Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rễ cát cánh: Vị thuốc có công dụng đa dạng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rễ cát cánh dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách “Bản kinh” - Một quyển sách ra đời sớm nhất viết về dược liệu và vị thuốc cổ truyền - với nhiều tác dụng điều trị bệnh tuyệt vời.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cát cánh.

Tên khác: Kết cánh, khổ cát cánh, bạch cát cánh.

Tên khoa học: Platycodon grandiflorum A.DC.

Thuộc họ: Hoa Chuông - Campanulaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Trong tên Platycodon của cây cát cánh, chữ Latinh Platy có nghĩa là rộng, Codon là chuông. Grandiflorum bao gồm Grandi là to, florum là hoa. Tên này được đặt do hoa của cây cát cánh có hình cái chuông rộng. 

Cát cánh là một loại cây cỏ nhỏ, thường mọc lâu năm. Thân cao khoảng từ 60cm đến 90cm. Lá hầu như không có cuống, mọc đối hoặc mọc vòng. Phiến lá hình trứng, mép lá có răng cưa to. Lá phía trên nhỏ hơn, đôi khi mọc so le, dài khoảng từ 3cm đến 6cm, rộng từ khoảng 1cm đến 2,5cm. 

Hoa thường mọc đơn độc hoặc mọc dạng bông thưa. Đài hoa hình chuông rộng, có màu xanh, dài 1cm, mép đài hoa thường có 5 răng. Tràng hoa hình chuông, thường có màu lam tím hoặc màu trắng, đường kính từ 3cm đến 5cm. Quả hình trứng ngược. Trong năm, mùa hoa từ tháng 5 đến tháng 8, mùa quả từ tháng 7 đến tháng 9.

Rễ cát cánh: Vị thuốc có công dụng đa dạng 1.jpg
Hoa cát cánh hình chuông màu xanh lam

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Cây thường mọc hoang và mọc nhiều ở Trung Quốc (tỉnh An Huy, Giang Tô và Sơn Đông), Liên Xô cũ. Cây cát cánh đang được di thực ngày càng nhiều vào nước ta. Cây được trồng bằng hạt, có rễ to, mọc rất khỏe.

Thu hái

Thu hái rễ cây ở những cây đã trưởng thành sống từ 4 đến 5 năm. Thu hái vào mùa thu, đông hoặc mùa xuân. Tốt nhất là vào mùa thu đông vì cho chất lượng và sản lượng tốt hơn.

Chế biến

Sau khi đào rễ thu hái, mang về rửa sạch, bỏ tua rễ, sau đó cạo sạch vỏ ngoài rồi phơi nắng cho khô. Tẩm nước cắt lát dùng hoặc chế với mật rồi mang đi sao vàng tạo thành cát cánh chích mật.

Rễ cát cánh: Vị thuốc có công dụng đa dạng 2.jpg
Rễ cát cánh là bộ phận dùng làm thuốc

Bộ phận sử dụng

Người ta chủ yếu dùng rễ, đôi khi dùng là thân cây cát cánh như một vị thuốc có tác dụng chữa bệnh.

Thành phần hoá học

Rễ của cát cánh được báo cáo là chứa một lượng lớn carbohydrate (khoảng 90%), protein, lipid, tro và 24 loại saponin triterpenoid. Người ta còn phân lập được nhiều chất khác như flavonoid, axit phenolic, polyacetylenes và sterol từ cây cát cánh. 

Các carbohydrate có trong rễ cây cát cánh là monosaccarit (glucose, fructose), disaccarit (saccharose), trisaccarit (ketose) và một số polisaccarit (inulin, platycodin). Một số nghiên cứu mới đây cho thấy rằng trong cả hoa, lá, thân, cành của cây cát cánh đều có chứa Saponin. Thậm chí Saponin từ các bộ phận khác của cây còn có tác dụng phá huyết mạnh hơn Saponin từ rễ cát cánh.

Rễ cát cánh: Vị thuốc có công dụng đa dạng 3.jpg
Platycoside ở cát cánh tạo nên tác dụng đặc trưng của vị thuốc này

Trong đó, Platycoside là tên riêng của saponin ở cát cánh tạo nên tác dụng đặc trưng của vị thuốc này. Saponin là một nhóm hợp chất đa dạng được tìm thấy trong nhiều loại thực vật, đặc trưng bởi cấu trúc có chứa triterpene hoặc steroid aglycone và một hoặc nhiều chuỗi đường. Saponin là chất phân cực trong tự nhiên nên chúng hòa tan tự do trong nước nhưng không hòa tan trong dung môi không phân cực. 

Saponin có nhiều tính chất vật lý, hóa học và sinh học đa dạng vì sự phức tạp về cấu trúc của chúng. Chúng thường là những chất vô định hình có trọng lượng phân tử cao. Do sự hiện diện của aglycone tan trong lipid và chuỗi đường tan trong nước nên các hợp chất hoạt động bề mặt có đặc tính tẩy rửa, làm ướt, nhũ hóa và tạo bọt.

Ngoài ra, trong rễ cây cát cánh ước lượng có khoảng 2% Kikyosaponin với công thức hóa học là C29H48O11 là một Saponin vô định hình. Chất Kikyosaponin cho thêm acid và đun sôi sẽ tạo thành chất Kikyosapogenin và một phân tử Galactose. Hơn nữa, trong rễ của cây cát cánh còn chứa Phytosterola và Innulin. Mặt khác, so với các dược liệu khác Kikyosapogenin có tác dụng phá huyết mạnh gấp 2 lần Sapogenin được chiết xuất từ cây viễn chí (Polygala senega).

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh: Cát cánh có vị đắng, cay. Tính hơi ôn. Quy vào kinh Phế.

Tác dụng: Cát cánh có nhiều tác dụng như tuyên thông phế khí, trừ đàm, bài nùng, lợi yết hầu.

Chủ trị: Chủ trị các chứng ho nhiều đàm, họng đau, nói khàn, phế ung ngực đau do áp xe phổi, viêm họng sưng đau, tiểu tiện không thông lợi. 

Một số công dụng trích trong y văn cổ:

  • Sách Danh Y biệt lục có viết về cát cánh là vị thuốc “lợi ngũ tạng trường vị, bổ huyết khí, trừ hàn nhiệt, phong tý, ôn trung tiêu cốc, liệu hầu yết thống, hạ cổ độc (trừ độc của sâu bọ)”.
  • Sách Dược tính bản thảo có viết cát cánh là vị thuốc “trị hạ lỵ, phá huyết, khử tích khí, tiêu tích tụ đàm diên, chủ phế khí, khí thúc thấu nghịch, trừ phúc trung lãnh thống, chủ trúng ác (nhiễm độc) và trẻ em động kinh”.
  • Sách Bản thảo thông huyền có viết “Cát cánh chi dụng, duy kỳ thượng nhập phế kinh, phế vi chủ khí chi tạng, cố năng sử chư khí hạ giáng…”

Theo y học hiện đại

Các nghiên cứu chứng minh các đặc tính sinh lý, miễn dịch và dược lý của platycosides đã tạo ra sự quan tâm đáng kể đối với các chất này trên lâm sàng. Platycodin saponin có vai trò quan trọng với nhiều tác dụng sinh học bao gồm: Chống viêm, chống khối u, chống dị ứng. Ngoài ra, Platycodin saponin còn góp phần làm tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể và kích thích phản ứng apoptosis trong các tế bào da.

Tác dụng long đàm giảm ho

Trong nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất cát cánh lên men trong các tế bào RAW264.7 kích thích LPS làm giảm đáng kể mức độ các cytokine tiền viêm như TNF-α, IL-6 và IL-1β, và synthase oxit nitric cảm ứng (iNOS). Do đó, chiết xuất cát cánh lên men làm giảm viêm đường thở.

Trong các nghiên cứu tác dụng của chiết xuất rễ cát cánh đối với tình trạng viêm đường thở và phản xạ ho, đặc biệt là sử dụng chiết xuất cát cánh lên men để làm tăng một hợp chất hoạt động platycodin D. Chiết xuất cát cánh lên men làm giảm đáng kể số lượng bạch cầu ái toan và tổng tế bào trong dịch rửa phế quản phế nang thu được từ chuột hen suyễn do lipopolysacarit/ovalbumin so với nhóm chứng. Hơn nữa, trong dịch rửa phế quản phế nang và huyết thanh, chiết xuất cát cánh lên men làm giảm đáng kể nồng độ IL-17E - một cytokine tiền viêm gây ra TH2 miễn dịch, khuếch đại bạch cầu ái toan.

Rễ cát cánh: Vị thuốc có công dụng đa dạng 4.jpg
Chiết xuất cát cánh lên men có thể ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp

Nghiên cứu cũng đã được chứng minh rằng chiết xuất cát cánh lên men có thể làm giảm viêm phổi thông qua phân tích mô học ở chuột. Hơn nữa, ở chuột lang được kích thích phản xạ ho do axit citric và điều trị bằng chiết xuất cát cánh lên men cho thấy giảm đáng kể số lần ho so với nhóm chứng. Ngoài ra, tổng số tế bào và bạch cầu ái toan giảm đáng kể trong dịch rửa phế quản phế nang thu được từ mỗi con chuột lang so với nhóm chứng.

Những phát hiện này cho thấy chiết xuất cát cánh lên men có thể có tác dụng có lợi đối với sức khỏe hô hấp và có thể hữu ích như một loại thực phẩm chức năng để ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp.

Tác dụng chống oxy hóa

Trong cơ thể, sự tích tụ quá nhiều các loại gốc oxy tự do, chẳng hạn như anion superoxide, hydro peroxide, gốc hydroxyl và gốc peroxynitrite, có thể dẫn đến tổn thương protein, lipid và DNA dẫn đến stress oxy hóa. Stress oxy hóa có liên quan đến nhiều quá trình bệnh lý như ung thư, đái tháo đường, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch, thoái hóa thần kinh và các bệnh viêm.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng saponin trong cát cánh có hoạt tính chống oxy hóa mạnh khác nhau tùy theo cấu trúc của aglycone và số lượng gốc đường kèm theo. Platycodin D thể hiện hoạt tính chống oxy hóa cao nhất chống lại các gốc peroxyl, tiếp theo là axit polygalacic (dạng aglycone), platycodigenin (aglycone), deapio platycosides E và platycoside E. Tất cả các platycoside được nghiên cứu đều thể hiện khả năng chống oxy hóa yếu hơn.

Tác dụng chống tăng sinh trên các tế bào khối u ở người

Platycosides có thể được sử dụng làm chất chống ung thư. Các tác nhân chống ung thư hoạt động bằng cách kích hoạt hệ thống tín hiệu apoptosis và ức chế sự tăng sinh của các tế bào ung thư. Các tác giả báo cáo rằng saponin platycodigenin hoặc axit polygalacic có tác dụng ức chế đáng kể sự tăng sinh của một số các tế bào khối u ở người được nuôi cấy.

Tác dụng hạ lipid máu

Béo phì có liên quan đến các bệnh mạch vành, tiểu đường, tăng lipid máu và tăng huyết áp. Rễ cây cát cánh cải thiện tình trạng đề kháng insulin và lipid máu của chuột bị béo phì do chế độ ăn uống. Các saponin được tìm thấy trong cây cát cánh ức chế sự tái hấp thu axit mật ở ruột và tăng bài tiết axit mật, dẫn đến giảm cholesterol huyết thanh và nồng độ lipid trong máu.

Ngoài ra, một số báo cáo rằng chiết xuất rễ cát cánh ức chế đáng kể hoạt động lipase tuyến tụy phụ thuộc vào liều. Cụ thể, một liều 10mg/mL chiết xuất rễ cát cánh làm giảm hoạt động lipase tuyến tụy khoảng 50%. Ức chế hoạt động lipase tuyến tụy bằng dịch chiết từ cây cát cánh dẫn đến giảm lipolysis và giảm hấp thu chất béo trong chế độ ăn uống ở ruột non.

Rễ cát cánh: Vị thuốc có công dụng đa dạng 5.jpg
Chiết xuất từ cây cát cánh giúp giảm hấp thu chất béo trong chế độ ăn uống

Hơn nữa, một số nghiên cứu mới đây phát hiện ra rằng platycosides có ảnh hưởng sâu sắc đến việc kiểm soát béo phì và chuyển hóa lipid, giảm LDL-cholesterol ở chuột béo phì do chế độ ăn uống. Những phát hiện này cho thấy platycosides có tác dụng chống béo phì, hạ lipid và bảo vệ gan. Cả hai kết quả in vivo và in vitro đều chứng minh được giá trị tiềm năng của cát cánh giảm cholesterol và chống xơ vữa động mạch.

Tác dụng chống dị ứng

Dị ứng được đặc trưng bởi sự kích hoạt quá mức của các tế bào mast và basophils bởi một loại kháng thể được gọi là IgE dẫn đến phản ứng viêm thái quá. Có một số chất trung gian dị ứng chẳng hạn như interleukin-6 (IL-6), prostaglandin D2 (PG-D2), leukotriene C4 (LT-C4), β-Hexosaminidase (β-Hex) và cyclooxygenase-2 (COX-2).

Một số nghiên cứu báo cáo rằng sự ức phorbol 12-myristate 13-acetate (PMA) + A23187 bằng chiết xuất ethanol từ rễ cây cát cánh làm giảm sản xuất IL-6, PGD2, LTC4, β-Hex và COX-2. Những kết quả này chỉ ra rằng platycosides có tiềm năng được sử dụng để điều trị dị ứng.

Tác dụng kháng khuẩn

Các hoạt động kháng khuẩn của chiết xuất cát cánh đã được nghiên cứu chống lại vi khuẩn gây bệnh phổi - phế quản (vi khuẩn Mycobacterium sp., Staphylococcus aureus, Klebsiella pneumoniae, Corynebacterium diphtheriae và Streptococcus pyogenes) và vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm (Escherichia coli và Bacillus cereus).

Tác dụng bảo vệ hệ thần kinh

Bệnh Alzheimer là một bệnh thoái hóa thần kinh tiến triển và là một vấn đề sức khỏe lớn ở các nước phát triển. Alzheimer có liên quan đến sự tích tụ L-glutamate trong hệ thần kinh đang bị lão hóa và tổn thương tế bào thần kinh ở các khu vực cụ thể của não.

Platycosides có tiềm năng trở thành tác nhân bảo vệ thần kinh. Trước đây, rễ tươi của cát cánh được sử dụng để ngăn chặn hoạt động NF-kappaB. NF-kappaB là một phức hợp protein kiểm soát quá trình phiên mã DNA và chịu trách nhiệm sản xuất cytokine và sự sống còn của tế bào. Có tác giả đã khám phá tác dụng của cát cánh đối với quá trình apoptosis của keratinocytes. Kết quả nghiên cứu chứng minh rằng cát cánh đóng một vai trò quan trọng trong quá trình apoptosis của tế bào.

Rễ cát cánh: Vị thuốc có công dụng đa dạng 6.jpg
Rễ tươi của cát cánh được sử dụng để ngăn chặn hoạt động NF-kappaB trong bệnh lý Alzheimer

Các tác giả khác báo cáo rằng dịch chiết từ rễ cát cánh có tác dụng bảo vệ thần kinh chống lại độc tính do glutamate gây ra trong các tế bào vỏ não chuột nuôi cấy. Các cuộc điều tra sâu hơn của cùng một nhóm cho thấy platycodin A có các hoạt động bảo vệ thần kinh đáng kể chống lại độc tính do glutamate gây ra.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng: Liều dùng cát cánh từ 3 - 9g.

Cách dùng: Cát cánh chế dạng chích mật có tác dụng nhuận phế hóa đàm tốt hơn.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị áp xe phổi

Bài 1: Cát cánh thang (rễ cát cánh từ 60g giảm dần đến 20g, cam thảo dùng từ 30g giảm dần xuống 10g), tùy chứng gia giảm thêm.

Bài 2: Cát cánh 120g, hồng đằng 500g, ý dĩ nhân 24g, ngư tinh thảo 500g, tử hoa địa đinh 24g.

Bài 3: Cát cánh, sinh cam thảo mỗi loại dùng 3g; bạch mao căn, ngư tinh thảo, bối mẫu mỗi loại 6g; đông qua nhân 20g, ý dĩ nhân 15g, ngân hoa đằng 10g.

Các bài thuốc sắc uống 2 lần trong ngày.

Trị ho nhiều đàm đặc

Bài 1: Cát cánh 6g, tỳ bà diệp 10g, tang diệp 10g, cam thảo 3g, sắc uống trị nhiệt khái.

Bài 2: Cát cánh 6g, hạnh nhân 10g, tử tô 10g, bạc hà 3g sắc uống trị hàn đàm lỏng.

Trị viêm họng, viêm amidan

Bài 1: Cát cánh thang, bao gồm: Cát cánh 6g, cam thảo 3g, sắc uống hoặc tán bột uống.

Bài 2: Cát cánh 6g, kim ngân hoa 10g, liên kiều 10g, sinh cam thảo 3g, sắc uống. Nếu trị viêm amidan thì ngậm rồi nuốt dần.

Trị đau tức ngực (chấn thương lâu ngày gây ra)

Bài thuốc: Cát cánh 10g, mộc hương 5g, trần bì 10g, hương phụ 10g, đương quy 15g, sắc nước uống.

Trị miệng hôi

Bài thuốc: Cát cánh, hồi hương lượng bằng nhau, tán nhỏ, trộn đều rồi bôi vào răng sau khi đã rửa sạch.

Rễ cát cánh: Vị thuốc có công dụng đa dạng 7.jpg
Cát cánh có thể giảm triệu chứng hôi miệng

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng rễ cát cánh:

  • Trường hợp ho lâu ngày âm hư hoặc ho ra máu không nên dùng.
  • Dùng lượng lớn quá có thể gây nôn, do đó cần dùng dưới sự hướng dẫn của y bác sĩ có chuyên môn về dược liệu cổ truyền.
Nguồn tham khảo
  1. Cây Cát Cánh - Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi
  2. Dược học cổ truyền toàn tập - Trần Văn Kỳ.
  3. Platycosides from the Roots of Platycodon grandiflorum and Their Health Benefits: https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4103729/
  4. Cholesterol metabolism regulation and antioxidant effect of platycodin D on hyperlipidemic emulsionreduced rats: https://www.researchgate.net/profile/Jingtao-Wu/publication/266460912_Cholesterol_metabolism_regulation_and_antioxidant_effect_of_platycodin_D_on_hyperlipidemic_emulsion-_reduced_rats/links/576dd2c008ae10de6395d621/Cholesterol-metabolism-regulation-and-antioxidant-effect-of-platycodin-D-on-hyperlipidemic-emulsion-reduced-rats.pdf
  5. Antiobese and hypolipidemic effects of platycodin saponins in diet-induced obese rats: evidences for lipase inhibition and calorie intake restriction: https://www.nature.com/articles/0802948
  6. Overview of ‘Allergy and allergic diseases: with a view to the future’: https://academic.oup.com/bmb/article/56/4/843/328371
  7. Anti-allergic activity of a platycodon root ethanol extract: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20717534/
  8. Fermented Platycodon grandiflorum Extracts Relieve Airway Inflammation and Cough Reflex Sensitivity In Vivo: https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/32758004/