Long Châu

Polyp mũi: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng bệnh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Polyp mũi là bệnh thường hay gặp, thuộc dạng u lành tính, hình thành từ niêm mạc mũi xoang. Bệnh đặc trưng bởi những triệu chứng ở mũi xoang tương tự như khi bệnh nhân mắc cảm lạnh hoặc viêm xoang, do đó thường nhầm lẫn và dẫn đến hướng điều trị không chính xác. Polyp mũi cần được phát hiện và điều trị sớm khi u còn nhỏ để không ảnh hưởng đến sức khoẻ của người bệnh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Bệnh polyp mũi là gì?

Polyp mũi được định nghĩa là một tổn thương giả u do thoái hóa cục bộ của niêm mạc mũi hay xoang mà chủ yếu là ở tổ chức đệm.

Polyp mũi là bệnh vùng xoang rất thường gặp, có thể đơn thuần chỉ ở hốc mũi, có thể ở các xoang hoặc ở cả mũi và xoang. Bệnh thường không nghiêm trọng nhưng có thể tiếp tục phát triển và gây tắc nghẽn mũi nếu không được điều trị.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh polyp mũi

Người bệnh thường có triệu chứng giống viêm mũi và viêm xoang như: Nghẹt mũi, chảy nước mũi liên tục, khó thở, rối loạn về khứu giác,…

Polyp phát triển chậm rãi, từ từ, gây nghẹt 1 bên mũi hoặc cả 2 bên. Lúc đầu người bệnh thường ít chú ý đến các triệu chứng quen thuộc này, nhưng khi khối polyp mũi lớn dần, cảm giác khó chịu nhất là khi người bệnh phải thở bằng miệng. 

Polyp mũi đôi khi có thể gây cảm giác giống như bị cảm lạnh. Nhưng cảm lạnh có xu hướng khỏi trong vòng vài ngày, trong khi polyp mũi sẽ không thuyên giảm trừ khi chúng được điều trị thích hợp.

Những dấu hiệu kèm theo khi bị polyp mũi là cảm giác nặng đầu, chảy nước mũi trong/xanh hay vàng, đặc và đôi khi có mùi hôi. Thỉnh thoảng sẽ sốt nhẹ, ho có đờm. Khứu giác bị giảm dần và sau 1 khoảng thời gian có thể hoàn toàn không ngửi được mùi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh polyp mũi

Polyp mũi dạng nhỏ và đơn độc thường không gây ra các vấn đề nghiêm trọng, ít để lại biến chứng, nhưng nếu polyp lớn hoặc nhiều polyp mũi nhỏ và càng phát triển lớn dần có thể gây ra một số biến chứng như: Viêm xoang cấp tính hoặc mạn tính, khó thở do tắc nghẽn khi ngủ, thay đổi cấu trúc của mặt gây ra song thị hoặc 2 mắt xa nhau bất thường, viêm thanh quản, viêm họng mạn tính, viêm tai giữa,…

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Vì polyp mũi có các triệu chứng tương tự như viêm mũi, viêm xoang hay cảm cúm,... nên người bệnh thường không để tâm và phân biệt được ngay từ ban đầu. Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm cúm thường sẽ hết đi sau một tuần trong khi các triệu chứng của polyp mũi thì không thuyên giảm. Khi đó bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện bệnh và nhận được điều trị thích hợp.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh polyp mũi 

Do viêm mũi xoang mạn tính.

Do viêm mũi xoang dị ứng.

Do rối loạn vận mạch hoặc rối loạn nội tiết.

Do cơ địa người bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị bệnh polyp mũi?

Bệnh polyp mũi có thể xảy ra với tất cả đối tượng, nhưng thường gặp hơn ở những người trên tuổi 40 và trẻ em, có mắc các bệnh như hen phế quản, viêm xoang mạn tính và xơ nang phổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh polyp mũi

Hen suyễn: Bệnh này làm đường hô hấp người bệnh bị viêm và tắc nghẽn.

Viêm xoang dị ứng do vi nấm: Tình trạng dị ứng nặng với vi nấm trong môi trường.

Người nhạy cảm với aspirin hoặc các thuốc kháng viêm non-steroid (NSAIDs).

Xơ nang, rối loạn di truyền dẫn tới việc sản xuất và tiết ra chất dịch bất thường, đặc biệt là chất nhầy từ màng mũi và xoang.

Hội chứng Churg-Strauss.

Yếu tố di truyền cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh polyp mũi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh polyp mũi

Chẩn đoán lâm sàng

Triệu chứng cơ năng:

  • Ngạt tắc mũi thường xuyên.

  • Xì mũi hoặc khịt khạc mủ nhày hay mủ đặc thường xuyên.

  • Đau nhức vùng mặt.

  • Mất ngửi hoặc giảm ngửi.

Triệu chứng thực thể: Soi mũi thấy:

  • Khối u mềm.

  • Tùy theo kích thước của khối polyp mũi, chia làm 4 cấp độ:

Độ I: Polyp mũi khu trú gọn trong phức hợp lỗ ngách.

Độ II: Polyp mũi phát triển ra ngách giữa nhưng chưa vượt quá bờ tự do của cuốn giữa.

Độ III: Polyp mũi vượt quá bờ tự do của cuốn giữa đến lưng cuốn dưới.

Độ IV: Polyp mũi che kín toàn bộ hốc mũi, ra tận cửa mũi sau.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Phim X-quang thông thường (Blondeau, Hirtz), hình ảnh không rõ:

  • Hình ảnh mờ đều hoặc không đều của các xoang và hốc mũi.

  • Hình ảnh polyp trong xoang.

Phim CT scan cho được hình ảnh:

  • Polyp mũi xoang kèm ảnh mờ các xoang, mờ đều hoặc không đều.

  • Các cấu trúc giải phẫu bất thường như: Lệch vách ngăn, cuốn giữa đảo chiều, bóng hơi cuốn giữa,…

MRI: Giúp phân biệt được polyp với các tổn thương do bít tắc lỗ thông mũi xoang (như dày niêm mạc, có dịch trong xoang).

Kết quả mô bệnh học: Có thể giúp chẩn đoán xác định bệnh polyp mũi.

Các chẩn đoán phân biệt

Phân biệt polyp mũi với bệnh lý u mũi xoang dựa trên các đặc điểm như:

  • Khối u thường không nhẵn, mật độ không đều, bề mặt sùi, loét, dễ chảy máu.

  • Ngẹt mũi, chảy mũi, giảm khứu giác, thường xảy ra ở 1 bên mũi.

  • Hay xì ra máu mũi.

  • Thường gặp ở người lớn tuổi.

  • Kết quả mô bệnh học cho kết quả tổn thương u.

Phương pháp điều trị bệnh polyp mũi hiệu quả

Nguyên tắc điều trị

  • Nghỉ ngơi, có biện pháp hạn chế việc tiếp xúc với các tác nhân gây viêm mũi xoang.

  • Đảm bảo dẫn lưu tốt vùng mũi xoang, chống phù nề niêm mạc.

  • Kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân.

Điều trị nội khoa

Chỉ định: Khi mắc bệnh polyp mũi độ I, II.

Điều trị toàn thân

  • Thuốc kháng sinh khi có triệu chứng viêm mũi kèm theo.

  • Thuốc corticoid, dùng đường uống.

Điều trị tại chỗ

  • Thuốc co mạch.

  • Nước muối sinh lý: Dùng rửa mũi.

  • Thuốc corticoid dạng xịt, dùng kéo dài.

Điều trị bằng phẫu thuật

Chỉ định:

  • Khi khối polyp mũi độ I, II + kết quả điều trị nội khoa không thuyên giảm.

  • Khi khối polyp mũi độ II, IV.

Các loại phẫu thuật nội soi mũi xoang bao gồm:

  • Phẫu thuật nội soi chức năng mũi xoang tối thiểu.

  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng – hàm.

  • Phẫu thuật nội soi mũi xoang mở sàng – hàm – trán – bướm.

Chăm sóc và điều trị sau khi phẫu thuật:

Điều trị toàn thân:

  • Thuốc kháng sinh: Thường dùng trong khoảng 1 đến 2 tuần.

  • Thuốc corticoid, dùng đường uống.

  • Chế độ dinh dưỡng hợp lý, nâng cao thể trạng.

Điều trị tại chỗ:

  • Rút merocel mũi sau 24 giờ.

  • Thuốc co mạch.

  • Nước muối sinh lý: Dùng rửa, vệ sinh mũi.

  • Thuốc corticoid, dạng xịt, dùng kéo dài.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh polyp mũi

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên.

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi phát hiện có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị thích hợp trong thời gian tiếp nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa bệnh polyp mũi hiệu quả

Nghỉ ngơi, phòng tránh các tác nhân gây viêm mũi xoang.

Vệ sinh môi trường, nơi ở, làm việc sạch sẽ.

Hạn chế dùng cách chất kích thích như thuốc lá, rượu bia.

Thường xuyên rèn luyện sức khỏe, tập thể dục nâng cao thể lực.

Nguồn tham khảo
  1. “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh tai mũi họng” – Bộ y tế (Ban hành kèm quyết định số 5643/QĐ-BYT ngày 31/12/2015 của Bộ trưởng Bộ y tế)     

  2. https://www.nhs.uk/conditions/nasal-polyps/ 

  3. Bệnh polyp mũi – Bệnh viên đa khoa Quảng Nam: http://bvdkquangnam.vn/index.php/tin-tc/y-hc-thng-thc/559-bnh-polyp-mi

Các bệnh liên quan

  1. Ù tai

  2. Đau cổ họng

  3. Viêm tai giữa ứ dịch

  4. Loạn cảm họng

  5. Thủng màng nhĩ

  6. Viêm tai ngoài

  7. Tật tai nhỏ

  8. Rò luân nhĩ

  9. Dị vật trong tai

  10. Chảy máu cam