Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Cao Hồng hoa

Cao hồng hoa: Vị thuốc quý của phụ nữ

Ngày 17/08/2023
Kích thước chữ

Hồng hoa là một loại dược liệu quý hiếm trong y học cổ truyền và thường được sử dụng trong các bài thuốc đông y. Cao hồng hoa có nhiều tác dụng khác nhau, bao gồm trị đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau tức ngực và giúp thông kinh và ứ huyết ở phụ nữ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Hồng hoa.

Tên khác: Cây rum.

Tên khoa học: Carthamus tinctorius L., họ Cúc (Asteraceae).

Người ta thường dùng hoa phơi hay sấy khô của cây Hồng hoa làm thuốc với tên gọi là Hồng hoa (Flos Carthami) do hoa màu hồng. Cần phân biệt với Hoa hồng, đó đây là 2 loài hoa khác nhau.

Cao hồng hoa: Vị thuốc quý của phụ nữ 1.jpg
Cây Hồng hoa

Đặc điểm tự nhiên

Hồng hoa là cây thân thảo, sống hằng năm và thường có chiều cao từ 0,6 đến 1 mét hoặc cao hơn. Thân cây có màu trắng, thẳng, mịn và có các vạch dọc, cành phân nhánh ở phần trên của cây.

Lá của cây hồng hoa mọc xen kẽ và gần như không có cuống, gốc lá tròn ôm quanh thân cây. Phiến lá có hình bầu dục hoặc hình trứng dài, có chiều dài khoảng từ 4 đến 9 cm và chiều rộng từ 1 đến 3 cm. Chóp lá nhọn và sắc, mép lá có hình răng cưa nhọn nhưng không đều. Mặt trên của lá mịn, có màu xanh lục sẫm, và các gân lá thường nổi lên ở phần giữa lá.

Hoa của cây hồng hoa thường mọc ở đỉnh hoặc đầu cành và thường được bao phủ bởi nhiều vòng lá bắc có hình dạng và kích thước khác nhau. Lá bắc có gai ở mép hoặc chóp. Hoa nhỏ, có màu đỏ cam, và nằm trên một đế hoa phẳng. Quả của cây hồng hoa có hình dạng trứng và có 4 vạch lồi nhỏ dài 6 - 7mm, rộng 4 - 5mm.

Cao hồng hoa: Vị thuốc quý của phụ nữ 2.jpg
Hoa của cây Hồng hoa là bộ phận được sử dụng làm thuốc hiện nay

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Chi Carthamus L. bao gồm khoảng 35 loài trên toàn cầu, phân bố rộng rãi ở châu Á, châu Phi và vùng Địa Trung Hải của châu Âu. Hồng hoa, một trong những loài trong chi này, thường chỉ được trồng trong mục đích nông nghiệp.

Hồng hoa đã được trồng rộng rãi ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Ai Cập, Trung Quốc, Italia, Tây Ban Nha và Liên Xô cũ. Gần đây, cây cũng đã được nhập khẩu vào Mỹ, Australia và một số nước châu Á.

Ở Việt Nam, hồng hoa đã được nhập khẩu từ Đông Âu và Liên Xô vào cuối những năm 70, trước đây nhiều nhất ở Hà Giang. Hiện nay đang nghiên cứu phát triển nhiều nơi. Cây đã được thử nghiệm trồng tại Trại thuốc Sa Pa (Lào Cai) và Văn Điển (Hà Nội) với kết quả khá tốt. Hồng hoa thích ánh sáng và độ ẩm. Do có nguồn gốc từ vùng ôn đới ấm, khi trồng ở Việt Nam, cần tránh mùa hè nóng. Gần đây, hồng hoa đã được nhập khẩu và trồng lại tại Sa Pa và Đà Lạt.

Thu hái: Cây hồng hoa thường được thu hoạch vào đầu mùa hè hàng năm. Nên chỉ thu hoạch khi các cánh hoa chuyển từ màu vàng sang màu đỏ. Không nên thu hái những bông hoa đã rụng, vì tác dụng dược lý của chúng đã giảm đi đáng kể.

Chế biến: Sau khi thu hoạch, cần tiến hành sơ chế dược liệu. Chỉ nên giữ lại cánh hoa và hạt, còn phần đài hoa thì nên loại bỏ. Cánh hoa có thể được gói thành từng bó hoặc giã nát và sau đó vắt để tạo thành miếng. Phần hạt của cây hồng hoa chứa nhiều protein và dầu, vì vậy nên giữ lại để ép lấy dầu sử dụng hàng ngày, nhằm tận dụng tối đa giá trị của cây hồng hoa.

Sau khi sơ chế, hồng hoa cần được phơi khô trong môi trường bóng râm, thông thoáng và có nhiều gió. Tránh phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, đặc biệt là ánh nắng mạnh, vì điều này có thể làm thay đổi màu sắc của dược liệu.

Để chế biến cao hồng hoa, chuẩn bị lượng hồng hoa vừa đủ loại bỏ tạp chất, rửa sạch. Đổ nước ngập dược liệu, đun sôi đều trong 4h (chú ý bù nước bay hơi). Gạn lấy dịch chiết, để lắng lọc trong. Chiết tiếp như trên từ 2 đến 3 lần. Gộp dịch chiết lại, cô đặc, thêm đường trắng và đun sôi để hòa tan đường. Thêm ethanol 90%, thêm acid benzoic và thêm nước vừa đủ. Lọc và đóng chai.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận của cây hồng hoa được sử dụng để làm thuốc là hoa đã được phơi khô.

Cao hồng hoa: Vị thuốc quý của phụ nữ 3.jpg
Vị thuốc Hồng hoa

Thành phần hoá học

Hoa của cây Hồng hoa chứa carthamin, một hợp chất gồm hai đơn vị là carthamidin và isocarthamidin. Ngoài ra, hoa còn chứa một số sắc tố màu vàng khác như safflor yellow A, safflor yellow B và safflomin A.

Hạt của cây Hồng hoa chứa serotobenin, N - feruloyltrvptamin và N - (p.coumaroyl) - tryptamine. Ngoài ra, hạt còn chứa luteolin, luteolin - 7 - o - p - o - glucopyranoside, p - sitosterol, p - sitosterol - 3 - o - p - D - glucopyranoside, cùng một số axit béo như acid lauric, acid myristic, acid palmitic, acid linoleic, acid arachidic và acid oleic. Ngoài ra, hạt còn chứa 15a, 20p-dihydroxy-pregn-4-en-3-on diglucoside.

Khi hạt hồng hoa nảy mầm, xuất hiện một số dẫn xuất polyacetylene như 1 - tridecene - 3,5,7,9 - 11 - pentayn, (11Z) - trideca - 1,11 - dien - 3,5,7,9 - tetrayn, (3Z, 11Z) - trideca - 1,3,11 - trien - 5,7,9 - triyn, (3E, 5Z, 11E) - trideca - 1,3,5,11 - tetraen - 7,9 - diyn và (3Z, 5E, 11E) - trideca - 1,3,5,11 - tetraen - 7,9 - diyn. Hạt chín không có các dẫn xuất polyacetylene này. Trong tế bào nuôi cấy của hồng hoa còn chứa ubiquinone 9. Hồng hoa cũng có chứa polysaccharide.

Công dụng

Theo Y học cổ truyền

Hồng hoa có vị cay, tính ấm. Quy kinh Tâm và Can. Công năng: Hoạt huyết thông kinh, tán ứ huyết, giảm đau. Chủ trị: Phụ nữ bế kinh, vô kinh, hành kinh ra huyết cục, đau bụng khi hành kinh, chấn thương gây tụ huyết, mụn nhọt, sưng đau.

Theo Y học cổ truyền, vị thuốc Hồng hoa có tác dụng hoạt huyết, giúp thông kinh và tán ứ. Nó được sử dụng trong thuốc an thần và điều trị các vấn đề liên quan đến kinh nguyệt như kinh nguyệt không đều, bế kinh và đau bụng kinh.

Cao hồng hoa: Vị thuốc quý của phụ nữ 4.jpg
Hồng hoa thường được dùng để điều trị tình trạng rối loạn kinh nguyệt

Ngoài ra, cây hồng hoa và các chất màu chiết từ nó cũng được sử dụng để nhuộm màu thực phẩm và nhuộm màu tơ lụa.

Dầu hạt của cây hồng hoa được sử dụng trong việc chữa trị thấp khớp và vết loét. Hạt của cây cũng có thể được sử dụng để xổ. Một số quốc gia như Ấn Độ, Mexico, Mỹ, Úc và Tây Ban Nha cũng sử dụng dầu hạt hồng hoa như một loại dầu thực vật.

Theo Y học hiện đại

Tác dụng tăng co bóp tử cung

Hồng hoa có khả năng kích thích sự co bóp tử cung và có tác dụng kích thích cả trong thời gian dài đối với tử cung cô lập và tử cung nguyên vẹn của các loài động vật như chuột nhắt, chuột lang, thỏ, mèo và chó. Ngoài ra, hồng hoa cũng có tác dụng kích thích sự co bóp của ruột trong thời gian ngắn.

Tác dụng hạ huyết áp, tăng co bóp cơ tim, co mạch máu thận, co cơ trơn phế quản

Nước sắc Hồng hoa làm hạ thấp huyết áp của chó và mèo, làm tăng sự co bóp tim, co nhỏ mạch máu thận và co cơ trơn phế quản của chuột bạch.

Tác dụng trên bệnh tim mạch, tăng mỡ máu

Zhai và cộng sự (2022) đã tiến hành phân tích các nghiên cứu về tác dụng điều trị bệnh đau thắt ngực do bệnh mạch vành của thuốc tiêm Hồng hoa khi kết hợp với thuốc tây. Phân tích tổng hợp cho thấy tiêm honghua kết hợp với thuốc tây có thể cải thiện đáng kể hiệu quả lâm sàng, có thể giảm đáng kể mức cholesterol toàn phần, mức triglycerid, tăng nồng độ HDL-C, giảm mức LDL-C.

Chen và cộng sự (2014) đã tiến hành nghiên cứu điều tra tác dụng phòng ngừa và điều trị của thuốc tiêm chứa Đan sâm và Hồng hóa đối với bệnh tăng mỡ máu trên chuột. Kết quả thu được thuốc tiêm này giúp giảm đáng kể chỉ số triglycerid, cholesterol toàn phần, LDL-C và xơ cứng động mạch.

Cao hồng hoa: Vị thuốc quý của phụ nữ 5.jpg
Hồng hoa có thể giúp giảm tình trạng tăng mỡ máu

Tác dụng chống ung thư

Wu và cộng sự (2016) tiến hành nghiên cứu thực nghiệm in vitro để xác định hoạt động chống ung thư của Hồng hoa trong dòng tế bào MDR KB-V1 ung thư khoang miệng ở người. Kết quả cho thấy Hồng hoa có chỉ số kháng thuốc là 0,096 và khi kết hợp với các tác nhân hóa trị liệu khác, nó đã tăng cường độ nhạy cảm hóa học của chúng lên gấp 2,8 đến 4,0 lần và mang lại tác dụng hiệp đồng trong tác dụng gây độc tế bào. Kết quả này chỉ ra rằng Hồng hoa có thể là một loại thuốc thảo dược chống ung thư bổ trợ thay thế tiềm năng trong tương lai.

Tác dụng bảo vệ gan

Fan và cộng sự (2022) nghiên cứu xác định bảo vệ tổn thương do rượu gây ra của Hồng hoa trên mô hình chuột. Kết quả xác nhận tác dụng bảo vệ gan của Hồng hoa giúp chống lại tổn thương gan do rượu và những thay đổi liên quan đến trao đổi chất.

Khác

Ngoài ra Hồng hoa còn ức chế sự lắng đọng của canxi oxalat giúp phòng ngừa bệnh sỏi niệu trên chuột. Thuốc bột Đan sâm và Hồng hoa cải thiện hội chứng trầm cảm do căng thẳng gây trên chuột được gây mô hình trầm cảm sau mãn kinh thông qua việc điều chỉnh nồng độ LH và FSH cũng như nồng độ monoamine.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 4g đến 12g, pha với nước, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Dưới đây là một số công thức sử dụng hồng hoa trong y học cổ truyền:

Trị đau bụng kinh

Hỗn hợp gồm Hồng hoa 6g, Xuyên khung 4g, Đương quy 12g, Hương phụ 12g, Diên hồ sách 12g. Các thành phần này có thể được sắc hoặc ngâm trong rượu uống trước khi bắt đầu kinh. Uống để giảm đau bụng kinh.

Trị huyết hôi sau khi sinh

Hồng hoa 4g, Ích mẫu thảo 20g, Sơn tra 20g, Đường đỏ vừa đủ. Hòa tan trong nước để uống. Công thức này dùng để điều trị tình trạng huyết hôi không ngừng sau khi sinh. Lưu ý không sử dụng khi bị đánh, ngã hoặc chấn thương, hoặc khi có sưng đỏ và đau.

Trị nốt sởi khó mọc và nhọt độc sưng

Hỗn hợp gồm Đương quy 8g, Hồng hoa 12g, Tử thảo 12g, Lá đại thanh 12g, Liên kiều 12g, Ngưu bàng tử 12g, Hoàng liên 6g, Cam thảo 4g, Cát căn 12g. Công thức này được sắc uống để điều trị nốt sởi không mọc và không vỡ.

Trị sưng đau sau va chạm

Hồng hoa 30g, Rượu trắng 500ml. Hòa tan hồng hoa trong rượu trắng và để ngâm trong 7 ngày. Uống 20 - 30ml mỗi lần, 2 - 3 lần mỗi ngày. Công thức này dùng để giảm sưng đau sau khi bị va chạm.

Trị các triệu chứng như đau đầu, đau mỏi toàn thân, đau tức ngực, đau quặn bụng, đau bụng kinh

Hồng hoa 10g, Xuyên khung 10g, Ngưu tất 10g. Các thành phần này được ngâm trong 500ml rượu trắng trong 7 ngày. Uống 15ml trước bữa ăn 15 - 30 phút, sáng và chiều.

Trị kinh nguyệt không đều do huyết hư huyết ứ

Gạo nếp 100g, Hồng hoa 4g, Đương quy 12g, Đan sâm 15g. Dùng nước lấy từ việc sắc dược liệu để nấu cháo gạo. Ăn khi đói.

Trị kinh nguyệt kéo dài, kinh ít, sẫm màu và có huyết khối, kèm theo đau trướng tức vùng tiểu khung và vùng bụng ngực, liên sườn, đau vú

Hồng hoa 12g, Hương phụ 18g, Gạo nếp 60g. Dùng nước lấy từ việc sắc dược liệu để nấu cháo gạo. Ăn trước kỳ kinh.

Dùng cho người huyết hư thiếu máu

Hồng hoa 10g, Gừng tươi 8g, Đậu đen 50g. Hồng hoa và gừng được gói trong vải xô, nấu chín và thêm muối và một chút gia vị.

Cao hồng hoa: Vị thuốc quý của phụ nữ 6.jpg
Cao hồng hoa được dùng trong những bài thuốc trị huyết hư thiếu máu

Lưu ý

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, hãy lưu ý những điều sau khi sử dụng cây Hồng hoa:

  • Phụ nữ mang thai hoặc có kinh nguyệt nhiều không nên sử dụng dược liệu Hồng hoa.
  • Hãy sử dụng Hồng hoa với liều lượng nhỏ. Sử dụng quá nhiều có thể gây phá huyết, rất nguy hiểm.
  • Hồng hoa không tương thích với Trầm hương và Xạ hương, do đó cần lưu ý khi kết hợp sử dụng các chất này.
  • Để giải độc, tiêu tan sưng tấy hoặc trị ứ huyết đau bụng, có thể pha thêm một chút đồng tiện vào bài thuốc.
Cao hồng hoa: Vị thuốc quý của phụ nữ 7.jpg
Phụ nữ có thai không nên sử dụng cao hồng hoa

Dược liệu Hồng hoa có các đặc tính dược lý và tác dụng khác nhau, do đó, nếu sử dụng không đúng cách và liều lượng, chúng có thể thay đổi kết quả điều trị. Trước khi áp dụng bất kỳ bài thuốc nào chứa cây hồng hoa, nên thảo luận và nhận lời khuyên từ bác sĩ.

Nguồn tham khảo