Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chùm ruột núi: Loại cây có nhiều tác dụng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Quả Chùm ruột núi thường được dùng trong điều trị các bệnh về nước ăn chân, sưng yết hầu, cảm mạo, sốt, đái đường. Vỏ cây trị rắn cắn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng việt: Chùm ruột núi.

Tên khác: Me rừng, Chùm ruột núi, Mận rừng, Cam lam, Trám rừng, Chùm ruột rừng, Me quả tròn, Mắc kham, Mạy kham (Tày), Diều cam (Dao), Xi xa liên (Kho).

Tên khoa học: Phyllanthus emblica L.. Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây cao khoảng 3m, cành phân nhánh, nhảnh nhỏ, mềm, có lông, dài 20cm. Lá xếp kiểu lá kép lông chim, cuống ngắn, có lá kèm nhỏ hình 3 cạnh. Hoa mọc thành cụm xim ở nách lá, đơn tính cùng gốc, hoa đực nhiều hơn hoa cái. Quả khi còn non có dạng hình cầu, khi già có dạng quả năng, có chứa hạt. Hoa nở trong khoảng từ tháng 3 đến tháng 11. 

chùm ruột núi
Cây chùm ruột núi

Phân bố, thu hái, chế biến

Chùm ruột núi là loại cây ưa sáng, chịu được hạn nên dễ rất phát triển ở các vùng như bãi hoang, đồi, rừng thưa. Cây có ở một số nước thuộc Châu Á như: Việt Nam, Ấn Độ, Trung Quốc,...

Rễ, lá, quả, vỏ thân làm nguyên liệu chữa bệnh. Ngoài ra, vỏ thân còn dùng để điều chế tanin trong công nghiệp.

Thời gian, cách chế biến tùy thuộc vào bộ phận sử dụng: Quả thì hái khi chín thường là vào mùa thu, đem đồ hơi nước rồi phơi và  làm khô (phơi hoặc sấy); rễ có thể lấy quanh năm, đem rửa sạch, phơi khô.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của cây gồm: Rễ, quả, lá, vỏ thân (trong bài thuốc kinh nghiệm).

Thành phần hoá học

Tanin là thành phần chính của quả, hàm lượng khoảng 45% tanin.

Tanin gồm: Axit chebulinic C11H32O27, axit chebulagic corilagin C41H30O27, terchebin C27H22O18, axit chebulic C41H30O26 axit gallic, axit ellagic. Ngoài ra còn axit phyllemblic C16H28O17(COOH)8, emblicol (OCH3)6, axit mucic C6H10O8, vitamin C.

Tanin cũng có trong lá với hàm lượng 23 - 28%. Là còn chứa thêm các thành phần khác như: Kaempferol 3 - glucozit, sitosterol, axit ellagic và lupeol.

Vỏ thân chứa 28 - 29,36% tanin, 2,25% lupeol, 3,75% d - Leucodelphinidin.

Ngoài ra, Chùm ruột núi còn chứa lupenon, quercetin, một số chất có tác dụng sinh học như putranjivain A; emblicamin A, B; punigluconin; pedunculagin; phylemblin.

Hạt chứa 16% dầu béo.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo “Đường bản thảo” và “Nam phương thảo mộc trạng”:

  • Quả có vị chua, ngọt, đắng, tính mát, có tác dụng bổ phế, tiêu đờm, sinh tân.

  • Rễ vị đắng, chát, tính mát, có tác dụng thu liễm và giáng áp.

Tại Ấn Độ, quả Chùm ruột được gọi là “myrobalan emblic”. Người dân ở đây lấy trái Chùm ruột làm mứt như một loại thức ăn ngọt lại có tác dụng chữa kiết lỵ, tiêu chảy nhờ hàm lượng tanin cao. Quả tươi chứa nhiều vitamin C giúp lợi tiểu, nhuận tràng. 

Vỏ cây chứa hàm lượng tanin cao nên cũng có tác dụng chữa tiêu chảy nhưng do khó ăn hơn quả và lá nên chỉ yếu dùng trong công nghiệm ngành thuộc da, nhuộm.

Theo y học hiện đại 

Các hợp chất được tìm thấy trong Chùm ruột có khả năng kháng lại các tế bào khối u gồm: 

  • Norsesquiterpenoids: Phyllaemblic acid, Phyllaemblicin A, Phyllaemblicin B, Phyllaemblicin C.

  • Organic acid gallates: L - Malic acid 2 - O - gallate, Mucic acid 2 - O - gallate.

  • Hydrolyzable tannins: 1 - O - Galloyl - b - D - glucose, Corilagin, Chebulagic acid, Elaeocarpusin, Putranjivain A, Geraniin, Phyllanemblinin C, Phyllanemblinin E.

  • Flavonoids and condensed tannins: Prodelphinidin B1, Prodelphinidin B2, Epigallocatechin 3 – O - gallate, (S) - Eriodictyol 7 - (60 - O – trans -coumaroyl) - b - D - glucoside, Phyllemtannin. 

Năm 2018, các nhà khoa học đã tìm ra 2 loại triterpenes trong rễ cây Chùm ruột núi: Secofriedelanophyllemblicine và Ursophyllemblicoside. Trong đó, Secofriedelanophyllemblicine có tác dụng gây độc tế bào vừa phải đối với các dòng tế bào ung thư K562 và HepG2 (ung thư gan).

Chùm ruột núi chứa nhiều vitamin C, nên có tác dụng trị bệnh Scorbut (bệnh thiếu vitamin C). Vitamin C trong quả Chùm ruột núi dễ hấp thu vào cơ thể hơn vitamin C tổng hợp, có tác dụng kháng khuẩn mạnh, kháng nấm và chống oxy hóa. Cao nước quả Chùm ruột núi đối kháng với tác dụng độc hại của Cs+ (Cesium), Zn2+ và chất màu vàng metanyl tương tự như lượng tương đương của vitamin C, nhưng có hiệu quả nhiều hơn chống lại những tác dụng của ethylparathion. Pb2+, Al3+ và Ni2+ so với lượng tương đương vitamin C dùng riêng.

Acid gallic và vitamin C đều có tính chất chống oxy hóa, kháng khuẩn và gây chelat hóa (Chelat là một phức hợp giữa một kim loại và một hợp chất có thể có hai mối kết hợp hoặc nhiều hơn), trong khi tannin bảo vệ vitamin C khỏi bị oxy hóa. Hoạt tính chống oxy hóa của Chùm ruột núi còn do sự có mặt của tannin có thể bị thủy ngân, như emblicamin A và B, punigluconin và pedunculagin.

Phylemblin làm tăng tác dụng của adrenalin, có tác dụng ức chế nhẹ trên hệ thần kinh trung ương và chống co thắt. Cao quả Chùm ruột núi áp dụng trên chuột nhắt trắng làm giảm tác dụng độc hại tế bào của chất gây ung thư 3, 4 – benzo(a) pyrene và cao nước của quả bảo vệ chống thương tổn nhiễm sắc thể ở đầu ngọn rễ tỏi do chiếu tia X. Những tác dụng này được quy cho hệ thống chống oxy hóa của vitamin C, acid gallic, đường khử và tannin. Bột Chùm ruột núi làm tăng hoạt tính của tế bào giết tự nhiên và độc tính của tế bào phụ thuộc kháng thể ở chuột nhắt trắng có u báng, u bạch huyết Dalton.

Dịch ép quả làm giảm nồng độ cholesterol ở người và thỏ cho uống cholesterol. Viên nén Abana bào chế từ Chùm ruột núi và một số dược liệu khác cho uống trong thời gian dài đã có tác dụng hạ lipid trên chuột cống trắng. Nồng độ β - lipoprotein và apoprotein huyết thanh giảm đáng kể; lipoprotein tỷ trọng thấp; lipoprotein tỷ trọng cao hơn tăng. Abana ức chế rõ rệt tổng hợp cholesterol ở gan và tăng thải trừ acid mật trong phân.

Cao methanol của quả Chùm ruột núi, có tác dụng ức chế enzyme transcriptase ngược của siêu vi khuẩn gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV), có thể khai thác để dự phòng và điều trị bệnh AIDS. Hoạt chất có tác dụng mạnh nhất được phân lập là putranjivain A. Cao cồn của quả, và quercetin phân lập từ cao có tác dụng bảo vệ gan in vitro ở chuột cống và chuột nhắt trắng. Cao chiết từ lá chùm ruột núi có tác dụng ức chế trên bạch cầu hạt và tiểu cầu người, xác minh một phần tác dụng chống viêm và hạ nhiệt của Chùm ruột núi. Một phần lớn công dụng trị bệnh của Chùm ruột núi có liên quan với tác dụng làm săn của tannin.

chùm ruột chứa nhiều vitamin c
Chùm ruột núi chứa nhiều vitamin C

 

Liều dùng & cách dùng

Tùy thuộc vào từng bài thuốc cụ thể.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa cảm mạo, phát sốt, ho, đau cổ họng, miệng khô khát

Thường dùng mỗi ngày dùng 10 - 30 quả, sắc uống. 

tác dụng chữa bệnh của chùm ruột núi
Chùm ruột núi chữa cảm mạo, phát sốt, ho, đau họng, miệng khô khát

Viêm ruột, đau bụng đi ngoài, cao huyết áp

Ngày dùng 15 – 20g rễ, sắc uống.

Lở loét, mẩn ngứa

Dùng lá nấu nước rửa bên ngoài.

Chữa nước ăn chân

Quả chùm ruột núi giã nát, lấy nước bôi.

Chữa rắn độc cắn

Vỏ thân cây chùm ruột núi giã nhỏ, thêm nước, gạn uống, bã đắp.

Lưu ý

Tùy tác dụng, việc dùng chùm ruột núi trong thời gian ngắn có thể có ích, nếu dùng đường toàn thân thường xuyên có thể nguy hiểm do tác dụng kháng dinh dưỡng của chất tannin có trong dược liệu.

Nguồn tham khảo

Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 2. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.

Tra cứu dược liệu: Me rừng, https://tracuuduoclieu.vn/me-rung.html. Truy xuất 12/12/2021. 

http://faunaandfloraofvietnam.blogspot.com/2014/07/phyllanthus-emblica-l-chum-ruot-nui-me.html Truy xuất 13/02/2022. 

https://bvnguyentriphuong.com.vn/y-hoc-co-truyen/vi-thuoc-me-rung Truy xuất 12/12/2021.

Các sản phẩm có thành phần Chùm ruột núi