Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Rễ Mạch môn: Vị thuốc trị ho được sử dụng phổ biến

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Rễ Mạch môn là một vị thuốc được sử dụng phổ biến trong các bài thuốc điều trị ho của Y học cổ truyền. Ngoài ra, vị thuốc này cũng được dùng trong hỗ trợ điều trị một số bệnh lý tim mạch như trong bài thuốc Sinh mạch tán. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Mạch môn.

Tên khác: Tóc tiên, Lan tiên, Xà thảo, Duyên giới thảo, Mạch môn đông, Mạch đông.

Tên khoa học: Ophiopogon japonicus Wall, thuộc họ Thiên môn Asparagaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Cây thân thảo, sống nhiều năm, có thân ngắn mang nhiều rễ củ mập. Lá hình dải dẹp, dài 15 – 30 cm, rộng 2 – 4 cm, nhẵn, gốc có bẹ to hình màng, đầu nhọn, có 5 – 7 gân lá song song, nổi rõ, mặt trên màu xanh lục sẫm, mặt dưới có màu trắng nhạt.

Cụm hoa là một chùm dài 10 – 20 cm, cuống có cạnh; hoa màu lục nhạt hoặc xanh lơ sáng; lá bắc không màu hoặc màu trắng nhạt; bao hoa có 6 phiến thuôn; hoa có 6 nhị, chỉ nhị rất ngắn, bao phấn hình mũi mác.

Quả mọng, màu tím đen nhạt, đường kính 6 mm, bên trong chứa 1 – 2 hạt.

Rễ Mạch môn – vị thuốc trị ho 1
Cây Mạch môn trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Tại Việt Nam, cây Mạch môn thường mọc hoang và cũng được trồng từ lâu đời, nhiều nhất ở vùng Nghĩa Trai (Hưng Yên), Ninh Hiệp (Hà Nội). Cây được trồng ở nhiều nơi thành các luống nhỏ dọc lối đi, bao quanh sân để làm cảnh và làm thuốc. Cây ưa ẩm, chịu bóng, ra hoa quả hàng năm. Cây có khả năng sinh nhánh khỏe, từ 2 – 3 nhánh con sau 1 năm đem trồng có thể phát triển thành một khóm lớn với hàng chục nhánh con.

Cây có thể được trồng bằng nhánh quanh năm, tốt nhất vào mùa xuân. Mạch môn không kén đất trồng, nhưng các vùng đất thịt nhẹ, đất cát pha, cao ráo thoát nước thích hợp hơn.

Thu hoạch rễ củ của các cây khoảng 2 – 3 năm tuổi vào tháng 6 – 7 hàng năm. Chọn những củ già, cắt bỏ toàn bộ rễ con, rửa sạch đất, củ to trên 6 mm bổ làm đôi, củ nhỏ để nguyên, phơi khô, rút bỏ lõi trước khi sử dụng. Cũng có thể sau khi thu hái về tước bỏ lõi, rang với gạo cho đến khi gạo có màu vàng nhạt, bỏ gạo, lấy Mạch môn mà dùng. Củ Mạch môn tốt có hình thoi, màu vàng nhạt, hơi trong, dài khoảng 10 – 15 mm, mùi đặc trưng, vị ngọt.

Rễ Mạch môn – vị thuốc trị ho 2
Quả cây Mạch môn

Bộ phận sử dụng

Rễ củ của cây Mạch môn (Radix Ophiopogonis japonici) được sử dụng làm thuốc.

Thành phần hoá học

Nhiều hợp chất, bao gồm các saponin steroid, homoisoflavonoid và polysaccharid đã được phân lập từ rễ củ Mạch môn. Saponin steroid và homoisoflavonoid thể hiện nhiều hoạt động dược lý và được xem là thành phần hoạt chất chính của Mạch môn. Ngoài ra, trong rễ củ của cây còn chứa nhiều hợp chất thuộc các nhóm acid hữu cơ, các glycosid ophiopogoside A – D và một số hợp chất polyphenol khác. 

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, rễ Mạch môn có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng nhuận Phế, giảm ho, cầm máu, làm mát tim, thanh nhiệt. Rễ Mạch môn được dùng trong chữa ho khan, viêm họng, lao phổi sốt âm ỉ về chiều, sốt cao, tâm phiền khát nước, thổ huyết, khái huyết, chảy máu mũi, hen phế quản, mất ngủ. 

Ngoài ra, cây còn dùng để lợi tiểu và chữa phụ nữ sau sinh ít sữa, điều hòa nhịp tim, chữa hồi hộp, trị táo bón, lở ngứa. Trong Y học Trung Quốc, rễ củ Mạch môn thường được dùng trị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, rối loạn thần kinh mạch máu, rối loạn thần kinh thực vật, khí hư và mất ngủ. Vị thuốc phối hợp với các vị thuốc khác có tác dụng trị viêm dây thần kinh.

Rễ Mạch môn – vị thuốc trị ho 3
Vị thuốc Mạch môn

Theo y học hiện đại

Tác dụng chống huyết khối

Bệnh thuyên tắc huyết khối có thể được điều trị hiệu quả bằng liệu pháp bảo vệ nội mô hoặc bằng cách ngăn chặn sự bám dính của bạch cầu với tế bào nội mô. Dịch chiết 70% ethanol của rễ Mạch môn với thành phần chính là các saponin, có tác dụng ức chế huyết khối tĩnh mạch bằng cách bảo vệ dòng tế bào nội mô tĩnh mạch rốn ở người (dòng tế bào ECV304) và bằng cách ức chế sự bám dính của dòng tế bào bạch cầu cấp bệnh học tiền tủy bào người HL-60 với dòng tế bào ECV304. Ngoài ra, dịch chiết rễ Mạch môn còn ức chế sự hình thành huyết khối ở chuột được tiêm carrageenan và giảm huyết khối gây ra bởi các shunt động tĩnh mạch ở chuột.

Tác dụng kháng viêm

Phản ứng viêm xảy ra là kết quả từ sự tương tác giữa hệ miễn dịch của cơ thể với các tác nhân xâm nhập từ môi trường. Sinh bệnh học phản ứng viêm có liên quan mật thiết đến các hóa chất trung gian gây viêm. Dịch chiết toàn phần rễ Mạch môn thể hiện khả năng kháng viêm đáng kể thông qua giảm đáp ứng sưng tai, phù chân, giảm sự di chuyển bạch cầu toàn phần và bạch cầu trung tính vào phúc mạc, cũng như làm giảm sự kết dính của các tế bào HL-60 với các tế bào ECV304 trên các mô hình chuột nhắt và chuột cống gây viêm.

Tác dụng chống oxy hóa

Ophiopogonin D đóng vai trò bảo vệ chống lại tổn thương tế bào nội mô do H2O2 gây ra. Ngoài ra, ophiopogonin D ức chế trực tiếp việc tạo ra các gốc oxy phản ứng (ROS) trong ty thể do H2O2, ức chế phản ứng viêm và giảm dẫn truyền tín hiệu oxy hóa khử. Ophiopogonin D cũng cho thấy tác dụng chống loãng xương bằng cách giảm stress oxy hóa. Nó cũng làm giảm việc tạo ra ROS trong các tiền cốt bào chuột (MC3T3-E1 phân nhóm 4) và các đại thực bào RAW264.7 thông qua con đường tín hiệu FoxO3a-β-catenin. 

Hơn nữa, ophiopogonin D làm giảm các chỉ số đặc hiệu của hủy cốt bào. Nolinospiroside F cũng có tác dụng chống lão hóa. Hợp chất này kéo dài đáng kể tuổi thọ của dòng nấm men K6001 và tăng khả năng sống sót của nấm men, đặc tính này có thể là do tác dụng chống oxy hóa của nó.

Tác dụng bảo vệ tim mạch

Bệnh tim mạch là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng gia tăng trên thế giới, chiếm tỉ lệ lớn trong tổng số ca tử vong và dẫn đến tỷ lệ tàn tật đáng kể. Đây cũng là mối quan tâm đặc biệt và cấp bách đối với các nước đang phát triển do sự thay đổi trong lối sống dẫn đến các yếu tố nguy cơ mới đối với bệnh lý tim mạch, và hậu quả là sự bùng nổ về nguy cơ mắc bệnh tim mạch trên toàn thế giới, nhất là ở các quốc gia đang phát triển. 

Các saponin trong rễ Mạch môn có khả năng ức chế rối loạn nhịp tâm thất trên chó. Các saponin này cũng làm giảm dòng Ca2+ bên trong tế bào cơ tim và hạn chế các tổn thương tái tưới máu liên quan đến tình trạng quá tải Ca2+ trong hệ tim mạch. Saponin từ dịch chiết rễ Mạch môn cũng cải thiện sự hình thành vi ống trong các tế bào nội mô cơ tim ở người. Ngoài ra, một furostanol glycoside trong rễ Mạch môn là ophiopogonin J có tác dụng ức chế enzym tổng hợp acid béo, cho thấy tiềm năng của nó trong cải thiện tình trạng rối loạn lipid máu.

Rễ Mạch môn – vị thuốc trị ho 4
Các nghiên cứu cho thấy dịch chiết rễ Mạch môn có tác dụng bảo vệ tim mạch

Tác dụng điều hòa miễn dịch

Các saponin từ rễ Mạch môn thể hiện khả năng điều hòa các hoạt động đại thực bào bằng cách thúc đẩy khả năng thực bào, tăng tỷ lệ sống sót của đại thực bào, cải thiện tình trạng tiết NO và sản xuất IL-1β phụ thuộc vào liều lượng. Nghiên cứu gần đây cho thấy các saponin điều trị hiệu quả tổn thương gan do quá mẫn muộn với picryl clorua (PCl) ở chuột. Các saponin cũng cải thiện tổn thương gan do miễn dịch chủ yếu bằng cách làm cho các tế bào miễn dịch xâm nhập vào gan bị rối loạn chức năng phụ thuộc vào thời gian tiếp xúc. Saponin làm giảm đáng kể nồng độ alanine transaminase (ALT) và aspartate transaminase (AST) trong huyết thanh trong giai đoạn quá mẫn muộn ở mô hình chuột gây quá mẫn muộn bởi PCI.

Các polysaccharid từ rễ Mạch môn cho thấy tác dụng có lợi đối với sinh lý bệnh hội chứng Sjogren thông qua các cơ chế tăng lượng nước bọt, tăng trọng lượng cơ thể, cũng như giảm lượng nước nạp vào, chỉ số tuyến dưới hàm (SMG), chỉ số lách, nồng độ interferon-γ (IFN-γ) và tỷ lệ IFN -γ/IL-4 trên chuột gây bệnh bằng đột biến gen. Các polysaccharid cũng kích hoạt đại thực bào và điều hòa miễn dịch thông qua thúc đẩy quá trình thực bào và tăng tốc độ chuyển hóa năng lượng.

Rễ Mạch môn – vị thuốc trị ho 5
Rễ Mạch môn có tác dụng điều hòa miễn dịch

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng thông thường hàng ngày là 6 – 20 g dạng thuốc sắc hoặc liều 3 – 10 g dạng tán bột làm thành viên hoàn.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa ho, viêm họng

Rễ Mạch môn, Bách bộ (bỏ lõi sao vàng) 10g, vỏ rễ cây Dâu 10g, vỏ Quýt 5g, Xạ can 5g, Cam thảo dây 5g làm thành dạng thuốc phiến ngậm, ngày ngậm 4 – 5 lần, mỗi lần 1 phiến khoảng 3g, hoặc dạng cao loạng, mỗi lần 1 thìa cà phê.

Rễ Mạch môn – vị thuốc trị ho 6
Rễ Mạch môn thường được sử dụng trong điều trị ho

Chữa âm hư, sốt cao, suyễn khát, trên nóng dưới lạnh

Dùng bài thuốc Toàn chân nhất khí thang: Rễ Mạch môn 12g, Thục địa 32g, Ngũ vị 32g, Nhân sâm 12g, Bạch truật 12g, Phụ tử chế 4g. Sắc uống ngày 1 thang dùng làm 2 lần.

Chữa nhiệt thương tổn đến nguyên khí, đoản hơi, khát, phế hư mà ho

Dùng bài Sinh mạch tán: Rễ Mạch môn 2g, Ngũ vị 7 hạt, Nhân sâm 2g. Sắc uống ngày 1 thang dùng làm 2 lần.

Chữa cảm nắng thấp nhiệt đau đầu, mình nóng ra mồ hôi, phiền khát, tiểu vàng, tức ngực, đau nhức mình mẩy, thân thể nặng nề, không muốn ăn, tinh thần mỏi mệt

Dùng bài thuốc Thanh thử ích khí thang: Rễ Mạch môn 1,2g, Hoàng kỳ 6g, Thương truật 6g, Thăng ma 4g, Nhân sâm 2g, Bạch truật 2g, Trần bì 2g, Trạch tả 2g, Thần khúc 2g, Đương quy 1,2g, Cát căn 1,2g, Hoàng bá 1,2g, Cam thảo 1,2g, Thanh bì 0,8g, Ngũ vị tử 9 hạt. Sắc uống ngày 1 thang dùng làm 2 lần.

Chữa nhồi máu cơ tim

Dùng bài Sinh mạch tán: Rễ Mạch môn, Nhân sâm, Ngũ vị tử mỗi vị 12g, Cam thảo 6g. Sắc uống ngày 1 thang dùng làm 2 lần.

Chữa nôn khan không dứt

Dùng bài thuốc Thanh kim đao khí phương: Rễ Mạch môn (sao gạo) 8g, Xa tiền (sao qua) 6g, Trạch tả sao muối 6g, Ngưu tất 4g, Nhục quế 4g, Xích phục linh 4g, Trầm hương (tán bột) 2g, Ngũ vị tử 1,6g, Sinh khương 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang dùng làm 2 lần.

Rễ Mạch môn – vị thuốc trị ho 7
Rễ Mạch môn có thể được dùng để trị nôn khan

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng rễ Mạch môn:

  • Cần lựa chọn nguồn nguyên liệu chất lượng trước khi sử dụng.
  • Không được sử dụng với liều cao trong thời gian dài.
  • Hạn chế sử dụng trong các trường hợp ho có đàm.
  • Thận trọng khi sử dụng cho người có tiền sử dị ứng với thuốc và thức ăn.

Rễ Mạch môn là một vị thuốc Y học cổ truyền được sử dụng phổ biến từ lâu đời trong điều trị ho. Tuy nhiên, do tính nê trệ của vị thuốc, cần hạn chế sử dụng trong các trường hợp ho có đàm, đàm dính nhớt khó khạc. Ngoài ra, vị thuốc có tính hàn, khi sử dụng lâu dài vị thuốc có thể gây tổn thương đến hệ thống tiêu hóa. Do đó, quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc tự điều trị bằng các bài thuốc kinh nghiệm. Cần có sự tham vấn của Bác sĩ Y học cổ truyền trước khi sử dụng rễ Mạch môn. Vui lòng chia sẻ bài viết nếu thấy thông tin hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được những phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở các bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  • Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất Lợi
  • Từ điển cây thuốc Việt Nam – tập 1 – Võ Văn Chi
  • Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 1 – Viện dược liệu
  • Chen, M.-H., Chen, X.-J., Wang, M., Lin, L.-G., & Wang, Y.-T. (2016). Ophiopogon japonicus—A phytochemical, ethnomedicinal and pharmacological review. Journal of Ethnopharmacology, 181, 193–213. doi:10.1016/j.jep.2016.01.037
  • Bộ Y tế (2020). Dược điển Việt Nam IV.