điển hình của các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa mà đôi khi, trong một số trường hợp như sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ không phù hợp hoặc mặc quần lót ẩm ướt… cũng có thể xuất hiện cảm giác bứt rứt, khó chịu này tại vùng kín.
Khí hư là dịch tiết âm đạo, có màu trắng trong, dai và không mùi ở người bình thường. Trong khi quan hệ tình dục hoặc trước khi rụng trứng, chất dịch này có tác dụng như một chất bôi trơn tự nhiên, đồng thời giúp cân bằng môi trường âm đạo.
Nếu thấy xuất hiện khí hư bất thường như: Màu sắc của khí hư thay đổi, có màu xanh, trắng hoặc vàng, dạng vón cục và có mùi hôi tanh khó chịu… thì rất có thể bạn đang bị viêm phụ khoa.
Khi quan hệ tình dục, nữ giới có thể có cảm giác đau vùng chậu, nguyên nhân chủ yếu do âm đạo bị khô hoặc bị viêm nhiễm. Ngoài ra, hiện tượng này có là dấu hiệu cảnh báo mang thai ngoài tử cung, u nang buồng trứng… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ.
Có thể thấy rằng viêm nhiễm âm đạo gây ra cho phái đẹp rất nhiều những triệu chứng khó chịu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản của nữ giới nói riêng. Vậy làm sao để không bị viêm nhiễm phụ khoa? Theo dõi ngay phần tiếp theo của bài viết này nhé.
Làm sao để không bị viêm nhiễm phụ khoa đang là chủ đề được rất nhiều chị em quan tâm, đặc biệt là những bạn trẻ đang trong độ tuổi sinh sản. Để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa, chị em cần nắm được một số lưu ý trong thói quen sinh hoạt cũng như nắm được cách vệ sinh vùng kín đúng cách sau đây:
Vệ sinh vùng kín đúng cách chính là một trong những giải pháp cứu cánh giúp ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm hiệu quả. Bạn đã biết cách vệ sinh vùng kín sao cho đúng chưa?
Chu kỳ kinh nguyệt, thai kỳ hoặc hậu sản là những thời kỳ nhạy cảm của người phụ nữ. Vậy làm sao để không bị viêm nhiễm phụ khoa trong những thời điểm này? Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ là việc đầu tiên bạn cần làm. Điều này sẽ giúp bạn phòng ngừa các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa hiệu quả.
Bạn nên chọn mua và sử dụng quần lót làm từ chất liệu cotton thấm hút mồ hôi, hạn chế sử dụng các loại làm từ lụa, ren, polyester… Bên cạnh đó, bạn cũng không nên mặc quần lót quá chật hoặc quá bí bởi điều này sẽ khiến cho vi khuẩn và nấm phát triển, sinh sôi nhanh hơn.
Quần lót nên được thay hàng ngày, giặt sạch sau đó phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để loại bỏ vi khuẩn. Sau khi vận động nhiều, bạn cũng nên thay quần lót để ức chế sự phát triển của nấm men gây viêm.
Cũng giống như các bệnh lý khác, chị em nên đi khám phụ khoa định kỳ từ 3 - 6 tháng/lần để kiểm tra sức khỏe phụ khoa cũng như phát hiện sớm các bệnh phụ khoa, từ đó có hướng xử trí kịp thời. Đặc biệt, khi thấy xuất hiện các dấu hiệu như khí hư bất thường, ngứa vùng kín… thì cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và có hướng điều trị sớm (nếu cần).
Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh chủ đề làm sao để không bị viêm nhiễm phụ khoa mà Nhà thuốc Long Châu đã tổng hợp để chia sẻ đến độc giả. Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu được viêm nhiễm phụ khoa là gì, các dấu hiệu nhận biết cũng như các biện pháp phòng ngừa tình trạng viêm nhiễm phụ khoa. Chúc bạn đọc sẽ có những trải nghiệm tuyệt vời cùng Nhà thuốc Long Châu.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh
Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.