Long Châu

Thuốc hạ cholesterol và điều trị ngứa Cholestyramine

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Cholestyramine (cholestyramin)

Loại thuốc

Thuốc điều chỉnh lipid máu, nhóm nhựa gắn với axit mật

Dạng thuốc và hàm lượng

Dạng bột khô pha hỗn dịch uống gói 4g cholestyramine khan

Chỉ định

Cholestyramine được dùng trong:

  • Phòng ngừa nguyên phát bệnh tim mạch vành ở nam giới từ 35 đến 59 tuổi và bị tăng cholesterol máu nguyên phát không đáp ứng với chế độ ăn kiêng và các biện pháp thích hợp khác.
  • Giảm cholesterol huyết tương trong bệnh tăng cholesterol máu, đặc biệt ở những bệnh nhân đã được chẩn đoán là tăng cholesterol máu loại II theo Fredrickson (cholesterol huyết tương cao với triglycerid bình thường hoặc tăng nhẹ).
  • Giảm ngứa liên quan đến tắc mật một phần và xơ gan mật nguyên phát.
  • Giảm tiêu chảy liên quan đến cắt hồi tràng, bệnh Crohn, cắt bỏ phế vị và bệnh thần kinh phế vị do đái tháo đường.
  • Xử trí tiêu chảy do phóng xạ.
  • Tăng tốc độ loại bỏ teriflunomide, leflunomide.

Dược lực học

Liên kết với các axit mật trong ruột và tạo thành một phức hợp không thể hấp thu được và thải ra ngoài theo phân. Sự mất axit mật trong phân tăng lên dẫn đến tăng quá trình oxy hóa cholesterol thành axit mật và giảm nồng độ cholesterol trong huyết thanh và nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp trong huyết thanh. 

Ở những bệnh nhân bị tắc mật một phần, việc giảm nồng độ axit mật trong huyết thanh làm giảm lượng axit mật dư thừa lắng đọng trong các mô da, dẫn đến giảm ngứa.

Động lực học

Hấp thu

Cholestyramine không hấp thu qua đường tiêu hóa.

Phân bố

Không có.

Chuyển hóa

Không có.

Thải trừ

Cholestyramine liên kết với các axit mật trong ruột và tạo thành một phức hợp không thể hấp thụ được và thải ra ngoài theo phân.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác:

  • Cholestyramine có thể liên kết với một số loại thuốc (như phenylbutazone, warfarin, propranolol, tetracycline, penicillin G, phenobarbital, các chế phẩm tuyến giáp và thyroxine, estrogen và progestin, digoxin, muối sắt, loperamide) trong đường tiêu hóa và có thể làm chậm hoặc giảm sự hấp thu của chúng. 
  • Hướng dẫn bệnh nhân sử dụng các loại thuốc khác ít nhất 1 giờ trước hoặc 4 - 6 giờ sau khi dùng cholestyramine (hoặc cho phép một khoảng thời gian càng lâu càng tốt giữa việc uống các loại thuốc khác và cholestyramine).
  • Cholestyramine giảm hấp thu các vitamin tan trong chất béo, cản trở sự hấp thu của các chất bổ sung phosphat đường uống, propranolol, thuốc lợi tiểu.

Chống chỉ định

Cholestyramine chống chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Tắc mật hoàn toàn trong đó không có sản phẩm mật nào đến ruột.
  • Quá mẫn với cholestyramine hoặc bất kỳ thành phần nào trong công thức.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Cholestyramine

Người lớn

Liều lượng được biểu thị dưới dạng nhựa cholestyramine khan (dạng đã khô).

Để phòng ngừa nguyên phát bệnh tim mạch vành và giảm cholesterol:

  • Bắt đầu liều 4 g mỗi ngày, sau đó tăng 4 g mỗi tuần trong khoảng thời gian từ 3 đến 4 tuần, đạt đến liều 12 - 24 gam (3 - 6 gói) mỗi ngày, được sử dụng như một liều duy nhất hàng ngày hoặc chia làm 4 lần mỗi ngày, theo yêu cầu về liều lượng và khả năng đáp ứng của bệnh nhân.
  • Liều dùng có thể được sửa đổi tùy theo đáp ứng và có thể tăng lên 36 g (9 gói) mỗi ngày nếu cần thiết.

Để giảm ngứa: 4 - 8 g (1 hoặc 2 gói) một lần mỗi ngày thường là đủ.

Giảm tiêu chảy: 

  • Tương tự liều giảm cholesterol nhưng có thể cân nhắc giảm liều lượng này. Ở tất cả các bệnh nhân bị tiêu chảy do kém hấp thu axit mật, nếu không thấy đáp ứng trong vòng 3 ngày, thì nên bắt đầu điều trị thay thế.
  • Bệnh nhân nên được áp dụng chế độ ăn kiêng tiêu chuẩn hạ lipid trước khi bắt đầu điều trị cholestyramine và nên duy trì chế độ ăn này trong thời gian điều trị bằng thuốc.
  • Xác định nồng độ cholesterol và triglycerid huyết thanh trước và thường xuyên (3 - 6 tháng một lần) trong khi điều trị cholestyramine. Hướng dẫn quản lý cholesterol ACC/AHA khuyến cáo nên kiểm tra hồ sơ lipoprotein lúc đói trước khi bắt đầu điều trị, sau 3 tháng điều trị và cứ sau 6 - 12 tháng sau đó.

Tăng tốc độ loại bỏ teriflunomide, leflunomide: 8 g, 3 lần một ngày trong 11 ngày, sau đó giảm xuống 4 g, 3 lần 1 ngày, chỉ nên giảm liều nếu không dung nạp.

Tăng tốc độ loại bỏ leflunomide: 8 gam, 3 lần một ngày trong 11 ngày.

Trẻ em 

Trẻ em 6 - 12 tuổi: Liều ban đầu được xác định theo công thức là (cân nặng x liều người lớn) / 70

Trẻ em dưới 6 tuổi: 

  • Không nên dùng cholestyramine cho trẻ em dưới 6 tuổi. 
  • Tối đa 8 g mỗi ngày.
  • Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng lâu dài. Cần xem xét tác dụng tiềm tàng của cholestyramine đối với sự hấp thu vitamin và chất điện giải.

Đối tượng khác 

Người cao tuổi: Không cần điều chỉnh liều lượng.

Cách dùng Cholestyramine

Dùng đường uống vào bữa ăn.

Không sử dụng bột ở dạng khô; luôn trộn với nước hoặc các chất lỏng khác trước khi uống. Trộn bột cholestyramine để pha hỗn dịch uống với một lượng vừa đủ (60 - 180 mL cho 1 gói hoặc một muỗng bột) chất lỏng (như nước, nước hoa quả, đồ uống không có ga khác) và khuấy đều đến độ đặc đồng nhất.

Hướng dẫn bệnh nhân dùng các thuốc khác ít nhất 1 giờ trước hoặc 4 - 6 giờ sau khi dùng cholestyramine để giảm thiểu khả năng ảnh hưởng đến sự hấp thu.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Táo bón.

Ít gặp 

Xu hướng chảy máu do giảm bạch cầu trong máu (thiếu vitamin K) cũng như vitamin A (hiếm khi được báo cáo về bệnh quáng gà) và thiếu vitamin D.

Biếng ăn, nhiễm toan tăng clo huyết ở trẻ em.

Khó chịu ở bụng, đầy hơi, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, ợ chua, khó tiêu và tăng tiết mỡ.

Phát ban và kích ứng da, lưỡi và vùng quanh hậu môn.

Bệnh loãng xương.

Hiếm gặp

Không có thông tin.

Lưu ý

Lưu ý chung

Táo bón nhẹ đã xảy ra, đặc biệt là sau khi dùng liều cao cholestyramine và ở bệnh nhân > 60 tuổi. Khuyến cáo tăng lượng chất lỏng và chất xơ để giảm táo bón. Đặc biệt để tránh táo bón ở bệnh nhân bệnh mạch vành có triệu chứng.

Thận trọng khi sử dụng cholestyramine ở những bệnh nhân có nồng độ triglycerid cơ bản 250 - 299 mg/dL; ngưng khi nồng độ triglycerid < 400 mg/dL.

Vì cholestyramine là dạng clorua của nhựa trao đổi anion, có khả năng sử dụng kéo dài có thể dẫn đến nhiễm toan tăng clo huyết. Nhiễm toan tăng clo huyết đã được báo cáo ở trẻ em.

Cholestyramine có thể cản trở sự hấp thu các vitamin tan trong chất béo (như vitamin A, D, E, K). Xu hướng chảy máu do giảm prothrombin huyết thứ phát do thiếu vitamin K, quáng gà thứ phát do thiếu vitamin A và thiếu vitamin D.

Thận trọng dùng cholestyramine khi điều trị lâu dài ở bệnh nhân suy thận hoặc suy giảm thể tích và ở bệnh nhân dùng đồng thời spironolactone.

Giảm nồng độ folate huyết thanh đã được báo cáo ở trẻ em bị tăng cholesterol máu gia đình. Bổ sung axit folic nên được xem xét trong những trường hợp này.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Loại C.

Cản trở sự hấp thu các vitamin tan trong chất béo và việc bổ sung vitamin trước khi sinh có thể không đầy đủ.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Sử dụng cẩn thận, thiếu hấp thu vitamin liên quan đến điều trị cholestyramine có thể có ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Cholestyramine không có hoặc ảnh hưởng không đáng kể đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc.

Quá liều

Quá liều Cholestyramine và xử trí

Quá liều và độc tính

Các triệu chứng quá liều Cholestyramine có thể bao gồm đau dạ dày nghiêm trọng hoặc táo bón.

Một trường hợp sai sót đã bị ợ chua và buồn nôn sau khi dùng cholestyramine 27 g ba lần một ngày trong một tuần. Vấn đề tiềm ẩn khi dùng quá liều sẽ là tắc nghẽn đường tiêu hóa.

Cách xử lý khi quá liều

Khuyến cáo tăng lượng chất lỏng và chất xơ để giảm táo bón; có thể thêm chất làm mềm phân nếu cần thiết.

Quên liều và xử trí

Dùng liều đã quên ngay khi nhớ ra. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian cho liều dự kiến ​​tiếp theo. Không dùng gấp đôi liều để bù liều đã quên.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Cholestyramine

  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/cholestyramine.html

  2. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/10588/smpc

  3. BNF 80, trang 210

Ngày cập nhật: 01/08/2021