Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Các bước sơ cứu người bị co giật hiệu quả, an toàn nhất

Ngày 24/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nắm rõ các bước sơ cứu người bị co giật chính xác, hiệu quả sau cùng Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp người bệnh hạn chế được những biến chứng sau này.

Cơn co giật có thể xảy ra ở cục bộ hoặc toàn thân và kéo dài từ vài phút đến vài chục phút, tùy thuộc vào nguyên nhân gây co giật. Một số loại co giật phổ biến có thể kể đến là co giật động kinh, co giật do sốt cao, co giật người lớn, co giật toàn thể ở trẻ em,... Vậy bạn đã biết cách sơ cứu người bị co giật khoa học, hiệu quả và an toàn nhất chưa nào? Nếu chưa hãy cùng nhau theo dõi những chia sẻ sau đây từ các bác sĩ chuyên khoa nhé!

Nguyên nhân gây co giật

Hiện tượng co giật xảy ra khi não bộ bị tổn thương khiến các tế bào thần kinh bị kích thích và rối loạn hoạt động. Các tế bào này phóng điện đột ngột và khiến hoạt động bình thường của các tế bào não khác bị lấn át, gây ra hiện tượng co giật, rối loạn ý thức.

Một số nguyên nhân gây co giật có thể gặp là:

  • Do mắc các bệnh về não như áp xe não, viêm màng não, hay u não
  • Chấn thương sọ não.
  • Mắc các bệnh liên quan đến mạch máu não: dị dạng mạch máu não, tai biến mạch máu não…
  • Bị rối loạn phát triển (tự kỷ).
  • Gặp các rối loạn chuyển hóa: tăng/hạ đường huyết, tăng/hạ natri máu, hạ calci máu, tăng ure máu…
  • Sốt cao.
  • Bệnh động kinh.
Các bước sơ cứu người bị co giật 1 Co giật là một hiện tượng có thể xảy ra ở nhiều trường hợp, bởi nhiều nguyên nhân

Co giật cần gọi cấp cứu khẩn cấp khi nào?

Một vài trường hợp co giật có thể là tình trạng bệnh lý lành tính, không cần cấp cứu tại bệnh viện mà sẽ tự động hết sau vài phút. Tuy nhiên, có các trường hợp co giật cần được trợ giúp y tế khẩn cấp là:

  • Cơn co giật xuất hiện lần đầu tiên.
  • Cơn co giật kéo dài quá 5 phút và xuất hiện các cơn co giật tiếp theo trong vòng 24 giờ.
  • Cơn co giật đã kết thúc hơn 10 phút nhưng người bệnh vẫn chưa tỉnh lại.
  • Người bệnh có tiền sử các bệnh về não, mạch máu não hay rối loạn chuyển hóa như chấn thương sọ não, tai biến mạch máu não, và tiểu đường
  • Xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng: sặc, ngạt thở, hô hấp bất thường…
  • Người bệnh gặp chấn thương trong khi co giật.

Các bước sơ cứu người bị co giật

Khi phát hiện người bị co giật, cần bình tĩnh gọi thêm sự hỗ trợ từ người khác, đồng thời thực hiện các bước sơ cứu sau:

Bước 1: Đảm bảo an toàn cho người bị co giật

Để hạn chế xảy ra chấn thương do ngoại cảnh trong lúc co giật, cần đỡ người bệnh nằm xuống mặt phẳng rộng rãi. Tránh xa các vùng nguy hiểm như vùng có nước, điện, vật dễ vỡ, vật sắc nhọn… và giữ khoảng cách an toàn với mọi người xung quanh.

Bước 2: Kê cao đầu người bị co giật

Người bệnh có thể được kê đầu bằng các vật mềm như áo, khăn gấp lại. Tuy nhiên, để tránh làm gập cổ gây cản trở đường thở, không nên kê đầu bệnh nhân cao quá 5cm.

Các bước sơ cứu người bị co giật 2Kê đầu người bệnh bằng vải mềm là một trong các bước sơ cứu người bị co giật

Bước 3: Nới lỏng trang phục

Những loại trang phục như cà vạt, khăn quàng cổ, trang sức… quấn quanh cổ cần được nới lỏng để tránh gây ngạt thở cho bệnh nhân.

Các bước sơ cứu người bị co giật 4 Nới lỏng trang phục để bệnh nhân dễ thở hơn

Bước 4: Đảm bảo đường thở của người bệnh được thông thoáng

Không nên cho bất cứ vật gì vào miệng của bệnh nhân như đũa, thìa hay vắt chanh vì rất dễ khiến người bệnh bị sặc hoặc tổn thương vùng miệng. Đường thở thông thoáng là một yếu tố vô cùng quan trọng cần được đảm bảo trong quá trình sơ cứu co giật.

Các bước sơ cứu người bị co giật 3 Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn

Bước 5: Để bệnh nhân co giật tự nhiên

Khi nhìn thấy bệnh nhân bị co giật, nhiều người có xu hướng ghì người bệnh lại để kìm hãm cơn co giật. Tuy nhiên, làm vậy không những không thể ngừng cơn co giật mà còn có thể khiến người bệnh bị chấn thương. Do đó, hãy để người bệnh co giật một cách tự nhiên và chờ đợi cơn co giật qua đi.

Bước 6: Kiểm tra tình trạng người bệnh sau co giật

Sau khi ngừng co giật, cần kiểm tra tình trạng bệnh nhân:

  • Đối với người có thể tự thở, xoay người bệnh nhân sang trái để đường thở được thông thoáng, hỗ trợ bệnh nhân thở dễ dàng hơn.
  • Đối với người bệnh ngừng thở, cần ngay lập tức thực hiện cấp cứu ngừng tuần hoàn theo quy tắc CAB: ép tim - thông đường thở - thổi ngạt.

Bước 7: Đưa người bệnh đến cơ sở y tế 

Sau khi cơn co giật kết thúc, cần đưa người bệnh tới bệnh viện trong thời gian sớm nhất để được thăm khám tìm ra nguyên nhân gây co giật và phòng tránh co giật tái phát.

Một số lưu ý khi sơ cứu người bị co giật

  • Trong khi co giật, lưỡi thường có xu hướng co cứng nên nguy cơ cắn phải lưỡi rất thấp. Chính vì vậy, không cần thiết phải cho vật gì vào miệng để bệnh nhân không cắn trúng lưỡi. Việc có vật chèn trong miệng sẽ có khả năng gây tổn thương niêm mạc miệng và cản trở đường thở của người bệnh. 
  • Không nên ghì hoặc giữ bệnh nhân trong cơn co giật, bởi khi cơ co giật với cường độ mạnh, hành động ấy có thể gây ra các chấn thương cho người bệnh như trật khớp, gãy xương.
  • Sau cơn co giật, người bệnh thường bị mất ý thức, phản xạ bảo vệ hầu họng cũng bị rối loạn. Do đó, lưỡi có thể bị tụt ra sau và gây ngạt thở hoặc khiến các loại dịch (như dịch dạ dày, chất nôn) dễ tràn vào đường thở gây viêm nhiễm nặng. Trong trường hợp này, cần giữ đúng tư thế an toàn cho bệnh nhân để đảm bảo đường hô hấp được bảo vệ.
  • Ngoài ra, không nên cho người bệnh ăn hay uống bất cứ thứ gì khi chưa hoàn toàn tỉnh táo. Việc cho bệnh nhân ăn hay uống lúc này có thể gây sặc bởi phản xạ bảo vệ khi nuốt của cơ thể vẫn chưa được phục hồi hoàn toàn.
  • Đối với bệnh nhân bị động kinh, họ có thể có những cơn co giật ngay cả khi đã và đang điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân động kinh nhưng không được điều trị thường xuyên và xảy ra tình trạng co giật, trường hợp này cần được cấp cứu khẩn cấp.
  • Nếu có khả năng, người sơ cứu nên ghi hình hoặc ghi nhớ những thông tin quan trọng trong quá trình co giật cũng như sơ cứu để hỗ trợ bác sĩ trong việc chẩn đoán và điều trị co giật.

Trên đây là những thông tin cơ bản về cách sơ cứu người bị co giật. Nhà thuốc Long Châu hy vọng đã đem lại cho quý độc giả những thông tin hữu ích. Mong rằng quý độc giả sẽ luôn theo dõi và ủng hộ trang web để cập nhật những tin tức mới nhất về y học đời sống. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe!

Xem thêm:

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm