Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Bệnh lý/
  3. Tiêu hóa/
  4. Gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh

Dược sĩ Đại học Nguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin

Bệnh gan nhiễm mỡ được hiểu là có thêm mỡ trong gan. Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ thường là uống nhiều bia rượu, ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất béo dẫn đến sự tích tụ chất béo bên trong các tế bào gan.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ quá nhiều chất béo trong gan (> 5% trọng lượng gan). Bệnh này không nguy hiểm ở giai đoạn đầu, nhưng nếu không được điều chỉnh, có thể làm suy giảm chức năng gan, gây viêm, xơ gan, và nặng nhất là dẫn đến ung thư gan

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic Fatty Liver Disease - NAFLD)

Có hai loại bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu khác nhau:

  • Gan nhiễm mỡ đơn giản: Tức là có mỡ trong gan nhưng có thể không bị viêm hoặc tổn thương tế bào gan. Tình trạng này thường không nguy hiểm hoặc gây ra các vấn đề với gan. Hầu hết những người bị NAFLD có gan nhiễm mỡ đơn giản.
  • Viêm gan nhiễm mỡ không do rượu (Nonalcoholic steatohepatitis - NASH): Tình trạng này nghiêm trọng hơn nhiều so với gan nhiễm mỡ đơn giản. NASH có nghĩa là bị viêm gan. Tình trạng viêm và tổn thương tế bào gan xảy ra với NASH có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng như xơ hóa và xơ gan, sẹo gan và ung thư gan. Khoảng 20% những người bị NAFLD có NASH.

Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rượu (Alcohol-Related Fatty Liver Disease -ALD)

Bệnh gan nhiễm mỡ do rượu có thể phòng ngừa và tình trạng trở nên tốt hơn khi ngừng uống rượu. Nếu tiếp tục uống rượu, ALD có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng. Bao gồm:

  • Gan to: Có thể bị đau hoặc khó chịu ở phía trên bên phải của bụng.
  • Viêm gan do rượu: Tình trạng sưng tấy ở gan, có thể gây sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng và vàng da (vàng da và mắt).
  • Xơ gan do rượu: Sự tích tụ của các mô sẹo trong gan. Nó có thể gây ra các triệu chứng giống như viêm gan do rượu với: Tích tụ dịch trong bụng (cổ trướng), huyết áp cao trong gan, xuất huyết, lú lẫn và thay đổi hành vi, lá lách to, suy gan, có thể gây tử vong.

Bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến rượu có thể trở nên tồi tệ hơn và trở thành bệnh viêm gan do rượu. Theo thời gian, nó có thể chuyển thành xơ gan do rượu.

Triệu chứng gan nhiễm mỡ

Những triệu chứng của gan nhiễm mỡ

Triệu chứng của gan nhiễm mỡ có thể bao gồm nhưng không giới hạn ở các điểm sau:

  • Đau bụng: Đặc biệt là ở vùng bụng trên bên phải, nơi gan nằm.
  • Mệt mỏi: Cảm giác mệt mỏi không giải thích được có thể là một triệu chứng phổ biến của bệnh gan nhiễm mỡ.
  • Sưng phù: Tích tụ chất lỏng có thể gây sưng ở chân và bụng.
  • Vàng da và mắt (vàng da): Tình trạng rối loạn chuyển hóa bilirubin do gan bị tổn thương có thể gây ra vàng da và vàng mắt.

Với ALD và NAFLD, thường không có triệu chứng gan nhiễm mỡ. Một số người có thể có các dấu hiệu như mệt mỏi hoặc đau ở phía trên bên phải của bụng (tại vị trí gan).

Bệnh gan nhiễm mỡ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh 1
Gan nhiễm mỡ có thể dẫn đến ung thư gan

Nếu bị NASH hoặc bị xơ gan, có thể có các triệu chứng như:

  • Bụng sưng;
  • Giãn mạch máu dưới da;
  • Ngực to hơn bình thường ở nam giới;
  • Lòng bàn tay đỏ;
  • Da và mắt có màu hơi vàng do tình trạng gọi là bệnh vàng da.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ có thể rất nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Nó có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như viêm gan, xơ gan và thậm chí ung thư gan. Các biến chứng này có thể gây ra tổn thương lâu dài đến gan và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tổng thể của người bệnh. Do đó, việc phát hiện sớm và điều trị hiệu quả là rất quan trọng để ngăn chặn sự tiến triển của bệnh và bảo vệ chức năng gan.

Xem thêm: Gan nhiễm mỡ có nguy hiểm không? Biến chứng của bệnh là gì?

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân dẫn đến gan nhiễm mỡ

Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra gan nhiễm mỡ:

  • Uống nhiều rượu
  • Béo phì
  • Đái tháo đường
  • Rối loạn lipid máu
  • Hội chứng chuyển hóa
  • Sử dụng một số loại thuốc
  • Dinh dưỡng kém
  • Giảm cân quá nhanh

Ngoài ra mỗi loại gan nhiễm mỡ sẽ có các nguyên nhân cụ thể hơn như:

Đối với ALD, nguyên nhân là do uống quá nhiều rượu.

Đối với NAFLD và NASH, nguyên nhân thường do đột biến gen. Ngoài ra còn có: Thừa cân béo phì, viêm gan C hoặc các bệnh nhiễm trùng khác, giảm cân nhanh, dùng một số loại thuốc như glucocorticoid, methotrexate, estrogen tổng hợp, tamoxifen, cắt bỏ túi mật (một số người phẫu thuật cắt bỏ túi mật có nhiều khả năng bị NAFLD).

Nguy cơ gan nhiễm mỡ

Những ai có nguy cơ mắc phải gan nhiễm mỡ?

Người uống nhiều rượu, béo phì thường là người có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao nhất.

Bệnh gan nhiễm mỡ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh 3
Lạm dụng rượu bia có thể dẫn đến gan nhiễm mỡ

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải gan nhiễm mỡ

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ, bao gồm:

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ALD gồm

Béo phì, suy dinh dưỡng, viêm gan siêu vi mãn tính, đặc biệt là viêm gan C, có gen khiến có nhiều khả năng mắc bệnh hơn, người Mỹ gốc Phi hoặc nam gốc Tây Ban Nha, lớn tuổi.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc NAFLD hoặc NASH gồm

Thừa cân hoặc béo phì, cơ thể không phản ứng với insulin như bình thường (được gọi là kháng insulin) hoặc mắc bệnh tiểu đường loại 2, có lượng chất béo trung tính cao hoặc cholesterol "xấu" (LDL) hoặc mức cholesterol "tốt" (HDL) thấp, lớn tuổi, hội chứng buồng trứng đa nang, bị ngưng thở khi ngủ, tuyến giáp kém hoạt động (suy giáp), tuyến yên kém hoạt động (suy tuyến yên), suy dinh dưỡng, giảm cân nhanh chóng, tiếp xúc với chất độc và hóa chất, hội chứng chuyển hóa (kích thước vòng eo lớn, chất béo trung tính cao hoặc cholesterol LDL, mức cholesterol HDL (tốt) thấp, huyết áp cao, đường huyết cao).

Phương pháp chẩn đoán & điều trị gan nhiễm mỡ

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán gan nhiễm mỡ

Chẩn đoán lâm sàng

Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ thường không có triệu chứng nên tình trạng này không dễ chẩn đoán. Chẩn đoán dựa vào lâm sàng:

  • Tiền sử bệnh;
  • Thói quen dùng rượu bia (nhằm xác định khả năng mắc ALD hay NAFLD), thói quen ăn uống, lối sống;
  • Tiền sử dùng thuốc;
  • Tìm các dấu hiệu của các vấn đề về gan như gan to hoặc vàng da.

Chẩn đoán cận lâm sàng

Xét nghiệm máu

Xem chỉ số men gan như alanine aminotransferase (ALT) và aspartate aminotransferase (AST). Nếu tăng cao, có thể gan có vấn đề.

Các xét nghiệm hình ảnh

Siêu âm, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI). Các xét nghiệm này có thể giúp xác định xem có chất béo nào trong gan hay không nhưng không thể xác định bị gan nhiễm mỡ đơn thuần hay NASH.

Sinh thiết gan

Không phải tất cả mọi người bị NAFLD đều cần phải làm sinh thiết gan, chỉ làm nếu có nguy cơ mắc NASH hoặc nếu các xét nghiệm khác cho thấy có thể có các biến chứng NASH như xơ gan. Sinh thiết gan là cách duy nhất để bác sĩ chẩn đoán NASH.

Bệnh gan nhiễm mỡ: Triệu chứng, nguyên nhân và cách phòng bệnh 2
Giảm cân lành mạnh là phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ

Phương pháp điều trị gan nhiễm mỡ hiệu quả

Không có loại thuốc điều trị gan nhiễm mỡ nào được phê duyệt cho NAFLD.

Thông thường, phương pháp điều trị đầu tiên là giảm cân. Nó giúp giảm chất béo, viêm và sẹo trong gan. Chỉ giảm 3% đến 5% trọng lượng cơ thể có thể cắt giảm lượng chất béo trong gan. Phẫu thuật giảm cân cũng là một lựa chọn nếu phải giảm nhiều cân.

Ngưng uống rượu là cách hữu ích có thể giữ cho tình trạng tổn thương gan không trở nên tồi tệ hơn và có thể phục hồi một số tổn thương gan đã xảy ra.

Nếu có các biến chứng do NASH, chẳng hạn như xơ gan hoặc suy gan, có thể cần phải ghép gan. Những người bị NASH được ghép gan đều có kết quả rất tốt.

Chế độ sinh hoạt & phòng ngừa gan nhiễm mỡ

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của gan nhiễm mỡ

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục nhiều hơn. Cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày hầu hết các ngày trong tuần;
  • Bỏ rượu;
  • Chỉ dùng thuốc và thuốc không kê đơn theo hướng dẫn;
  • Giảm cholesterol bằng một chế độ ăn uống lành mạnh dựa trên thực vật, tập thể dục và uống thuốc;
  • Kiểm tra lượng đường trong máu và dùng thuốc theo đơn của bác sĩ;
  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị;
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng;
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị;
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm;
  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn thức ăn tốt cho sức khỏe: Chọn một chế độ ăn uống dựa trên thực vật với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.

Phương pháp phòng ngừa gan nhiễm mỡ hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Để ngăn ngừa ALD

  • Uống rượu bia có chừng mực: Một ly mỗi ngày đối với phụ nữ và nam giới trên 65 tuổi và tối đa là hai ly đối với nam giới từ 65 tuổi trở xuống.
  • Bảo vệ bản thân khỏi bệnh viêm gan C: Tình trạng nhiễm virus gan này có thể khiến bạn dễ bị xơ gan nếu bạn uống rượu.
  • Kiểm tra trước khi bạn trộn thuốc và rượu: Hãy hỏi bác sĩ xem bạn có thể uống rượu với thuốc theo toa mà bạn đang dùng hay không. Đọc nhãn cảnh báo trên thuốc không kê đơn. Không uống khi bạn đang dùng các sản phẩm như acetaminophen, có thể gây hại cho gan của bạn khi kết hợp với rượu.

Đối với NAFLD và NASH

  • Ăn thức ăn tốt cho sức khỏe: Chọn một chế độ ăn uống dựa trên thực vật với nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.
  • Giữ cân nặng hợp lý: Giảm cân nếu cần.
  • Thể dục: Tập luyện hầu hết các ngày trong tuần.

Bài đọc thêm:

Nguồn tham khảo
  1. Webmd: https://www.webmd.com/hepatitis/fatty-liver-disease.
  2. ScienceDirect: https://www.sciencedirect.com/topics/medicine-and-dentistry/steatosis.

Các bệnh liên quan

  1. Teo đường mật bấm sinh

  2. Tắc ruột

  3. Tắc mật

  4. Hội chứng trào ngược dạ dày thực quản

  5. Tiêu chảy

  6. Sán lá ruột

  7. Hội chứng thèm ăn

  8. Ung thư đại tràng giai đoạn 1

  9. Viêm gan D

  10. Đau dạ dày không do viêm loét

Hỏi đáp (0 bình luận)