Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.
Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Xét nghiệm ho gà cùng với dựa trên các triệu chứng là cách để chẩn đoán bệnh ho gà chính xác và kịp thời. Bài viết dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để biết thêm về các phương pháp xét nghiệm và các biện pháp phòng tránh bệnh ho gà.
Ho gà là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, đặc biệt dễ lây lan qua đường hô hấp và thường gặp ở trẻ em, người già hoặc những người có hệ miễn dịch yếu. Việc chẩn đoán và điều trị sớm bệnh ho gà đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh và giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng. Vậy xét nghiệm ho gà là gì, khi nào cần thực hiện và quy trình như thế nào?
Ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi khuẩn Bordetella Pertussis gây ra. Đây là một căn bệnh dễ lây lan, đặc biệt qua đường hô hấp, và thường gặp ở trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu. Trước khi vắc xin phòng bệnh ho gà được phát triển vào cuối những năm 1940, bệnh này chủ yếu xảy ra ở trẻ em dưới 10 tuổi với các triệu chứng điển hình như ho kéo dài, thở rít, ho kịch phát, và nôn sau khi ho.
Tuy nhiên, kể từ khi có vắc xin, dịch tễ học của bệnh đã thay đổi đáng kể. Ở Hoa Kỳ trong những năm 1990, phần lớn các ca bệnh ho gà được ghi nhận ở thanh thiếu niên và người lớn.
Tại Việt Nam, trước khi chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) được triển khai vào năm 1986, bệnh ho gà thường bùng phát thành dịch ở những khu vực kinh tế - xã hội còn khó khăn. Nhờ chương trình TCMR và việc tiêm vắc xin toàn dân, tỷ lệ mắc và tử vong do ho gà đã giảm rõ rệt qua các năm.
Tác nhân chính gây bệnh ho gà là vi khuẩn Bordetella Pertussis. Đây là một loại cầu trực khuẩn gram âm, chỉ gây bệnh ở người và không tồn tại lâu trong môi trường bên ngoài. Vi khuẩn này chỉ sống vài giờ trong dịch tiết đường hô hấp và cần môi trường nuôi cấy đặc biệt để phát triển. Ngoài B. Pertussis, một số loài vi khuẩn Bordetella khác như B. Parapertussis, B. Bronchiseptica và B. Holmesii cũng có thể gây nhiễm trùng đường hô hấp ở người.
Trong đó, B. Parapertussis có thể gây từ các triệu chứng đường hô hấp nhẹ đến bệnh ho gà điển hình. B. Bronchiseptica thường lây nhiễm ở động vật có vú nhưng cũng có thể gây bệnh ở người, đặc biệt là những người suy giảm miễn dịch tiếp xúc với động vật bị nhiễm. B. Holmesii là nguyên nhân gây một số ca nhiễm trùng huyết.
Để chẩn đoán chính xác bệnh ho gà và phân biệt với các nguyên nhân khác, xét nghiệm ho gà là một bước cần thiết. Các xét nghiệm này không chỉ giúp phát hiện vi khuẩn mà còn hỗ trợ xác định tình trạng bệnh để có hướng điều trị phù hợp, bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.
Để thực hiện các phương pháp xét nghiệm ho gà, trước hết cần lấy mẫu bằng tăm bông ở họng và đường mũi. Sau đó mẫu được chuyển vào phòng thí nghiệm để tiến hành các phương pháp xác định như sau
Nuôi cấy là một phương pháp xét nghiệm ho gà với độ đặc hiệu cao, đặc biệt hữu ích trong việc xác nhận chẩn đoán khi nghi ngờ có dịch bùng phát. Nuôi cấy có thể xác định chính xác nhiễm Bordetella Pertussis, từ đó loại bỏ những nghi ngờ về các nguyên nhân gây bệnh khác.
Việc phân lập vi khuẩn từ mẫu nuôi cấy cho phép xác định chủng B. Pertussis đang gây bệnh, thông tin này rất quan trọng cho sức khỏe cộng đồng và công tác kiểm soát dịch bệnh.
Ngoài ra phương pháp này cũng giúp kiểm tra khả năng kháng kháng sinh của vi khuẩn, hỗ trợ trong việc lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp.
Xét nghiệm PCR phù hợp nhất khi mẫu dịch mũi họng (NP) được thu thập trong vòng 0 - 3 tuần kể từ khi bệnh nhân bắt đầu ho. Mặc dù phương pháp này có thể cung cấp kết quả đáng tin cậy lên đến 4 tuần sau khi bắt đầu ho, nhưng sau thời điểm này, lượng DNA vi khuẩn giảm đáng kể, làm tăng nguy cơ kết quả âm tính giả.
PCR không chỉ giúp phát hiện sự hiện diện của Bordetella Pertussis mà còn cho phép phân biệt giữa các loài vi khuẩn Bordetella, nhờ sử dụng các trình tự DNA mục tiêu khác nhau. Như vậy rất đặc biệt hữu ích trong các trường hợp nghi ngờ bệnh ho gà hoặc để xác định nguyên nhân trong các đợt bùng phát dịch.
Việc thu thập mẫu đúng cách đóng vai trò quan trọng trong xét nghiệm ho gà bằng PCR. Lưu ý không sử dụng tăm bông canxi alginate vì loại tăm bông này có thể ức chế phản ứng PCR, ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
Phương pháp này thường hữu ích đối với những người chưa tiêm vắc-xin phòng ho gà gần đây hoặc khi phương pháp PCR không còn phù hợp do thời gian phát bệnh kéo dài.
Thời gian lý tưởng để thực hiện xét nghiệm huyết thanh là từ 2 - 8 tuần sau khi bắt đầu ho, khi nồng độ kháng thể trong máu đạt mức cao nhất. Tuy nhiên, xét nghiệm vẫn có thể được thực hiện trong vòng 12 tuần kể từ khi bệnh nhân xuất hiện triệu chứng ho.
Hiện nay, có nhiều loại xét nghiệm huyết thanh với mức độ chính xác khác nhau. Do đó, việc giải thích kết quả xét nghiệm cần được thực hiện bởi các chuyên gia y tế hoặc phòng xét nghiệm uy tín.
Kháng thể huỳnh quang trực tiếp (DFA) là một phương pháp xét nghiệm ho gà nhanh, giúp cung cấp kết quả trong vòng 1 - 2 ngày. Tuy nhiên, do độ nhạy thấp và độ đặc hiệu không ổn định, DFA không được xem là phương pháp đáng tin cậy để xác nhận nhiễm Bordetella Pertussis. Mặc dù DFA có thể hỗ trợ trong việc sàng lọc ban đầu, các chuyên gia khuyến cáo nên kết hợp với các phương pháp xét nghiệm khác, như PCR hoặc huyết thanh học, để đảm bảo kết quả chẩn đoán chính xác hơn.
Tiêm phòng là biện pháp phòng ngừa ho gà hiệu quả và lâu dài nhất. Hiện nay, vắc xin ho gà thường được tiêm kết hợp với vắc xin phòng bạch hầu và uốn ván trong một mũi duy nhất. Cách này không chỉ tăng hiệu quả sinh kháng thể mà còn giúp phòng ngừa đồng thời nhiều bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Những người tiếp xúc gần với người mắc bệnh ho gà, đặc biệt là các thành viên trong gia đình hoặc người thuộc nhóm nguy cơ cao, nên được sử dụng kháng sinh dự phòng ngay cả khi đã tiêm vắc xin. Bởi vì kháng thể từ vắc xin đôi khi không đủ để bảo vệ hoàn toàn khỏi nguy cơ mắc bệnh khi tiếp xúc trực tiếp.
Những người bị phơi nhiễm ho gà, đặc biệt nếu chưa được tiêm chủng đầy đủ, cần theo dõi chặt chẽ các triệu chứng trong vòng 3 tuần sau khi tiếp xúc để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân mắc ho gà nên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm cho người khác. Đặc biệt là trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh và những trẻ chưa được tiêm phòng hoặc chưa hoàn thành lịch tiêm chủng. Cuối cùng là cần đảm bảo bệnh nhân sử dụng kháng sinh ít nhất 5 ngày trước khi tiếp xúc lại với cộng đồng để giảm nguy cơ lây lan bệnh.
Như vậy bài viết trên đã giải quyết được vấn đề: Xét nghiệm ho gà bằng phương pháp nào? Phòng tránh bằng cách nào? Thực hiện đúng các biện pháp phòng ngừa ho gà không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe cá nhân mà còn góp phần kiểm soát và ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.
Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.