Long Châu

Rối loạn cương dương: Nguyên nhân gây bệnh và cách phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rối loạn cương dương là không có khả năng đạt được hoặc duy trì sự cương cứng để giao hợp. Hầu hết các rối loạn cương dương đều liên quan đến rối loạn mạch máu, thần kinh, tâm lý và nội tiết. Đánh giá rối loạn cương dương thường bao gồm sàng lọc các rối loạn tiềm ẩn và đo nồng độ testosterone. Các thuốc điều trị bao gồm thuốc ức chế PDE - 5 dạng uống, prostaglandin đặt trong niệu đạo hoặc tiêm trực tiếp vào dương vật, thiết bị bơm hút chân không và cấy ghép phẫu thuật.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Rối loạn cương dương là gì? 

Rối loạn cương dương (erectile dysfunction – ED) là tình trạng nam giới không đủ khả năng đạt được và/hoặc sự cương hữu hiệu đủ để hoàn tất một cuộc giao hợp, kéo dài trong 3 – 6 tháng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn cương dương

Một số dấu hiệu nhận biết của bệnh rối loạn cương dương bao gồm:

  • Nam giới không có hoặc giảm ham muốn tình dục và dương vật không thể cương cứng.
  • Nam giới có ham muốn tình dục nhưng dương vật không thể cương cứng.
  • Dương vật có thể cương cứng nhưng trong thời gian ngắn, không thể duy trì đủ để hoàn thành cuộc giao hợp.
  • Dương vật cương cứng bất thường.

Tác động của rối loạn cương dương đối với sức khỏe 

Rối loạn cương dương không quá nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh như bản lĩnh và niềm tin của đàn ông.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến rối loạn cương dương

Các nguyên nhân có thể riêng lẻ hoặc phối hợp:

Rối loạn cương dương do tâm thần: 

Lo lắng, trầm cảm, tâm thần phân liệt, stress, rối loạn cảm xúc.

Rối loạn cương dương do thần kinh:

  • Não (tổn thương mạch máu não, liệt toàn thân, động kinh, Parkinson, máu tụ dưới màng não, Alzheimer,...)

  • Tủy sống (loạn sản tủy, đa xơ hóa tủy, chấn thương tủy sống,...)

  • Thần kinh ngoại vi (ngộ độc rượu, đái tháo đường, sau các cuộc phẫu thuật vùng bàng quang, bẹn, bìu, cắt đốt nội soi bàng quang,...)

Rối loạn cương dương do nội tiết: 

Thiểu năng sinh dục do cường hoặc giảm gonadotropin, cường prolactin máu.

Rối loạn cương dương do mạch máu:

  • Động mạch (xơ vữa động mạch, hạ huyết áp, chấn thương tần sinh môn, khung chậu, gãy dương vật).

  • Tĩnh mạch (đường rò tĩnh mạch từ vật hang, suy tim gẫn đến thiếu máu cục bộ mãn tính).

Rối loạn cương dương do chấn thương: 

Gãy xương chậu, chấn thương tầng sinh môn, chấn thương niệu đạo sau.

Rối loạn cương dương do điều trị bệnh: 

Xạ trị vùng đáy chậu, cắt bỏ tuyết tiền liệt hoặc bàng quang tận gốc, phẫu thuật mạch máu, cắt bỏ trực tràng chậu – bụng.

Rối loạn cương dương do thuốc: 

Thuốc tim mạch, huyết áp, nội tiết, tâm thần,...

Rối loạn cương dương do cấu trúc dương vật bất thường: 

Dương vật teo nhỏ, ngắn, cong, chẻ đôi.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải rối loạn cương dương?

Những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh:

  • Độ tuổi: Nam giới từ 40 – 70 tuổi.

  • Người có bệnh cao huyết áp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch và béo phì.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải rối loạn cương dương

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc rối loạn cương dương, bao gồm:

  • Bệnh lý mạch máu: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa mạch, đái tháo đường.
  • Bệnh lý thần kinh: Xơ cứng rải rác, tổn thương thần kinh vùng chậu, tổn thương cột sống.
  • Bệnh lý nội tiết: Tăng prolactin máu, suy sinh dục.
  • Bệnh tâm thần: Rối loạn lo âu, trầm cảm.
  • Sử dụng thuốc điều trị tăng huyết áp, nội tiết, tâm thần, gây nghiện.
  • Yếu tố khác: Suy thận, tuổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán rối loạn cương dương

Chẩn đoán rối loạn cương dương dựa vào:

  • Đánh giá lâm sàng;

  • Tầm soát bệnh trầm cảm;

  • Mức độ testosterone.

Đánh giá lâm sàng nên bao gồm tiền sử sử dụng thuốc (bao gồm thuốc theo toa và các sản phẩm thảo dược), sử dụng rượu, phẫu thuật vùng chậu, chấn thương, hút thuốc, đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và các triệu chứng của rối loạn mạch máu, nội tiết, thần kinh và tâm lý. Tìm hiểu về sự hài lòng của bệnh nhân đối với việc quan hệ tình dục, bao gồm đánh giá của bạn tình hoặc sự rối loạn tình dục của bạn tình (nếu có) như viêm teo âm đạo, đau khi giao hợp, trầm cảm.

Việc quan trọng là phải tầm soát bệnh trầm cảm, việc này không phải lúc nào cũng rõ ràng. Thang điểm đánh giá trầm cảm Beck hoặc đối với người cao tuổi, có thể dùng thang đánh giá trầm cảm người cao tuổi Yesavage vì dễ sử dụng và có thể hữu ích.

Việc kiểm tra nên tập trung vào bộ phận sinh dục và các dấu hiệu của rối loạn nội tiết, thần kinh và mạch máu. Thăm khám bộ phận sinh dục để kiểm tra các bất thường, dấu hiệu suy sinh dục và các mô sẹo (bệnh Peyronie – dương vật cong). Giảm trương lực cơ thắt hậu môn, giảm cảm giác vùng đáy chậu hoặc phản xạ hành - hang bất thường có thể cho thấy rối loạn chức năng thần kinh. Các mạch ngoại vi mờ đi gợi ý rối loạn chức năng mạch máu.

Cần nghi ngờ nguyên nhân tâm lý ở nam giới trẻ khỏe mạnh đột ngột bị rối loạn cương dương, đặc biệt nếu sự khởi phát liên quan đến một biến cố cảm xúc cụ thể hoặc nếu rối loạn chức năng chỉ xảy ra ở một số tình hướng nhất định. Có tiền sử rối loạn cương dương nhưng tự cải thiện được cũng gợi ý nguồn gốc do tâm lý. Đàn ông bị rối loạn cương dương do tâm lý thường cương cứng khi thức dậy, trong khi đàn ông bị rối loạn cương dương thực thể thì không.

Xét nghiệm: Đo mức testosterone vào buổi sáng; nếu mức độ này thấp hoặc bình thường – thấp, nên đo prolactin và hormone tạo hoàng thể (LH). 

Đánh giá bệnh đái tháo đường, rối loạn lipid máu, tăng prolactin máu, bệnh tuyến giáp và hội chứng Cushing nên được thực hiện dựa trên nghi ngờ lâm sàng.

Đánh giá hệ mạch máu của dương vật bằng siêu âm duplex sau khi tiêm nội hang hỗn hợp thuốc giãn mạch gồm prostaglandin E1, papaverine và phentolamine. Một số bệnh nhân được xem xét phẫu thuật tái thông dương vật sau chấn thương vùng chậu. 

Phương pháp điều trị rối loạn cương dương hiệu quả

Nguyên nhân do nội tiết:

Dùng liệu pháp thay thế testosterone đường tiêm hay thẩm thấu qua da, liệu pháp này chống chỉ định ở bệnh nhân có bệnh tim mạch không ổn định hoặc ung thư tuyến tiền liệt không được điều trị. Trước khi bắt đầu liệu pháp cần tiến hành thăm trực tràng, hematocrit, PSA, lipid máu và chức năng gan. Theo dõi đáp ứng lâm sàng.

Liệu pháp hormon (bổ sung testosterone) 

  • Tiêm bắp: Testosterone cypionate hoặc testosterone enanthate 200 – 400mg mỗi 2 – 4 tuần.

  • Đường uống: Methyltestosterone 10 – 30mg/ngày.

  • Dạng thẩm thấu qua da: Hiệu quả như các dạng khác.

Nguyên nhân do chấn thương:

Phẫu thuật mạch máu dương vật có tỷ lệ thành công khoảng 60 – 70%, phẫu thuật này chống chỉ định ở bệnh nhân có rối loạn cương dương do tắc đường tĩnh mạch.

Nguyên nhân do tâm lý:

Trị liệu tâm lý đơn thuần hoặc kết hợp với thuốc.

Các lựa chọn điều trị rối loạn cương dương lâu dài:

Lựa chọn hàng đầu

Thuốc ức chế PDE-5 dạng uống: Sildenafil (50mg, 100mg), tadalafil (10mg, 20mg), vardenafil (5mg, 10mg, 20mg)

Thiết bị lắp đặt chân không: Làm căng thụ động ở thể hang, dùng vòng nhẫn đặt ở gốc dương vật để giữ máu lại. Hiệu quả cao (90%), dùng cho mọi nguyên nhân của rối loạn cương dương nhưng thường giảm hiệu quả sau 2 năm (50 – 64%). Chống chỉ định ở bệnh nhân bị rối loạn chảy máu hoặc đang điều trị bằng thuốc kháng đông.

Alprostadil tiêm thể hang: Dùng cho bệnh nhân không đáo ứng với thuốc, tỷ lệ thành công cao (85%), hiệu quả sau khi tiêm 5  - 15 phút nhưng thường xảy ra nhiều biến chứng như đau dương vật, căng cứng kéo dài và xơ hóa. Chống chỉ định đối với người có tiền sử quá mẫn với alprostadil, người có nguy cơ priapism và người bị rối loạn chảy máu.

Thuốc nhét niệu đạo: hiệu quả không cao (30 – 65,9%), có thể dùng kèm vòng thắt ở gốc dương vật, nhưng có nhiều tác dụng phụ đi kèm như đau dương vật, hạ huyết áp, xơ hóa và priapism, chảy máu niệu đạo và nhiễm trùng đường tiểu.

Lựa chọn thứ 2:

Phẫu thuật: Việc điều trị rối loạn cương dương bằng cách phẫu thuật ở động mạch hay tĩnh mạch vẫn còn hạn chế và chỉ hiệu quả ở một số ít các trường hợp như chấn thương tầng sinh môn hoặc xương chậu). Phẫu thuật này không nên thực hiện ở người có bệnh lý mạch máu toàn thân như cao huyết áp, đái tháo đường.

Đặt thể hang nhân tạo: Lắp hệ thống trụ đôi có thể bơm phồng vào 2 thể hàng, túi chứa nằm ở sau cơ thẳng bụng (vùng trước bàng quang) và phần bơm thì đặt trong bìu. Phương pháp này có thể được chỉ định cho bệnh nhân có bệnh lý mạch máu toàn thân.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của rối loạn cương dương

Chế độ sinh hoạt:

  • Tập thể dục thường xuyên;

  • Ngủ đủ giấc;

  • Thay đổi sinh hoạt hợp lý, giữ trạng thái vui vẻ, thoải mái;

  • Châm cứu.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Không hút thuốc lá, hạn chế các loại rượu bia;

  • Chế độ ăn uống lành mạnh và đẩy đủ chất dinh dưỡng. Một số thực phẩm hữu ích cải thiện rối loạn cương dương là lựu, lá hẹ, quá bầu nầm, gừng và mật ong.

Phương pháp phòng ngừa rối loạn cương dương hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Giữ đời sống tinh thần và vật chất lành mạnh: tránh thức khuya, stress, không hút thuốc, hạn chế rượu bia.

  • Phòng ngừa các bệnh tim mạch, đái tháo đường, xơ vữa mạch máu.

  • Tập thể dục thường xuyên, ăn uống điều độ và hợp lý.

Nguồn tham khảo
  1. MSD Manual: https://www.msdmanuals.com/
  2. Sức khỏe đời sống: https://suckhoedoisong.vn/
  3. Phác đồ chữa bệnh: https://phacdochuabenh.com/phac-do/115/noi-khoa/10.php

Các bệnh liên quan

  1. Liệt dương

  2. Viêm mào tinh hoàn

  3. Rối loạn xuất tinh

  4. Thắt ống dẫn tinh

  5. Dương vật cong

  6. Ung thư dương vật

  7. Viêm túi tinh

  8. Xuất tinh sớm

  9. Xoắn tinh hoàn

  10. Herpes sinh dục