Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Laronidase: Thay thế enzym ở bệnh nhân mucopolysaccharidosis

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Laronidase

Loại thuốc

Enzym

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch đậm đặc pha tiêm 100 U/ml lọ 5 ml (100 U tương ứng khoảng 0,58 mg laronidase).

Chỉ định

Laronidase được chỉ định những bệnh nhân được chẩn đoán xác định mắc bệnh Mucopolysaccharidosis type I (MPS I, thiếu hụt enzym alpha-L-iduronidase).

Dược lực học

Laronidase là một dạng tái tổ hợp (thay thế) của enzym alpha-L-iduronidase. Alpha-L-iduronidase là một enzym cần thiết để phá vỡ glycosaminoglycans nội sinh (GAGs) trong lysosome. Sự thiếu hụt alpha-L-iduronidase dẫn đến tích tụ GAGs, gây rối loạn chức năng tế bào, mô và cơ quan như đã thấy trong MPS I.

Laronidase làm khôi phục mức độ hoạt động của enzyme đủ để thủy phân chất nền đã tích lũy và ngăn ngừa sự tích tụ thêm. Sau khi truyền tĩnh mạch, laronidase nhanh chóng bị loại bỏ khỏi tuần hoàn và được tế bào đưa vào lysosome, có thể thông qua thụ thể mannose-6 phosphate.

Động lực học

Phân bố

Thể tích phân bố khoảng 0,12-0,56 L/kg ở trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi, 0,24-0,6 L/kg ở trẻ em ≥ 6 tuổi và người lớn. Thể tích phân bố giảm khi tiếp tục điều trị, có thể liên quan đến sự hình thành kháng thể và/hoặc giảm thể tích gan.

Chuyển hóa

Laronidase là một protein và được chuyển hóa qua quá trình thủy phân peptid. Do đó, suy giảm chức năng gan sẽ không ảnh hưởng đến dược động học của Laronidase một cách đáng kể về mặt lâm sàng.

Thải trừ

Thời gian bán hủy: 0,3-1,9 giờ đối với trẻ sơ sinh và trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi; 5-3,6 giờ đối với trẻ em ≥ 6 tuổi và người lớn.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Không có nghiên cứu tương tác nào được thực hiện.

Laronidase không nên được dùng đồng thời với chloroquine hoặc procaine do có thể có nguy cơ cản trở sự hấp thu Laronidase trong tế bào.

Chống chỉ định

Laronidase chống chỉ định trong trường hợp quá mẫn nghiêm trọng (phản ứng phản vệ) với Laronidase hoặc với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Người lớn

Laronidase được dùng dưới dạng truyền tĩnh mạch. Chế độ liều Laronidase được khuyến cáo là 100 U/kg, dùng một lần mỗi tuần. Liều lượng nên được làm tròn đến toàn bộ lọ gần nhất.

Tốc độ truyền: Ban đầu là 2 U/kg/giờ có thể tăng dần sau mỗi 15 phút, nếu dung nạp được, đến tối đa 43 U/kg/giờ, truyền trong khoảng 3-4 giờ.

Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các phản ứng liên quan đến truyền dịch, nên sử dụng thuốc hạ sốt và/hoặc thuốc kháng histamine trước khi bắt đầu truyền 60 phút.

Nên theo dõi các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân sau mỗi 15 phút, nếu ổn định tăng tốc độ truyền đến mức khuyến cáo, trong trường hợp có phản ứng liên quan đến truyền dịch, nên giảm tốc độ truyền, tạm thời ngừng truyền và/hoặc dùng thêm thuốc hạ sốt/kháng histamine.

Quy trình tiêm truyền được khuyến cáo như sau:

Bệnh nhân có cân nặng ≤ 20 kg: Tổng thể tích truyền 100 mL

  • 2 mL/giờ trong 15 phút
  • 4 mL/giờ trong 15 phút
  • 8 mL/giờ trong 15 phút
  • 16 mL/giờ trong 15 phút
  • 32 mL/giờ cho phần còn lại (~ 3 giờ)

Bệnh nhân có cân nặng > 20 kg: Tổng thể tích truyền 250 mL

  • 5 mL/giờ trong 15 phút
  • 10 mL/giờ trong 15 phút
  • 20 mL/giờ trong 15 phút
  • 40 mL/giờ trong 15 phút
  • 80 mL/giờ cho phần còn lại (~ 3 giờ)

Có thể cân nhắc tổng thể tích truyền 100 mL và tốc độ truyền chậm hơn cho những bệnh nhân bị tổn thương tim hoặc hô hấp nặng và cân nặng đến 30 kg.

Quy trình hoàn nguyên/ pha loãng thuốc:

  1. Xác định số lượng lọ Laronidase cần pha loãng dựa trên trọng lượng của bệnh nhân và làm tròn đến toàn bộ lọ gần nhất. Lấy các lọ cần dùng ra khỏi tủ lạnh trước khoảng 20 phút để chúng đạt đến nhiệt độ phòng (dưới 30°C).
  2. Trước khi pha loãng, kiểm tra cảm quan từng lọ để đảm bảo dung dịch trong suốt đến hơi trắng đục, không màu đến vàng nhạt và phải không có các hạt nhìn thấy được. Không sử dụng lọ có các hạt hoặc sự đổi màu.
  3. Xác định tổng thể tích dịch truyền dựa trên cân nặng của từng bệnh nhân. Laronidase được pha loãng trong dung dịch natri clorua 0,9% hoặc natri clorua 0,9% chứa albumin người 0,1%. Đối với bệnh nhân nặng ≤ 20 kg (hoặc nặng đến 30 kg và bị tổn thương tim hoặc hô hấp), pha loãng liều cần thiết trong 100 ml. Đối với bệnh nhân nặng > 20 kg, pha loãng liều cần thiết trong 250 ml.
  4. Rút và loại bỏ một thể tích dung dịch natri clorid 0,9% hoặc natri clorua 0,9% chứa albumin người 0,1% từ túi dịch truyền tương đương với tổng thể tích Laronidase được thêm vào.
  5. Rút thể tích cần thiết từ các lọ Laronidase và kết hợp các thể tích đã rút.
  6. Thêm từ từ các thể tích kết hợp của Laronidase vào dung dịch natri clorid 0,9% hoặc natri clorua 0,9% chứa albumin người 0,1%  để truyền tránh bị xáo trộn quá mức.
  7. Trộn nhẹ dung dịch để tiêm truyền (không lắc).
  8. Trước khi sử dụng, kiểm tra trực quan dung dịch để tìm chất dạng hạt. Chỉ sử dụng các dung dịch trong và không màu, không có các hạt nhìn thấy được.

Trẻ em

Không cần điều chỉnh liều cho trẻ em.

Đối tượng khác

  • Người cao tuổi: Tính an toàn và hiệu quả của Laronidase ở những bệnh nhân trên 65 tuổi chưa được thiết lập và không có chế độ liều lượng nào được khuyến cáo ở những bệnh nhân này. Tham khảo liều dùng cho người lớn khi dùng.
  • Suy thận và gan: Tính an toàn và hiệu quả của Laronidase ở bệnh nhân suy thận hoặc suy gan chưa được đánh giá và không có chế độ liều lượng nào được khuyến cáo ở những bệnh nhân này.

Tác dụng phụ

Thường gặp

Đau đầu, đỏ bừng, buồn nôn, đau bụng, phản ứng tại chỗ tiêm truyền, phát ban, đau khớp, đau khớp, đau lưng, phản ứng phản vệ, bồn chồn, chóng mặt, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, xanh xao, lạnh ngoại vi, suy hô hấp, khó thở, ho, nôn mửa, tiêu chảy, phù mạch, phù mặt, mày đay, ngứa, mồ hôi lạnh, rụng tóc, đau cơ xương khớp, ớn lạnh, mệt mỏi, cảm cúm, nhiệt độ cơ thể tăng, giảm độ bão hòa oxy.

Không xác định tần suất

Tím tái, thiếu oxy, thở nhanh, co thắt phế quản, ngừng hô hấp, ban đỏ, phù mặt, phù thanh quản, phù ngoại vi, thoát mạch.

Lưu ý

Lưu ý chung

  • Các phản ứng liên quan đến truyền dịch (IAR) có thể xảy ra ở bệnh nhân được điều trị bằng Laronidase. Do đó, các bệnh nhân này cần được theo dõi chặt chẽ và báo cáo tất cả các trường hợp phản ứng liên quan đến tiêm truyền, phản ứng chậm và các phản ứng miễn dịch có thể xảy ra. Tình trạng kháng thể cần được theo dõi và báo cáo thường xuyên.
  • Thận trọng và cân nhắc việc trì hoãn điều trị bằng Laronidase đối với các trường hợp làm tăng nguy cơ đối với IAR như bệnh nhân sốt/ bệnh hô hấp cấp tính. Nên điều trị trước bằng thuốc hạ sốt và thuốc kháng histamine.
  • Những bệnh nhân có tổn thương đường hô hấp trên nặng từ trước cần được theo dõi chặt chẽ và chỉ được truyền Laronidase trong một cơ sở lâm sàng thích hợp nơi có sẵn thiết bị hồi sức để quản lý các trường hợp cấp cứu y tế
  • IAR có thể kiểm soát được bằng cách giảm tốc độ truyền, tạm thời ngừng truyền và/hoặc dùng thêm thuốc hạ sốt hoặc thuốc kháng histamine trước khi truyền. Trong trường hợp IAR nhẹ hoặc trung bình, nên cân nhắc điều trị bằng thuốc kháng histamine và paracetamol hoặc ibuprofen hoặc giảm tốc độ truyền xuống một nửa tốc độ truyền khi xảy ra phản ứng.Trong trường hợp IAR nặng, nên ngừng truyền dịch cho đến khi hết các triệu chứng và điều trị bằng thuốc kháng histamine và paracetamol hoặc ibuprofen. Có thể bắt đầu lại quá trình truyền với việc giảm tốc độ truyền xuống 1/2 - 1/4 tốc độ truyền khi xảy ra phản ứng.
  • Trong trường hợp IAR vừa tái phát hoặc tái phát sau một lần IAR nặng, nên cân nhắc điều trị trước (thuốc kháng histamine và paracetamol, ibuprofen hoặc corticosteroid) và giảm tốc độ truyền xuống 1/2 - 1/4 tốc độ truyền mà tại đó phản ứng trước đó xảy ra.
  • Phản ứng quá mẫn đã được quan sát thấy trong khi tiêm truyền và cần có biện pháp điều trị ngay lập tức. Các phản ứng có thể bao gồm tắc nghẽn đường thở, nhịp tim chậm, co thắt phế quản, hạ huyết áp, thiếu oxy, suy hô hấp, thở gấp và mày đay, có thể nghiêm trọng và có xu hướng xảy ra trong hoặc trong vòng 3 giờ sau khi dùng thuốc. Ngừng truyền ngay lập tức nếu xảy ra các phản ứng nghiêm trọng; hỗ trợ y tế nên có sẵn trong quá trình quản lý.
  • Sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân có nguy cơ bị quá tải dịch hoặc trong những điều kiện có chỉ định hạn chế chất lỏng (ví dụ bệnh hô hấp cấp tính, tim và/hoặc chức năng hô hấp bị tổn thương) do tình trạng có thể trở nên trầm trọng hơn trong khi truyền.

Lưu ý với phụ nữ có thai

  • Không có đầy đủ dữ liệu về việc sử dụng Laronidase ở phụ nữ có thai. Các nghiên cứu trên động vật không chỉ ra các tác động có hại trực tiếp hoặc gián tiếp của Laronidase đối với quá trình mang thai, sự phát triển của phôi hay bào thai.
  • Không xác định được những nguy cơ tiềm ẩn cho con người. Vì vậy không nên dùng Laronidase trong thời kỳ mang thai trừ khi thật cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Laronidase có thể được bài tiết qua sữa. Vì không có sẵn dữ liệu về trẻ sơ sinh tiếp xúc với Laronidase qua sữa mẹ, nên ngừng cho con bú trong thời gian điều trị với Laronidase.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Chưa có nghiên cứu nào về ảnh hưởng của Laronidase đến khả năng lái xe và sử dụng máy móc được thực hiện.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Bệnh nhân nên liên hệ với bác sĩ để được hướng dẫn nếu bỏ lỡ lịch hẹn tiêm Laronidase.

Quá liều và xử trí

Không có trường hợp quá liều đã được báo cáo. Vì Laronidase được cung cấp bởi một chuyên gia chăm sóc sức khỏe trong một cơ sở y tế, nên khó có thể xảy ra quá liều.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Laronidase

1) EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/216

2) Drugs.com: https://www.drugs.com/ppa/Laronidase.html

3) Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/Laronidase.html

4) AHFS 2011

5) BNF 80/ p.1128

Ngày cập nhật: 03/07/2021