Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chứng mất ngôn ngữ và những điều cần biết

Ngày 20/10/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp giữa con người với nhau, mất ngôn ngữ có thể khiến cuộc sống của bạn khó khăn hơn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống nặng nề. Chứng mất ngôn ngữ có thể gặp khi có tổn thương đến não bộ dẫn đến người bệnh suy giảm hay mất khả năng nói, hiểu, đọc, viết và tính toán. Mức độ nghiêm trọng của chứng mất ngôn ngữ phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương não. Thường có thể điều trị bằng liệu pháp ngôn ngữ giúp người bệnh lấy lại khả năng giao tiếp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chứng mất ngôn ngữ là gì?

Chứng mất ngôn ngữ là rối loạn làm suy yếu khả năng diễn đạt và hiểu biết về ngôn ngữ cũng như khả năng đọc và viết. Rối loạn xảy ra do tổn thương vùng não chịu trách nhiệm về ngôn ngữ. Ở hầu hết mọi người, những vùng này nằm ở bên não trái. Chứng mất ngôn ngữ thường xảy ra đột ngột, sau đột quỵ hoặc chấn thương ở đầu, ngoài ra nó cũng có thể phát triển từ từ do khối u não hoặc bệnh thần kinh tiến triển. Chứng mất ngôn ngữ có thể xảy ra cùng với các rối loạn ngôn ngữ, chẳng hạn như chứng khó nói hoặc chứng mất khả năng nói cũng do tổn thương não.

Chứng mất ngôn ngữ có thể được chia thành 4 loại:

  • Chứng mất ngôn ngữ Broca: Còn được gọi là chứng mất ngôn ngữ biểu đạt hoặc không trôi chảy. Do tổn thương chủ yếu ảnh hưởng đến thuỳ trán của não. Người bệnh có thể hiểu lời nói và biết họ muốn nói gì nhưng gặp khó khăn trong việc truyền đạt suy nghĩ thông qua lời nói hoặc chữ viết. Họ chỉ nói được những câu ngắn dưới 4 từ một cách khó khăn và vụng về. Kèm theo rối loạn ngôn ngữ, người bệnh có thể bị yếu, liệt nửa người hoặc liệt tay và chân.
  • Chứng mất ngôn ngữ Wernicke: Còn gọi là mất ngôn ngữ tiếp nhận hoặc trôi chảy. Do tổn thương ảnh hưởng đến vùng thùy thái dương của não. Người bệnh gặp khó khăn trong việc tiếp nhận giao tiếp, khó hiểu được ngôn ngữ nói và viết. Họ có thể nói chuyện nghe có vẻ lưu loát, tự nhiên nhưng thường không có ý nghĩa hoặc dùng từ không chính xác hoặc bịa đặt. Họ không nhận thức được những lỗi nói của mình.
  • Chứng mất ngôn ngữ toàn thể: Là kết quả của sự tổn thương ở một phần rộng lớn các vùng ngôn ngữ của não. Người mắc chứng mất ngôn ngữ toàn thể gặp khó khăn nghiêm trọng trong giao tiếp và bị hạn chế nhiều về khả năng nói hoặc hiểu ngôn ngữ. Họ không nói được dù chỉ vài từ hoặc có thể lặp đi lặp lại một từ hay cụm từ. Họ còn gặp khó khăn trong việc hiểu những từ và câu đơn giản.
  • Chứng mất ngôn ngữ định danh: Người bệnh gặp khó khăn trong việc gọi tên đồ vật mặc dù họ biết đồ vật đó là gì và được sử dụng làm gì.

Ngoài ra còn một số chứng mất ngôn ngữ khác, đều do tổn thương những vùng ngôn ngữ khác nhau trong não. Đôi khi, lưu lượng máu lên não bị gián đoạn tạm thời và nhanh chóng được phục hồi gọi là cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua, khả năng ngôn ngữ có thể trở lại sau vài giờ hoặc vài ngày.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chứng mất ngôn ngữ

Một người mắc chứng mất ngôn ngữ có thể có khiếm khuyết trong lời nói như:

  • Nói những câu ngắn hoặc không đầy đủ.
  • Nói ngập ngừng hay phải cố gắng để nói.
  • Nói những câu vô nghĩa.
  • Thay thế một từ bằng một từ khác, một âm thanh bằng âm thanh khác.
  • Tạo ra những từ mới không có ý nghĩa hoặc người nghe không hiểu.
  • Gặp khó khăn trong việc tìm từ.

Suy giảm khả năng hiểu ngôn ngữ như:

  • Không hiểu lời nói của người khác.
  • Gặp khó khăn khi nghe câu chuyện dài hoặc quá nhanh.
  • Khó khăn trong việc hiểu ngôn ngữ nói mà không có hỗ trợ bằng hình ảnh.

Suy giảm khả năng viết:

  • Khó khăn khi viết, đánh máy.
  • Chỉ viết được những từ đơn lẻ.
  • Đánh vần hoặc viết những từ vô nghĩa.
  • Viết sai câu, ngữ pháp đơn giản.

Giảm khả năng đọc hiểu:

  • Không đọc được.
  • Hiểu sai ý nghĩa của từ.
  • Khó khăn khi phát âm.
Chứng mất ngôn ngữ và những điều cần biết 4
Các triệu chứng gặp phải khi mắc chứng mất ngôn ngữ

Biến chứng có thể gặp khi mắc chứng mất ngôn ngữ

Chứng mất ngôn ngữ có thể gây ra nhiều vấn đề về chất lượng cuộc sống vì giao tiếp là một phần trong cuộc sống của bạn. Khó khăn trong giao tiếp có thể ảnh hưởng đến:

  • Công việc;
  • Các mối quan hệ;
  • Chức năng sinh hoạt hàng ngày.

Khó khăn trong việc thể hiện mong muốn và nhu cầu có thể dẫn đến bối rối, thất vọng, cô lập và trầm cảm. Các vấn đề khác có thể xảy ra cùng nhau, chẳng hạn như khó di chuyển hơn và các vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì chứng mất ngôn ngữ thường do tình trạng tổn thương não gây ra nên cần đến gặp bác sĩ ngay khi nhận thấy có dấu hiệu như:

  • Khó nói;
  • Khó hiểu lời nói;
  • Lời nói bị lắp bắp hoặc không nhớ được các từ;
  • Khó đọc và viết.

Ngoài ra, nếu có các dấu hiệu của đột quỵ cũng cần đến cơ sở y tế ngay như:

  • Tê hoặc yếu liệt ở mặt, tay, chân đặc biệt là một bên cơ thể.
  • Sụp mi mắt hoặc mất thị lực một bên mắt.
  • Khó nuốt.
  • Khó đi lại, chóng mặt hoặc mất thăng bằng.
  • Đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Việc chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ diễn tiến nặng của bệnh cũng như hạn chế các biến chứng của bệnh.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến chứng mất ngôn ngữ

Nguyên nhân của chứng mất ngôn ngữ bao gồm:

  • Đột quỵ: Là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra chứng mất ngôn ngữ. Đột quỵ xảy ra do vỡ hoặc tắc nghẽn các mạch máu cung cấp cho não. Điều này làm giảm lưu lượng máu đến não, làm não mất đi các chất dinh dưỡng và oxy cần thiết để hỗ trợ sự sống của tế bào não. Khi đột quỵ xảy ra, các trung tâm ngôn ngữ của não có thể bị ảnh hưởng nếu chúng không nhận được các thành phần thiết yếu như máu và oxy.
  • Chấn thương đầu (chấn thương sọ não).
  • U não.
  • Nhiễm trùng não.
  • Rối loạn thần kinh tiến triển (như bệnh Alzheimer).

Chứng mất ngôn ngữ tạm thời (còn được gọi là chứng mất ngôn ngữ thoáng qua) có thể do một cơn động kinh, đau nửa đầu nghiêm trọng hoặc cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua (TIA), còn được gọi là cơn đột quỵ nhỏ.

Chứng mất ngôn ngữ và những điều cần biết 5
Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp nhất gây ra chứng mất ngôn ngữ

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc chứng mất ngôn ngữ?

Hầu hết những người mắc chứng mất ngôn ngữ đều ở độ tuổi trung niên trở lên nhưng bất kỳ ai cũng có thể mắc phải chứng bệnh này, kể cả trẻ nhỏ. Theo Hiệp hội Aphasia Quốc gia, khoảng 1 triệu người ở Hoa Kỳ hiện mắc chứng mất ngôn ngữ và gần 180.000 người Mỹ mắc chứng này mỗi năm.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng mất ngôn ngữ

Hầu hết chứng mất ngôn ngữ xảy ra đột ngột do đột quỵ hoặc chấn thương não. Những yếu tố nguy cơ mắc đột quỵ cũng làm tăng nguy cơ mắc Chứng mất ngôn ngữ, bao gồm:

  • Độ tuổi: Ở lứa tuổi trung niên trở lên, nguy cơ mắc chứng bệnh này càng cao hơn.
  • Người đang mắc các bệnh lý nền mạn tính như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu.
  • Ở những người bệnh có khuyết tật về học tập: như có chứng khó đọc thì nguy cơ cao mắc chứng mất ngôn ngữ.
  • Có đột biến gen di truyền: Trong gia đình có thành viên mắc chứng mất ngôn ngữ cũng có khả năng di truyền mặc dù tỷ lệ di truyền của bệnh này rất hiếm.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chứng mất ngôn ngữ

Chẩn đoán chứng mất ngôn ngữ cần kết hợp khám, hỏi bệnh sử, chẩn đoán hình ảnh hoặc một số xét nghiệm để loại trừ các tình trạng và nguyên nhân khác gây ra các triệu chứng mất ngôn ngữ bao gồm:

  • Kiểm tra chức năng cảm giác và thần kinh: Những xét nghiệm này sẽ đảm bảo rằng các vấn đề về thính giác hoặc tổn thương thần kinh không phải là nguyên nhân gây ra chứng mất ngôn ngữ.
  • Kiểm tra nhận thức và trí nhớ: Những bài kiểm tra này đảm bảo vấn đề không nằm ở khả năng tư duy hoặc trí nhớ của người đó.
  • Xét nghiệm chẩn đoán và hình ảnh: Những xét nghiệm này tìm kiếm các tổn thương hoặc dấu hiệu tổn thương ở phần não liên quan. Một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán nguyên nhân gây ra chứng mất ngôn ngữ: Xét nghiệm máu (kiểm tra các vấn đề về hệ thống miễn dịch, nhiễm độc,…), chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp cắt lớp phát xạ Positron (PET), điện não đồ (EEG), điện cơ đồ.
  • Kiểm tra ngôn ngữ: Thực hiện đánh giá ngôn ngữ toàn diện: Kể tên các đồ vật thông dụng, tham gia cuộc trò chuyện, hiểu và sử dụng từ ngữ, trả lời câu hỏi về nội dung đã nghe hoặc đọc, lặp lại các từ và câu, làm theo hướng dẫn, trả lời câu hỏi có/không, và các câu hỏi mở, đọc và viết.

Phương pháp điều trị chứng mất ngôn ngữ

Sau chấn thương não, những người mắc chứng mất ngôn ngữ thường nhận thấy sự cải thiện đáng kể về khả năng ngôn ngữ và giao tiếp trong vài tháng đầu, ngay cả khi không điều trị. Nhưng trong nhiều trường hợp, một số chứng mất ngôn ngữ vẫn tồn tại sau giai đoạn hồi phục ban đầu này. Trường hợp này, liệu pháp ngôn ngữ nói được sử dụng để giúp bệnh nhân lấy lại khả năng giao tiếp.

Trị liệu ngôn ngữ là hình thức điều trị chứng mất ngôn ngữ phổ biến nhất. Can thiệp sớm và điều trị kịp thời là điều bắt buộc để đạt được kết quả tối đa:

  • Bắt đầu sớm: Liệu pháp điều trị này có hiệu quả nhất khi bắt đầu sớm ngay sau chấn thương não.
  • Thường làm việc theo nhóm: Trong môi trường nhóm, những người mắc chứng mất ngôn ngữ có thể thử nghiệm kỹ năng giao tiếp của mình trong một môi trường an toàn. Người tham gia có thể thực hành bắt đầu cuộc trò chuyện, nói lần lượt, giải quyết những nhầm lẫn và sửa chữa những cuộc hội thoại đã bị hỏng hoàn toàn.
  • Có thể bao gồm việc sử dụng máy tính: Sử dụng liệu pháp có sự hỗ trợ của máy tính có thể đặc biệt hữu ích cho việc học lại động từ và âm thanh của từ (âm vị).
Chứng mất ngôn ngữ và những điều cần biết 6
Ngôn ngữ trị liệu là liệu pháp trị liệu có hiệu quả đáng kể trong chứng mất ngôn ngữ

Thuốc

Một số loại thuốc đang được nghiên cứu để sử dụng điều trị chứng mất ngôn ngữ. Bao gồm các loại thuốc có thể giúp cải thiện lưu lượng máu đến não, tăng cường khả năng phục hồi của não hoặc giúp thay thế các chất dẫn truyền thần kinh đã cạn kiệt trong não. Một số loại thuốc, chẳng hạn như Memantine (Namenda), Donepezil (Aricept, Adlarity), Galantamine (Razadyne ER) và Piracetam, đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong các nghiên cứu nhỏ. Nhưng cần nhiều nghiên cứu hơn trước khi các phương pháp điều trị này có thể được khuyến nghị.

Phương pháp điều trị khác

Kích thích não đang được nghiên cứu để điều trị chứng mất ngôn ngữ và có thể giúp cải thiện khả năng gọi tên mọi thứ. Dùng phương pháp điều trị kích thích từ trường xuyên sọ và phương pháp kích thích dòng điện một chiều xuyên sọ. Tuy nhiên chưa có nghiên cứu dài hạn nào được thực hiện.

Các phương pháp điều trị này nhằm kích thích các tế bào não bị tổn thương. Cả hai đều không xâm lấn. Một loại sử dụng từ trường và loại còn lại sử dụng dòng điện thấp thông qua các điện cực đặt trên đầu.

Mức độ hồi phục của một người phụ thuộc vào nhiều thứ, bao gồm:

  • Nguyên nhân gây chấn thương sọ não;
  • Vùng não bị tổn thương;
  • Mức độ tổn thương của não;
  • Tuổi tác và sức khỏe của người bệnh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến Chứng mất ngôn ngữ

Chế độ sinh hoạt:

Xây dựng lối sống lành mạnh để ngăn ngừa các bệnh tim mạch có thể mắc phải:

  • Tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ khi mắc các bệnh về tim mạch;
  • Tập thể dục thể thao thường xuyên và phù hợp với tình trạng sức khoẻ;
  • Giữ mức cân nặng phù hợp;
  • Ngưng hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích, bia, rượu;
  • Kiểm soát căng thẳng, giữ tinh thần thoải mái, thư giãn;
  • Tránh thức khuya, nên ngủ sớm và ngủ đủ giấc.

Bảo vệ não khỏi chấn thương:

  • Đội mũ bảo hiểm phù hợp để đảm bảo an toàn khi chơi thể thao hay khi đi xe máy, xe đạp;
  • Phòng ngừa té ngã;
  • Luôn thắt dây an toàn khi lái xe hoặc ngồi trên xe.

Chế độ dinh dưỡng:

Chế độ ăn uống cân bằng:

  • Bổ sung các loại thực phẩm tốt cho tuần hoàn máu và tim mạch ngăn ngừa đột quỵ: cá, thịt nạc ít mỡ, ăn nhiều rau củ quả trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, các loại đậu như đậu nành, đậu đen, đậu Hà Lan.
  • Chọn loại thịt ít mỡ như thịt nạc, gia cầm, các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích.
  • Hạn chế ăn chất béo có hại như mỡ động vật, đồ ăn nhiều dầu mỡ, nên chọn các loại chất béo tốt từ dầu oliu, dầu hạt cải…
  • Hạn chế ăn mặn: ở người khoẻ mạnh không nên sử dụng quá 1 thìa cà phê (khoảng 5g) muối, còn ở người lớn tuổi và có các bệnh mạn tính, bệnh tim mạch thì không nên dùng quá 1500 mg/ngày. Hạn chế sử dụng nước mắm, bột nêm trong khi nấu nướng.
  • Hạn chế sử dụng thức ăn đông lạnh, đồ ăn đóng hộp. Giảm lượng đường, uống nhiều nước.
Chứng mất ngôn ngữ và những điều cần biết 7
Chế độ ăn tốt cho tim mạch và ngăn ngừa đột quỵ

Phương pháp phòng ngừa chứng mất ngôn ngữ

Chứng mất ngôn ngữ xảy ra không thể đoán trước nên không thể ngăn chặn được. Tuy nhiên, bạn có thể cố gắng ngăn ngừa các tình trạng gây ra bệnh hoặc giảm nguy cơ phát triển các tình trạng đó. Một số phương pháp phòng ngừa như:

  • Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng và duy trì cân nặng hợp lý.
  • Đừng bỏ qua nhiễm trùng. Nhiễm trùng mắt và tai cần điều trị nhanh chóng. Nếu những bệnh nhiễm trùng này lan đến não của bạn, chúng có thể trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí gây tử vong và có thể gây tổn thương não dẫn đến chứng mất ngôn ngữ.
  • Mang thiết bị an toàn. Chấn thương đầu có thể gây tổn thương não dẫn đến chứng mất ngôn ngữ.
  • Quản lý tình trạng sức khỏe của bạn. Kiểm soát các tình trạng mãn tính có thể giúp ngăn ngừa các tình trạng khác có thể gây tổn thương não và chứng mất ngôn ngữ.
Nguồn tham khảo
  1. Aphasia Definitions: https://www.aphasia.org/aphasia-definitions/
  2. Aphasia: https://medlineplus.gov/aphasia.html
  3. Understanding aphasia and its causes: https://www.mayoclinichealthsystem.org/hometown-health/speaking-of-health/aphasia-putting-the-disorder-into-words
  4. Aphasia: https://intermountainhealthcare.org/services/ear-nose-throat/conditions/aphasia/
  5. Aphasia: https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/5502-aphasia

Các bệnh liên quan

  1. Mnemophobia

  2. Chóng mặt

  3. Liệt dây thanh quản

  4. Rỗng tủy sống

  5. Jet lag

  6. Hội chứng Lennox - Gastaut

  7. liệt dây thần kinh khứu giác

  8. Rối loạn lo âu

  9. Thoái hóa thần kinh

  10. Thoát vị não