Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Acebutolol, thuốc chẹn beta chống tăng huyết áp

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Acebutolol

Loại thuốc

Chẹn beta giao cảm (chẹn beta-adrenergic).

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén, nang: 100 mg, 200 mg, 400 mg

Chỉ định

  • Tăng huyết áp: Dùng đơn độc hoặc phối hợp với các thuốc chống tăng huyết áp nhóm khác. Acebutolol là một trong một số các thuốc chống tăng huyết áp được ưa dùng để điều trị ban đầu tăng huyết áp ở người suy tim, sau nhồi máu cơ tim, bệnh mạch vành có nguy cơ cao và/hoặc đái tháo đường, suy thận mạn.
  • Loạn nhịp thất: Acebutolol điều trị và dự phòng tái phát các ngoại tâm thu thất bao gồm các loại ngoại tâm thu đơn dạng và đa dạng, và/hoặc ngoại tâm thu ghép và các phức hợp R-trên-T. Ở người bị loạn nhịp tim tiên phát hoặc thứ phát sau các bệnh tim như bệnh động mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim.
  • Loạn nhịp trên thất: Cũng đã được chỉ định, nhưng chưa được đánh giá đầy đủ.
  • Đau thắt ngực mạn tính ổn định: Cũng đã được chỉ định và có thể làm giảm tần suất cơn đau thắt ngực, giảm liều dùng nitroglycerin và tăng dung nạp gắng sức.

Dược lực học

Acebutolol là thuốc chẹn chọn lọc thụ thể β1 adrenergic và có tác dụng dược lý tương tự các thuốc chẹn beta giao cảm khác. Ở liều thấp, acebutolol có tác dụng ức chế chọn lọc do cơ chế cạnh tranh với các chất dẫn truyền thần kinh giao cảm trên thụ thể β1 ở tim, trong khi có rất ít tác dụng trên thụ thể β2 ở phế quản và cơ trơn mạch máu. Ở liều cao (trên 800 mg/ngày), thuốc mất tác dụng chọn lọc và ức chế cạnh tranh trên cả 2 thụ thể.

Thuốc cũng có tác dụng ổn định màng tế bào trên tim, nhưng chỉ xuất hiện khi dùng liều cao và thường không rõ ràng ở liều lâm sàng.

Tác dụng dược lý của thuốc là do tác dụng của cả acebutolol chưa chuyển hóa và chất chuyển hóa chính (diacetolol). Diacetolol có hoạt tính mạnh tương đương acebutolol, và có hoạt tính chọn lọc β1 cao hơn so với acebutolol trên động vật thí nghiệm. Diacetolol cũng có hoạt tính giao cảm nội tại yếu, nhưng không có tác dụng ổn định màng tế bào.

Giảm co bóp cơ tim và tần số tim do Acebutolol dẫn đến giảm tiêu thụ oxy của cơ tim, điều này giải thích tính hiệu quả của Acebutolol trong cơn đau thắt ngực ổn định mạn tính.

Acebutolol làm giảm huyết áp tâm thu và tâm trương lúc nghỉ và khi gắng sức.

Động lực học

Acebutolol là một chất đối kháng thụ thể β1 chọn lọc. Kích hoạt thụ thể β1 bằng epinephrine làm tăng nhịp tim và huyết áp, và tim tiêu thụ nhiều oxy hơn. Acebutolol chặn các thụ thể này, làm giảm nhịp tim và huyết áp. Thuốc này sau đó có tác dụng ngược của epinephrine. Ngoài ra, thuốc chẹn beta ngăn chặn sự giải phóng renin, đây là một loại hormone do thận sản xuất dẫn đến co thắt các mạch máu.

Trao đổi chất

Hấp thu

Hấp thu tốt ở đường tiêu hóa, sinh khả dụng đường uống khoảng 40%.

Sau khi uống, nồng độ đỉnh của Acebutolol và Diacetolol đạt được sau 2 và 4 giờ.

Thức ăn không ảnh hưởng đáng kể đến hấp thu thuốc.

Phân bố

Mặc dù phân bố rộng trong cơ thể nhưng acebutolol và diacetolol đều ít vào được thần kinh trung ương. Cả hai chất qua được nhau thai và phân bố trong sữa mẹ. Acebutolol liên kết với protein huyết tương và hồng cầu.

Chuyển hóa

Phần lớn chuyển hóa lần đầu ở gan. Chất chuyển hóa chính qua gan của acebutolol là diacetolol.

Thải trừ

Acebutolol và Diacetol thải trừ qua nước tiểu và mật. Acebutolol có thể bị thải trừ trực tiếp từ thành ruột non và trên 50% liều uống có thể tìm lại trong phân.

Nửa đời thải trừ huyết tương của acebutolol là 3-4 giờ và diacetolol là 8-13 giờ, dài hơn ở người cao tuổi; trên bệnh nhân suy thận nặng lên đến 32 giờ.

Độc tính

Các triệu chứng của quá liều Acebutolol bao gồm nhịp tim chậm, khối nhĩ tiến triển, khiếm khuyết dẫn truyền trong não thất, hạ huyết áp, suy tim sung huyết nặng, co giật và ở bệnh nhân nhạy cảm, co thắt phế quản và hạ đường huyết.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

  • Acebutolol có thể có tác dụng cộng hưởng khi dùng phối hợp với các thuốc hủy catecholamine như reserpine, gây ra nhịp chậm, tụt huyết áp.
  • Không nên sử dụng đồng thời hoặc trong vòng vài ngày khi điều trị với verapamil.
  • Thận trọng đặc biệt khi dùng Acebutolol cùng với bất kỳ thuốc nào trong nhóm chẹn kênh calci, đặc biệt là diltiazem.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim nhóm I (disopyramide) và amiodarone làm tăng thời gian dẫn truyền nhĩ và gây ra tác dụng ức chế co cơ khi dùng đồng thời.
  • Ở những bệnh nhân đái tháo đường không ổn định và phụ thuộc insulin, có thể cần phải giảm liều các thuốc điều trị đái tháo đường. Tuy nhiên thuốc chẹn beta cũng có thể làm giảm hiệu quả của glibenclamid. Các thuốc chẹn beta làm mờ dấu hiệu của tụt đường huyết.
  • Nếu sử dụng đồng thời với clonidine, không nên dừng clonidine trong vòng một vài ngày sau khi dừng thuốc chẹn beta.
  • Acebutolol có thể đối kháng tác dụng với các thuốc giống giao cảm và các thuốc giãn phế quản nhóm xanthine.
  • Phối hợp thuốc chẹn beta với digoxine có thể gây ra chậm nhịp nghiêm trọng.
  • Giảm tác dụng hạ huyết áp khi sử dụng đồng thời với các thuốc chống viêm không steroide.
  • Tăng tác dụng khi phối hợp với thuốc chống trầm cảm 3 vòng, thuốc nhóm barbiturate và phenothiazine cũng như với các thuốc điều trị tăng huyết áp khác.

Tương tác với thực phẩm

Acebutolol và etanol có thể gây nhức đầu, chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu hoặc thay đổi mạch, nhịp tim.

Vitamin tổng hợp với khoáng chất có thể làm giảm tác dụng của acebutolol, nên sử dụng acebutolol và multivitamin với khoảng cách thời gian ít nhất 2 giờ.

Chống chỉ định

  • Mẫn cảm với Acebutolol hoặc với các thuốc chẹn beta.
  • Sốc tim, suy tim chưa kiểm soát, nhịp tim chậm (dưới 45-50 nhịp/phút), huyết áp thấp, suy nút xoang, block nhĩ thất độ 2 - 3, toan chuyển hóa, rối loạn tuần hoàn ngoại vi nặng, u tủy thượng thận chưa điều trị.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Tăng huyết áp: Liều uống khởi đầu 400 mg một lần/ngày hoặc 200 mg x 2 lần/ngày. Nếu chưa kiểm soát sau 2 tuần, tăng 400 mg x 2 lần/ngày. Trong trường hợp nặng, có thể tăng liều tối đa 1,2 g/ngày, chia thành nhiều liều nhỏ.

Ðau thắt ngực: Liều uống khởi đầu 400 mg/lần/ngày hoặc 200 mg x 2 lần/ngày. Trong trường hợp nặng, dùng 300 mg x 3 lần/ngày. Tổng liều tối đa 1,2 g/ngày nếu cần thiết. Khi giảm liều phải giảm dần như khi tăng liều.

Loạn nhịp: Liều uống khởi đầu là 200 mg x 2 lần/ngày, hiệu chỉnh tăng dần theo đáp ứng, lên đến 1,2 g/ngày. Chia liều nhỏ sẽ kiểm soát bệnh tốt hơn dùng đơn liều trong ngày.

Trẻ em

Độ an toàn và hiệu quả của thuốc Acebutolol trên trẻ em chưa được thiết lập.

Đối tượng khác

Người cao tuổi: Không dùng quá 800 mg/ngày. Lưu ý đánh giá chức năng thận, giảm liều Acebutolol nếu có suy thận từ trung bình đến nặng.

Suy thận: Giảm 50% liều khi mức lọc cầu thận 25 - 50 ml/phút và giảm 75% khi mức lọc cầu thận dưới 25 ml/phút. Số lần chia liều không quá 1 lần/ngày.

Tác dụng phụ

Rất thường gặp

Mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, anh hưởng hệ miễn dịch (kháng thể kháng nhân).

Thường gặp

Đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, giảm thị lực, khó thở, ban da, trầm cảm, gặp ác mộng.

Ít gặp

Hội chứng giống Lupus.

Hiếm gặp

Mặc dù khả năng kháng thể kháng nhân đã tăng lên ở một số bệnh nhân nhưng tỷ lệ mắc các hội chứng lâm sàng liên quan là rất hiếm và nếu có, cần phải ngừng điều trị ngay lập tức.

Không xác định tần suất

Acebutolol gây nôn mửa, mất ham muốn tình dục, thần kinh dị cảm, khô mắt, tụt huyết áp, gây suy tim, chứng khập khiễng cách hồi, hội chứng Raynaud, tím tái ngoại vi và lạnh ngoại vi, chậm nhịp, hội chứng dừng thuốc.

Lưu ý

Lưu ý chung

Thận trọng trên bệnh nhân suy gan, rất thận trọng khi bệnh nhân đau thắt ngực kiểu Prinzmetal.

Suy thận: 

Cần thận trọng khi sử dụng Acebutolol liều cao trên bệnh nhân suy thận nặng để tránh tích lũy thuốc.

Bệnh lý co thắt phế quản:

Không nên sử dụng các thuốc chẹn beta giao cảm cho người có bệnh lý co thắt phế quản. Lưu ý do tác dụng chẹn chọn lọc beta 1 không hoàn toàn và phụ thuộc liều, nếu bắt buộc phải sử dụng acebutolol trên bệnh nhân có bệnh lý co thắt phế quản, cần bắt đầu với liều thấp, chia nhỏ liều và chuẩn bị sẵn các thuốc giãn phế quản để xử trí khi cần thiết.

Suy tim:

Các thuốc chẹn beta giao cảm có thể làm nặng thêm suy tim, vì vậy không dùng acebutolol nếu suy tim chưa kiểm soát được, nhưng có thể dùng cho các trường hợp suy tim đã kiểm soát được bằng các thuốc digitalis và/hoặc lợi tiểu. Lưu ý là cả digitalis và chẹn beta đều làm giảm dẫn truyền nhĩ thất. Nếu suy tim không cải thiện, cần dừng acebutolol.

Ngừng thuốc:

Khi ngừng thuốc, phải giảm liều từ từ trong vòng 2 tuần. Dừng thuốc đột ngột có thể làm tăng nặng bệnh, điều này đặc biệt quan trọng đối với bệnh nhân có bệnh động mạch vành hoặc suy tim.

Bệnh mạch ngoại vi:

Không dùng Acebutolol trong bệnh động mạch ngoại vi nặng, cần phải chú ý với các bệnh nhân này và theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu tiến triển tắc nghẽn động mạch trên bệnh nhân.

Vảy nến:

Cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định dùng thuốc chẹn beta cho bệnh nhân vảy nến.

Dùng các thuốc gây mê và phẫu thuật lớn:

Phải dùng thận trọng acebutolol cho người phải phẫu thuật lớn cần phải gây mê. Khi đã quyết định ngừng chẹn beta trước khi phẫu thuật, phải ngừng thuốc ít nhất 24 giờ.

Nếu người bệnh tiếp tục dùng acebutolol trước khi phẫu thuật, phải đặc biệt chú ý khi dùng các thuốc gây mê ức chế cơ tim (như cyclopropan, ether, triclorethylen) và phải giảm liều thấp nhất có thể.

Đái tháo đường:

Bệnh nhân đái tháo đường cần được cảnh báo về khả năng che lấp các dấu hiệu của hạ đường huyết.

Nhiễm độc giáp:

Ngừng đột ngột các thuốc chẹn beta có thể thúc đẩy cơn bão giáp trạng, vì vậy với những bệnh nhân nghi ngờ có nhiễm độc giáp nếu cần dừng acebutolol cần phải được theo dõi chặt chẽ.

Cần dùng thận trọng cho những người có tiền sử phản ứng phản vệ.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không nên dùng acebutolol trong 3 tháng đầu thai kỳ trừ khi thật cần thiết và phải sử dụng với liều thấp nhất có thể.

Sử dụng trong giai đoạn cuối của thai kỳ có thể làm trẻ sinh ra nhẹ cân, hạ đường huyết, nhịp tim chậm, hạ huyết áp và các biến chứng tim phổi.

Chỉ dùng khi đã cân nhắc kỹ giữa lợi ích chữa bệnh và nguy cơ đối với thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Không khuyến cáo sử dụng Acebutolol.

Lưu ý khi lái xe & vận hành máy móc

Không có nghiên cứu nào về ảnh hưởng đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc. Như với tất cả các thuốc chẹn-beta, thỉnh thoảng có thể xảy ra chóng mặt hoặc mệt mỏi. Điều này cần được lưu ý khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Nếu quên một liều, dùng ngay khi nhớ ra. Nếu gần thời điểm liều tiếp theo, bỏ qua liều đã quên và tiếp tục như bình thường. Không bù bằng liều gấp đôi.

Quá liều và xử trí

Quá liều Acebutolol và độc tính

Nhịp quá chậm, nghẽn nhĩ thất, block dẫn truyền trong thất, tụt huyết áp, suy tim tăng nặng, động kinh và có thể co thắt phế quản, hạ đường huyết.

Cách xử lý

Rửa dạ dày.

Nhịp chậm: Atropine 1 - 3 mg tiêm tĩnh mạch, chia 3 lần. Nếu chưa đáp ứng, thêm Isoproterenol tĩnh mạch 5 μg/phút theo dõi liên tục. Đặt máy tạo nhịp khi rối loạn nhịp nặng.

Tụt huyết áp dai dẳng: Cần các thuốc kích thích giao cảm như epinephrine, dopamine, dobutamine.

Co thắt phế quản: Cần cho các thuốc nhóm theophyline như aminophyline hoặc kích thích β2 giao cảm như terbutaline.

Thẩm tách máu để loại acebutolol.

Nguồn tham khảo

Các sản phẩm có thành phần Acebutolol

  1. Thuốc Sectral 200mg Sanofi điều trị tăng huyết áp, đau thắt ngực (2 vỉ x 10 viên)