1. /
  2. Dược chất/
  3. Cysteamine

Cysteamine: Thuốc dành cho tai mũi họng

09/04/2023
Kích thước chữ
Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Cysteamine.

Loại thuốc

Nhóm thuốc dành cho tai mũi họng; nhóm thuốc khác:

  • Thuốc kháng cystine.
  • Thuốc làm giảm nồng độ cystine.

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch nhỏ mắt cysteamine hydrochloride: 0.44%, 0.37% (tính ở dạng cysteamine).

Viên nang phóng thích kéo dài cysteamine bitartrate: 25 mg, 75 mg (tính ở dạng cysteamine).

Viên nang phóng thích tức thì cysteamine bitartrate: 50mg, 150 mg (tính ở dạng cysteamine).

Viên bao tan trong ruột: 75 mg, 300 mg.

Chỉ định

Điều trị tích tụ tinh thể cystine ở giác mạc (dạng nhỏ mắt) ở bệnh nhân mắc bệnh loạn dưỡng cystine (cystinosis).

Điều trị bệnh nhiễm độc thận do cystine (nephropathic cystinosis) cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi.

Dược lực học

Sự tích tụ cystine là nguyên nhân gây ra tổn thương các cơ quan trong bệnh cystinosis. Cysteamine ngăn chặn sự tích tụ của các tinh thể cystine trong cơ thể, đặc biệt để ngăn ngừa tổn thương thận và mắt. Cysteamine chuyển hoá cystine thành cysteine và cysteine-cysteamine mang cầu disulfide và đi qua màng lysosome của tế bào, làm giảm sự tích tụ của các tinh thể cystine ở giác mạc. Thuốc này tham gia vào phản ứng trao đổi thiol-disulfide với lysosome, dẫn đến sự thoát ra cysteine ​​từ lysosome ở những bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh u nang.

Động lực học

Hấp thu

Cysteamine dùng đường uống được hấp thu trong đường tiêu hóa và đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau khoảng 1,4 giờ (thay đổi tùy theo dạng bào chế). Nồng độ thuốc tối đa trong huyết tương là 2,86 mg/L.

Nồng độ tối đa trong huyết tương ở dạng thuốc nhỏ mắt chưa được biết rõ, nhưng nó thấp hơn đáng kể so với đường uống.

AUC 0-12 giờ đối với viên phóng thích kéo dài là 99,26 ± 44,2 μmol * h/L với Cmax là 27,70 ± 14,99 μmol/L.

AUC 0-12 đối với viên phóng thích tức thì là 192,00 ± 75,62 μmol * h/L với Cmax là 37,72 ± 12,10 μmol/L.

Phân bố

Cysteamine có thể tích phân bố khoảng 129 L. Thể tích phân bố đối với viên phóng thích kéo dài là 382 L và viên phóng thích tức thì là 198 L. Cysteamine có thể vượt qua hàng rào máu não.

Tỷ lệ liên kết với protein huyết tương là 52%, chủ yếu là albumin.

Chuyển hóa

Thuốc trải qua quá trình chuyển hóa lần đầu đáng kể.

Thải trừ

Thời gian bán thải của cysteamine là 1,2 – 1,4 L / phút.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Cysteamine có thể tương tác với bicarbonate.

Tương tác với thực phẩm

Có nghiên cứu cho thấy thực phẩm (giàu chất béo) làm giảm sự hấp thu toàn thân của cysteamine.

Chống chỉ định

Chống chỉ định dùng cysteamine đường uống ở những bệnh nhân quá mẫn với penicillamine và cysteamine.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn

Với thuốc nhỏ mắt:

Điều trị tích tụ tinh thể cystine giác mạc:

  • Nhỏ 1 giọt dung dịch 0.44% vào mỗi mắt mỗi giờ sau khi thức dậy. Nên dùng liên tục vì tinh thể cystine trong giác mạc có thể tích tụ lại khi ngừng điều trị.

Viên nang phóng thích kéo dài:

Điều trị bệnh nhiễm độc thận do cystine

  • Mục tiêu của liệu pháp là duy trì cystine của tế bào bạch cầu (WBC) mức < 1 nmol/(1/2) cystine/mg protein hoặc cysteamine huyết tương nồng độ > 0,1 mg/L.

  • Liều khởi đầu (bệnh nhân chưa từng dùng cysteamine): 1/6 đến 1/4 liều duy trì. Liều tăng dần trong 4 đến 6 tuần để hạn chế các tác dụng phụ.

  • Liều duy trì: 1,30 g/m2/ngày, mỗi 12 giờ uống 1 lần. Có thể tăng liều lên 1,95 g/m2/ngày nếu mức cystine trong tế bào bạch cầu vẫn cao hơn mức cystine mục tiêu và/ hoặc nồng độ cysteamine chưa đạt được mức mục tiêu.

  • Bảng tham khảo cách tính liều với liều duy trì 1.3 g/m2/ngày:

Trọng lượng (kg)

Liều uống mỗi 12 giờ (mg)

0.0 – 4.5

200

5.0 – 9.0

300

9.5 – 13.6

400

14.0 – 18.1

500

18.6 – 22.7

600

23.1 – 31.7

700

32.2 – 40.8

800

41.3 – 49.8

900

>49.8

1000

Viên nang phóng thích tức thì:

Điều trị bệnh nhiễm độc thận do cystine

  • Khi thuốc được dung nạp tốt, mục tiêu điều trị là duy trì cystine của tế bào bạch cầu (WBC) mức < 1 nmol/(1/2) cystine/mg protein từ 5 – 6 giờ sau khi dùng.
  • Bệnh nhân dung nạp kém vẫn có thể đạt hiệu quả điều trị nếu mức cystine của tế bào bạch cầu (WBC) mức < 2 nmol /(1/2) cystine/mg protein. Liều điều trị có thể tăng lên 1,95 g/m2/ngày.
  • Liều khởi đầu: 1/4 - 1/6 liều duy trì.
  • Liều duy trì: 1.30 g/m2/ngày, uống mỗi 6 giờ.
  • Tham khảo cách tính liều như bảng sau:

Trọng lượng (kg)

Liều uống mỗi 6 giờ (mg) tính trên cysteamine base

0.0 – 4.5

100

5.0 – 9.0

150

9.5 – 13.6

200

14.0 – 18.1

250

18.6 – 22.7

300

23.1 – 31.7

350

32.2 – 40.8

400

41.3 – 49.8

450

>49.8

500

Trẻ em

Với thuốc nhỏ mắt:

Điều trị tích tụ tinh thể cystine giác mạc: Dùng như người lớn..

Viên nang phóng thích kéo dài:

Điều trị bệnh nhiễm độc thận do cystine

Trẻ từ 6 tuổi trở lên: Dùng như liều cho người lớn.

Viên phóng thích tức thì:

Điều trị bệnh nhiễm độc thận do cystine

  • Liều khởi đầu: Tương tự khi dùng viên phóng thích kéo dài.
  • Liều duy trì cho trẻ em đến 12 tuổi là 1,30 g/m2/ngày, được chia làm 4 lần/ngày.
  • Trẻ trên 12 tuổi và nặng khoảng 49 kg trở lên: Uống 2 g/ngày chia làm 4 lần/ngày. Tăng liều từ từ trong vòng 4 – 6 tuần. Nên tăng liều nếu mức cystine bạch cầu vẫn > 2 nmol/(1/2) cystine/mg protein.

Cách dùng

Với thuốc nhỏ mắt:

  • Hạn chế đầu ống nhỏ giọt chạm vào mí mắt, mắt hoặc các bề mặt khác để tránh nhiễm khuẩn thuốc. Lưu ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng dạng thuốc nhỏ mắt của nhà sản xuất.

  • Trong trường hợp dùng đồng thời với các loại thuốc trực tiếp lên mắt khác, khoảng cách dùng giữa các thuốc là 10 phút. Thuốc mỡ tra mắt nên dùng cuối cùng.

Với thuốc uống viên phóng thích kéo dài:

  • Viên nang phóng thích kéo dài: Uống nguyên viên, không nghiền hoặc nhai viên.

  • Với bệnh nhân khó nuốt viên: Có thể mở viên nang, rắc các hạt nguyên vẹn trong viên thuốc vào khoảng 1/2 cốc nước sốt táo hoặc thạch rồi ăn trong vòng 30 phút hoặc rắc vào 1/2 cốc nước ép táo hoặc nước cam để uống cùng (trong 30 phút). Với bệnh nhân đã phẫu thuật dạ dày và có đặt ống dẫn thức ăn vào dạ dày thì làm tương tự rồi cho hỗn hợp qua ống dẫn vào dạ dày trong khoảng 30 phút, sau đó cho tiếp vào ống dẫn khoảng 1 cốc nước ép cam hoặc nước ép táo để làm sạch ống.

  • Bệnh nhân không được ăn ít nhất 2 giờ trước khi uống thuốc và ít nhất 30 phút sau khi uống thuốc. Với những bệnh nhân có cảm giác khó chịu khi uống, có thể ăn một lượng nhỏ trước khi uống thuốc.

  • Với bữa ăn giàu chất béo, nên dùng viên nang phóng thích chậm ít nhất trước 30 phút hoặc 2 giờ sau bữa ăn.

Với viên nang phóng thích tức thì:

  • Viên nang còn nguyên vẹn không nên được sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi do nguy cơ bị hóc, có thể mở viên nang và rắc lên thức ăn để giảm nguy cơ này.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Nhạy cảm với ánh sáng, đỏ mắt, đau mắt và/ hoặc kích ứng, nhức đầu, khiếm khuyết thị giác.

Buồn ngủ, mệt mỏi, đau dạ dày, buồn nôn, nôn, chán ăn, tiêu chảy, hơi thở có mùi, phát ban, sốt. Hôn mê.

Ít gặp

Mất nước. Tăng huyết áp. Khó tiêu, táo bón, đau bụng. Viêm dạ dày, tá tràng, loét chảy máu đường tiêu hóa. Co giật, mất điều hòa, lú lẫn, run, tăng vận động, chóng mặt, bồn chồn, giảm thính lực. Trầm cảm, ảo giác, bất ổn thần kinh, ác mộng. Thiếu máu, giảm bạch cầu. Bất thường chức năng gan. Viêm thận kẽ, suy thận. Mày đay.

Hiếm gặp

Chưa có dữ liệu.

Không xác định tần suất:

Động kinh, bầm tím trên da, đau xương, cử động khớp bất thường, mất cân bằng điện giải, khát nước, tiểu nhiều, chuột rút, nhịp tim không đều, ngứa. Tăng áp lực nội sọ, đau dầu dữ dội, ù tai, ho ra máu.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Điều trị bằng thuốc nên bắt đầu ngay khi có chẩn đoán xác thực (tăng nồng độ cystine trong tế bào bạch cầu) ở trẻ trên 6 tuổi và người lớn.

  • Viên nang phóng thích kéo dài (cysteamine bitartrate) có thể dùng chung với các chất điện giải (trừ bicarbonate) và một số khoáng chất khác như vitamin D và hormone thyroid để kiểm soát Hội chứng Fanconi.

  • Tháo kính áp tròng mềm (nếu có) vì thuốc thường dùng chất bảo quản là benzalkonium chloride cho thể ảnh hưởng đến kính, có thể lắp lại kính sau 15 phút nhỏ mắt.

  • Hội chứng Ehler-Danlos (gồm các tổn thương da và xương như u mềm, xuất huyết màu tía, giảm mật độ xương, gãy xương, cong vẹo cột sống,…và có thể dẫn tới tử vong do thiếu máu não cấp tính và bệnh lý mạch máu khác): Quan sát thấy ở bệnh nhân điều trị bằng liều cao cysteamine giải phóng tức thì. Nên ngừng thuốc nếu thấy triệu chứng này, sau khi kiểm soát được các triệu chứng thì có thể dùng thuốc nhưng bắt đầu với liều thấp và tăng từ từ đến liều điều trị.

  • Cysteamine viên phóng thích tức thì có thể gây phát ban trên da nghiêm trọng như hoại tử biểu bì nhiễm độc. Ngừng vĩnh viễn thuốc nếu quan sát thấy bệnh nhân có triệu chứng này.

  • Cysteamine đường uống có thể gây loét và chảy máu đường tiêu hóa, nếu triệu chứng nghiêm trọng thì giảm liều thuốc.

  • Các triệu chứng của hệ thần kinh trung ương: Co giật, hôn mê, buồn ngủ, trầm cảm, bệnh não,…Nên ngừng thuốc hoặc điều chỉnh liều cho phù hợp.

  • Giảm bạch cầu có hồi phục và tăng nồng độ phosphatase kiềm, lưu ý theo dõi các chỉ số này.

  • Nguy cơ bị tăng huyết áp nội sọ lành tính (khối u não giả) và/ hoặc phù gai thị (đặc biệt khi dùng cysteamine bitartrate dạng uống). Triệu chứng như: Nhức đầu, ù tai, chóng mặt, buồn nôn, nhìn đôi, nhìn mờ, mất thị lực, đau sau mắt hoặc đau khi chuyển động mắt.

  • Nên đo lượng cystine trong bạch cầu sau khi uống thuốc khoảng 5 – 6 giờ, đặc biệt là bệnh nhân mới dùng thuốc và đã đạt liều điều trị.

  • Bệnh nhân bị cystinosis dùng dung dịch cysteamine hydrochloride hoặc phosphocysteamine có thể chuyển sang dạng viên nang phóng thích tức thì, nên đo nồng độ cystine trong 2 tuần và sau đó 3 tháng/lần để đánh giá liều tối ưu.

  • Nguy cơ và lợi ích khi sử dụng cystemine ở trẻ em nhỏ hơn 6 tuổi vẫn chưa được xác định.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chưa có nghiên cứu đầy đủ về cysteamine dùng cho mắt ở phụ nữ mang thai. Nên cân nhắc chỉ dùng thuốc khi lợi ích nhiều hơn nguy cơ tiềm ẩn với thai nhi.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Với thuốc uống, chưa xác định được cysteamine có tiết vào sữa mẹ hay không nên ngừng cho con bú khi dùng thuốc hoặc ngừng thuốc.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc vì thuốc uống có ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương như gây buồn ngủ, trầm cảm, co giật.

Quá liều

Quá liều Cysteamine và xử trí

Quá liều và độc tính

Triệu chứng ngộ độc cấp: Giảm hoạt động, xuất huyết toàn thân, đặc biệt ở đường tiêu hóa và thận.

Cách xử lý khi quá liều

Không có thuốc giải độc đặc hiệu. Điều trị hỗ trợ hệ hô hấp và tim mạch. Xem xét chạy thận nhân tạo vì cysteamine liên kết kém với protein huyết tương.

Quên liều và xử trí

Với thuốc nhỏ mắt, nếu bệnh nhân bỏ lỡ một lần nhỏ thì nên nhỏ bổ sung một liều càng sớm càng tốt, sau đó tiếp tục điều trị theo phác đồ.

Với thuốc uống, nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống liều bổ sung càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã quên 1 liều và thời gian đến liều dự kiến tiếp theo dưới 4 giờ (với viên phóng thích kéo dài) và dưới 2 giờ (với viên phóng thích tức thì), thì bệnh nhân uống liều kế tiếp, không uống liều đã quên. Không dùng 2 liều cùng lúc để bù cho liều đã quên.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm