Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Não chấn thương mạn tính là gì? Nguyên nhân và cách điều trị não chấn thương mạn tính

Ngày 26/09/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh não chấn thương mạn tính là một tình trạng não được cho là có liên quan đến chấn thương đầu nhiều lần và bị đánh vào đầu. Bệnh sẽ trầm trọng theo thời gian và dẫn đến chứng sa sút trí tuệ. Hiện nay chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn bệnh này nhưng có thể kiểm soát triệu chứng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Não chấn thương mạn tính là gì?

Bệnh não chấn thương mạn tính là một chứng rối loạn não có thể do chấn thương ở vùng đầu, lặp đi lặp lại. Hậu quả của chấn thương là gây ra hoại tử của các tế bào thần kinh trong não. Bệnh não chấn thương mạn tính sẽ diễn tiến trầm trọng theo thời gian. Cách duy nhất để chẩn đoán chắc chắn bệnh não chấn thương mạn tính là khám nghiệm tử thi vùng não.

Bệnh não chấn thương mạn tính là một chứng rối loạn hiếm gặp vẫn chưa được hiểu rõ, dường như liên quan đến chấn thương đầu lặp đi lặp lại, ví dụ như ở các môn thể thao tiếp xúc vùng đầu nhiều hoặc trong chiến tranh.

Bệnh não chấn thương mạn tính đã được xác định ở não của những người chơi bóng đá (Mỹ), các môn thể thao tiếp xúc khác như quyền anh. Bệnh não chấn thương mạn tính khó chẩn đoán chính xác ngoại trừ ở những người có nguy cơ cao (ví dụ vận động viên thể thao, đấu vật, quyền anh…).

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của não chấn thương mạn tính

Các triệu chứng của bệnh não chấn thương mạn tính là rối loạn suy nghĩ, cảm xúc, các vấn đề về thể chất và hành vi khác. Tuy nhiên, các triệu chứng này khá giống ở những bệnh lý thần kinh khác. Bệnh não chấn thương mạn tính thường chỉ được xác định đúng khi khám nghiệm tử thi chứ hiếm khi dựa trên các triệu chứng lâm sàng.

Suy giảm nhận thức

  • Thay đổi suy nghĩ;
  • Mất trí nhớ, hay quên;
  • Các vấn đề về lập kế hoạch, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ.

Thay đổi hành vi

  • Hành vi bốc đồng;
  • Hiếu chiến.

Rối loạn tâm trạng

  • Trầm cảm hoặc thờ ơ;
  • Thay đổi cảm xúc;
  • Ý nghĩ hoặc hành vi tự sát.

Triệu chứng vận động

  • Khó khăn đi lại và giữ thăng bằng;
  • Bệnh Parkinson, gây run rẩy, cử động chậm và gặp khó khăn khi nói;
  • Bệnh thần kinh vận động, khó khăn khi nói, nuốt và thở.
Não chấn thương mãn tính 6.jpg
Trầm cảm là một trong những dấu hiệu quan trọng của bệnh

Các chuyên gia cũng cho rằng triệu chứng của bệnh não chấn thương mạn tính xuất hiện dưới hai dạng:

  • Trong giai đoạn đầu: Xuất hiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần và hành vi. Các triệu chứng của dạng này bao gồm trầm cảm, lo lắng, hành vi bốc đồng và hung hăng.
  • Giai đoạn thứ hai: Gây ra các triệu chứng gồm các vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ có khả năng tiến triển thành chứng mất trí nhớ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Bệnh não chấn thương mạn tính được cho là có sự chấn thương não lặp đi lặp lại, ở mức độ nhẹ hoặc nặng, do đó nếu bạn có bị chấn thương não lặp đi lặp lại và có các triệu chứng sau thì nên liên hệ bác sĩ:

  • Ý nghĩ tự tử: Nghiên cứu cho thấy những người bị bệnh não chấn thương mạn tính thường có ý nghĩ tự tử. Nếu bạn có ý nghĩ muốn tự làm tổn thương bản thân, thì nên chia sẻ với người xung quanh hoặc gia đình, bạn bè và liên hệ với bác sĩ để được điều trị kịp thời.
  • Chấn thương đầu nhiều lần, lặp đi lặp lại.
  • Trí nhớ không ổn định, lúc nhớ lúc quên.
  • Thay đổi tính cách hoặc tâm trạng, đặc biệt là bị trầm cảm, lo lắng, hung hăng hoặc có hành vi bốc đồng.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến não chấn thương mạn tính

Chấn thương đầu lặp đi lặp lại có thể là nguyên nhân của não chấn thương mạn tính. Chấn thương đầu có thể gây chấn động não, đau đầu, các vấn đề về trí nhớ và các triệu chứng khác. 

Trong não bị chấn thương mạn tính, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng có sự tích tụ của một loại protein gọi là “Tau” xung quanh các mạch máu. Sự tích tụ “Tau” trong não chấn thương mạn tính khác với sự tích tụ “Tau” được tìm thấy trong bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác. Điều này xảy ra do tổn thương các tế bào thần kinh dẫn truyền xung điện ảnh hưởng đến sự giao tiếp giữa các tế bào não và thần kinh.

Những người mắc não chấn thương mạn tính có thể có các dấu hiệu của bệnh thoái hóa thần kinh, bao gồm bệnh Alzheimer, bệnh xơ cứng teo cơ một bên (ALS), bệnh Parkinson hoặc thoái hóa thùy trán, còn được gọi là chứng mất trí nhớ vùng trán.

Não chấn thương mãn tính 7.png
Chấn thương não lặp đi lặp là được xem là nguyên nhân của bệnh não chấn thương mạn tính

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải não chấn thương mạn tính?

Những vận động viên của các môn thể thao tiếp xúc nhiều hoặc có nguy cơ bị va chạm vùng đầu nhiều lần.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải não chấn thương mạn tính

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc não chấn thương mạn tính, bao gồm:

  • Chấn thương sọ não;
  • Chấn thương đầu lặp đi lặp lại ở mức nhẹ hoặc nặng.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán não chấn thương mạn tính

Hiện tại không có phương pháp nào để chẩn đoán chắc chắn não chấn thương mạn tính trừ khi khám nghiệm tử thi.

Tuy nhiên, các chuyên gia đã phát triển các tiêu chuẩn lâm sàng cho hội chứng bệnh não do chấn thương (Traumatic Encephalopathy Syndrome - TES). TES là một rối loạn lâm sàng liên quan đến não chấn thương mạn tính. TES có thể bị nghi ngờ ở những người có nguy cơ cao do chấn thương đầu nhiều lần trong nhiều năm khi tham gia thể thao hoặc quân sự. Việc chẩn đoán não chấn thương mạn tính cần có bằng chứng về sự thoái hóa của mô não và sự lắng đọng của protein tau trong não. Điều này chỉ có thể được nhìn thấy sau khi khám nghiệm tử thi.

Một số nhà nghiên cứu vẫn đang tích cực cố gắng tìm kiếm phương pháp xét nghiệm chẩn đoán não chấn thương mạn tính có thể được sử dụng khi con người còn sống. Người ta đang hướng đến sử dụng triệu chứng tâm lý thần kinh, chẩn đoán hình ảnh não như MRI và các dấu ấn sinh học khác để chẩn đoán não chấn thương mạn tính.

Bác sĩ có thể khai thác thêm tiền sử bệnh cũng như các triệu chứng thông qua các câu hỏi để hiểu rõ hơn về tình trạng bệnh lý.

Các câu hỏi liên quan đến triệu chứng:

  • Bạn đang gặp phải những triệu chứng gì?
  • Bạn có gặp rắc rối gì với việc sử dụng từ ngữ, trí nhớ, sự tập trung, tính cách hoặc định hướng phương hướng đi lại không?
  • Các triệu chứng bắt đầu khi nào?
  • Các triệu chứng có ngày càng xấu đi hay tốt hơn?
  • Các triệu chứng nghiêm trọng đến mức nào, ảnh hưởng đến cuộc sống ra sao?
  • Bạn có nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong cách bạn giao tiếp với mọi người không?

Các câu hỏi liên quan đến tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc, lối sống và gia đình:

  • Gần đây bạn có kiểm tra thính giác và thị giác không?
  • Có tiền sử gia đình mắc chứng mất trí nhớ hoặc bệnh thần kinh khác như bệnh Alzheimer, ALS hoặc bệnh Parkinson không?
  • Bạn đang dùng thuốc gì? Bạn có đang dùng bất kỳ loại vitamin hoặc chất bổ sung nào không?
  • Bạn có uống rượu không?
  • Bạn đang được điều trị bệnh lý khác không? Cụ thể bệnh gì?

Nếu bạn bị chấn động, bác sĩ có thể đặt câu hỏi liên quan đến chấn thương:

  • Bạn có từng bị chấn thương đầu trước đó không?
  • Bạn có chơi các môn thể thao tiếp xúc không?
  • Tình huống bị chấn thương này?
  • Bạn gặp phải những triệu chứng gì ngay sau khi bị thương?
  • Bạn có nhớ điều gì đã xảy ra ngay trước và sau khi bị thương không?
  • Bạn có bất tỉnh sau chấn thương không?
  • Bạn có bị co giật không?

Các câu hỏi liên quan đến triệu chứng thực thể:

  • Bạn có cảm thấy buồn nôn hoặc nôn kể từ khi bị thương không?
  • Bạn có bị đau đầu không? Bao lâu sau khi bị thương thì cơn đau đầu bắt đầu?
  • Bạn có nhận thấy bất kỳ khó khăn nào trong việc phối hợp thể chất kể từ khi bị chấn thương không?
  • Bạn có nhận thấy bất kỳ sự nhạy cảm hoặc vấn đề nào với thị giác và thính giác của mình không?
  • Bạn có nhận thấy những thay đổi trong khứu giác hoặc vị giác của mình không?
  • Bạn có cảm giác chán ăn không?
  • Bạn có cảm thấy uể oải hoặc dễ mệt mỏi kể từ khi bị chấn thương không?
  • Bạn có khó ngủ hoặc thức giấc khi đang ngủ không?
  • Bạn có bị chóng mặt hay chóng mặt không?

Các câu hỏi liên quan đến các dấu hiệu và triệu chứng nhận thức hoặc cảm xúc:

  • Bạn có gặp vấn đề gì về trí nhớ hoặc khả năng tập trung kể từ khi bị chấn thương không?
  • Bạn có bất kỳ thay đổi tâm trạng nào, bao gồm khó chịu, lo lắng hoặc trầm cảm không?
  • Bạn có từng có suy nghĩ gì về việc làm tổn thương bản thân hoặc người khác không?
  • Bạn có để ý hoặc có người khác nhận xét rằng tính cách của bạn đã thay đổi không?
  • Bạn còn lo lắng về những triệu chứng nào khác?
Não chấn thương mãn tính 1.jpg
Bạn có chơi các môn thể thao tiếp xúc không?

Phương pháp điều trị não chấn thương mạn tính hiệu quả

Hiện nay không có phương pháp điều trị cho bệnh não chấn thương mạn tính. Cần nghiên cứu thêm về phương pháp điều trị, nhưng cách tiếp cận điều trị hiện nay là ngăn ngừa chấn thương đầu lặp lại. 

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của não chấn thương mạn tính

Chế độ sinh hoạt:

  • Theo dõi hành vi, cảm xúc của bản thân, nếu có bất kỳ sự thay đổi nào thì cũng nên nói với gia đình, bác sĩ điều trị.
  • Nếu người bệnh bị trầm cảm, có ý nghĩ tự tử thì không nên ở một mình, nên có người bên cạnh để chia sẻ và ngăn chặn kịp thời nếu ý nghĩ tự tử xuất hiện nhiều lần.
  • Bệnh nhân nên có tinh thần lạc quan, nghỉ ngơi và thư giãn để tránh áp lực lên tinh thần.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng.

Phương pháp phòng ngừa não chấn thương mạn tính hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Não chấn thương mạn tính có thể được phòng ngừa bằng cách giữ không bị chấn thương sọ não và chấn thương lặp đi lặp lại nhiều lần ở vùng đầu.

Não chấn thương mãn tính 5.jpg
Giữ không bị chấn thương sọ não và chấn thường lặp đi lặp lại
Nguồn tham khảo
  1. Chronic traumatic encephalopathy: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/chronic-traumatic-encephalopathy/symptoms-causes/syc-20370921
  2. Chronic traumatic encephalopathy: https://www.nhs.uk/conditions/chronic-traumatic-encephalopathy/
  3. Chronic Traumatic Encephalopathy (CTE): https://www.alz.org/alzheimers-dementia/what-is-dementia/related_conditions/chronic-traumatic-encephalopathy
  4. Chronic Traumatic Encephalopathy (CTE): https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/17686-chronic-traumatic-encephalopathy-cte
  5. Chronic traumatic encephalopathy: a review: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/22567320/ 

Các bệnh liên quan

  1. Ung thư lá lách

  2. Viêm bàng quang cấp

  3. U nguyên bào thận

  4. Xơ gan cổ trướng

  5. Suy tim giai đoạn cuối

  6. Bệnh khổng lồ

  7. Tăng canxi máu

  8. huyết áp tâm thu cao

  9. Hở van tim

  10. Rối loạn sàn chậu