Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Cây bách bệnh

Cây bách bệnh: Thảo dược quý giúp trị bệnh trong dân gian với hiệu quả cải thiện chức năng tình dục ở nam giới

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cây bách bệnh hay còn gọi là cây bá bệnh, là một thảo dược có nguồn gốc từ Đông Nam Á. Theo truyền thống, các bộ phận của cây được sử dụng trong việc điều trị các chứng như chống sốt rét, hỗ trợ sinh lý, chống đái tháo đường, kháng khuẩn và hạ sốt, bên cạnh đó hiệu quả của cây bách bệnh cũng đã được chứng minh một cách khoa học.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cây bách bệnh.

Tên khác: Tongkat Ali, Mật nhân, Bá bệnh, Mật nhơn, Tho nan.

Tên khoa học: Eurycoma longifolia thuộc chi Eurycoma, họ Thanh thất (Simaroubaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây bách bệnh, hay còn được gọi là cây mật nhân hoặc cây bá bệnh, là một loại cây bụi với thân mảnh, có chiều cao khoảng 10 mét. Thân cây mọc thẳng đứng và thường không có nhánh phụ. Vỏ bên ngoài của thân cây có màu trắng xám hoặc vàng ngà.

Lá cây mọc theo cặp, có khoảng 30 đến 40 lá chét đối xứng, mặt trên có màu xanh bóng và mặt dưới có màu trắng. Kích thước của lá kép có thể lên đến 1 mét, trong khi lá chét thường có chiều dài từ 5 đến 20cm và chiều rộng tối đa khoảng 6 cm.

Khi đạt tuổi trưởng thành, cây bách bệnh cho ra nhiều hoa và quả. Hoa của cây có tính lưỡng tính, nở vào tháng 1 và 2 hàng năm, có màu đỏ nâu, phát triển thành các cụm nhỏ hình chùy ở nách lá. Cánh hoa có kích thước nhỏ và mềm mại do được bao phủ bởi nhiều lông tơ mịn.

Quả của cây bách bệnh thường xuất hiện vào giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 5. Quả có hình dạng trứng, chứa một hạt và vỏ cứng với các rãnh nhỏ. Quả khi còn non có màu nâu vàng, sau đó chuyển sang màu nâu đỏ khi chín. Khi quả chín, nó sẽ rụng xuống đất và trong điều kiện thuận lợi, quả sẽ nảy mầm và phát triển thành cây con mới.

Cây bách bệnh: Thảo dược quý giúp trị bệnh trong dân gian với hiệu quả cải thiện chức năng tình dục ở nam giới 1
Cây bách bệnh

Phân bố, thu hái, chế biến

Bách bệnh là một loài cây bản địa của Malaysia và Indonesia. Ngoài ra, nó cũng có thể được tìm thấy ở một số quốc gia khác như Việt Nam, Ấn Độ, Lào, Philippines, Nam Trung Quốc và Thái Lan, tuy số lượng thường ít hơn.

Ở Việt Nam, cây bách bệnh thường sinh sống ở các vùng núi có độ cao dưới 1000 mét, cũng như trong khu vực trung du, Tây Nguyên và những vùng đồi có chiều cao thấp.

Dược liệu của cây bách bệnh có thể được thu hái bất kỳ thời điểm nào trong năm. Lá cây và quả được thu hoạch và ngay lập tức phơi khô. Trong khi đó, rễ, thân cây và vỏ thân cây sẽ được cắt thành các khúc ngắn trước khi được phơi hoặc sấy khô.

Để bảo quản dược liệu của cây bách bệnh, sau khi phơi khô, chúng được đặt trong các bịch ni lông và kín chặt miệng, sau đó được lưu trữ ở nơi thoáng mát. Cần tránh để dược liệu trong môi trường ẩm ướt gây ra mốc và hỏng hóc.

Bộ phận sử dụng

Ngoại trừ hoa, các bộ phận khác của cây bá bệnh đều có thể được sử dụng làm thuốc. Các bộ phận này bao gồm:

  • Thân cây;
  • Lớp vỏ bên ngoài của thân cây;
  • Lá;
  • Rễ;
  • Quả.

Trong số những bộ phận này, rễ của cây bá bệnh được sử dụng phổ biến nhất trong việc chế biến thuốc.

Thành phần hoá học

Các bộ phận của cây bách bệnh rất giàu các hợp chất với hoạt tính sinh học khác nhau, như:

  • Canthin-6-one alkaloids;
  • β-carboline alkaloids;
  • Quassinoids;
  • Quassinoid diterpenoids;
  • Tirucallane-type triterpenes;
  • Squalene derivatives;
  • Biphenylneolignans;
  • Eurycomaoside;
  • Eurycolactone;
  • Eurycomalactone;
  • Eurycomanone;
  • Pasakbumin-B.

Trong đó, các alkaloid và quassinoid chiếm phần lớn trong thành phần hoá học của cây bách bệnh.

Cây bách bệnh: Thảo dược quý giúp trị bệnh trong dân gian với hiệu quả cải thiện chức năng tình dục ở nam giới 2
Quassinoids là thành phần hoạt chất chủ yếu mang lại hiệu quả điều trị có trong cây bách bệnh

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cây bách bệnh có vị đắng, tính mát, quy vào kinh Can và Thận. Theo quan niệm Đông y, cây bách bệnh được coi là có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu và lương huyết. Nó có khả năng chữa trị một số chứng bệnh như chàm ở trẻ em, tiểu ra máu, đau lưng, chướng hơi, đầy bụng, tiêu chảy kéo dài và cải thiện chức năng tình dục ở nam giới. Ngoài ra, lá của cây bá bệnh còn được sử dụng để chữa lở ngứa, trong khi quả của cây có tác dụng điều trị bệnh lỵ. Lá còn được sử dụng để giải độc rượu và trị giun.

Cây bách bệnh: Thảo dược quý giúp trị bệnh trong dân gian với hiệu quả cải thiện chức năng tình dục ở nam giới 3
Cây bách bệnh từ lâu đã được dùng để điều trị rối loạn chức năng tình dục ở nam giới

Theo y học hiện đại

Trong điều trị tăng cường chức năng sinh lý nam giới

Cây bách bệnh đã được sử dụng để tăng cường sức khỏe tình dục cho nam giới từ lâu đời. Các nghiên cứu cũng đã công nhận hiệu quả này của cây bách bệnh. Trong nhiều thập kỷ qua, các nghiên cứu in vivo trên động vật và thử nghiệm lâm sàng ở người đã được tiến hành để khám phá vai trò của cây bách bệnh trong việc kiểm soát các rối loạn tình dục khác nhau ở nam giới bao gồm rối loạn cương dương, vô sinh nam, giảm ham muốn tình dục và điều hòa nồng độ testosterone.

Một phân tích tổng hợp dựa trên 11 nghiên cứu, đa số là thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng giả dược, nhằm đánh giá hiệu quả cải thiện sức khỏe tình dục nam giới của cây bách bệnh đã được thực hiện. Phân tích tổng hợp cho thấy, tất cả nghiên cứu được đưa vào đều chứng minh tác dụng đáng kể của cây bách bệnh, trong đó có 7 nghiên cứu cho thấy mối liên quan đáng kể và 4 nghiên cứu chưa cho thấy tác dụng đầy đủ đối với sức khỏe tình dục nam giới. Như vậy có thể thấy, việc phát triển các thảo dược tự nhiên như cây bách bệnh trong quản lý tình dục nam giới là hợp lý.

Trong điều trị chống sốt rét

Các nghiên cứu đã chứng minh được hiệu quả chống sốt rét của cây bách bệnh. Một nghiên cứu từ những năm 1995 đã cho thấy rằng, quassinoid từ rễ của cây bách bệnh giúp chống lại chín chủng Plasmodium falciparum. Ba quassinoid hiệu quả được ghi nhận là eurycomanol, eurycomanol 2- O -β- D -glucopyranoside và 13β,18-dihydroeurycomanol, có hiệu quả chống sốt rét với giá trị IC50 lần lượt là 1.231 - 4.899 µM, 0.389 - 3.498 µM, và 0.504 - 2.343 µM so với 0.323 - 0.774 µM của chloroquine. Năm 2004, một nghiên cứu cũng ghi nhận hoạt tính chống sốt rét và gây độc tế bào từ chiết xuất rễ cây bách bệnh.

Cây bách bệnh: Thảo dược quý giúp trị bệnh trong dân gian với hiệu quả cải thiện chức năng tình dục ở nam giới 4
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chiết xuất rễ cây bách bộ có hiệu quả giúp chống sốt rét

Trong điều trị ung thư tiền liệt tuyến

Quassinoid là nhóm diterpenoid được tìm thấy trong cây bách bệnh, thường được sử dụng làm thuốc để điều trị các rối loạn chức năng tình dục và vô sinh ở nam giới. Việc sử dụng lâu dài cây bách bệnh được báo cáo làm tăng mức testosterone ở nam giới, nhưng sự phát triển liên quan của tuyến tiền liệt vẫn chưa được biết rõ. Trong bối cảnh đó, một nghiên cứu liên quan đến hoạt động chống ung thư tiền liệt tuyến của chế phẩm quassinoid chiết xuất từ cây bách bệnh đã được thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy, thành phần quassinoid có trong cây bách bệnh giúp thúc đẩy hoạt động chống ung thư tiền liệt tuyến trong tế bào ung thư tiền liệt tuyến ở người (LNCaP).

Cây bách bệnh: Thảo dược quý giúp trị bệnh trong dân gian với hiệu quả cải thiện chức năng tình dục ở nam giới 5
Thành phần quassinoids trong cây bách bệnh có hoạt động giúp chống ung thư tiền liệt tuyến ở nghiên cứu in vitro và in vivo

Liều dùng & cách dùng

Để sử dụng cây bách bệnh, thường được dùng từ 4 đến 6g thuốc. Có thể sử dụng thuốc dưới dạng sắc uống hoặc bột ngâm rượu. Ngoài ra, cây bách bệnh cũng có thể được bào chế thành viên hoàn hoặc sử dụng phối hợp cùng một số vị dược liệu khác để tăng hiệu quả điều trị.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trong điều trị liệt nửa người

Chuẩn bị: Bách bệnh 4g, Thần sa 6g, Hồ tiêu 5g, Quế chi 5g, Sinh khương 3g, Đinh lăng 10g, Xấu hổ 8g, Đậu chiều 8g, Dây trâu cổ 8g, Dây đau xương 8g.

Thực hiện: Đem các vị thuốc trên sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Giúp chữa âm huyết hư suy

Chuẩn bị: Cây bách bệnh 6g, Đậu đen 12g, Hà thủ ô đỏ 10g, Dây ký sinh 2g, Tang chi 8g, Rễ cỏ xước 8g, Huyết rồng 8g, Cây gùi 8g, Muống biển 8g.

Thực hiện: Sắc thuốc với nước rồi chia làm 2 lần uống trong ngày, mỗi ngày uống 1 thang.

Giúp chữa đầy bụng, chướng hơi, ăn không tiêu

Chuẩn bị: Bách bệnh 50g, Củ sả 50g, Củ gấu 50g, Tiêu lốt 50g. Các vị khác gồm Vỏ quýt, Cam thảo, Hoắc hương, Dây mơ, Nhân trần, Xuyên phác, Dây rơm mỗi vị 100g.

Thực hiện: Đem các vị thuốc trên tán thành bột mịn, mỗi ngày uống 12g.

Chữa chàm và ghẻ lở ở trẻ em

Chuẩn bị: 1 nắm lá cây bách bệnh.

Thực hiện: Dùng lá bách bệnh để nấu nước tắm và có thể giã nát lá để đắp lên khu vực bị ảnh hưởng. Cần lưu ý thực hiện việc này dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Y học cổ truyền để đảm bảo không bị kích ứng hay các tác dụng không mong muốn cho trẻ.

Cây bách bệnh: Thảo dược quý giúp trị bệnh trong dân gian với hiệu quả cải thiện chức năng tình dục ở nam giới 6
Lá cây bách bệnh có thể hỗ trợ chữa chàm ở trẻ em, tuy nhiên không nên tự ý sử dụng nếu không có hướng dẫn của bác sĩ

Hỗ trợ sinh lý nam

Chuẩn bị: Bách bệnh 400mg, Nhân sâm 50mg, Linh chi 50g.

Thực hiện: Bào chế thành viên nang và sử dụng dưới hướng dẫn của bác sĩ.

Lưu ý

Cần lưu ý rằng không phải ai cũng phù hợp để sử dụng cây bách bệnh. Một số người sử dụng dược liệu này có thể gặp phản ứng phụ ngoài ý muốn hoặc gây trầm trọng thêm cho tình trạng bệnh. Dưới đây là những trường hợp không nên sử dụng cây bách bệnh:

  • Phụ nữ mang thai.
  • Người có tình trạng sức khỏe yếu, ví dụ như bệnh nhân ung thư.
  • Người mắc các vấn đề về gan, mật, hoặc dạ dày.
  • Những người bị bệnh tim mạch.
  • Trẻ em dưới 10 tuổi.
  • Bệnh nhân đái tháo đường.
  • Người có vấn đề về tuyến tiền liệt như viêm, u hay phì đại tuyến.

Đối với những trường hợp trên, không nên sử dụng cây bách bệnh và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng bất kỳ loại dược liệu nào.

Cây bách bệnh: Thảo dược quý giúp trị bệnh trong dân gian với hiệu quả cải thiện chức năng tình dục ở nam giới 7
Một số trường hợp không nên tự ý sử dụng cây bách bệnh, ví dụ như ở phụ nữ có thai

Các hoạt chất có trong cây bách bệnh có thể tương tác và làm thay đổi tính chất hoạt động của thuốc Tây mà bác sĩ kê cho bạn. Do đó, không nên sử dụng cây bách bệnh trong quá trình điều trị bằng thuốc Tây mà không có sự hướng dẫn của bác sĩ. Dưới đây là một số lưu ý khác khi sử dụng cây bách bệnh:

  • Luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ Y học cổ truyền, chuyên gia y tế hoặc những người có kinh nghiệm trước khi sử dụng cây bá bệnh.
  • Nên sắc thuốc bằng siêu đất, tránh sử dụng các nồi sắc thuốc bằng kim loại khác, vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.
  • Sử dụng liều lượng được chỉ định bởi bác sĩ.
  • Sau mỗi 3 tháng sử dụng cây bá bệnh, nên nghỉ 1 tháng trước khi tiếp tục liệu trình mới. Không nên sử dụng cây bá bệnh liên tục trong thời gian dài, vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.
Nguồn tham khảo