Long Châu

Iot (Iodine) sát khuẩn tại chỗ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Iodine.

Loại thuốc

Sát khuẩn tại chỗ.

Dạng thuốc và hàm lượng

Thuốc dùng ngoài, cồn thuốc: 2% (30 mL, 473 mL, 500 mL, 4000 mL, 20000 mL); 7% (59 mL, 480 mL); (473 mL).

Chỉ định

Sát khuẩn

  • Phòng ngừa nhiễm trùng vết thương nhỏ, nông trên da, vết thương có dịch và vết loét có dịch; giảm tải lượng vi sinh vật trong vết thương. Giấy tẩm iốt Cadexomer và gel iốt Cadexomer được sử dụng để làm sạch vết loét và vết thương có dịch (ví dụ: loét do ứ trệ tĩnh mạch, loét do tì đè, vết thương do chấn thương và phẫu thuật bị nhiễm trùng). Không hiệu quả trong làm sạch vết thương khô.

  • Sát trùng da trước phẫu thuật.

Làm lành vết thương: Giấy tẩm iốt Cadexomer và gel iốt Cadexomer được sử dụng để làm chậm sự hình thành màng môi hoại tử (eschar); giữ cho các thương tổn mềm dẻo.

Dược lực học

Diệt khuẩn; chất diệt vi trùng mạnh và tác dụng nhanh.

Chống lại vi khuẩn gram dương và gram âm. Có hiệu quả cao đối với các chủng Staphylococcus aureus kháng methicillin.

Diệt nấm, diệt động vật nguyên sinh (ví dụ: trichomononas), diệt nang, diệt virut và một số bào tử.

Dễ dàng thâm nhập vào thành tế bào vi sinh vật.

Cơ chế hoạt động của thuốc diệt khuẩn chưa được xác định đầy đủ; có thể tạo dẫn xuất N-iodo bằng cách phản ứng với các nhóm NH trên axit amin và gốc nucleotid; có thể làm gián đoạn quá trình tổng hợp protein bằng cách oxy hóa nhóm sulfhydryl của cysteine; có thể cản trở mạnh liên kết hydro của tyrosine bằng cách phản ứng với nhóm phenolic của tyrosine; và có thể phá vỡ các tính chất vật lý của lipid do phản ứng với các liên kết đôi cacbon-cacbon của các axit béo không no.

Miếng giấy tẩm Cadexomer iốt và gel Cadexomer iốt hấp thụ cao chất lỏng, protein huyết tương, fibrinogen, vi khuẩn và các vi sinh vật khác. Cũng có thể hấp thụ các chất gây viêm từ bề mặt vết thương. Mỗi gam chế phẩm dạng miếng hấp thụ tối đa khoảng 3 mL chất lỏng trong khi mỗi gam chế phẩm dạng gel hấp thụ tối đa khoảng 6 mL chất lỏng; khi chất lỏng được hấp thụ, iốt sẽ được giải phóng từ từ, làm giảm tải lượng vi sinh vật, mùi hôi và đau liên quan đến vết thương.

Miếng giấy tẩm Cadexomer iốt và gel Cadexomer iốt: có sự trao đổi ion, làm giảm pH vết thương và dẫn đến giải phóng iốt mạnh.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu toàn thân sau khi đắp miếng giấy cadexomer iốt hoặc gel cadexomer iốt.

Sau khi đắp miếng giấy cadexomer iốt hoặc bôi gel cadexomer iốt, iốt giải phóng chậm trong 24-72 giờ (tùy thuộc vào lượng dịch tiết từ vết thương).

Phân bố

Chủ yếu được giữ tại tuyến giáp.

Iodide dễ dàng đi qua nhau thai và được phân phối vào sữa.

Chuyển hóa

Bị phân hủy bởi các amylase có trong dịch vết thương.

Thải trừ

Thải trừ qua nước tiểu trên 90%.

Tương tác thuốc

Iot tương tác với các thuốc khác

Natri Iodide I131: Iodine có thể làm giảm tác dụng điều trị của Natri Iodide I131. Ngừng dùng iốt tại chỗ ít nhất 3 tuần trước khi dùng natri iốt I-131. Tránh kết hợp.

Thuốc kháng giáp (methenamine mandelate, methimazole, potassium iodide …): Làm giảm hoạt động tuyến giáp quá mức. Không dùng đồng thời.

Amiodarone: Làm tăng hàm lượng iốt trong máu. Quá nhiều iốt trong máu có thể gây ra tác dụng phụ ảnh hưởng đến tuyến giáp. Cần thận trọng khi dùng chung.

Lithi:  Có thể gây suy giáp. Theo dõi chức năng tuyến giáp.

Chống chỉ định

Quá mẫn với iốt hoặc bất kỳ thành phần nào trong công thức.

Giấy tẩm iốt Cadexomer và gel iốt Cadexomer chống chỉ định trong: 

  • Rối loạn tuyến giáp (ví dụ: Viêm tuyến giáp Hashimoto, tiền sử bệnh Graves hoặc bướu cổ dạng nốt không độc)
  • Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ cho con bú.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Sát khuẩn tại chỗ

Dung dịch hoặc cồn thuốc: Thoa lên vùng bị ảnh hưởng khi cần thiết.

Tự dùng thuốc (dung dịch hoặc cồn thuốc): Bôi một lượng nhỏ lên vùng bị ảnh hưởng 1-3 lần mỗi ngày trong tối đa 10 ngày.

Giấy tẩm iốt Cadexomer: Đắp miếng giấy vào vết thương; thay 3 lần mỗi tuần hoặc khi nào màu sản phẩm chuyển từ nâu sang vàng xám. Giảm số lần đắp khi dịch tiết tại vết thương giảm dần; ngừng điều trị khi vết thương không còn dịch tiết. Không dùng quá 3 tháng.

Gel iốt Cadexomer: Bôi một lượng gel vừa đủ để bao phủ hoàn toàn lên vết thương (dày 0,3–0,6 cm [0,125–0,25 inch]) lên một miếng gạc vô trùng khô, sạch, sau đó đắp miếng gạc lên vết thương. Bôi lại gel 3 lần mỗi tuần hoặc bất cứ khi nào màu sản phẩm chuyển từ nâu sang xám vàng. Giảm số lần đắp khi dịch tiết tại vết thương giảm dần; ngừng điều trị khi vết thương không còn dịch tiết. Tối đa 50g trên 1 lần đắp; tối đa 150g trên 1 tuần; Không dùng quá 3 tháng.

Trẻ em

Sát khuẩn tại chỗ: Dung dịch hoặc cồn thuốc: Bôi lên vùng bị ảnh hưởng khi cần thiết.

Tự dùng thuốc (dung dịch hoặc cồn thuốc): Bôi một lượng nhỏ lên vùng bị ảnh hưởng 1-3 lần mỗi ngày trong tối đa 10 ngày.

Tác dụng phụ

Không xác định tần suất

Chàm, ban đỏ khu trú, tăng mức hormone kích thích tuyến giáp, phản ứng quá mẫn, kích ứng tại chỗ, đau tại chỗ, phù tại chỗ, nhức đầu, vị kim loại, mụn trứng cá, phát ban da (bao gồm cả bệnh da dầu), mày đay, suy giáp, tiêu chảy, nổi hạch, tăng bạch cầu ái toan, chảy máu màng nhầy, phù mạch, đau khớp, phù nề mí mắt, phù phổi, sốt.

Lưu ý

Phản ứng quá mẫn: Có thể bị mẫn cảm, phù nề hoặc dị ứng. Các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng và đôi khi gây tử vong, bao gồm phát ban, phù mạch, sốt, đau khớp, xuất huyết da / niêm mạc, tăng bạch cầu ái toan, nổi mày đay, ban xuất huyết do giảm tiểu cầu huyết khối, hoặc viêm quanh đỉnh đã được báo cáo.

Lưu ý chung

Tác dụng ngoài da

Kích ứng mô có thể xảy ra (ví dụ, cảm giác châm chích, bỏng iốt); thường liên quan đến các dung dịch có cồn với biểu hiện da bị tắc hoặc mẩn đỏ.

Có thể làm đổi màu da; dung dịch natri thiosulfat có thể loại bỏ tình trạng đổi màu da.

Tác dụng lên nội tiết

Nguy cơ thay đổi chuyển hóa tuyến giáp khi điều trị bằng iốt cadexomer mạn tính, đặc biệt ở những người bệnh có tiền sử rối loạn tuyến giáp.

Tăng mức TSH được báo cáo khi điều trị bằng iốt cadexomer; tuy nhiên, mức TSH vẫn trong giới hạn bình thường.

Lây nhiễm chéo

Nguy cơ lây nhiễm chéo khi sử dụng miếng giấy iốt cadexomer hoặc ống gel cho trên 1 người bệnh; sử dụng một miếng hoặc một ống gel cho một người bệnh để giảm khả năng lây nhiễm chéo.

Kích thước vết thương

Vết thương có thể trở lên lớn hơn trong những ngày đầu tiên điều trị bằng miếng giấy hoặc gel iốt cadexomer do giảm phù nề.

Các phản ứng khác

Hơi iốt có thể gây kích ứng mắt hoặc đường hô hấp.

Có thể có cảm giác đau nhẹ thoáng qua trong giờ đầu tiên sau khi sử dụng iốt cadexomer. Cơn đau mức độ vừa có thể kéo dài trong vài giờ ít thường xuyên hơn.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Một lượng iốt vừa đủ cần thiết cho chức năng của tuyến giáp. Iốt đi qua nhau thai và nhu cầu tăng lên trong giai đoạn thai kỳ. Thiếu iốt trong giai đoạn thai kỳ có thể dẫn đến tổn thương thần kinh ở trẻ sơ sinh; đần độn được đặc trưng bởi thiểu năng trí tuệ, dáng người thấp bé, câm điếc và liệt co cứng. Một lượng lớn iốt trong thai kỳ có thể gây ra bệnh bướu cổ ở thai nhi hoặc bệnh cường giáp. Suy giáp thoáng qua ở trẻ sơ sinh cũng đã được báo cáo sau khi sử dụng iốt tại chỗ hoặc tại âm đạo trước khi sinh.

Miếng giấy iốt cadexomer hoặc gel iốt cadexomer: Không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ có thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Iốt được bài tiết qua sữa mẹ và là nguồn cung cấp iốt cho trẻ bú mẹ. Iốt bôi sát trùng tại chỗ có thể được hấp thụ và có thể ảnh hưởng đến nồng độ trong sữa mẹ. Tiếp xúc với lượng lớn iốt có thể gây nhiễm độc giáp. Đã có báo cáo về tình trạng phát ban da ở trẻ bú mẹ khi mẹ uống kali iodua.

Miếng giấy iốt cadexomer hoặc gel iốt cadexomer: Không khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ cho con bú.

Lưu ý cho người bệnh suy thận

Không khuyến cáo sử dụng miếng giấy iốt cadexomer hoặc gel iốt cadexomer ở người bệnh suy thận nặng.

Thận trọng khi sử dụng dung dịch natri iodua và cồn thuốc.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có thông tin.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Chưa có thông tin.

Quá liều và xử trí

Chưa có thông tin.

Nguồn tham khảo
  1. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/iodine.html
  2. WebMD: https://www.webmd.com/vitamins/ai/ingredientmono-35/iodine
  3. UpToDate: https://www.uptodate.com/contents/iodine-drug-information?search=iodine&source=panel_search_result&selectedTitle=1~149&usage_type=panel&kp_tab=drug_general&display_rank=1#F2521612